Friday, January 17, 2025

Sương xuân và hoa đào - Vũ Thư Hiên

 Tôi bao giờ cũng hình dung Tết gắn liền với đất Bắc, nơi đi trước mùa Xuân phải có một mùa Ðông.

Mùa Ðông ở nơi này mỗi năm mỗi khác, nó có thể lạnh nhiều hay lạnh ít, độ ẩm có thể cao hay thấp, nhưng nhất thiết không thể không có gió bấc và mưa phùn. Không khí se lạnh làm cho con người phải co ro một chút, rùng mình một chút, chính là sự chuẩn bị không thể thiếu để cho ta bước vào cái mốc thời gian mới đối với mỗi người mỗi nhà.

Thành thử ở Sài Gòn trùng vào những dịp Xuân sang tôi vẫn không thấy lòng mình rung động cảm giác về cái Tết ruột rà, cái Tết đích thực. Xin các bạn Sài Gòn tha lỗi cho tôi nếu trong những lời của tôi có gì làm các bạn phật ý, nhưng mãi tới nay, sau nhiều Tết Sài Gòn, tôi vẫn chưa quen được với một ngày đầu năm phải phơi đầu dưới cái nắng chói chang và trầm mình trong cái nóng hầm hập, làm cho con người phải tìm đến với trái dưa hấu mọng nước trước khi ngồi vào mâm cỗ Tết có đủ thịt mỡ và dưa hành, bánh chưng và giò thủ. Ở mỗi nhà vẫn nghi ngút trầm hương thật đấy, ngoài đường xác pháo toàn hồng vẫn tràn ngập lối đi thật đấy, nhưng cái Tết dường như vẫn còn lạc bước nẻo nào, nó chưa hẳn là Tết, chưa đủ là Tết.

Ðành phải viện hai câu thơ mà nhiều người vốn không yêu thơ cũng thuộc, để giải thích nỗi nhớ về đất Bắc, để biện hộ cho cái cảm xúc không phải đạo của mình trước đất Sài Gòn cũng đã trở thành không kém thân thương:

Tự thuở mang gươm đi mở cõi,

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

(Huỳnh Văn Nghệ)

Thực ra, chuyện chẳng có gì lạ. Người Việt phương Nam nào mà chẳng có một cái quê còn nhớ hay đã quên, có biết hay không biết, nằm ở phía ngoài kia.

Người xông nhà chúng tôi rất sớm, khi còn tối đất, sáng Mồng Một năm Ðinh Tỵ (1977), là nhà văn Nguyễn Tuân.

Người xông nhà, theo sự mê tín từ xưa, là một nhân vật đặc biệt quan trọng đối với vận mệnh gia chủ. Tùy theo người xông nhà là ai, năm đó ngôi nhà sẽ có nhiều may mắn hoặc xui xẻo. Những người cẩn thận thường phải tính chuyện mời ai đến xông nhà mình từ lâu trước khi Tết đến. Người xông nhà nhất thiết phải là người đang làm ăn phát đạt, con cháu đầy đàn mà hòa thuận, hoặc một bậc lão niên tài cao đức trọng – chuyện này còn tùy thuộc ở kỳ vọng của gia chủ mong muốn điều gì.

Bác Nguyễn, chọn nhà tôi để đến xông đất đầu năm vì biết chắc chúng tôi không kiêng kỵ, nếu năm đó có chuyện gì không hay xảy đến cho chúng tôi thì ông cũng không bị trách. Kể ra được (hay bị) một nhà văn đến xông nhà thì, theo lệ thường, chẳng hay ho gì. Xét về truyền thống hiếu học và trọng kẻ sĩ của đất Bắc, nhà văn hẳn là bậc đáng trọng rồi. Nhưng xét về tài lộc thì bất kỳ nhà văn nào cũng nằm ở hạng bét trong thứ bậc giàu nghèo. Tất nhiên, không kể những quan chức bổng nhiều lộc lắm, lại rảnh việc, cũng rửng mỡ xông vào làng văn mà viết sách in thơ.

Cha tôi rất quý Nguyễn Tuân. Ông coi Nguyễn Tuân hơn là một người bạn thời thanh niên. Trong cái nhìn của ông, Nguyễn Tuân là một trong những đại diện cuối cùng cho lớp văn sĩ Bắc hà mỗi ngày một hiếm, những người cho tới lúc ấy còn biết coi tiền bạc như của phù vân, không cúi đầu vâng dạ trước quyền lực. Riêng đặc điểm sau Nguyễn Tuân phủ nhận. Ông luôn phô rằng mình biết sợ, hơn thế, chẳng những ông sợ vừa mà còn sợ lắm lắm. Cái sự phô ấy làm cho người ta lầm tưởng rằng ông không sợ.

Ông đến xông nhà chúng tôi trong chiếc áo choàng màu cứt ngựa. Bỏ nó ra, bên trong vẫn là bộ áo cánh đen thường nhật. Trời rét ngọt, ông mặc thêm áo len và quàng khăn, đội mũ bê-rê. Bộ áo cánh đen là cách diện của ông, của Nguyễn Tuân. Ông bao giờ cũng thích mình phải khác người, cho dù chỉ một chút. Tôi mở cửa đón ông, hơi ngỡ ngàng. 

Tôi không chờ đợi một người ngoài gia tộc đến xông nhà. Những năm ấy người ngoài ít dám tới nhà chúng tôi lắm. Lại càng không chờ đợi Nguyễn Tuân với sự sợ hãi được khoe khoang của ông. Nhưng không ai đi hỏi người đến xông nhà rằng tại sao ông đến. Với bất cứ người xông nhà nào ta chỉ có thể vồn vã chào đón và đem bánh pháo đầu tiên của ngày mồng Một ra đốt. Nguyễn Tuân đoán ra câu hỏi câm lặng của tôi. Ông ý nhị nói:

– Nói thực, mình đến đây sớm vì chẳng biết đi đâu. Mà lại rất thèm đi dạo một lúc trước khi bình minh ló rạng trong cái ngày đầu năm này. Lang thang mãi rồi mình thấy mình đến đây. Không sao chứ?

Cha tôi nghe léo xéo bước ra, tươi cười ôm lấy bạn dìu vào nhà. Ông sai tôi rót rượu, châm hỏa lò than để nướng mấy con mực. Cha tôi biết Nguyễn Tuân không ưa đồ ngọt, khay mứt trên bàn chắc chắn sẽ không được ông đụng đến. Ông ngồi xuống chiếu, xếp bằng tròn, giơ đôi tay cóng sưởi trên hỏa lò. Lửa than làm vầng trán hói của ông bóng lên trong căn phòng nhỏ. Cha tôi thường tiếp bạn thân trong căn phòng riêng của ông chứ không phải ngoài phòng khách. Hai người bạn già thân tình nhìn vào mắt nhau, chạm ly trong im lặng. Cả Nguyễn Tuân, cả cha tôi, đều không thích những lời ồn ào.

– Ngon tuyệt. Nguyễn Tuân nhắp vài nhắp rượu trong vắt với vẻ thích thú rồi ngửa cổ cạn ly.

– Làng Vân chính hiệu đấy! Cha tôi nói, nét hài lòng hiện lên mặt. Ông thích được chiều bạn và khi bạn vui, ông còn sướng hơn chính ông được vui.

– Tuyệt!

– Mình phải đặt loại đặc biệt cho cái Tết đoàn viên này.

Ðúng vậy, đây là cái Tết đầu tiên gia đình tôi đủ mặt. Không thiếu ai. Những Tết trước gia đình tôi tan tác. Tôi ở trong tù. Cha tôi bị lưu đày ở Nam Ðịnh.

– Hơn hẳn anh Trương Xá. Vào đến cổ họng là biết ngay! Nguyễn Tuân xác nhận.

Phận con cháu, tôi được phép ngồi bên cạnh các cụ làm chân điếu đóm. Tôi thích nghe bác Nguyễn nói chuyện. Trong câu chuyện của ông bao giờ cũng có một cái gì mới, một cái gì ngồ ngộ, độc đáo mà không phải ai cũng có thể có. Về đời sống cũng như trong văn chương, ông là người uyên bác.

Tính về họ hàng theo đàng mẹ, tôi phải gọi ông bằng bác. Nhưng ông rỉ tai tôi, một lần ở chỗ đông người: “Họ xa rồi, cùng cánh văn chương với nhau, gọi thế nó mất đi cái sự bình đẳng, gia trưởng lắm.” Tuy miệng vâng dạ, tôi vẫn kính cẩn gọi bác xưng cháu với ông. Mẹ tôi là người nghiêm khắc trong chuyện xưng hô lắm.

Chuyện vãn một lát, lại chuyện làng văn làng họa, ai mới viết cái gì hay, bức họa cuối cùng của ai độc đáo, là đề tài yêu thích của ông, Nguyễn Tuân hỉ hả ra về. Ông nói ông còn phải đến chơi với Văn Cao (“Bà Băng bà ấy kiêng. Mình phải đến muộn muộn một tí!”), đến Nguyễn Sáng (“Tết nhất mà nó có một mình, buồn chết đi được!”).

Ra khỏi cổng, Nguyễn Tuân dừng lại hồi lâu trên hè, nhìn phố Hai Bà Trưng thưa thớt người đi lại vào sáng sớm tinh sương, ông nghiêng đầu nói khẽ với tôi:

– Anh có thấy Hà Nội buổi sáng Mồng Một này thiếu cái gì không?

Tôi không cần động não để tìm câu trả lời. Câu hỏi được đặt ra chỉ là cái cớ cho câu trả lời đã có sẵn, chắc chắn là sẽ rất Nguyễn Tuân. Tôi im lặng, chờ câu ông sẽ nói.

– Thiếu sương! Nguyễn Tuân, mắt vẫn nhìn chung quanh, thở dài.

– Anh không nhận ra cái sự thiếu ấy, tôi biết, nhưng tôi không trách. Anh còn quá trẻ. Ngày trước, sáng mồng Một bao giờ cũng có sương nhè nhẹ, không nhiều, một chút gọi là có, nhưng đích thực là sương. Nó bay là là, thoang thoảng, như có mà như không. Rét ngọt. Chỉ có trên các lá cây mới có sương hiển hiện, lâu lâu đọng thành giọt, rơi xuống mặt mình, có khi lọt cả vào cổ áo mình, rất là Tết. Ðã mấy năm nay, vào ngày Tết mình cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó mà không biết là cái gì. Bây giờ mới hiểu ra: đúng là thiếu nó, thiếu sương.

Tôi bàng hoàng trước nhận xét của ông. Tôi nhớ đến những năm rất xa, khi tôi còn nhỏ. Ðúng là Hà Nội những ngày đầu năm ấy sương la đà trên mặt đường, lẩn khuất trong những bãi cỏ, bụi cây.

– Thưa bác, có lẽ tại Hà Nội đông dân thêm, nhiều nhà máy nhiều xe cộ, thành thử cái tiểu khí hậu địa phương thay đổi, nhiệt độ do đó mà cao hơn trước!

– Ðốt anh đi! Các anh bây giờ, đụng đến cái gì cũng vội vã chỉ ra nguyên nhân rồi dài dòng giải thích, cứ như chung quanh mình toàn một lũ thất học vậy. Các anh làm văn kia mà.

Không nhìn tôi, ông nhăn mặt cằn nhằn:

– Tôi là tôi đang nói cái có, tôi nói cái hiện hữu, nói cái cảm xúc mà cái hiện hữu ấy gây ra. Còn cái chuyện đi tìm cội nguồn của hiện tượng là việc của người khác. Cái bệnh dịch tuyên giáo thật đáng sợ.

– Thế là mất đứt cái anh sương xuân bảng lảng. Tiếc quá đi mất!

Nguyễn Tuân lại thở dài. Ông buồn thật sự.

– Thiếu nó, Tết Việt Nam nghèo đi, mà không chỉ nghèo đi một chút đâu nhá, anh hiểu không? Ðành vậy, sang năm phải tìm cách đón giao thừa ở ngoại thành, may chăng còn có thể gặp lại nó.

Rồi đột ngột ông quay sang chuyện khác:

– Này, năm nay giáp Tết mưa thuận gió hòa, hoa đẹp lắm. Sao mấy hôm rồi không thấy anh đi chợ hoa?

Ðã thành cái lệ, năm nào cha tôi và Nguyễn Tuân cũng rủ nhau đi thưởng hoa ở Cống Chéo Hàng Lược. Có những buổi hai ông la đà từ trưa tới tối mịt mới về đến nhà.

– Thưa bác, mấy hôm rồi cháu lại mắc bận.

Tôi nói dối. Thực ra tôi không đi vì tôi không thích chợ hoa. Cái mẩu phố hẹp có tên là Cống Chéo Hàng Lược ngày thường đầy rác rưởi trong những ngày giáp Tết bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Trên là trời, dưới là hoa.

Và người người chen chúc nhau đi xem hoa, mua hoa. Những cây quất trĩu quả vàng chen lẫn với các cành đào cầm trên tay, các sọt đan đựng đủ mọi loại cúc, loại hồng, lay-ơn, thược dược… Ở đây ồn ào quá, nhiều trai thanh gái lịch quá, nhiều quần áo mới quá, nhiều gương mặt hãnh tiến quá. Tôi còn sợ nhìn cái cảnh chợ chiều ba mươi Tết, khi những người bán hoa co ro trong manh áo mỏng, cành đào trong tay, mặt ngơ ngác, lo âu chờ khách. Trong cái bầu không khí vui vẻ quá nhân tạo ấy, bông hoa nào, cành hoa nào, chậu hoa nào cũng có vẻ tội nghiệp bởi cái thân phận hàng hóa của chúng.

– Ðào năm nay được mùa. Chợ nhan nhản những đào là đào, giá lại hạ, nhà nghèo nhất năm nay cũng có đào Tết. Thế mà đố có tìm ở Cống Chéo Hàng Lược được một cành nào như cành đào của bố anh. Tuyệt! Không chê vào đâu được. Năm nào cành đào của ông ấy cũng làm tôi mê man, cũng làm tôi sửng sốt: “Thằng cha giỏi thật, sao mà nó khéo chọn đào đến thế!”. Thôi, tôi về. Còn phải đến mấy nhà nữa, mà mình thì thích cuốc bộ. Hôm nay tôi đến là để chúc mừng gia đình anh đoàn tụ. Mai có khi tôi còn đến đây nữa. Ðể ngắm cành đào của bố anh.

Ngày hôm sau ông lại đến thật. Và đúng là chỉ để ngắm có một cành đào mà thôi.

Cha tôi không phải nghệ sĩ. Ông, nói của đáng tội, từng là nhà báo. Mặc dầu cũng động tới chữ nghĩa, nhưng nhà báo vẫn có cái gì nó khác với nhà văn (tất nhiên không kể những người có hai nghề nhập một). Nhà báo không có tính lập dị thường gặp ở các nhà văn và các văn nghệ sĩ, hay là tính cách kỳ quặc nào đó ở họ mà người đời quy cho là lập dị. Có điều, mặc dầu có Tây học, ông thích cuộc sống thanh đạm của người xưa và rất yêu hoa. Trong nhà tôi, kể cả những lúc khó khăn nhất, bao giờ cũng có hoa. Trước khi ông đi tù ở nhà tôi là một vườn phong lan đủ loại, nổi tiếng trong những vườn phong lan ở Hà Nội.

Tết nào ông cũng cầu kỳ chơi hai thứ hoa: thủy tiên và đào.

Thủy tiên là thứ hoa không bình dân. Nó không thèm nở nếu chẳng may rơi vào tay người không biết thưởng thức.

Ðể cho thủy tiên nở, phải biết nghệ thuật trổ thủy tiên. Con dao dùng để trổ thủy tiên không phải là con dao bài bất kỳ, mà là một con dao dùng riêng cho nó. Cha tôi mua củ thủy tiên về, giá rất đắt, hình như là phải nhập khẩu chứ nước ta thời ấy chưa có cơ sở gây trồng. Thủy tiên có bề ngoài giống một củ hành tây lớn, rất tầm thường, chẳng hứa hẹn một hương sắc nào. Chuẩn bị cho việc gọt thủy tiên, cha tôi hì hục mài dao cho tới khi nó bén đến mức đặt sợi tóc lên lưỡi dao mà thổi phù một cái thì sợi tóc lập tức bị đứt đôi, và đầu nhọn của nó thì chỉ vô ý chạm ngón tay vào là máu ứa ra liền. Rồi ông còn phải ngắm nghía hồi lâu cái củ hành nọ, cho tới khi quyết định đặt nhát cắt đầu tiên lên mình nó. Những nhát cắt, nhát trổ chính xác được ông cân nhắc từng tý, cho tới khi hài lòng đặt nó vào cái bát thủy tinh, cũng lại thứ dành riêng cho nó.

Mẹ tôi chăm chú theo dõi bàn tay khéo léo của cha tôi xoay quanh củ thủy tiên. Bà cũng là người khéo tay, nhưng khéo tay ở những việc khác, chứ trổ thủy tiên thì bà chịu, không biết cách gọt như cha tôi. Những Tết cha tôi vắng nhà, trên bàn thờ ông bà ông vải chỉ có hoa huệ, thủy tiên thì hoàn toàn vắng bóng. Hoa thủy tiên bắt đầu trổ những cánh xanh mập mạp cũng chẳng khác lá hành là mấy, nhưng chúng nhỏ nhắn, ngắn và không vươn quá thành bát đựng. Người gọt khéo có thể chỉ định đúng ngày hoa nở, khéo hơn nữa có thể đúng đến cả giờ. Thủy tiên do cha tôi gọt bao giờ cũng nở hết số hoa nó chứa trong mình vào đúng giao thừa, chính xác vào cái giờ khắc thiêng liêng nhất của sự giao hòa giữa người thuộc cõi âm và người thuộc cõi dương, giữa tổ tiên và con cháu.

Cha tôi đứng lặng trước ban thờ ông bà, đầu hơi cúi. Mẹ tôi đứng sau ông thì thầm khấn vái. Hương trầm ngát trong nhà. Rồi pháo của một nhà nào đó nổ vang, kéo theo sau nó cả một đợt sóng triều tiếng pháo râm ran. Tôi không bao giờ thấy được hương thủy tiên vào lúc thủy tiên nở hết hoa của nó trong hương trầm và khói pháo. Sáng sớm mồng Một, rất sớm, khi trời đất đã lặng đi mọi tiếng động của sự đón Xuân, lúc ấy mới thấy được hương thủy tiên thoang thoảng. Ðó là một hương thầm ẩn náu, thoang thoảng mà kiêu sa. 

Nó không để lại trong tôi một ấn tượng rõ rệt nào. Tôi cũng không cảm nhận được cái đẹp của hoa thủy tiên. Mà cũng có thể đó là do ảnh hưởng câu chuyện chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp mải mê ngắm sắc đẹp của chính mình trong nước suối, mải mê đến nỗi ngã xuống mà chết đuối, trở thành loài hoa nọ. Tôi không thích những người say mê chính mình.

Sau khi cha tôi qua đời, chẳng bao giờ trong nhà tôi còn có hoa thủy tiên nữa. Nhưng hoa đào thì không bao giờ vắng bóng trong những ngày Tết gia đình, với cách thưởng thức truyền thống mà những thế hệ đi trước để lại.

Trước Tết một tháng, cha tôi, thường có tôi đi theo, đạp xe lên vùng Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm, nơi có những nhà trồng hoa cha truyền con nối. Cùng với một chủ vườn nào đó đã trở thành người quen, cha tôi đi thăm vườn và xem xét kỹ từng gốc đào để rồi cuối cùng chọn lấy một cành thấp, ưng ý nhất. Tiền đặt mua cành đào được trao ngay cho chủ vườn. Giá thường rất rẻ, lúc ấy chưa có ai mua đào. Ông chủ vườn rút con dao nhíp trong túi ra, đánh dấu cành đào dành cho cha tôi. Chắc chắn nó sẽ không bị bán vào tay ai khác. Bố con tôi hài lòng ra về. Tôi biết, trong óc cha tôi đã hiện lên cành đào trong tương lai sẽ được đặt ở đâu, trong cái bình nào ở nhà mình trong ngày Tết.

Khoảng hai bảy, hai tám Tháng Chạp, cha tôi mới lên vườn nhận cành đào về. Ông chủ vườn trao cành đào cho cha tôi với vẻ tiếc rẻ, không ngớt lời khen cha tôi có con mắt tinh đời. Nhưng đó là cách đánh giá của hai người biết chơi hoa với nhau. Người thường sẽ không mua cành đào này. Nó xù xì ở phần gốc, có mấy cành đua dài và gân guốc, trên đó chỉ thấp thoáng một số nụ.

Sau đó là phần sửa soạn cho cái đẹp của cành đào. Cha tôi còn ngắm nó chán chê rồi mới lấy dao cắt bỏ một số cành con, đem thui phần gốc, rồi trịnh trọng đặt cành đào vào trong lọ độc bình. Ðó là một cái lọ lớn, thường là lọ sành, nhưng phải thấp, miệng rộng, rất bình dị, đến nỗi khi cành đào đã ngự trong đó thì không còn nhìn thấy cái lọ đâu nữa. Cành đào được đặt trong góc nhà. Những cành đua của nó hướng về phía cửa, khách vào có thể nhìn thấy những cánh tay của nó vươn ra chào đón.

Cũng như thủy tiên, cành đào sẽ nở rộ vào đêm trừ tịch.

– Chơi hoa là cách con người tìm niềm vui, tìm tâm trạng thư thái trong mối giao hòa với thiên nhiên – cha tôi tâm sự trước cành đào – Người ta chỉ có thể đón thiên nhiên vào nhà mình, chứ không thể mua sắm thiên nhiên, hoặc tệ hơn, áp giải nó về nhà mình. Vì vậy mà cái bình phải khiêm tốn để tôn vẻ đẹp của cành đào, của mùa xuân. Cành đào đẹp trước hết là ở cái dáng, cái thế của nó: phần gốc xù xì cho ta cảm giác về sự vững bền của nền tảng, những cành đua không nên nhiều quá để tạo ra cảm xúc thanh thoáng, khoáng đạt.

Cha tôi không thích đào rực rỡ quá, khoe khoang quá, hợm hĩnh quá.

– Ðào như thế này đẹp hơn nhiều, cánh của nó chỉ phơn phớt một màu hồng nhạt, vừa có duyên, vừa thầm kín – cha tôi dạy – Người Nhật thích màu hồng của hoa sakura – anh đào, có dễ cũng vì lẽ đó. Tín đồ của Thần Ðạo không chịu nổi những hương sắc quá thế tục. Thêm nữa: trên cành đào Tết không nên có quá nhiều hoa. Lá xanh bên cạnh hoa làm tăng vẻ đẹp của hoa lên. Tất nhiên, mỗi người một ý, nhưng ông nội con và bố đều không ưa những cành đào đầy ắp hoa, cành nào cành ấy đều đặn, trông xa như một cái nơm. Ðã thế có người lại còn cắm cái nơm đào ấy vào cái lọ độc bình cổ cao, bằng sứ, với đủ mọi hình vẽ cầu kỳ sặc sỡ, rồi đặt nó ngất nghểu trên bàn thờ ông vải nữa chứ. Không, chỗ của đào không phải ở đó. Bố thích đặt nó ở đây dưới đất, ngang tầm với mình.

Tôi kể cho Nguyễn Tuân nghe cách cha tôi nhìn vẻ đẹp của cành đào. Ông tủm tỉm cười:

– Về đại thể, bố anh đúng. Nhưng ông ấy cũng có mắc một chút bệnh giải thích. Cái đẹp, theo tôi, là cái không giải thích được. Chỉ có thể cảm nhận nó mà thôi. Bố anh cũng chẳng giải thích nổi tại sao ông đã cắt đi một cành con này mà không phải một cành con khác, tại sao ông giữ cành đua này mà lại bỏ cành đua kia, cái cành được để lại ấy gợi nên trong lòng ông cảm xúc gì. Còn về phần màu xanh của lá trên cành đào thì ông ấy đúng hoàn toàn. Hay gì một cành đào chi chít hoa? Nó làm ta phát ngán. Mùa xuân thì phải có màu xanh của lá, của sự đâm chồi nảy lộc, mới là xuân!

Bây giờ, cả bác Nguyễn Tuân, cả cha tôi, đều đã khuất núi.

Chỉ còn lại cái đẹp của hoa xuân mà hai ông tâm đắc ở trong tôi.

Và nỗi bùi ngùi mỗi lần Xuân đến.

Vũ Thư Hiên 

Vũ Thư Hiên (18 tháng 10 năm 1933) là nhà văn Việt Nam, còn có bút danh là Kim Ân, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu. Ông là con trai của Vũ Đình Huỳnh (1905 – 1990), người làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian dài,[1] sau làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng trong Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Vũ Thư Hiên
Sinh18 tháng 10, 1933 (91 tuổi)
Hà Nội
Tên khácKim Ân (bút danh)
Dân tộcKinh
Nghề nghiệpNhà văn
Nổi tiếng vì
Tác phẩm nổi bật
Cha mẹVũ Đình Huỳnh
Phạm Thị Tề
Giải thưởngGiải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu

Ông là một trong những nhân vật của Vụ án Xét lại Chống Đảng. Sau đó, ông trở thành một nhân vật bất đồng chính kiến với Nhà nước Việt Nam và sau đó bỏ trốn ra nước ngoài. Năm 1997, hồi ký Đêm giữa ban ngày của ông được xuất bản, trong đó ông tự tuyên bố về một số chi tiết của vụ án này, lên án xã hội theo mô hình cộng sản chủ nghĩa.

Tiểu sử

Vũ Thư Hiên sinh ngày 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội, cha là Vũ Đình Huỳnh và mẹ là Phạm Thị Tề đều là thành viên của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ông thuở nhỏ đi học, hay vào Phủ Chủ tịch chơi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến, hay nhờ những việc lặt vặt.

Năm 1946, đi ca hát, đóng kịch trong một đội Tuyên truyền xung phong.

Năm 1949, đi bộ đội.

Năm 1953, công tác trong lĩnh vực điện ảnh.

Từ 1955 đến 1958, đi học viết kịch bản điện ảnh tại Liên Xô.

Năm 1959, làm việc cho Xưởng phim Việt Nam tại Hà Nội.

Năm 1960, làm biên tập viên và phóng viên Báo Ảnh Việt Nam.

Từ năm 1967 đến 1976, trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, ông bị chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bí mật bắt và giam giữ sau khi đã bắt cha ông (Vũ Đình Huỳnh) 2 tháng trước đó. Công an chìm bắt giữ ông lên ôtô và đưa về nhà tù Hỏa Lò ngay trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội. Mãi về sau gia đình ông mới hay tin. Ông bị giam 9 năm, trong đó bị giam trong xà lim cá nhân bốn năm rưỡi, qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây) và Tân Lập (Phú Thọ), Phong Quang (Hoàng Liên Sơn). Chính quyền thả ông không án cũng như không xét xử.

Ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của chính quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam.

Năm 1977, làm công nhân cao su.

Năm 1979, làm kỹ thuật hóa.

Năm 1989, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1991, làm kinh doanh.

Năm 1993, ông qua Nga với tư cách phiên dịch cho công ty xuất nhập khẩu Vũng Tàu-Côn Đảo VIECO (hợp tác với tổ hợp Minh Phụng) rồi ở lại làm đại diện cho công ty ở Moskva. Tại đây ông bắt đầu viết cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày về chín năm bị giam cầm, trong đó ông muốn chia sẻ với người đọc những điều suy ngẫm về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản.

Cuối năm 1995, sau một vụ tấn công mà ông cho là của mật vụ Việt Nam, ông thấy không thể ở Moskva lâu hơn nữa, nên tìm cách qua Ba Lan. Sau đó ông quyết định tỵ nạn tại Pháp. Tại đây, ông đã hoàn thành tập hồi ký Đêm giữa ban ngày. Tháng 4 năm 1997, xuất bản hồi ký Đêm giữa ban ngày tại Hoa Kỳ.

Ông ở Strassbourg (Pháp) 1 năm, Bern (Thuỵ Sĩ) 1 năm, Đức 2 năm (2000-2001) sau khi đến Pháp theo lời mời của International Parliament of Writers, German PEN Club và Uỷ ban Nhân quyền thành phố Nuremberg. Ngót ba mươi năm lưu lạc xứ người, cuối năm 2022 ông trở về quê hương.[2]

Chú thích

Tác phẩm

Những tác phẩm của ông đã xuất bản khi còn ở Việt Nam:

  1. Lối thoát (kịch, 1954)
  2. Bông hồng vàng (dịch của tác giả Paustovsky, 1960)
  3. Truyện ngắn Paustovsky (dịch, 1962)
  4. Luật rừng (truyện, in chung, 1985)
  5. Khúc quân hành lặng lẽ (truyện nhiều tập, 1985-1989)
  6. Luật rừng (kịch bản, 1988)
  7. Miền thơ ấu (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh 1988); và một số kịch bản điện ảnh.

Nhà văn đã được nhận giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu.

Sau khi định cư tại nước ngoài, ông viết thêm một số tác phẩm, trong đó có Đêm giữa ban ngày, Kẻ Vô Ơn (truyện ngắn).





Liên kết ngoài

Nhà văn Vũ Thư Hiên vừa từ nước Pháp đi một vòng nước Mỹ để thăm các bạn văn và các độc giả đã từng yêu mến ông qua nhiều tác phẩm, đặc biệt là tập hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày”. Khi ghé Washington tuần này, ông đã dành do đài TNHK một buổi trao đổi thân tình liên quan đến vấn đề văn chương. Mời quý vị theo dõi.

VOA: Thính giả bên trong Việt Nam muốn biết cuộc sống hiện nay của những nhà văn như ông. Xin cho biết qua một vài điều về sinh hoat hằng ngày của ông bây giờ và các nhà văn Việt Nam ở Pháp, Mỹ hay ở hải ngoại nói chung.

VTH: Tôi nghĩ rằng lớp nhà văn già, có bao nhiêu người tôi không tính được, nhưng những người lớp tuổi trên 60, 65 thì chắc là giống tôi, vì bên này An Sinh Xã Hội có cấp tiền cho người già. Còn anh em nhà văn trẻ hơn vẫn có công ăn việc làm. Có lẽ cũng là cái tốt cho họ vì môi trường hoạt động của họ sẽ rộng hơn, họ có dịp đi nước này nước khác nhiều hơn, gặp gỡ các nhà văn nước này nước khác nhiều hơn. Tôi nghĩ anh em trẻ có khác, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy gần đây có một số nhà văn hoàn toàn viết bằng tiếng nước ngoài.

VOA: Tuy sống tại Pháp nhưng chắc chắn là ông vẫn có dịp theo dõi tình hình văn học bên trong Việt Nam. Vậy thì ông có những nhận xét gì về tình hình văn học bên trong Việt Nam hiện nay, điển hình là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, các bài thơ của Nhóm “Mở Miệng”, tập thơ “Dự báo phi thời tiết” của Nhóm 5 Con Ngựa Trời v.v…

VTH: Tôi cũng chăm chú theo dõi tình hình văn học trong nước, tôi thấy nó tiến chậm chạp so với các nước khác. Văn học ở các nước khác không có những điều cấm kỵ, người đọc đủ trưởng thành để tự chọn món ăn tinh thần cho mình, không cần sự khuyên nhủ của một nhà nước nào hay một cơ quan nào. Những hiện tượng có tiếng ồn trong văn học, thì tôi nghĩ “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” không thể coi là một tác phẩm văn học được. Đó là một tư liệu về tinh thần dấn thân của một thanh niên đi theo một lý tưởng, nhưng nếu nói đó là một tác phẩm văn học thì chắc là không thể nói được.

Còn nhóm Mở Miệng thì tôi cũng đọc thỉnh thoảng, bắt gặp những nét của những anh em trẻ. Tôi nghĩ rằng nhóm Mở Miệng còn tồn tại được vì họ nói những điều không đụng chạm lắm.

5 Con Ngựa Trời cũng thế, nó cũng chỉ phi ở những con đường không có rào cản, nếu có rào cản chắc là không phi được. Dù sao mặc lòng, mình thấy tình hình hình văn học cũng thoáng hơn.

VOA: Ông vừa nói đến “thoáng”, như vậy là các nhà văn bên trong Việt Nam hiện nay không còn “biết sợ” giống như nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nói trước đây.

VTH: Tôi nghĩ là cái sợ nó cũng bớt đi rồi. Nó bớt cũng là do tình thế, tức là Việt Nam bây giờ cũng phải hội nhập vào thế giới. Ngày xưa cái cấm kỵ nó nhiều hơn, cái sợ nó nhiều hơn. Bây giờ cấm kỵ giảm đi thì cái sợ cũng bớt đi. Nhưng vẫn có những cái phải sợ, bởi vì nếu mà không cẩn thận sẽ gặp phiền phức, mặc dù Việt Nam đã có những cố gắng để hội nhập với thế giới, tức là chịu khó từ bỏ hành động toàn trị mà trước kia vốn thuộc bản chất của chế độ xã hội ấy. Thí dụ trước kia chỉ cần nói hơi một tí cũng đủ để bỏ người ta vào tù, cho người ta một lệnh tập trung 3 năm, sau đó 3 năm nữa, rồi 3 năm nữa, không biết bao giờ mới ra. Bây giờ người ta cố gắng làm nó khác đi, cho gần với nhân loại bình thường hơn. Và có lẽ theo quán thính thì sự sợ hãi vẫn còn, nó vẫn còn sống dai dẳng. Vì vậy cho nên con đường dân tộc Việt Nam đi đến chỗ khá hơn, tức là bứt phá khỏi vòng vây của những tư tưởng cổ hủ và sai trái để phóng lên con đường cùng với nhân loại, xem ra cũng còn nhiều gian nan lắm.

VOA: Nếu ông nói rằng vẫn còn sợ thì chúng ta đã thấy các phát biểu của Trần Mạnh Hảo; các hồi ký của Trần Vàng Sao hoặc Tiêu Dao Bảo Cự, thì họ đâu có sợ gì đâu.

VTH: Cái đó nó cũng nằm trong cái chung thôi. Ví dụ như trước đây không người nào dám nói như anh Trần Mạnh Hảo, anh Tiêu Dao Bảo Cự ; thì bây giờ không phải một người mà có nhiều người nói. Số đông bao giờ cũng cho người ta cái cảm giác bớt sợ hãi, tất nhiên những người đi tiên phong thì phải gánh chịu những cái khó khăn hơn.
Đặc biệt là gần đây có những người từng giữ những chức vụ khá trong cơ quan đảng hoặc nhà nước, ví dụ như ông Nguyễn Trung, từng là Đại Sứ, ông ta viết tôi thấy cũng nặng nề lắm. Ông viết: đảng cộng sản cứ nắm chặt con tàu Việt Nam , còn đảng viên đảng cộng sản Việt Nam thì cứ giữ chặt những cái ghế trên con tàu ấy, mà con tàu này thì đi theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, mà đảng cộng sản Việt Nam chưa nói rõ Xã Hội Chủ Nghĩa nó là cái gì.

VOA: Một số người nói rằng, so với thời phải ăn bo bo trước đây thì bây giờ đã khá hơn nhiều rồi. Là một nhà văn, ông nghĩ sao về luận điểm này.

VTH: Tôi cho là đúng. Khá nhiều chứ, nó xảy ra với bất kỳ một nước nào, chứ không riêng Việt Nam, như là một hiện tượng thần kỳ, không có đâu. Còn nếu nói rằng bây giờ khác trước, thì chỉ có những cán bộ tuyên huấn mới nói đấy là thành tích do đảng cộng sản tạo ra, chứ còn người dân bình thường người ta thấy hết chiến tranh thì người ta phải làm, phải sống, và sống khá hơn trước. Nhưng bây giờ, đáng chú ý là nếu như có cái gì đó, do đảng cộng sản tạo ra thì đó là sự phân biệt giàu nghèo, sự chênh lệch kinh khủng hiện nay. Ta thử tính xem, một thằng cha nó cá độ đến 1 triệu 8 đôla, báo trong nước đăng rồi, thì thử hỏi một nông dân cần cù phải nhịn ăn bao nhiêu năm và bao nhiêu thế hệ nữa mới chơi được một lần cá cược như anh kia.

VOA: Có những tác phẩm văn học mà sau khi đọc xong, chúng ta có thể gọi là tiếng kêu của loài chim báo bão. Việt Nam đã có một tác phẩm nào báo bão hay chưa, thưa ông?

VTH: Chưa có tác phẩm nào có tính chất báo bão cả. Việt Nam chúng ta có cái đặc biệt là chẳng bao giờ ở cái mắt bão trên đất nước chúng ta cả. Chúng ta toàn chịu những cơn bão rớt thôi. Bão ở vùng biển Đông và nó rớt vào vùng này vùng kia ở nước ta. Những chấn động thế giới sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam rất nhiều, và nếu người Việt Nam không mau mắn để chọn con đường đi của mình, cứ chờ đợi một chấn động từ bên ngoài, thì đất nước mình sẽ chậm chạp lắm. Nếu có một con chim báo bão nào thì nó phải báo to điều đó.

No comments:

Post a Comment