Monday, January 13, 2025

Đi Giữa Bầy Thú Dữ

Chúng tôi theo xe hàng từ Phnom Penh lên cảng Kampong Som, trễ mất gần hai tiếng đồng hồ. Ngày đã xế, nhưng nắng còn đổ lửa trên đầu. Trời đứng gió, cái nóng hừng hực như hắt ra từ lò sấy. Người dẫn mối cứ thôi thúc nhanh lên, nhanh lên. Đồ đạc cái xách cái mang tất tả đến được điểm hẹn, chúng tôi mệt phờ người. Ba gã chủ chốt người Miên còn kiên nhẫn chờ trên đầu dốc nơi ngã ba đường lên chợ, dưới bóng râm của một tàng cây. Hai gã ngồi trên hai chiếc xe Honda, phì phà điếu thuốc. Gã thứ ba đứng dựa lưng vào gốc cây. Thấy chúng tôi tới, họ bu lại vồn vã, cùng lúc những chiếc xe đò cổ lỗ xỉ ì ạch bò lên dốc. Khói xe và hơi nóng phả vào mặt. Đây là lần đầu tiên tôi gặp họ. Người dẫn mối giới thiệu chúng tôi bằng tiếng Miên. Họ cũng tự giới thiệu lại mình. Một gã tên Nu da xám, môi chì, mắt trắng, nói thạo tiếng Việt. Hai gã kia chỉ nói tiếng Miên, tên khó nhớ. Gã tóc quăn, có bịt răng vàng. Giữa cái răng vàng cẩn hình trái tim. Gã thứ ba mặt mày sáng sủa đẹp trai, Tàu lai Miên. Tất cả, trạc tuổi ngoài ba mươi, mặc đồ chải chuốt lịch sự, tư cách đàng hoàng đáng tin cậy.


Tôi xin lỗi vì trễ hẹn, và giải thích rằng đường từ thủ đô lên cảng có quá nhiều trạm kiểm soát làm mất thì giờ.
Gã tên Nu nói không sao, làm ăn đôi khi trễ nải là chuyện thường. Gã cho biết về phần gã đã chuẩn bị đâu đó xong xuôi, còn phần tôi thì sao?
Tôi nói: “Cũng sẵn sàng.”

Gã hỏi nhỏ: “Có đem theo đủ số không?”
“Đủ. Đi liền bây giờ chưa?”

“Dĩ nhiên.”

Nu quay qua nói với hai gã kia điều gì đó. Trông họ rất phấn khởi. Tôi cũng mừng. Dù trễ hẹn, nhưng mọi việc vẫn tiến hành đúng như dự định.

Xe Honda bắt đầu nổ máy kêu lụp bụp như con ngựa cuồng chân nóng nảy lên đường. Tôi chào từ giã người dẫn mối. Anh là người Việt sống lâu năm ở Kampuchia, cũng là người cuối cùng của đường dây tiếp nhận lúc chúng tôi mới đặt chân đến Phnom Penh. Nhiệm vụ của anh là hướng dẫn, và giao chúng tôi cho người chủ chốt. Anh ta bắt tay tôi lần chót, chúc may mắn. Nu cho biết sẽ đi về hướng Tân Hao, bảo vợ con tôi ngồi xe của gã Tàu lai. Con tôi ngồi giữa. Vợ tôi ngồi sau, choàng tay qua đứa con, ôm eo gã Tàu lai. Nu và tôi đi chung với gã răng vàng. Mỗi chiếc Honda chở ba người. Xe chạy. Tôi ngó ngoái về phía sau, thấy người dẫn mối còn giơ tay vẫy vẫy.

Đường đi Tân Hao rộng thoáng. Mặt đường không tráng nhựa. Nhiều đoạn lởm chởm trơ ra những sỏi đá, hoặc trũng thành ổ gà. Thế nhưng hai chiếc Honda vẫn phóng như bay. Không khéo cán phải đá hay vấp ổ gà, quăng cả lũ xuống đường, sứt tay gãy gọng như chơi. Tôi nói với Nu, bảo gã lái xe chạy cẩn thận hơn. Nu cười rằng đừng lo, gã đã từng lái xe trên đường này hàng trăm lần rồi, chưa bao giờ xảy ra tai nạn.

Hai bên đường là rừng. Có lúc xe chạy ngang qua trảng trống, hoặc đồng cỏ tranh. Nhìn xa xa về bên trái, thấy bờ biển và mặt nước xanh rờn, bao la ngút mắt. Mùa này, gió lặng sóng êm. Mặt biển láng như trải lụa. Vùng biển từ đây tới Lem Ngộp, Nu bảo đảm không có hải tặc. Mọi việc chắc chắn sẽ êm xuôi. Và vào khoảng quá nửa đêm, sẽ đặt chân lên bờ biển Thái Lan. Nghĩ tới một chân trời mới sẽ mở ra cũng đủ thấy đời tươi đẹp. Tự nhiên yêu biển lạ lùng.

Xe đang chạy, Nu bảo: “Sắp tới nơi rồi. Đưa vàng.”
Tôi hỏi: “Sao không chờ lúc xuống bãi?”

“Tới nơi là gấp rút chạy ào xuống bãi lên ghe. Nếu lằng nhằng mất thì giờ vì chuyện này, sẽ bể việc lớn.”

Cũng có lý. Cái giờ phút quan trọng nhất là lúc bắt đầu lên ghe. Thành hay bại cũng từ nơi khởi điểm này. Tôi nghĩ, chiếc ghe đã chờ sẵn ở đâu đó. Honda vừa ngừng là chúng tôi nhào lên ghe liền. Bọn an ninh bờ biển có trở tay cũng muộn. Bởi người đầu mối đã cho biết, ghe được trang bị máy bốn lốc đầu bạc. Tôi chẳng biết máy bốn lốc đầu bạc là máy gì, mạnh yếu ra sao? Nhưng người ta đã khoe như thế thì chắc là phải ngon lành lắm. Dù công an tuần duyên có đuổi theo, cũng đành ngửi khói mà thôi. Chúng tôi sẽ chơi một cú thật ngoạn mục. Hồi hộp bất ngờ giống như phim trinh thám. Còn chuyện đưa vàng, trước sau gì cũng đưa. Thôi thì đưa ngay bây giờ, đổi lấy một chuyến đi định mệnh. Tôi luồn tay vào cái túi nhỏ may dính dưới đũng quần lót, móc hai thỏi vàng, đưa cho Nu.

Gã đặt vàng trong lòng bàn tay nâng thử để ước lượng sức nặng, rồi nhét vội vô túi.
“Chưa đủ.” Gã nói khi xe đang chạy.

Tôi nói: “Còn hai cây nữa, vợ tôi cất.”
“Bảo vợ anh đưa ngay bây giờ.”

Tôi gật đầu.
Nu nói tiếng Miên với gã răng vàng. Gã này phóng xe lên song song với gã Tàu lai.

Tôi bảo vợ: “Anh đưa vàng rồi. Em đưa luôn cho họ đi.”
Vợ nói: “Chờ xuống bãi.”

“Họ muốn ngay bây giờ.”
“Ngồi trên xe, không lấy ra được.”

Tôi biết lý do vợ tôi không thể lấy vàng lúc này.
Tôi nói với Nu: “Anh nghe chưa?”
“Tôi nghe. Xuống bãi đưa.”

Ba gã lại nói líu lo. Xe vẫn phóng như bay, tới một khoảng rừng rậm, họ dừng lại đột ngột. Nu nắm tay vợ con tôi lôi bừa, khom người chạy lúp xúp men theo rặng phi lao, vào rừng. Có lẽ gã sợ những chiếc xe đò ngang qua nhìn thấy. Tôi ôm cái túi xách, hấp tấp chạy theo. Hai chiếc Honda bỏ chúng tôi lại đó, vọt thẳng về hướng Tân Hao. Chúng tôi luồn lách qua những lùm bụi gai góc, đến một con suối cạn. Mùa nắng, lòng suối khô phơi bày cát đá.

Vừa ngồi xuống, Nu bảo: “Núp ở đây, chờ ghe đến, mình sẽ ra bãi.”

Tôi hồi hộp, tinh thần căng thẳng đến cùng tột. Nếu bị lính Miên bắt quả tang đang núp ló để chuẩn bị lên ghe thì đời khốn nạn ngay. Vợ con tôi ngồi nép vào nhau, thở hổn hển, mặt xanh như tàu lá.

Tôi hỏi: “Anh có đi theo ghe với chúng tôi không?”
Nu nói: “Tôi đưa anh tới Thái Lan.”

Rồi gã nhìn vợ tôi, xòe tay ra: “Đưa vàng cho tôi.”

Cách nói chuyện của Nu thẳng thừng, cử chỉ thô lỗ. Tôi nghĩ gã là người Miên quen tính bộc trực nên cũng không lấy đó làm khó chịu. Chỉ cảm thấy có điều gì bất thường, khi vợ ngó tôi, ngầm hỏi ý kiến. Xuống xe, chúng tôi chạy ào, nhưng không phải ào lên ghe như Nu diễn tả, mà ào vào rừng. Ghe đâu không thấy. Thế thì có gì gấp rút? Kế hoạch thay đổi chăng? Dẫu sao, đã tới mức này rồi, một liều ba bảy cũng liều. Tôi nhìn vợ, gật đầu.

Vợ tôi đứng dậy, đi khuất vào bụi rậm. Tôi biết vợ đang móc vàng từ trong cửa mình.

Trong chuyến mang vàng lên Kamphuchia. Vợ giao tôi cất giữ năm khâu vàng, còn bao nhiêu vợ giữ. Lúc qua biên giới Việt- Miên, công an biên phòng xét hỏi. Tôi sợ quá, nhét ba chiếc khâu vô hậu môn, nghe nhói cấn khó chịu. Còn lại hai khâu không biết giấu đút nơi nào, tôi cho vô miệng nuốt luôn, trước khi họ mò xét khắp người. Tôi qua khỏi, chỉ lo vợ bị rắc rối. Nhưng vợ tôi cũng qua luôn. Sau đó, tôi hỏi em giấu ở đâu mà tài thế? Vợ mỉm cười, không nói.

Khi đến Phnom Penh, người dẫn mối gởi chúng tôi tạm trú nơi nhà người Miên. Tôi bắt đầu móc ba chiếc khâu trong hậu môn, nhưng thọt ngón tay vào không đụng. Không biết tại sao nó chạy tuốt vô sâu? Tôi hoảng. Vợ bảo, nó nằm trong phần ruột già, không đáng ngại. Khi đi cầu, phân sẽ tống nó ra trước.

Đúng như vợ dự đoán. Hôm sau tôi đi cầu. Thỏi phân như cục đất sét khô, đẩy ba chiếc khâu rớt xuống cái bô nhựa. Tôi dùng que bới cục phân, không tìm được hai chiếc khâu đã nuốt. Tôi tính đem đi đổ. Vợ giựt cái bô lại, bịt mũi rà tìm lần nữa. Vẫn không thấy.

Ngày hôm sau, tôi không đi cầu. Bao nhiêu lo lắng dồn dập làm bộ tiêu hóa nổi chứng rối loạn bất thường. Vả lại mấy ngày không ăn rau, tôi bị táo bón. Vợ nóng ruột, mua cho tôi một liều thuốc xổ. Tôi uống thuốc với nhiều nước. Và nửa khuya đêm đó, như cái nút chai bung ra, tôi tháo dạ ào ạt. Quậy trong cái chất lợn cợn dậy mùi. May quá, bắt được một khâu. Còn một khâu đi đàng nào?

Thêm ngày hôm sau nữa, tôi lại nín ỉa. Cứ vài tiếng đồng hồ, vợ bảo xách cái bô vô buồng ngồi rặn, quyết tìm cho ra chiếc khâu.

Tôi nói: “Bụng trống không, rặn thế nào được?”
“Mất chiếc khâu hai chỉ là chết em.” Vợ nhăn nhó.

“Nó không ra, anh sẽ bị nguy. Em không lo cho tính mạng anh, chỉ tiếc của.”
“Nó còn trong ấy, không đáng ngại. Sợ ra rồi mà mình không bắt gặp mới chết chứ?”

Đến ngày chúng tôi lên đường đi Kongpong Xom, chiếc khâu vàng vẫn còn lẩn trốn đâu đó trong cái dạ dày, hoặc khúc ruột ngoằn ngoèo của tôi.

Trở về với hiện tại. Khi vợ tôi từ bụi rậm đi ra, trao cho tôi một nắm khâu vàng. Những chiếc khâu được buộc thành hai chùm bằng sợi chỉ còn ươn ướt.

Tôi đưa cho Nu: “Thêm phần này là đủ số.”

Nu cầm vàng, xòe ra nhìn, suy nghĩ. Tôi đâm lo. Tổng số vàng, vẫn còn thiếu một chiếc khâu hai chỉ. Nếu Nu phát giác chưa đủ số, làm khó trong giờ phút này thì thật rắc rối. Nhưng gã chẳng nói gì, đưa lên ngửi thử.

Tôi hỏi: “Anh thử vàng cái kiểu gì lạ vậy?”

Gã không trả lời, ra dấu bảo chúng tôi ngồi yên đấy, rồi bất ngờ quay lưng lủi khuất vào rừng rậm, nhanh như con chồn.

Tôi thảng thốt: “Anh đi đâu?”
Không có tiếng trả lời.

Tôi phóng theo: “Anh ơi! Anh ơi!”
Tiếng kêu không ai hồi đáp.

Tôi lại gào bằng tiếng Miên: “Bòn ơi! Bòn ơi!”

“Bòn” có nghĩa là “anh”, tôi học được từ lúc mới đặt chân lên đất Kampuchia. Dù đã gào hai tiếng “bòn ơi” thống thiết, nhưng Nu vẫn mất hút. Tìm loanh quanh một đỗi không thấy Nu, tôi tuyệt vọng trở lại con suối, ngồi lau mồ hôi, thở dốc. Vợ con tôi co rúm người, sợ hãi. Tôi chợt nghĩ đến những trường hợp đã từng xảy ra. Nhiều người lên Kampuchia vượt biên, bị lừa lấy hết vàng, rồi bị giết luôn để trừ hậu họa.

Tôi bảo vợ: “Em dẫn con Khuê tìm chỗ kín đáo ẩn núp. Anh ở lại đây chờ xem động tịnh ra sao.”.

Khi nói điều đó tôi đã có chủ đích. Nếu chúng trở lại đưa đi thì coi như tôi hiểu lầm thiện ý của chúng. Nếu chúng manh tâm sát hại, tôi sẵn sàng một mất một còn với chúng.
Vợ tôi dẫn con tìm chỗ núp.

Tôi chạy theo dặn dò: “Dù có thế nào, em cũng đừng ra mặt.”

Ngồi một mình nơi lòng suối, tôi tự hỏi trong tay không một tấc sắt, lấy gì chống đỡ khi bộ ba của chúng trở lại? Và nếu muốn giết tôi, chúng phải tay dao tay búa sẵn sàng. Tôi khó mà thoát thân, nói chi đến chuyện dằn co ấu đả? Suy cho cùng, tôi quyết định bỏ của chạy lấy người.

Tôi đến chỗ vợ con đang trốn: “Phải rời khỏi nơi đây ngay.”
Vợ nói: “Chờ một chút. Có thể họ trở lại đưa mình đi.”

“Họ đưa đi mua muối.” Tôi gắt.
Vợ xót của: “Còn vàng trao cho họ thì sao?”

“Bỏ vàng, giữ lại cái mạng cùi.”
“Ráng chờ, anh ơi. Còn nước còn tát.”

“Nước nôi gì nữa mà tát? Hết vàng, nó sẽ lấy máu. Chạy ngay bây giờ, may ra còn kịp.”

Tôi nắm tay đứa con gái, băng ra đường. Ngoài đường trống trải. Thỉnh thoảng có xe qua lại, bọn sát nhân không dám làm ẩu. Trong khi chờ xe ngược về Kongpong Xom, vợ tôi ngồi bẹp xuống lề đường, thảm não khóc không ra tiếng. Chưa bao giờ tôi thấy cái mặt của vợ đau khổ như lúc này. Bao nhiêu tiền của chắt bóp dành dụm trong mười năm trời, chờ tôi ở tù về để cùng nhau vượt biên, bỗng chốc hóa thành trắng tay. Chuyện đời như sân khấu. Tự nhiên tôi bật cười khan. Chẳng biết tại sao tôi có thể cười được trong tình huống bi đát này? Ai đó đã nói, cười là tiếng khóc khô không lệ. Có phải tôi cười như thế không? Đời thật chó đẻ! Mình lao đao khốn khó, chạy trốn bọn ác ôn, lại gặp thằng thất đức.

Sau tiếng cười, tôi ngửa mặt lên trời, uất khí xung thiên: “Phật và Chúa đi đâu cả rồi? Sao không vặn họng mấy thằng quỷ sứ?“

Tôi muốn tiếng la vang rền cả thinh không như giọng gầm sư tử hống của Tạ Tốn. Nhưng sao tôi nghe tiếng mình nhỏ như tiếng con dế rè gáy trong bờ cỏ thấp.

Vợ tôi quẹt nước mắt, phẫn nộ: “Giờ phút này mà anh còn cười. Tôi hận anh!”
Mất của, vợ bắt đầu nổi điên, giở giọng ngang bướng xưng “tôi” với chồng.

Tôi dịu nhẹ: “Em không hiểu anh.”
“Tôi còn lạ gì anh mà không hiểu? Ai ở tù cũng đều rên xiết, nhưng anh ở tù với bộ mặt tỉnh bơ. Chuyện gì đối với anh cũng là trò đùa. Tôi mất vàng, tôi xót. Nhưng anh lại cười.”

“Em muốn anh làm sao?”
Vợ rít giữa hai hàm răng sắc lạnh: “Chém nó!”

“Anh không có dao. Anh sẽ cắn nó.”

Tôi vừa dứt câu, vợ tru lên đau đớn như sói tru trăng ngoài đại mạc.

Chúng tôi trở lại Kongpong Xom, bằng Honda ôm. Xe chở bốn người. Con Khuê ngồi trên bình xăng phía trước, trong lòng gã người Miên lái xe. Vợ chồng tôi ngồi phía sau. Trên đường đi, gã nói và chỉ trỏ vô rừng. Tôi không hiểu. Gã làm dấu bằng cách đưa bàn tay cứa ngang cổ. Ý muốn nói nhiều người đã bị giết dọc theo cánh rừng này chăng?
Chúng tôi lên tới chợ Kongpong Xom, lúc mặt trời sắp lặn. Từ khi rời Kongpong Xom cho đến lúc trở lại, chỉ cách bốn tiếng đồng hồ. Chúng tôi, những người đi tìm tương lai bỗng hóa ra kẻ đầu đường xó chợ. Tôi lang thang, làm quen với một cụ già người Việt hành nghề mài dao cho các thớt thịt. Tôi bịa ra chuyện đi tìm người bà con nhưng địa chỉ không rõ ràng nên bị lạc. Đồng thời tôi xin cụ giúp chỗ tạm trú qua đêm. Đêm đó, cụ dẫn chúng tôi về chỗ ngủ của cụ. Đây là chái hiên lề đường, bên hông một tiệm sửa Honda và xe đạp. Dọc theo các chái hiên khác, có những người hành khất nằm ngủ. Cụ nhường chiếc sạp cho vợ con tôi. Sạp kê sát đất bằng những mảnh gỗ vụn ghép lại. Cụ và tôi trải manh chiếu trên nền đất. Hơi đất lành lạnh dưới lưng, mùi dầu nhớt bốc thoang thoảng. Tôi nằm gối đầu lên bọc quần áo.

Cụ nói: “Đừng sợ mất đồ. Cùng đinh ăn mày cũng có nghĩa khí của cùng đinh ăn mày.”
“Tôi đã mất tất cả rồi. Chẳng còn gì để mất thêm.”

Tôi nói trong niềm cay đắng. Không ngờ có một ngày, mình rơi vào nỗi tận cùng bệ rạc thế này.

Nửa khuya, cụ già ngồi dậy quấn thuốc hút. Anh đèn đường vàng vọt soi không rõ. Khuôn mặt cụ nhòe bóng tối. Hình ảnh âm u, in lên nền phong héo úa như một tấm tranh đời bi thiết. Mọi vật quanh tôi đều im lìm sâu lắng. Chỉ còn tiếng muỗi vo ve. Đầu thuốc cháy, từng chặp lóe đỏ lên là điểm sáng duy nhất còn linh động.

Vợ con tôi ngủ mê mệt sau một ngày vất vả. Tôi trằn trọc đau xót mãi khôn nguôi, ngồi lên xin cụ điếu thuốc. Thuốc gắt quá, tôi ôm ngực ho sặc sụa. Nước mắt tuôn trào ràn rụa. Cụ già vỗ nhẹ vào lưng tôi như đè xuống một cơn ho, như an ủi một niềm thống khổ. Tôi quay ra ngoài hỉ mũi rẹt rẹt, và chùi nước mắt.

Cụ nói: “Dẫn vợ con đi vượt biên. Coi chừng mất mạng đấy.”
Dù tôi không bày tỏ, nhưng cụ đã biết cả rồi.
Cụ tiếp: ”Lần sau đừng dại dột tin lời người khác. Hãy về Việt Nam đi.”

Tôi nín thinh, nhìn qua dãy nhà tối ám bên kia đường. Còn có một chỗ nào để đi về không? Sau thời gian vắng mặt không lý do, tôi về là tự đem thân nạp mạng cho chính quyền địa phương.

“Cụ ơi, tôi không thể về. Tôi hết đường tới, chẳng còn đường lui.”
“Phải có cách giải quyết chứ?”

“Tôi ở lại Kampuchia, tìm việc làm.”
“Làm gì? Cái tướng trói gà của cậu khuân vác không nổi. Tính kế lừa thiên hạ ư? Tôi cho cậu biết, ở đây con người như lang sói. Cậu chưa kịp lừa ai, thiên hạ đã lừa cậu mất rồi.”

“Tôi muốn chẻ đầu bọn lừa đảo.” Khi nói, tôi nhìn những con dao chặt thịt to bản, để kế bên bộ đồ nghề mài dao của cụ.

Cụ ngó vào mặt tôi: “Dám không?”

Lời cụ như cái thước đo xem tính khí liều lĩnh của tôi tới cỡ nào. Cái mạng của bọn kia, đáng triệt tiêu để trừ bớt ung nhọt cho xã hội. Còn cái thân tôi sau đó, nếu không chết cũng chịu một hậu quả vô cùng khốc liệt. Nó có xứng đáng để tôi đánh đổi một hậu quả như thế hay không?

Cuối cùng, tôi lắc đầu nói với giọng yếu xìu: “Tôi hèn.”
Cụ quấn cho tôi thêm điếu thuốc: “Hàn Tín chịu luồn trôn giữa chợ, vì không thể lấy cái mạng đáng giá muôn người, đổi mạng của tên vô lại.”

“Tôi không thể so với Hàn Tín. Tôi hèn, vì tôi quá thương tôi.”
“Còn biết thương mình là còn ham sống. Từ từ làm lại cuộc đời.”

Cách lý luận của cụ già, tôi thấy lạ. Với một cái đầu như thế, sao lại chịu sống hẩm hiu như người hành khất?
Tôi nói: “Tôi không hiểu cụ.”

Cụ bảo: “Con người sở dĩ còn gần gũi được nhau là vì không hiểu nhau đấy.”
“Cụ nói chi lạ vậy?”

“Không phải sao? Mọi người đến với nhau bằng cái mặt nạ. Ngày nào mặt nạ rớt xuống, nhìn rõ mặt thật của nhau, ngày ấy hai bên trở thành kẻ thù.”
“Đúng vậy, cụ ơi! Tôi có thêm vài kẻ thù, nhưng mình không làm gì được nó, mới đau chứ.”

“Nếu tất cả mối thù đều có thể thanh toán thì lúc nào cũng thấy mọi người chém giết nhau.”
“Cụ là ai mà thấu rõ tình đời đến thế?” Tôi hỏi.

Cụ chỉ bộ đồ nghề: “Cậu thấy đó. Tôi là lão mài dao.”
“Phía sau tấm bình phong ấy là gì?”
“Cậu nghĩ tôi làm khổ nhục kế? Hahaha ...”

Tiếng cười òa vỡ giữa đêm khuya. Vợ tôi thức giấc trở mình. Tôi thật không hiểu tiếng cười của cụ. Óc tôi đông đặc mù mờ không còn phân định điều gì. Tiếng cười như sảng khoái, lại nhuốm một nỗi gì u uất bi thương.

Cụ tiếp: “Trước ngày mất Miền Nam, nếu cậu biết hỏi một câu như thế thì những tên ăn mày, những thằng đi mua ve chai đồ cũ đâu có mặt, để sau này thay hình đổi dạng ra làm ủy viên, chủ tịch ngồi trên đầu trên cổ nhân dân.”
Tôi ngạc nhiên, một cụ già mài dao mà có được tư tưởng thế sao? Tôi chợt nhớ chuyện Kinh Kha khi đến nước Yên làm bạn với người bán thịt chó và người gảy đàn trúc tên Cao Tiệm Ly, ngày ngày cùng nhau uống rượu. Lúc rượu say, Cao Tiệm Ly gảy đàn, Kinh Kha theo đàn mà hát, và cuối cùng ôm nhau khóc giữa chợ nước Yên như chỗ không người. Họ mượn rượu cho vơi bớt nỗi niềm u uất không thể tâm sự cùng ai. Còn cụ già mài dao, lòng cụ ra sao mà cũng ưu tư thế sự?

Sáng ngày, cụ đưa chúng tôi ra bến xe về Phnom Penh. Tôi mua cho mỗi người một ổ bánh mì thịt.
Cụ nhất định không nhận: “Hãy lo cho vợ con đi. Coi bộ tình trạng sắp tới của cậu bi đát lắm đấy.”
“Chuyện gì rồi cũng sẽ qua.” Tôi nói một câu mà lòng không chủ đích.

“Cậu còn có vợ con, nghĩa là chưa mất hết đâu. Ở xứ lạ quê người, mang bộ mặt ngơ ngáo như cậu, dễ bị chúng lấy mạng, và cướp vợ con đưa vào nhà thổ.”

Giờ phút chia tay, tôi còn nhiều bịn rịn. Nhưng cụ tỏ ra cương nghị dứt khoát, khác với vẻ người đờ đẫn mà tôi gặp chiều hôm qua.
“Đi đi. Cứ như đàn bà con gái thế này thì còn làm ăn gì được?”

Tôi lên xe, lòng vẫn tự hỏi cụ già mài dao là ai? Là ai?

Tôi trở lại Phnom Penh, tìm đến cái nhà trước đây trạm trú, hỏi về người dẫn mối. Người ta không biết kẻ kia ở đâu. Hóa ra đây là nhà cho thuê giường ngủ. Lòng tôi bời bời trăm mối lo toan, nát óc nghĩ không ra lẽ. Về không được, ở không xong.

Vợ nói: “Mình có thể buôn bán.”
Tôi hỏi: “Vốn đâu?”

“Em còn một ít tiền mặt và năm phân vàng. Anh còn hai chỉ.”
“Anh làm gì có?”
Vợ chỉ vào bụng tôi: “Nó còn trong ấy. Không chạy đàng nào.”

“Tính mổ bụng anh hả?”
“Gì mà trầm trọng thế? Trước sau gì, nó cũng tự động ra thôi.”

“Nếu nó không ra?”
“Thế thì nguy cho anh.”

“Thôi, chuyện ấy tính sau. Bây giờ, lo tìm chỗ ngủ đêm nay.” Tôi nói.
Vợ đề nghị: “Thuê giường ở đây.”
“Thuê giường một đêm, họ cứa cũng bộn bạc. Mình phải tiết kiệm.”

Tôi dẫn vợ con lên chợ Ô Hòa Xây, khu chợ chính của thủ đô Phnom Penh, tìm người Việt làm quen. Trước nhà lồng chợ là dãy phố buôn bán, tập nập kẻ lại người qua. Đặc biệt có một gian nhà không bày hàng. Ngoài hành lang có những người đàn bà Việt ngồi lê trên những manh chiếu. Bên trong kê mấy cái giường sắt. Tôi rà rê tới làm quen. Vợ con tôi đứng ủ rũ sau một chiếc xe bán nước mía.

Thấy tôi, một chị hỏi: “Đấm bóp hả?”
Tôi nói: “Không. Chỉ tìm người quen.” Và bịa ra một cái tên, hỏi chị ấy có biết không.

Chị bảo: “Không biết. Sẵn dịp lại đây thì đấm bóp đi anh. Trông anh có vẻ bơ phờ lắm. Đấm bóp giác hơi cho giãn gân cốt, máu huyết lưu thông là khỏe ngay.”

Tôi lắc đầu, cười gượng.
Thêm vài chị rỗi việc bu đến. Tôi áp dụng bổn cũ soạn lại khi còn ở Kongpong Xom với cụ già mài dao, rằng tìm người bà con không gặp, nên bị lỡ đường. Xin họ giúp cho một chỗ ngủ qua đêm.

Một chị nói: “Anh về với bọn tôi đêm nay.”
Tôi chỉ về phía xe nước mía: “Còn có vợ con tôi nữa.”

“Gì mà đông thế? Kêu lại đây. Đứng xớ rớ, coi chừng bị giật đồ.”
Vợ con tôi đến. Những người đàn bà nhìn, dò xét.
“Đi tìm việc hả?”
“Không. Tìm người bà con.”

“Đừng có xạo, cha nội. Tôi biết là đi tìm việc.”

Chị khác, ngó vợ con tôi: “Chị này trông còn ngọt nước lắm. Còn con bé này có thể bưng cà phê bán dạo cho các bạn hàng trong chợ.”

Vợ tôi hỏi: “Chị nghĩ em có thể tìm được việc ở đây không?”
“Ở đây à? Định cạnh tranh nghề nghiệp với bọn tôi hả?”

“Không. Em đâu biết đấm bóp. Việc khác kìa.”
“Đàn bà con gái lên đây, đừng hòng tìm được việc gì khác, ngoài cái việc làm đĩ. Nhưng ông anh chịu cho vợ mình làm không?”

Vợ tôi xám mặt: “Xin chị đừng nói chơi.”
Chị trề môi: “Mệnh phụ, tiểu thư lúc khốn cùng túng quẫn cũng thành gái ăn sương. Ở đó mà khư khư giữ lấy cái nghìn vàng.”

Vợ tôi cúi đầu nhẫn nhục. Lòng tôi tan nát. Cái tình đồng hương trên xứ lạ, sao nghe như muối xát gừng cay.
Không muốn vợ ngồi đây để nghe những lời xúc phạm, tôi bảo: “Em dẫn con đi mua đồ ăn cho nó.”

Vợ con tôi kéo nhau qua chợ mua cơm. Mỗi phần cơm, có con cá nướng bằng ngón tay, được gói trong chiếc lá sen. Cả hai ngồi bên lề đường, bốc từng nắm cơm uể oải cho vào miệng. Nắng chiều nghiêng đổ xuống hai mẹ con một màu tàn phai héo hắt. Con tôi không còn cái vẻ hồn nhiên tuổi nhỏ. Mặt nó vô hồn ngơ ngác. Còn khuôn mặt của vợ tôi, phảng phất một chút gì hờn tủi.

Tôi xót xa, muốn bỏ đi. Nhưng giữa nơi ồn ào phồn tạp quê người, tôi biết đi đâu?

Trong khi tôi ngồi đấy, có một người đàn ông Miên bước vào. Mặt sạm đen, nhễ nhại mồ hôi như thoa một lớp dầu bóng. Lưng áo cũng ướt đầm. Nhìn cách ăn mặc, tôi đoán chừng ông ta là phu khuân vác trong chợ. Các chị tranh nhau mời chào. Không biết họ sang đây hồi nào mà rành tiếng Miên thế? Ông khách đứng quan sát từng chị, so sánh chọn lựa một nhan sắc. Các chị ra vẻ tươi cười. Cũng vẫn những cái miệng này, mới đây đã phát ra những âm thanh cú diều với vợ tôi, bây giờ lại thốt những lời dịu dàng dễ thương chi lạ. Ông khách chỉ vào một chị. Chị vui vẻ liếng thoắng dẫn khách vào phía trong. Có lẽ đã từng là khách hàng đấm bóp nhiều lần, ông khách tự nhiên trút bỏ quần áo bên ngoài, chỉ còn độc cái quần xà lỏn màu đỏ chói, nằm sấp xuống chiếc chiếu trải sẵn trên nền xi măng.

Tôi hỏi một chị ngồi kế bên: “Sao không để người ta nằm trên giường?”
“Giường làm kiểng thôi. Nó lung lay như chiếc răng sắp rụng.” Chị nói.

Tôi lần vào phía trong, xem cách làm việc ra sao. Chị lau mồ hôi cho khách bằng chiếc khăn nhàu nát. Chiếc khăn đã từng lau cho hàng trăm người. Lau xong, chị xòe hai bàn tay chém lia lịa đều khắp trên lưng người khách. Những ngón tay va vào nhau, kêu lách chách.

Sau màn dần lưng, chị lên ngồi trên mông khách, đùi dang ra hai bên. Chị nhích tới nhích lui, bóp từ trên vai xuống tới thắt lưng. Khách có vẻ khoái, nằm nghiêng đầu qua một bên, mắt lim dim hưởng thụ. Dùng sức nhiều, trán chị lấm tấm mồ hôi, nhưng mặt tươi tắn yêu đời. Tiền. Chính mãnh lực đồng tiền đã biến đổi người đàn bà cáu gắt trở nên vui vẻ. Thỉnh thoảng chị ngừng tay, lau trán với chiếc khăn vẫn lau mồ hôi cho khách. Khoảng đôi phút, chị xoay qua màn khác. Chị dùng ngón trỏ và ngón cái, kẹp từng miếng thịt trên lưng khách kéo lên. Và bàn tay kia phạt ngang như nhát chém. Một hồi, lưng khách ửng đỏ trên làn da vốn đã sạm màu. Rồi chị xòe hai bàn tay chà xát thật mạnh dọc theo hai bên sống lưng. Sau đó, chị dùng mười đầu ngón tay kéo mảng thịt trên lưng khách. Mười ngón tay nhanh như những cái chân con rít, đùa mảng thịt thành gợn sóng chạy dài từ thắt lưng lên tận bả vai. Chị thụt về phía sau, chồm lên phía trước theo mỗi gợn thịt đùa từ dưới trở lên. Cái háng dạng ra, tới lui chà lết trên mông người đàn ông. Động tác làm tôi liên tưởng chuyện tục.

Bất ngờ chị hỏi: “Muốn học nghề để truyền cho vợ hả?”
Tôi lắc đầu cười gượng, và bỏ ra ngoài hành lang. Thà tôi gặm cỏ cạp đất mà ăn, chứ không để vợ làm cái nghề dị hợm này!

Chiều sắp tàn. Khách càng đông. Họ cần đấm bóp giác hơi để tìm chút thư giãn sau một ngày lao động chân tay vất vả. Phía trong không đủ chỗ, các chị trải chiếu ra tận ngoài hiên. Những ông khách cũng dễ tính, họ xoay trần nằm sấp trên hiên, kế bên lề đường có bao nhiêu người qua lại. Người đi đường cũng không tò mò dòm ngó. Họ đã quen mắt nên coi đấy là chuyện thường.

Các chị làm việc lăng xăng. Tôi kiên nhẫn chờ một chỗ tá túc qua đêm. Lại có dịp coi thêm màn giác hơi.
Giai đoạn này, chị đấm bóp không ngồi trên mông khách. Bộ đồ nghề là những cái lọ thủy tinh bầu tròn cỡ trái quít. Chị thắp ngọn đèn dầu nhỏ. Dùng cái que, một đầu có đính cục bông, nhúng vào lọ dầu, châm lửa. Chị cầm nghiêng cái lọ, thọc ngọn lửa vào quậy quậy, và rất nhanh, chị chụp xuống. Cái lọ hút dính vào lưng. Từ miệng lọ da thịt phù lên. Chị làm nhanh tay và thiện nghệ. Cứ thế, từng lọ, từng lọ được chụp xuống, trông như những chiếc bong bóng nổi đầy trên lưng khách. Chị để yên đấy, và khách cũng nằm im. Trong thời gian chờ đợi, chị ngồi hút thuốc. Chị giải thích, phải chờ cho máu bầm tụ lại, sau đó sẽ đánh tan đi. Làm thế, máu huyết lưu thông, sẽ hết nhức mỏi và tránh được bệnh thời khí cảm mạo thông thường. Tàn điếu thuốc, da thịt phù lên trong lọ cũng bầm tím. Chị cầm từng chiếc giựt ra, mỗi lần giựt kêu bốc một tiếng. Lưng khách bây giờ, nổi đầy những vết bầm hình tròn. Chị lau sơ, và thoa đều một lớp dầu mỏng cho trơn. Thoa dầu xong, chị chỉ dùng một cái ống giác, thọc ngọn lửa vào quậy, và chụp nhanh xuống lưng khách. Chị kéo cái ông giác chạy lên chạy xuống, đều khắp trên lưng. Đây cũng là giai đoạn chót của màn giác hơi. Xong, chị lau sạch lớp dầu lần cuối cùng, và vỗ nhẹ trên lưng khách vài cái, báo hiệu mọi việc đã hoàn tất. Khách đứng lên vươn vai, mặc lại quần áo. Trông khách khỏe ra, mặt mày tươi tỉnh.

Chiều tàn. Người trong khu chợ Ô Hòa Xây thưa dần. Các chị cuốn chiếu, thu dọn đồ nghề và mua cơm phần gói trong lá sen cho bữa ăn tối. Chúng tôi theo các chị về bằng xe Lambretta ba bánh. Ngồi trên xe, tôi nhắm mắt lại. Có cảm tưởng như mình đang lao vào cõi mông lung vô định với nhiều rủi ro bất trắc.

Các chị thuê phòng trên tầng lầu thứ tư của một chung cư. Chúng tôi lên lầu cùng lúc những ông chồng của các chị về tới. Mỗi ông xách theo một thùng nước, tay kia xách cục nước đá treo tòn ten bằng sợi dây. Nước đá được bỏ vào thau nước lã, dùng làm nước giải khát. Còn thùng nước, dành cho các chị tắm rửa.

Chồng của các chị làm phu khuân vác nơi chợ búa, hoặc các bến xe hàng. Tất cả, họ thuê chung một căn phòng rất rộng. Phòng được chia ra từng phần làm chỗ ngủ, diện tích vừa tấm chiếu, che bằng những tấm màn vải. Họ sống tạm bợ. Kể cả tình nghĩa vợ chồng cũng là sự gán ghép tạm bợ giữa đường. Bởi những người đàn bà đàn ông này, đều đã có gia đình ở quê nhà. Họ trôi giạt sang xứ người kiếm sống và ráp lại từng cặp, chẳng qua vì vấn đề âm dương phối hợp mà thôi.

Chủ nhà là một bà già người Miên, ít nói. Đôi mắt cú vọ nhìn người lom lom, thể hiện cái thói gian tham, xảo quyệt. Dù chúng tôi nằm dười sàn gạch, bà cũng bắt chẹt phải trả tiền một đêm. Nghe nói vào thời Pol Pot cầm quyền, những người dân thành phố, một số chạy trốn, một số khác bị giết, hoặc bị lùa đi các công nông trường. Họ đi không bao giờ về nữa. Dân cùng đinh khố rách khắp nơi tràn vào thành phố, chiếm lấy nhà cửa. Từ đó, thành sở hữu chủ luôn.

Buổi tối. Tôi xuống đường, tắm nơi vòi nước máy và xách lên một thùng cho vợ con. Vòi nước công cộng, một tay anh chị mặt rô tự đứng ra quản lý, phân phối và thu tiền bỏ túi. Ai dám phản đối? Thời buổi nhiễu nhương rối loạn. Luật pháp như cái cân hư. Xã hội xô bồ. Lưu manh ngự trị. Trời Phật không có chỗ đứng trong lòng người. Lòng dạ người nào cũng thủ sẵn một con dao. Họ vừa bảo vệ bản thân, vừa rình cơ hội đâm mũi nhọn vào người khác.

“Ở đây, thứ gì cũng trả tiền. Biết thế, ở lại cái nhà trọ thuê giường còn khỏe hơn.” Vợ tôi cằn nhằn.
Tôi nói: “Ai ngờ được những gì sẽ tới? Mình giống như nàng Kiều của Nguyễn Du. Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu!”

Vợ nổi cáu: “Chết lên chết xuống không lo, còn thơ phú nữa? Dẹp ông Nguyễn Du đi. Hãy lo moi vàng ra mà sống.”

“Anh cũng muốn lôi nó ra, nhưng nó cứ nằm lì trong bụng. Biết làm sao?”
“Lúc nào anh cũng tâm niệm hai tiếng “đi cầu” thì nó ra thôi.”

“Đi cầu mà cũng tâm niệm?”
“Phải. Anh cứ tưởng tượng mình đang chột dạ mót đi cầu, cần tống khứ tất cả những gì trong bụng ra ngoài. Đến một lúc, anh sẽ tuôn ra hết ngay. Người ta gọi đó là tự kỷ ám thị”

“Khổ quá! Em điên rồi, nên nghĩ đủ điều như thế.”
“Không ám thị được, em sẽ cho anh một liều thuốc xổ.”

"Em ơi, anh đang mệt mỏi. Uống thuốc xổ hoài, mất sức làm sao chịu nổi?” Tôi nói như rên.
Vợ cương quyết: “Cũng phải chịu. Nếu đêm nay, nó không ra. Ngày mai, em mua thuốc xổ. Em cần vàng để xoay trở. Chỉ có vàng mới cứu nguy được trong lúc này.”

Tôi vào nhà cầu, lót tấm giấy bìa trên sàn, ngồi rặn và tự kỷ ám thị. Vàng ơi! Vàng ơi! Tôi gọi vàng và ám thị. Tâm trí lan man, nghĩ hận bọn thằng Nu. Vì mấy cây vàng, mà chúng nhẫn tâm xô vợ chồng tôi vào ngõ cụt.

Không biết oan gia nghiệp báo nợ nần nhau từ kiếp nào mà tai họa bám theo tôi như bóng với hình? Tôi được phóng sinh... Tôi nói phóng sinh thay vì phóng thích, mới bày tỏ hết ý nghĩa của những con người đang quằn quại trong cảnh âm ty. Vâng, tôi được phóng sinh ra khỏi trại tù, cũng chưa thoát nạn. Về quê, lại gặp chính quyền địa phương hà khắc. Họ chèn ép, bắt tôi đi làm thủy lợi liên miên. Gặp hồi mạt vận, vùng vẫy cách nào cũng không thoát. Đành cắn răng chịu đựng. Nín thở qua sông. Qua chưa hết con sông, lại nghe họ sắp đưa tôi đi gỡ mìn trên biên giới. Đã có nhiều người bỏ mạng vì công tác này rồi. Tôi biết họ muốn dồn tôi vào cửa tử. Không lẽ cúi đầu chờ chết? Tôi dẫn vợ con trốn ra miền Trung, tìm đường vượt biên. Từ đó, thiên la địa võng trùng trùng bủa vây. Chạy ngả nào cũng chạm mặt bất lương.

Đầu tiên, tôi quen một bà mệnh phụ tại Nha Trang. Bà tự giới thiệu, trong quá khứ bà là giáo sư của một trường nữ trung học ở Huế, và là vợ của một viên thiếu tá chế độ cũ, tù cải tạo chưa về. Tôi đặt niềm tin nơi người đàn bà mô phạm này. Bà nói, bà đã từng tổ chức đưa người vượt biên trót lọt. Tôi là người đồng cảnh ngộ với chồng bà, nên được đặc biệt ưu tiên, tận tình chiếu cố. Điều kiện vượt biên, không đưa vàng trước. Chỉ khi nào đặt chân lên ghe lớn, mới trao thư và mật mã để thân nhân căn cứ vào đó mà đưa vàng. Thời buổi củi quế gạo châu, con người lọc lừa phản trắc, khó tin tuyệt đối nơi một người nào. Điều kiện như thế, thật là sòng phẳng hợp lý. Để củng cố thêm niềm tin cho những kẻ sắp vượt trùng dương tìm đất mới, bà gọi bọn đàn em đến nhà, thắp đèn đốt nhang, cùng nhau thề nguyền trước bàn Phật. Phật đã chứng kiến. Con nào thằng nào dám lật lọng, trời tru đất diệt nó!

Một đêm tối trời, tại Hòn Khói. Tôi dẫn vợ con lên chiếc ghe nhỏ taxi, ra đảo hoang nằm chờ ghe lớn. Trên đảo đã có sẵn hơn ba chục người chờ đợi. Giữa trời nước bao la, ban đêm gió lạnh thổi ù ù. Mọi người nằm rúc vào nhau tìm hơi ấm. Ban ngày, trời nắng như thiêu đốt. Ngồi núp theo những hốc đá, hả họng mà đớp khí trời. Đã thế, còn thêm cái nạn bị muỗi và bù mắt đốt. Da thịt chân tay nổi mận sần sùi ngứa ngáy. Đám con nít không biết tại sao cha mẹ đem chúng ra chốn này để sấy khô, ướp lạnh. Chúng khóc la ỏm tỏi, đòi về. Khóc khan cổ họng, rồi cũng phải nín. Dưới cái nóng buổi trưa, chúng nằm thoi thóp, tội nghiệp.

Trong các hốc đá, nhóm tổ chức còn cẩn thận trữ sẵn gạo, muối, đường, cà phê. Nhiều người khen họ chuẩn bị chu đáo. Nhưng coi kỹ lại, không tìm đâu ra chiếc nồi để nấu. Đó là những vật dùng làm cảnh tạo niềm tin. Vật làm cảnh để đấy, thì muôn đời vẫn còn nguyên đấy thôi. Không ai dùng được.

Mỗi ngày, có chiếc ghe nhỏ đem cơm nước từ đất liền ra đảo. Mọi người nôn nóng nhao nhao hỏi thăm chừng nào ghe lớn đưa đi? Được trả lời rằng, chưa thuận tiện. Phải chờ. Chờ cho thời gian chín muồi đau khổ.

Một hôm, người đem cơm chỉ một chiếc thuyền xa xa, báo tin mừng: “ Con cá lớn sắp tới rồi. Bà con viết thư mau lên.”

Trong nỗi mừng vui quá đỗi, mọi người hấp tấp viết thư và ghi rõ mật mã cho thân nhân. Người đem cơm cũng sốt ruột không kém, anh ta thúc hối từng người, nhanh chóng thu gom tất cả thư từ. Sau khi kiểm đủ số thư, anh cho biết cần chạy ra liên lạc với con cá lớn. Mọi người vất bỏ những thứ lỉnh kỉnh không cần thiết, thu gọn đồ đạc, nhấp nhỏm ngồi chờ. Bao nhiêu mệt nhọc trong những ngày qua, phút chốc đều tan theo sóng biển. Con cá lớn sẽ đưa ta về miền đất hứa. Ôi, ba tiếng “con cá lớn” thân yêu biết dường nào! Ta mong đợi ngươi từ lâu lắm. Nhưng, sao lạ vậy? Hình ảnh con cá lớn càng lúc càng xa mù, mất hút giữa trùng dương xanh ngắt. Còn chiếc ghe nhỏ hướng mũi về đất liền, cũng biệt tăm luôn. Mọi người chưng hửng nhìn nhau, chưa tìm ra câu giải đáp. Lúc sau, chừng như thấm ý, có bà bật khóc. Rồi như một cái dịch truyền nhiễm, các bà khóc theo. Các ông văng tục chửi thề loạn xà ngầu. Tiếng khóc, tiếng chửi theo gió biển bay đi, không để lại một âm vọng nào.

Trưa hôm sau. Một người đàn ông khác, lái chiếc ghe nhỏ đem cơm nước ra đảo. Mọi người bu lại như muốn phanh thây xẻ thịt anh ta.

Anh kêu gọi: “Xin bà con bình tĩnh..., bình tĩnh...” Chờ cho mọi người bớt cơn thịnh nộ, anh giải thích. “Rất lấy làm tiếc, ghe lớn bị động, không thể rời bến như dự định.”

Có người hỏi: “Vậy, chừng nào rời bến được?”
“Hiện thời, công an đang theo dõi, chưa dám nhúc nhích. Không thể nói chắc thời gian.”

“Chúng tôi ở đây, anh giải quyết thế nào?”
“Bà con chịu khó nằm chờ. Ai không muốn chờ, có thể theo ghe nhỏ trở về. Khi nào có chuyến, chúng tôi sẽ thông báo ra đi lần nữa.”

Nghĩ đến những ngày chịu đựng vừa qua, mọi người ngán ngẩm. Tất cả đều muốn đi về, chờ đợi chuyến sau.
Tôi về đến nhà người em, vào lúc nửa đêm.

Em tôi ngạc nhiên: “Ủa? Sao anh trở lại?”
Tôi mệt mỏi: “Có đi đâu mà trở lại?”

“Tối hôm qua, bà Thiếu Tá đến trao thư, và thông báo anh đã lên ghe bình yên. Em coi thư, đúng là mật mã và chữ viết của anh. Em trao vàng cho bà rồi.”

Tôi sực tỉnh, giậm chân kêu trời không thấu. Biết gặp phải lưu manh cướp cạn, năm lần bảy lượt tôi đến nhà bà Thiếu tT, đòi lại sáu cây vàng. Nhưng bà luôn luôn đi vắng.

Một hôm, tình cờ gặp bà trên phố. Tôi lớn tiếng đòi bà phải trả lại vàng.
Bà bảo: “Vàng đã chia năm xẻ bảy rồi. Không thể gom lại được. Ông chờ gọi đi chuyến sau. Tôi khuyên ông đừng nên làm rùm beng. Công an biết được, nó còng đầu cả lũ.”

Tôi về, thuật cho vợ nghe trường hợp gặp bà Thiếu Tá.
Vợ nóng mặt: “Tố cáo bả và đồng bọn.”
Tôi giải thích: “Tố cáo bả và đồng bọn lường gạt, thuộc tội hình sự, chỉ bị tù vài tháng. Còn mình vượt biên, bị khép tội phản quốc, thuộc tội chính trị. Tội chính trị ở tù nhẹ lắm cũng vài năm.”

Vợ uất hận, gầm lên: “Tức chết... đi!”
Tôi nói: “Tức cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chẳng lẽ mất vàng, còn lao đầu vô tù?”

Chúng tôi ở lại Nha Trang, nơi nhà người em trong sự lo âu hồi hộp.
Em tôi trấn an: “Anh yên tâm. Láng giềng của em đều có gốc gác thuộc thành phần chế độ cũ. Toàn là phe ta cả.”
Tôi bị bà Thiếu tá “phe ta”, nữ giáo sư trường Đồng Khánh chơi cho một vố đau như bò đá. Bây giờ, nghe nói “phe ta”, tự nhiên tôi có ác cảm. Thiên hạ đua nhau bợ đít “cách mạng”, theo thời xu thế. Gió thổi cỏ rạp. Tiểu nhân cúi đầu. Loại người mang tâm địa hèn mạt sẵn sàng bán đứng “phe ta”, đổi lấy một chút quyền lợi nhỏ nhoi nào đó. Những năm trong tù, cho tôi nhiều kinh nghiệm đắng cay. “Phe ta” lẻ tẻ vài anh trở mặt. Họ như những con dòi cựa quậy ngoi lên trong nỗi khốn cùng của anh em. Nịnh nọt dựa hơi “cách mạng”. Hành hạ chà đạp “phe ta” không thương tiếc. Họ lấy sự vùi dập người khác làm sự sống còn của mình. Những khuôn mặt bẩn thỉu lem luốc đó, ra khỏi tù, tôi còn gặp lại họ ngoài đời. Họ giỏi luồn lách, và mau chóng thích nghi với chế độ mới. Làm người, nhưng họ mang bản năng của loài tắc kè, đổi màu da theo cảnh sắc.

Những người láng giềng của em tôi lịch sự và tử tế. Họ tỏ ra thân thiện với tôi như đã cảm thông nhau từ lâu lắm. Tôi nghi ngờ, nên cố giấu thân phận mình. Nhưng con mắt của “phe ta” rất tinh đời. Họ biết tất cả.
Một buổi tối. Bất ngờ công an ập vào nhà, lục soát và xét giấy tờ của tôi.

Công an hỏi: “Anh đến đây làm gì?”
Tôi nói: “Tìm việc làm.”

“Sao không làm việc ở quê anh?”
“Quê tôi không có việc gì cho tôi cả.”

“Anh đi, không có phép của chính quyền địa phương. Anh ở, cũng không thông báo cho chúng tôi biết. Tại sao?”
“Tôi tạm trú, chờ tìm được việc, sẽ xin phép các anh cho ở đây. Nếu không tìm được việc, tôi về quê cũ”

“Láo. Chúng tôi biết anh đang tìm đường vượt biên. Cho anh thời hạn một tuần chuẩn bị rời Nha Trang. Hàng ngày, anh phải lên phường trình diện với chúng tôi, cho đến ngày đi khỏi.”

Trong số những công an xét hỏi, có một gã còn trẻ. Gã này đang theo đuổi tán tỉnh cháu gái tôi. Khi công an ra cửa, gã cố ý đi chậm lại đàng sau, nói nhỏ với cháu tôi.

“Người ta tố chú vượt biên, nhưng không tìm ra bằng chứng. Chú đang bị theo dõi.”

“Người ta” mà gã công an nói, là ai đây? Điểm trúng vào tử huyệt của ta, là người hiểu ta. “Kẻ thù ngồi sau lưng bệ hạ đấy!” Trên đường bôn tẩu, An Dương Vương được rùa thần báo như thế.

Bị tống xuất khỏi Nha Trang, tôi về Sài Gòn tìm đến những bà con thân thuộc. Tất cả đều thờ ơ lạnh nhạt. Trong khánh tận nỗi đời, nhìn rõ mặt trắng đen. Nhắc câu thân tình ân nghĩa cũ, dễ làm người ta khó chịu như coi tên hề diễu dở. Không bám víu vào đâu được, tôi như con chim run sợ trước cơn giông thời cuộc. Thấy công an như thấy bóng hung thần. Sứ giả của chế độ mới, đến đâu là gieo rắc điềm dữ đến đấy. Trong lao đao hốt hoảng, tôi chạy trốn theo đường dây vượt biên lên Kampuchia. Và tại đây, tôi sa vào bẫy của thằng Nu. Sa bẫy thêm lần này, chúng tôi thành trắng tay.
Chỉ còn hy vọng vào chiếc khâu vàng, nhưng không biết nó còn trong bụng, hay đã lọt đi đàng nào?
Ngồi trong nhà cầu, tôi ám thị và gọi mãi vàng ơi vàng ơi, trong niềm đau nhức.

“Ra chưa anh?” Vợ hỏi vọng vào.
Tôi nói: “Chưa thấy gì.”

“Ngồi ráng thêm chút nữa coi sao.”
“Ráng vô ích. Cho anh liều thuốc xổ thôi.” Tôi đi ra ngoài.

Vợ nhìn mặt: “Mấy hôm nay, trông anh hốc hác nhiều. Uống thuốc xổ cũng tội, nhưng không còn cách gì khác.”
Buổi tối, trong gian phòng rộng lớn. Mọi người ngồi dựa lưng vào vách tường, tán gẫu đủ thứ chuyện. Qua câu chuyện, tôi biết có một chị, sáng mai sẽ về Việt Nam thăm gia đình. Những món quà chị sắm cho chồng con, đặc biệt có chiếc quần Jean sờn gối. Chị nói, chồng chị sẽ rất thích chiếc quần này, dân chơi đúng điệu chỉ mặc quần Jean bạc màu sờn rách. Chị ngồi dựa lưng vào lòng anh chồng hờ. Anh cũng âu yếm vòng tay ôm khít lấy chị. Họ tận dụng những giờ phút còn gần gũi bên nhau. Tất cả những người khác coi thế là tự nhiên, nhưng vợ tôi ngượng.

“Kỳ!” Vợ nói nhỏ.
Tôi bảo: “Kệ người ta.”

Đến giờ ngủ, những tấm màn vải được kéo ra, ngăn làm nhiều phòng nhỏ sát chân tường. Còn lại khoảng trống giữa phòng, tôi trải tấm chiếu cho vợ chồng tôi và đứa con.

Đèn tắt, nhưng phòng còn có ánh sáng do ngọn đèn đường hắt vào. Chung quanh chỗ tôi nằm, từng cặp nói chuyện thầm thì, cười khúc khích. Một hồi sau, nổi lên những tiếng động dâm dật. Họ không cần khẽ khàng, dè chừng ai nữa. Cặp nào cũng như nhau, coi đó là điều tự nhiên. Mục đích gán ghép vợ chồng tạm bợ của họ, cũng chỉ vì chuyện ấy mà thôi. Chúng tôi bị bao vây bởi những âm thanh đầy kích thích.

Tôi cố dỗ giấc, và lãng quên. Nhưng cái lỗ tai bây giờ quá thính. Tôi nghe rõ cả hơi thở dồn dập của họ, sát bên. Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh và động tác...
Con tôi, sau những ngày vất vả, buông mình xuống là ngủ khì. Vợ tôi nằm lặng, không biết thức hay ngủ? Tôi khẽ trở mình, đưa tay khều thử.

Vợ hất tay: “Đừng.”
“Ngủ chưa?”
“Hứ!”

Tôi cười thầm. Vợ tôi đang chú ý cái âm thanh gợi dục này, còn hơn tôi nữa.

Sau một chặp đầu hôm, mọi người đi vào giấc ngủ. Tôi vẫn trăn trở lo lắng buồn rầu cho một ngày mai. Nửa khuya, tôi nghe có sự cựa quậy nơi vị trí của người đàn bà sắp về Việt Nam. Tiếng động dâm dật lại nổi lên. Anh chị cố vớt vát thêm thú vui dục lạc, bù lại những ngày sắp xa nhau. Về thăm chồng lần này, nếu chị mang thai, đứa bé ra đời, dĩ nhiên chồng chị chịu trách nhiệm. Nhưng nó là con ai, chỉ có chị biết mà thôi. Khi tiết trinh là điều xa xỉ, loạn dâm là chuyện bình thường thì loài người đồng hóa với súc sinh. Sáng ra, tôi nói với vợ ý nghĩ này.

Vợ nguýt dài: “Khéo lo chuyện tầm phào.”
Tôi cười cười: “Đêm rồi ngủ ngon không?”

“Đừng hỏi báp láp. Ông ham lắm!”
“Ham gì?”

“Chuyện đó.”
“Chuyện đó, ai không ham? Em cũng vậy.”

“Không có tôi đâu. Đừng nói chuyện đó nữa. Bây giờ, ông vào nhà cầu rặn chiếc khâu cho tôi. Nếu nó ra, tôi khỏi tốn tiền mua thuốc xổ.”
“Lúc nào em cũng nghĩ đến chiếc khâu!”
“Chứ sao? Thiếu nó thì còn làm ăn gì được?”

Vợ chưa mua thuốc xổ. Tôi bắt lại được khâu vàng, sau một tuần lẩn trốn trong bụng. Một chị đấm bóp tình nguyện dẫn chúng tôi đi bán vàng. Dĩ nhiên, sự cám ơn phải thể hiện bằng tiền. Chị lại hướng dẫn chúng tôi ra vùng ngoại ô thành phố, mướn một căn lều bằng lá. Một căn lều theo đúng nghĩa đích thực của nó, nhưng chúng tôi gọi là căn nhà cho đỡ tủi thân. Mái nhà lợp bằng lá mía, chung quanh che chắn bằng liếp tre đan thưa thớt. Chiều sâu căn nhà quá ngắn, nhưng chiều ngang lại quá dài. Nghe nói, trước đây người chủ của nó dùng làm chuồng nuôi gà công nghiệp. Nhưng gà chết toi nhiều quá, nên dẹp luôn. Chuồng bỏ trống. Phía sau nhà còn chất đầy những chiếc lồng gà cũ. Có được một chỗ trú mưa che nắng là tốt rồi. Tôi ra sức quét dọn tẩy uế cả ngày, trông cũng mát mắt. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc tạo điều kiện đời sống. Mua chăn màn nơi sạp bán đồ cũ. Mua chén dĩa, vài cái nồi nấu ăn, thêm chiếc nồi lớn dùng hấp xôi. Vợ tôi chọn nghề bán xôi làm kế sinh nhai. Cái nghề ít vốn, thích hợp với hoàn cảnh, tiện lợi cho việc ăn uống. Xôi bán không hết, vợ chồng con cái ăn xôi trừ cơm. Đỡ phí của trời!

Sáng sớm. Tôi gánh xôi vào thành phố. Vợ ngồi bên lề bán cho khách qua đường. Người mua kẻ bán nói với nhau bằng ngôn ngữ đôi tay. Miệng ú ớ không nên lời. Đôi khi ngớ ngẩn đến buồn cười. Mấy ngày sau, tôi nghĩ ra một sáng kiến. Nhờ người viết tấm bảng bảng liệt kê giá cả bằng tiếng Miên. Gói nhỏ một đồng. Gói vừa hai đồng. Gói lớn ba đồng. Người mua giơ ngón tay chỉ vào một trong ba hàng chữ ấy. Dễ dàng cho cả đôi bên. Con tôi cũng tích cực góp phần vào sinh kế. Nó bưng cái mâm có những nắm xôi đã gói sẵn, bán dạo theo các tiệm cà phê. Nó biết nở nụ cười mời khách. Có người không muốn ăn xôi, nhưng thấy nó lí nhí nói cái thứ tiếng chẳng ai nghe được và cười hoài, người ta cũng mua. Mặt nó vui hẳn lên, mỗi lần bán được gói xôi. Mười hai tuổi, lăn vào chốn mưu sinh, nó hiểu thế nào là giá trị của những đồng tiền. Còn tôi, đứng xớ rớ không biết làm gì. Lòng bứt rứt không yên. Tôi lang thang tới bến xe đò, xin làm phu khuân vác. Ở ngoài nhìn vào, cứ tưởng vai u thịt bắp là được việc. Nhưng không. Còn một điều kiện khác nữa, và đây mới là điều kiện cần thiết. Muốn có việc, phải giành mối. Trên đường đời, tôi thiếu bon chen, tay chân cò vạc lại vụng về xốc vác, nên chẳng ai thèm mướn.

Chiều về, tôi nằm trên chiếc võng đưa qua đưa lại, buồn bã rời rã. Nhìn vợ con lu bu chuẩn bị cho nồi xôi ngày mai, tôi thấy rõ ràng mình đang sống bám trên hai chiếc lưng gầy gò yếu đuối. Giận mình bất tài vô tướng. Buồn giận quá, đâm ra quẫn trí. Tôi thù bọn chính quyền của quê tôi, thù bà thiếu tá giáo sư ở Nha Trang, thù bọn thằng Nu ở Miên. Từ đó, tôi ghét lây đến cả người đời. Sau những bản mặt hiền từ, họ còn giấu biết bao điều tàn ác bất lương. Những kẻ giả danh, mặt người dạ thú. Trong uất hận, tôi tưởng tượng mình có đủ quyền uy để làm như một Néron ngồi uống rượu, xem lửa đốt thành La Mã. Hay một Tần Thủy Hoàng lùa thiên hạ xuống hầm sâu chôn sống.

Tính tình tôi trở nên bẳn gắt. Con tôi sợ hãi người cha lầm lì dữ tợn. Nó đâu biết trong sâu thẳm cõi lòng, tôi thương và tội nghiệp nó đến nhàu nát ruột gan. Hoàn cảnh khó khăn, nó không được đến trường. Đêm đêm, dưới ngọn đèn dầu, tôi dạy nó về những kiến thức nhà trường. Cố nhồi nhét vô đầu nó những con số toán học. Nó quờ quạng với những ẩn số x, y. Tôi cú đầu nó, và la hét ầm lên. Nó hoảng. Càng hoảng, càng không lãnh hội được gì.

Vợ nói: “Anh dạy học với thái độ của nhân viên phòng tra tấn.”

Nghĩ lại, tôi thấy mình quá nóng tính. Tôi không thể làm thầy, dù là thầy của con mình. Tôi tuyên bố không làm gia sư nữa. Con tôi mừng.

Vợ lại nói: “Suy nghĩ nhiều, coi chừng điên đấy. Phải làm việc gì cho khuây khỏa.”
“Việc gì? Khuân vác cũng không ai mướn.”

“Không làm mướn cho ai cả. Anh đủ sức vác bao bánh mì không?”
“Dư sức.”

“Được rồi. Anh vác bao bánh mì đi bán dạo theo các xe đò đậu dài dài trên đường Thu Mút, gần chỗ em bán xôi.”
“Em có lý. Xôi bán ế, ăn hoài nhợn lên tới cổ họng. Bây giờ thêm bánh mì ế nữa. Mình có thể thay đổi món ăn. Một bữa ăn bánh mì, một bữa ăn xôi.”

Thế là từ đó trở đi, tôi làm người bán bánh mì dạo. Sau khi gánh xôi vào thành phố cho vợ ngồi bán, tôi lội bộ ba cây số tới lò bánh mì, vác một bao trở lại đường Thu Mút. Tôi rảo theo những chiếc xe đò, cầm ổ bánh mì chìa ra trước mặt khách trên xe. Tôi mời họ mua, bằng cách kêu “bòn, bòn”, và gật gật cái đầu.

Ngày đầu tiên, bán được nửa bao bánh mì. Còn nửa bao, tôi vác về. Vợ chồng con cái ngồi ăn bánh mì, cười hỉ hả.

Con tôi nói: “Ăn bánh mì chấm nước mắm, ngon hơn ăn xôi với đường.”
Tôi hỏi: “Con chịu ăn hoài như thế này không?”
“Con chịu. Nếu cho con thêm chút thịt thì ngon hơn.”

Câu nói của con làm lòng tôi đau nhói. Nó cần thịt, nhưng từ lâu chúng tôi đâu dám tốn kém vì loại thực phẩm cao cấp này.

Buổi tối, tôi nói với vợ, dù buôn bán được hay không cũng mua cho con miếng thịt. Vợ nói, đã nghĩ điều đó rồi.
Hôm sau, tôi vác nửa bao bánh mì cũ đi bán nữa. Khách cầm ổ bánh bóp thử, rồi trả về. Tôi cố gỡ gạc tiền vốn, chỉ bán hai phần ba giá, nhưng người ta cũng từ chối. Không ai chịu mua một ổ bánh mì cứng đơ như khúc củi.
Hôm ấy, nửa bao bánh mì cũ còn nguyên. Tôi muốn bỏ nghề.

Vợ khuyên: “Mới thua keo đầu, không đáng ngại. Thử thời vận thêm vài bữa xem sao?”
“Ừ, thì thử. Nhưng cái vốn của mình, đủ sức bù lỗ không?”
“Em còn đủ sức chịu lỗ mười ngày như thế. Hồi còn ở Việt Nam, có người chỉ cho em cách làm bánh mì cũ, trở thành bánh mì nóng giòn. Em sẽ thử.”

Trong khi chúng tôi bàn chuyện, con tôi ăn bánh mì cũ với thịt heo ram mặn.
Nó nói: “Thịt heo Kampuchia, ngon hơn thịt heo xứ mình.”

Tôi hiểu ngay rằng, vì quá thiếu thốn mà nó thấy ngon đó thôi.

Những ngày sau, tôi tiếp tục đi bán bánh mì. Công việc quen dần, tôi rút được nhiều kinh nghiệm mời khách. Làm ăn có khá hơn. Tuy thế, ngày nào cũng còn dư bánh mì đem về. Vợ tôi thoa nhẹ một lớp nước mỏng lên ổ bánh, và ủ qua đêm trong cái bao nylon. Buổi sáng, đem ra hơ trên lửa than. Bánh mì cũ lại trở thành bánh mì nóng giòn!

Chuyện buôn bán cũng đủ cho gia đình sống lây lất qua ngày. Dù vất vả nhưng không bi thảm như lúc đầu. Đêm, tôi nằm hút thuốc trên chiếc võng đưa cọt kẹt. Vợ con tôi lo hấp xôi. Con tôi ríu rít kể chuyện. Có người ăn một lần đến ba gói xôi. Có người ăn xong, còn mua vài gói đem về nhà. Cũng có người chỉ ăn nửa gói, còn nửa gói chê dở, trả và đòi tiền lại.

“Rồi con có trả lại tiền không?” Vợ tôi hỏi.
Nó cười: “Không. Con bỏ chạy.”

Vợ nói: “Lần sau, nếu gặp người như thế nữa, con trả lại tiền cho người ta.”
“Nhưng họ ăn hết nửa gói rồi.”
“Thì trả lại tiền nửa gói.”

Nó vẫn cương quyết: “Không trả. Gói xôi ăn lỡ dở, thì còn bán cho ai được nữa?”
Trong câu chuyện, thường nó khoe học được nhiều tiếng Miên. Nó dạy cho vợ chồng tôi đếm số. Và điều này, cũng cần thiết cho chúng tôi trong giao dịch buôn bán hằng ngày. Không khí gia đình tương đối dễ thở, nhưng láng giềng có điều rắc rối.

Xóm nhà lá tôi ở, toàn là gia đình nghèo người Miên. Cuối xóm, có một nhà người Việt, nhưng tôi cũng không gần gũi tiếp xúc. Qua bao nhiêu cạm bẫy cung ná, tôi nghi ngờ sự thân thiện của người đời. Chúng tôi sống âm thầm khép kín. Tránh động chạm làm mất lòng những người chung quanh. Tuy thế, một hôm bà Miên gần nhà, chỉ trỏ qua nhà tôi và la ầm lên. Tôi đứng bên này cười, dù không hiểu lý do. Nụ cười không đúng lúc, bà tưởng tôi khiêu khích. Bà gầm thét, ném khúc gỗ sang tôi. Tôi né tránh, không phản ứng. Loại người vô giáo dục, thường rất đanh đá chanh chua.
Lúc đó, có anh người Việt nhà cuối xóm đi ngang, thấy vậy đứng lại nhìn. Tôi nhờ anh ta hỏi xem bà có chuyện gì? Sau khi hỏi, anh cho biết bả chửi vì tôi quăng cứt qua nhà bả.

Tôi nói: “Tôi không làm chuyện dơ bẩn đó.”

Bà Miên không tin, cho rằng chỉ có thằng Việt Nam xấu xa mới chơi kiểu mất dạy như thế. Bà còn dọa, coi chừng bà đốt nhà tôi.

Sau hôm ấy, hai nhà hai bên quét rác đùa qua sân nhà tôi. Hành vi kiếm cớ gây sự. Tôi chẳng nói gì. Trò bỉ ổi tiếp diễn mỗi ngày. Cái sân thành nơi đổ rác. Kệ mẹ nó! Nói tới nói lui, ngôn ngữ bất đồng dễ thành lớn chuyện. Im lặng là một cách tỏ lòng khinh bỉ. Tôi cũng đâu cần ăn đời ở kiếp nơi cái xóm nhà lá khốn nạn này. Lúc nào đầu óc tôi cũng nghĩ chuyện ra đi. Tôi như co chim chỉ đậu tạm qua đêm. Rồi bình minh sẽ đến, và tôi sẽ bay đi thật xa.

Mỗi ngày, tôi lội bộ đi và về sáu cây số để lấy bánh mì từ lò nướng. Vợ tôi bàn, nên sắm chiếc xe đạp, giúp đôi chân đỡ mỏi đường xa. Tôi mua chiếc xe cũ trành, với giá rẻ mạt. Xe không thắng, không chuông, không đèn, không vè. Chiếc xe trần trụi đơn sơ đến mức, nếu bỏ bớt một bộ phận nào đó, thì không chạy được. Chẳng ai động động lòng tham với chiếc xe thổ tả này, tôi nghĩ thế. Tôi thường dựng xe nơi góc phố. Đúng năm ngày sau, chiếc xe bị cuỗm mất. Đây cũng là bài học dạy cho tôi biết rằng, bản chất con người là tham ác gian manh. Họ không từ nan bất cứ một thứ gì. Kể cả những vật nhỏ nhoi như cây kim sợi chỉ, cũng dấy lên trong đầu họ ý muốn chiếm đoạt. Từ nghìn xưa, Phật và Chúa đã biết thế, nên chiêu dụ con người ăn ở hiền lành thì được lên Niết Bàn của Phật, hay Thiên Đàng của Chúa. Nhưng người đời thực tế lắm. Họ không thả mồi bắt bóng. Niết Bàn hay Thiên Đàng là ảo ảnh. Của cải trên thế gian là hiện thực. Chiếc xe đạp trành của tôi, dù không béo bở, nhưng rõ ràng nó là một miếng mồi hiện thực, có thể nhá được. Đừng ai đem địa ngục kinh khiếp mà dọa chúng sinh. Ngay chốn trần gian này, đã là địa ngục rồi. Có ai sợ đâu?

Những ngày bán bánh mì, tôi quen một cô tên Nga. Tôi gặp lần đầu khi cô đáp chuyến xe đò từ Krong Kaoh Kong về Phnom Penh. Cô bước xuống đường Thu Mút trong cái dáng vẻ của một cô gái bụi đời. Hút thuốc và ngồi quán uống cà phê. Cô mua bánh mì, ăn kèm với bò kho. Thấy tôi là người Việt, cô bắt chuyện làm quen. Vài lần như thế, đôi bên tỏ ra thiện cảm. Cô cho biết đã sống bốn năm trên xứ Chùa Tháp. Quê cô ở Bến Tre. Năm hai mươi tuổi, cô có người yêu đi Bộ Đội, đóng quân trên đất Kampuchia. Cô lên đây tìm người yêu, nhưng anh đã chết tan xác trong một cuộc phục kích bằng mìn của quân Khmer Đỏ. Đau buồn không muốn trở về quê cũ, cô sống lang thang nương tựa vào các trại quân Việt Nam. Tôi hiểu ngay rằng cô đang làm gái điếm. Năm nay, cô hai mươi bốn tuổi. Bốn năm lăn lóc bụi đời, cô già đi trước tuổi. Tôi cũng nói với cô về chuyện gia đình làm ăn sinh sống. Cô ngỏ ý muốn thăm vợ con tôi. Tôi dẫn về nhà, giới thiệu vợ con. Từ đó trở đi, đôi bên thành chỗ thân quen. Mỗi lần về Phnom Penh, cô ngủ lại nhà tôi.

Có lần cô nói: “Em xin kết nghĩa làm em nuôi của anh chị.”
Tôi hỏi đùa: “Ai sẽ nuôi ai?”
Cô cười: “Anh chị nuôi em.”

“Nhà anh chỉ có xôi và bánh mì.”
“Hai thứ đó cũng đủ no rồi.”

Buổi tối, vợ tôi thì thầm: “Giai đoạn đầu, làm em nuôi. Giai đoạn sau, làm vợ nhỏ.”
Tôi nạt: “Nghĩ bậy!”
“Anh sắp ló đuôi rồi đấy.”

“Đuôi gì?”
“Đuôi dê.”

“Anh coi nó như em.”
“Lằn ranh anh em kết nghĩa mỏng manh lắm. Nhích tới một bước, em nuôi biến thành vợ nhỏ.”

“Ghen hả?”
“Tôi mà thèm ghen với con đĩ ngựa ấy à?”

“Ô hay! Sao mạt sát người ta? Nếu em không thích, anh bảo nó đừng đến đây nữa.”
“Hứ! Để coi hai người sẽ tiến đến đâu.”

Dù thế, bề ngoài vợ tôi không tỏ vẻ gì để cô Nga biết được ý nghĩ của mình. Tôi cũng không hề bảo cô đừng đến nữa. Cô coi gia đình tôi là chỗ thân tình. Lâu dần, cô hiểu rõ hoàn cảnh và lý do chúng tôi có mặt trên đất Kampuchia.

Một buổi trưa. Tôi đang nằm trên võng. Vợ con tôi đi chợ mua nếp và lá sen dùng cho việc bán xôi. Có gã Bộ Đội Việt Nam mang quân hàm thượng úy xuất hiện đột ngột trước ngưỡng cửa.

Gã hỏi: “Có phải anh tên Trần Văn Năm?”
Tôi tái mặt. Có chuyện gì đây? Đối với tôi, người của chính quyền Việt Nam được coi như sứ giả của điềm báo tai ương.
“Vâng. Tôi là Trần Văn Năm.”

Khi giao tiếp với mọi người, tôi tự đặt cho mình một cái tên giả. Nhưng sao gã Bộ Đội này biết? Gã tìm tôi có chuyện gì? Và biết gì về thân thế tôi? Nếu gã phát giác ra tôi đang cư ngụ bất hợp pháp, rắc rối sẽ không nhỏ. Tôi chưa kịp mời, gã đã vào nhà kéo ghế ngồi. Gã là khách, nhưng thái độ và cử chỉ hoàn toàn chủ động. Tôi trở nên lúng túng thụ động trước một đối tượng mà tôi rất ngại phải gặp mặt.

Tôi miễn cưỡng tiếp người lạ bằng chén nước lã: “Xin lỗi, nhà tôi không có sẵn nước trà.”
Gã khoát tay: “Được rồi.”

Tôi ngồi bối rối.
Gã tra vấn: ”Anh lên Kampuchia làm gì?”
“Bán bánh mì.”

Gã cười nhạt: “Thật không?”
“Nếu không tin, anh có thể hỏi những người Miên chung quanh đây. Họ biết việc làm của vợ chồng tôi.”

“Ở Việt Nam anh làm nghề gì?”
“Thợ mộc.”

“Cách Mạng vào Miền Nam, anh có đi cải tạo không?”
“Không. Chính sách của Cách Mạng không bắt những người dân như tôi đi cải tạo.”

Gã lắc đầu: “Tôi muốn nói chuyện với anh trong tinh thần hiểu biết và thành thật, nhưng anh chối quanh. Anh biết cô Nga không?”
“Biết.”

Gã nhắc tên cô Nga làm tôi giật mình.
“Cô là gì của anh?”
“Em nuôi.”

“Cô Nga nói, anh là sĩ quan Ngụy. Đi cải tạo, được Cách Mạng tha về. Trốn đi vượt biên, và bị người ta giựt hết vàng. Có đúng không nào?”

Thôi rồi. Bể chuyện hết rồi. Tôi hoảng sợ, ngồi im. Có lẽ, mặt tôi cắt không còn giọt máu. Thầm rủa con Nga khốn nạn. Nó lợi dụng sự thân mật của gia đình tôi để điều tra và tố cáo.

Gã tiếp: “Tôi đến đây là muốn giúp anh.”
Gã giúp được gì cho tôi? Muốn bắt bớ hay lường gạt? Gã lầm. Tôi chẳng còn của cải gì cho gã giở trò lưu manh lường gạt.
“Anh vượt biên là hành động trốn chạy. Tôi giúp phương tiện cho anh chạy. Nếu ở lại hoạt động chống đối, tôi bắt anh.”

Tôi ngồi nghe, không dám tin, không dám có ý kiến.
“Tôi đóng quân ở Tân Hao. Về đây công tác, sẵn dịp ghé lại nói chuyện cùng anh. Tôi có quen với một thằng chủ ghe người Miên. Hắn thường chở người vượt biên. Tôi là người cho hắn mượn súng đề phòng bọn cướp biển Thái Lan. Chuyến nào cũng trót lọt an toàn. Khi có dịp, tôi sẽ dẫn hắn đến đây để hai người trực tiếp nói chuyện với nhau.”

Tôi dè dặt: “Cô Nga đã nói về tôi, chắc cũng đã cho anh biết, tôi không còn vàng để vượt biên.”
“Vì thế mà tôi muốn anh gặp hắn để bàn xem có cách nào giúp được anh.”
“Tôi bỏ ý định vượt biên rồi. Hiện tại, chỉ lo làm nuôi vợ con.”

Gã cau mặt: “Cô Nga năn nỉ tôi giúp anh, nhưng anh nghi ngờ mãi.”
“Xin đừng gài bẫy tôi, tội nghiệp.”

“Muốn bắt anh lúc nào chả được. Gài bẫy làm đếch gì.”
“Tôi sẽ hỏi lại cô Nga, về chuyện này.”

Gã đến đột ngột như muốn áp đảo tinh thần tôi. Và ngồi chưa nóng đít, đã thoắt đi như một cơn dông. Thái độ kỳ lạ của gã làm tôi hoang mang, nửa tin nửa ngờ. Mong gặp cô Nga để hỏi về gã sĩ quan bộ đội. Nhưng cô như cánh chim phiêu bạt, biết đâu mà tìm?

Cô Nga về lại Phnom Penh, khi gia đình tôi đang ăn cơm chiều. Lần nào về, cô cũng mang theo món gì đó để ăn với chúng tôi. Tôi nghĩ, cô chịu đựng sự dày vò thân xác để mua món ăn đem đến. Đã mấy lần, tôi bảo cô không nên mua gì cả. Cô chỉ ậm ờ, rồi vẫn làm như những lần trước.

Vợ tôi nói: “Em về đây, đừng phí tiền mua món này món kia. Chị ngại lắm.”
Cô cười: “Không tốn kém bao nhiêu. Em góp phần cho vui.”

Khi nói chuyện, cô thường nở nụ cười rất tươi. Vì thế mà nhiều thằng mê cô chăng?
Sau bữa cơm, tôi chờ cô nói về gã Bộ Đội, nhưng cô cứ lờ đi.

Cuối cùng, tôi mở lời: “Hôm trước có một thượng úy đến nhà anh...”
“Ồ! Hắn đến rồi hả? Có nói gì không?”

Tôi hỏi lại: “Em đã nói gì với hắn?”
Cô gọi vợ tôi cùng ngồi: “Em quen với gã thượng úy này lâu rồi. Hắn có nhiều tiền. Em thắc mắc, với đồng lương chết đói của bộ đội, hắn lấy tiền đâu ra mà nhiều thế? Hắn kể rằng hắn bán bãi cho những tổ chức vượt biên. Nghe chuyện vượt biên, em nghĩ ngay đến anh chị. Em kể cho hắn về những khó khăn hiện tại của anh chị, và yêu cầu hắn giúp đỡ. Hắn đòi điều kiện. Em bảo, thân xác em chính là điều kiện của hắn.”

“Sao em tự hy sinh mình như thế?” Vợ tôi ái ngại.
Cô nói: “Chị ơi, đời em đã ba chìm bảy nổi, quý giá chi đâu mà so đo hơn thiệt. Em tính đưa hắn về đây giới thiệu, nhưng chưa có dịp. Không ngờ hắn tự mò đến trước. Hắn nói với anh chị thế nào?”

“Hắn nói sẽ dẫn thằng cha chủ ghe đến, nhưng anh chưa biết thực hư ra sao, chưa dám tin.”
“Chuyện này có thể tin được. Hắn chịu giúp mà không đặt điều kiện với anh chị, vì hắn biết anh chị không còn gì cả.”

“Tốt đến thế à?”
“Không. Hắn đặt điều kiện với em.”

“Điều kiện gì?”
“Sau khi anh chị ra đi, em làm vợ hắn.”

Vợ tôi hỏi: “Rồi em tính sao?”
Cô bình thản: “Trao đổi như thế cũng hay. Hắn cần tình. Em cần tiền.

Ngồi lặng một lúc lâu, vợ tôi xúc động cầm tay cô Nga: “Chị có lỗi với em,”
Cô ngạc nhiên: “Không. Chị có lỗi gì đâu?”

Cô Nga không hiểu, nhưng tôi hiểu. Vợ tôi ân hận vì đã nghi ngờ có chuyện vụng trộm giữa tôi và cô Nga, và gọi cô là con đĩ ngựa, dù chỉ nói với tôi.

Trong một đêm trăng mù sương, nơi ven rừng âm u sát bờ biển, cô Nga đưa chúng tôi xuống bãi Tân Hao. Cô đi với gã thượng úy. Gã đến đây, kiểm soát và đếm đầu người để tính ra số vàng tên chủ ghe người Miên phải trả.

Mọi người đã lên ghe. Vợ con tôi cũng lên ghe rồi. Cô Nga đứng sát mé nước. Sóng trườn lên bãi ướt cả gấu quần. Tôi cầm tay cô, ứa nước mắt nói những lời từ biệt.

Cô cũng siết tay tôi: “Anh chị ra đi bình yên. Mong chị không hiểu lầm em.”

Dưới màu trăng khuya, tôi không nhìn rõ mặt cô Nga nhưng tôi đoán cô buồn lắm. Đó là lần cuối cùng tôi và cô còn gặp.

Mười hai năm, trên xứ Mỹ. Thời gian không dài lắm, nhưng cũng đủ lãng quên những oán hờn ngày cũ. Bao nhiêu khuôn mặt bẩn thỉu xấu xa trong quá khứ, nhòa dần trong trí nhớ. Chỉ hình ảnh một cô Nga là còn đậm nét trong tôi. Muốn tìm cô để đền cái ơn tri ngộ, không là điều dễ. Trên đất nước Kampuchia ngày ấy, tôi cũng chẳng biết cô lưu lạc phương nào. Và tên Nga cũng chưa chắc là tên thật của cô ở quê nhà. Làm sao tìm lại được một con chim bay trong bao la trời đất?

No comments:

Post a Comment