Tòa Hành Chánh Phước Long vào năm 1963
Xin kính chào tất cả.
Hôm nay, chúng tôi gửi đến tất cả một bài viết về Phước Long. Cách nay đúng 50 năm, cũng vào tháng này, nó là tỉnh đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay phía cộng sản.
Phước Long là nơi mà rất nhiều người trong gia tộc chúng tôi có một thời gian dài gắn bó. Nó là nơi mà tôi có rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Đây cũng là nơi duy nhất mà tôi được gặp cả hai vị nguyên thủ quốc gia của nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Năm 1956, sau khi thân phụ của chúng tôi thôi giữ chức thư ký Hội Đồng Xã An Hòa (Trảng Bàng) thì về mua một căn nhà tại Tân Việt, sát Quốc Lộ 1, và đó là một trong ba căn nhà đầu tiên nếu đi từ Quốc Lộ 1 vào Trại Hoàng Hoa Thám. Sau đó, gia đình chúng tôi lại chuyển về Đường Trương Minh Ký, sát cổng xe lửa số 6. Cuối cùng, chúng tôi dọn vào một khu đất nằm cạnh Rạch Nhiêu Lộc, cách đó không xa. Về mặt thổ nhưỡng, chúng tôi thuộc Ấp Tây 3, Phú Nhuận.
Cũng trong thời gian này, vì nhu cầu hành chánh và cũng nằm trong khuôn khổ chương trình khẩn hoang lập ấp, Chính Phủ Ngô Đình Diệm cho thành lập nhiều tỉnh mới mà trong đó có Phước Long. Chính vì vậy nên thân phụ của chúng tôi được gửi đến tu nghiệp cấp tốc tại Ba Son. Tôi nhớ, có thấy thân phụ chúng tôi đem về nhà mấy hộp keo dán gỗ của Pháp. Loại keo này màu trắng đựng trong hộp màu cam, chữ đen.
Sau khi tu nghiệp, thân phụ của chúng tôi được thuyên chuyển về Khu Bắc Công Chánh Nam Phần. Sau đó, ông cùng một người bác họ của chúng tôi được gửi lên Phước Long. Hai người đảm trách phần nội thất bằng gỗ bên trong Tòa Hành Chánh Tỉnh Phước Long.
Một thời gian sau đó, gia đình chúng tôi cũng theo lên Phước Long. Chúng tôi được cấp cho một căn nhà trong Cư Xá Công Chánh lúc đó còn ở Phước Bình, sát phi trường. Gần đó là nhà thờ Họ Phước Bình. Họ đạo này do Linh Mục Huỳnh Văn Nhường quản nhiệm.
Cũng trong thời gian này, chú của tôi, Thiếu Úy Nguyễn Xuân Phê, vừa mới tu nghiệp ở Hoa Kỳ về, được lệnh đem một trung đội Công Binh Nhảy Dù lên Phước Long làm mấy cây cầu. Vào thời đó, Công Chánh Phước Long chưa được đầy đủ cho lắm trong khi Công Binh Nhảy Dù thì đã được tối tân hóa từ năm 1956, 1957.
Sau đó, khi tỉnh lỵ Phước Long đã được hoàn chỉnh mọi mặt thì gia đình chúng tôi dọn vào trong đó. Tỉnh lỵ lúc đó có Cư Xá Công Chức và Cư Xá Công Chánh. Gia đình chúng tôi được cấp cho một căn nhà vách ván mới tinh trong Cư Xá Công Chánh. Tối tối, cha của tôi thường lấy xe đạp chở chúng tôi đến nhà thờ. Anh em chúng tôi thích lắm, vì chỗ nào cũng có đèn đường sáng trưng và đèn hiệu trên các tiệm buôn thì muôn màu muôn sắc rất đẹp.
Năm 1960, tôi đã có đủ trí khôn để ghi nhận một số sự việc mà mãi sau này, ôn lại những sự việc đó, tôi mới hiểu rõ hơn.
Lúc bấy giờ, Tỉnh Trưởng Phước Long là Thiếu Tá Đỗ Văn Diễn, và Phó Tỉnh Trưởng Nội An là Đại Úy Kỵ Binh Lý Tòng Bá.
Thiếu Tá Diễn tuy là thượng cấp của cha tôi nhưng vì hai người thường gặp nhau ở nhà thờ tỉnh lỵ nên có phần gần gũi. Tôi thường ghé vào Tòa Hành Chánh xem cha tôi làm việc và do đó, gặp Đại Úy Lý Tòng Bá. Chiều chiều, Đại Úy Bá thường cùng các sĩ quan khác ra phía sau Tòa Hành Chánh dượt bắn súng Colt-45. Đại Úy Bá trẻ trung, thường nháy mắt với bọn nhóc chúng tôi.
Rất tiếc là Đại Úy Lý Tòng Bá bị hàm oan trong vụ đảo chánh hụt ngày 11 tháng 11 năm 1960. Có một kẻ nào đó đã xàm tấu lên Thiếu Tá Diễn là Đại Úy Bá cùng Trưởng Ty Công An – Cảnh Sát Phước Long là Trần Ngọc Long ngầm theo phe đảo chánh. Thiếu Tá Diễn cho mời Đại Úy Bá vào chất vấn trong khi ông Long thì kinh hoảng chạy xe về Sài Gòn trình diện Thiếu Tướng Nguyễn Văn Là, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Đại Úy Bá thì được trả về binh chủng Thiết Giáp và Trung Tá Nguyễn Văn Thiện, chỉ huy trưởng binh chủng này, trả Đại Úy Bá về đơn vị gốc là Trung Đoàn 10 Cơ Giới dưới miền Tây.
Tôi xin nói thêm ở đây là trong vụ này, Đại Úy Bá đã bị vu oan. Thật sự thì Tướng Lý Tòng Bá một đời kính trọng Cụ Diệm và ghét ra mặt những kẻ được xem là “có công” trong vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Tạm thời thay thế Đại Úy Lý Tòng Bá trong chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Nội An Tỉnh Phước Long là ai, tôi không nhớ. Đến đầu năm 1962 thì người giữ chức vụ này là Thiếu Tá Lý Bá Hỷ. Ông xuất thân Khóa 3 Võ Bị Quốc Gia.
Lần đầu tiên gặp mặt Thiếu Tá Hỷ, tôi có cảm tưởng ông là một nhà giáo, một bác học hơn là một sĩ quan hiện dịch từng chỉ huy đơn vị trong các cuộc hành quân trong vùng rừng thiêng nước độc. Thiếu Tá Hỷ có khuôn mặt tươi sáng và hiền lành. Ông có một đứa con trai tên là Luân, ngồi cạnh tôi trong lớp học. Do đó mà tôi được ông hỏi thăm.
Giống như cha của mình, Luân có mái tóc cắt ngắn kiểu nhà binh. Luân đi học, không có xe Jeep chở đến trường mà chỉ có một anh lính Bảo An chở bằng xe đạp đến cổng trường. Luân không được cha mẹ cho tiền ăn quà vặt trong trường, mặc dù Thiếu Tá Hỷ xuất thân từ gia đình đại diền chủ dưới Tỉnh Phong Dinh, rất giàu có.
Đến thời Trung Tá Nguyễn Dương Huy giữ chức Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Phước Long thì Thiếu Tá Hỷ tiếp tục giữ chức vụ cũ một thời gian rồi sang Tỉnh Bình Long giữ chức vụ tương tự. Vài tháng sau, ông được thăng cấp trung tá và lên giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long. Trong thời gian này, thấy nhà thờ Bình Long chưa có chuông mà chỉ có trống, Trung Tá Hỷ đã dùng tiền riêng của mình đài thọ nhà thờ đặt đúc một trái chuông lớn.
Rất tiếc rằng Trung Tá Hỷ chỉ giữ chức vụ này một thời gian ngắn. Từ đó cho đến tháng Tư Đen 1975, Trung Tá Hỷ không bao giờ được bổ nhiệm vào các chức vụ chỉ huy mà chỉ làm phó. Cuối cùng, ông mang cấp bậc chuẩn tướng, giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô.
Chuẩn Tướng Lý Bá Hỷ là một trong những sĩ quan mà tôi kính mến nhất trong đời.
Tôi được gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963.
Tổng Thống Diệm đi kinh lý tại Phước Long rất nhiều lần. Tuy nhiên, vào tháng Ba 1963 thì Cụ đến đó mừng Lễ Hai Bà Trưng, lúc đó được chọn làm Ngày Phụ Nữ Việt Nam. Thân phụ của chúng tôi và vài người nữa hôm đó có mặt tại Tòa Hành Chánh vì là một trong những người phụ trách việc thiết lập khán đài cho ngày lễ. Hơn nữa, những người này còn phải có mặt ở đó để nghe Cụ dặn dò thêm về việc trang trí nội thất Tòa Hành Chánh. Cụ rất bình dân, dễ dãi với mọi người chung quanh. Như thường lệ, Cụ nhúng chiếc khăn vào thau nước lạnh, rồi vừa lau mặt lau cổ vừa hỏi thăm mọi người một cách rất bình dị. Tôi đứng xem một lúc rồi Cụ cùng các viên chức đi ra lễ đài. Kể từ lúc đó, bọn nhóc chúng tôi không còn được phép đến gần Cụ nữa.
Nói đến Phước Long thì phải nói đến Đồng Bào Thượng thuộc sắc tộc S’Tiêng sinh sống từ rất lâu đời tại đây. Gia đình chúng tôi cũng có gắn bó với họ ít nhiều.
Thân phụ của chúng tôi không gia nhập Đảng Cần Lao Nhân Vị. Tuy nhiên, cũng như hầu hết giới công chức thời bấy giờ, ông có gia nhập Thanh Niên Cộng Hòa. Hàng năm, đoàn thể này có tổ chức sinh hoạt tại Thác Mơ. Lúc đó, nơi này chưa có đặt tượng Đức Mẹ Maria nên chưa có tên Thác Đức Mẹ như sau này.
Hai bên Thác Mơ lúc đó có mấy khu vực trồng cây điều, vốn được xem là cây kỹ nghệ hơn là cây ăn trái. Mỗi lần ra đó thăm thân phụ, anh em chúng tôi đều vào vườn điều hái trái ăn, nhưng phải bỏ hột lại.
Sau một thời gian tìm hiểu về đất đai, cha mẹ chúng tôi theo lời khuyến khích của chính phủ mà tham gia chương trình khẩn hoang lập ấp. Gia đình chúng tôi được cấp phát một khu đất rất rộng nằm bên Hương Lộ 310 thuộc Xã Sơn Giang, Quận Phước Bình. Sau khi nhân viên Ty Điền Địa cắm cọc ấn định ranh giới, Ty Công Chánh đem xe cơ giới ra ban đất cho bằng phẳng. Cuối cùng, nhân viên của Ty Canh Nông ra lấy một ít mẫu đất về phân tích. Một thời gian sau, họ trở lại cho biết những nơi nào nên trồng những thứ gì. Theo lời khuyên của họ, cha mẹ chúng tôi cho trồng điều ở một khu, trồng mãng cầu Xiêm, xoài và mít tại một khu khác. Khu xa nhà hơn thì trồng khóm và thơm tây, còn được gọi là dứa, lá không có gai như khóm. Khu xa nhà nhất thì chúng tôi trồng lúa và có một khu nhỏ trồng cà-phê. Riêng phần đất gần nhà nhất thì chúng tôi trồng các thứ hoa màu phụ như các loại rau, đậu đen, đậu xanh, đậu nành, và khoai lang. Chúng tôi trồng một ít đu đủ và chỉ trồng một ít chuối với mục đích chính là lấy cây non thái mỏng cho heo ăn sống.
Việc biến một lô đất hoang sơ thành một trang trại phần lớn là nhờ đồng bào Thượng sống gần đó.
Ra khỏi cổng nhà tôi, đi về phía nam khoảng mấy trăm thước là một ngã tư nhỏ. Đi về phía tây, có trại cưa Nguyễn Trung Trinh và đi qua trại cưa đó là một làng lớn của đồng bào Thượng mà chúng tôi gọi là SÓC. Họ hỏi thăm chúng tôi cần những gì và rồi một toán hơn chục người cả nam lẫn nữ kéo ra giúp chúng tôi.
Trước hết, những thanh niên khỏe mạnh chặt lồ ô đem về làm hàng rào để ngăn ngừa heo rừng về phá mùa màng. Kế đến, họ đốn sạch những bụi tre rồi chờ cho khô mà đốt. Sau đó, họ tìm những cây hoang còn mọc chồi lên đào tận gốc để triệt hẳn.
Những đồng bào Thượng đó làm cật lực mà không hề đòi thù lao tương xứng. Họ chỉ nhận một số tiền nhỏ, như thể họ không sống nhờ vào đồng tiền. Thỉnh thoảng họ còn ghé ra chơi, ra thăm vườn, làm một số việc vặt mà không lấy công, chỉ nhận một ít đồ dùng thật sự cần thiết.
Trong khi chúng tôi vất vả việc canh nông quanh năm thì người Thượng quanh đó có vẻ nhàn hạ. Chiều chiều, họ thả diều bay rất cao. Những con diều đó còn đem lên không trung những ống sáo phát ra những tiếng nhạc nghe rất não nuột.
Về sau, không rõ vì đâu, tôi quen biết một đại gia đình người Thượng có một căn nhà xây rất lớn trên Đường Tự Do, gần tiệm buôn Thái Thanh Hòa. Gia đình này có một người con trai là nhân viên Kiểm Lâm.
Tôi có ghé đến nhà họ chơi mấy lần, đánh bài carté đến khuya.
Gia đình họ có một người con gái rất đẹp, hơn tôi vài tuổi. Giữa năm 1968, chị này có một lần chạy chiếc Honda Dame mới tinh chở tôi ra chợ mua ít thứ cần dùng. Chị mặc quần tây và áo chemise rất thanh lịch. Chị nói chuyện với những người bán hàng với ngôn ngữ của một người có gia giáo, có trình độ học vấn rất cao.
Là những người Công Giáo nhiệt thành, chúng tôi cũng rất gắn bó với việc đạo. Sau khi có Công Đồng Vaticano II thì các thày cả cử hành thánh lễ bằng tiếng địa phương, thay vì tiếng Latin như trước đó. Thày cả và các em giúp lễ cũng quay mặt về phía cộng đoàn giáo dân, thay vì quay lên bàn thờ.
Một hôm, linh mục chánh xứ Phước Long là Cha Đa-Minh Đào Công Doanh lái chiếc Volkswagen Beetle ra nhà tôi chở cha tôi vào trong đó. Tôi cũng đi theo.
Trong lúc tôi chơi ở bên ngoài nhà thờ thì cha Doanh và cha tôi quanh quẩn ở khu bàn thánh, chỉ trỏ bàn bạc lâu lắm.
Mấy ngày sau, cha tôi đem về mấy mảnh giấy mà trên đó phác họa một thánh giá rất kiểu cọ, cầu kỳ. Sau đó, cha tôi đem về một ít gỗ cẩm lai và cưa, cắt, bào rồi dùng keo gắn lại thành một thánh giá giống như mẫu vẽ trên mấy mảnh giấy. Cuối cùng, cha tôi đem về nhà một tượng Chúa Giê-su Chịu Nạn cũng bằng gỗ cẩm lai, không rõ do ai chạm, khắc. Cha tôi gắn tượng đó vào thánh giá rồi tôi đánh giấy nhám cho nhẵn trước khi cha tôi đánh mấy lớp verni cho bóng.
Sau đó, thánh giá được trịnh trọng gắn vào bức tường nhà thờ, phía sau cung thánh và sau lưng thày cả.
Lúc đó là năm 1965, và năm 1970 khi tôi trở lại Phước Long, thấy thánh giá vẫn còn ở vị trí ban đầu.
Vào năm 1965 đó, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chưa có Địa Phận Ban Mê Thuột. Do đó, Giáo Hạt Phước Long thuộc Địa Phận Đà Lạt mà giám mục là Đức Cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền. Năm 1965, ngài có đến Phước Long ban phép Thêm Sức, và tôi là một trong những đứa trẻ giúp lễ cho ngài. Sau lễ, tôi được mấy dì phước xoa đầu khen khiến tôi nở cả lỗ mũi mấy ngày liền.
Cũng năm 1965 đó, tôi trở về Sài Gòn và ở luôn trong nhà dòng. Năm 1970, tôi trở lại Phước Long một thời gian rất ngắn, nhưng nhiều kỷ niệm.
Cuối tháng Ba 1970, vài ngày sau khi chúng ta kỷ niệm Đệ Nhất Chu Niên ngày ban hành Luật Người Cày Có Ruộng 26 tháng Ba 1969, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi kinh lý Phước Long. Khác với lần trước, lần này trực thăng chở Tổng Thống không đáp xuống sân đáp trước Tòa Hành Chánh mà đáp xuống sân vận động tại Xã Sơn Giang.
Vừa bước ra khỏi trực thăng, Tổng Thống bắt tay Đại Tá Lưu Yểm, Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Phước Long. Kế đến, Tổng Thống bắt tay ông Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Phước Long và một số ty, sở trưởng. Sau đó, Tổng Thống bất ngờ đi về phía bên trái, nơi có khoảng gần hai chục học sinh Trường Trung Học Phước Long xếp hàng ngang chào đón. Thấy vậy, tôi vội vàng chạy theo.
Theo đúng nguyên tắc, tôi đứng bên Tổng Thống, nhưng lùi lại phía sau nửa thước, mắt nhìn qua lại trong phạm vi 120 độ. Người mà Tổng Thống bắt tay hỏi thăm là một nam sinh người Thượng. Tôi nghe rõ Tổng Thống hỏi, “Năm nay em học lớp mấy rồi?”
Quá bất ngờ, nhưng nam sinh đó vẫn trả lời một cách khá điềm nhiên và lễ phép, “Dạ, kính thưa Tổng Thống, em tên là Điểu Tấn Đức. Em đang học lớp Đệ Tứ.”
Ông Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phước Long là Thầy Vũ Đình Tiến bước đến bên cạnh Tổng Thống, tiếp lời, “Kính thưa Tổng Thống, em nam sinh này là người sắc tộc thiểu số.” Tổng Thống nghe xong, quay lại nhìn em Đức với ánh mắt như vừa khen, vừa khích lệ, rồi Tổng Thống mới buông tay em ra.
Kế tiếp, Tổng Thống bắt tay vài học sinh đứng gần đó rồi quay ngược lại, theo Đại Tá Lưu Yểm đi về mấy chiếc xe đang đậu gần đó để đi vào tỉnh lỵ.
Vào năm 1970 đó, nhiều người trong gia tộc chúng tôi làm việc ở Phước Long. Vị đại úy Trưởng Phòng Truyền Tin Tiểu Khu Phước Long là chú họ của tôi. Một người bà con khác giữ chức vụ Tiểu Đội Trưởng Quân Cảnh Điều Tra Tư Pháp. Ngoài ra, còn mấy người nữa làm việc bên Ty Cảnh Sát Quốc Gia, và Ty Tiểu Học. Vì thế nên cuối tuần, nhiều xe Jeep đậu trước nhà tôi, ở xa xa có thể nhìn thấy rất rõ ràng.
Có thể vì thế nên mấy ông trong bưng đêm đêm có ghé đến nhà tôi đặt vấn đề. Cuối cùng, gia đình tôi đành phải bán trang trại mà trở về Sài Gòn.
Tháng Giêng 1975, anh em chúng tôi ngoài Pleiku bận bù đầu. Đó là vì Đại Tá Biệt Động Quân Hoàng Thọ Nhu thay thế Đại Tá Kỵ Binh Nguyễn Đức Dung trong chức vụ Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Pleiku. Tiếp theo sau là thay đổi nhân sự hàng loạt, và hàng loạt bưu điệp gửi ra từ Phủ Tổng Thống, Phủ Thủ Tướng. Giữa lúc đó thì chúng tôi được tin Phước Long thất thủ.
Đối với cá nhân tôi thì điều lo lắng bên cạnh là chúng tôi có một người thân trên Phước Long lúc đó. Đó là Linh Mục Vũ Cát Đại, Chánh Xứ Phước Long, và cũng là tuyên úy Công Giáo của Tiểu Khu Phước Long. Ngài được ghi nhận là mất tích.
Hai tháng sau, tới phiên cá nhân tôi, ngã ngựa trên Liên Tỉnh Lộ 7B. Tôi buông súng trước anh em ở Sài Gòn đúng sáu tuần lễ.
Kính thưa tất cả,
Đó là những gì tôi còn ghi nhận được, và còn nhớ được về Phước Long, vùng đất đỏ xa xôi, nơi mà Kinh – Thượng Một Nhà. Xin xem hình ảnh đính kèm có thêm phần chú thích.
Khiết Nguyễn
Tịnh Xá Ngọc Đức, 1968.
Nó nằm phía sau khu công xưởng phụ của Ty Công Chánh, hướng về phía Hồ Long Thủy.
Nó nằm phía sau khu công xưởng phụ của Ty Công Chánh, hướng về phía Hồ Long Thủy.
Tỉnh lỵ Phước Long vào năm 1970.
Số 1 là Tòa Hành Chánh.
Số 2 là Ty Cảnh Sát Quốc Gia.
Số 3 là Bệnh Viện Phước Long.
Số 4 là nhà thờ tỉnh lỵ Phước Long.
Số 5, hai căn nhà dài là Trường Tiểu Học Cộng Đồng Phước Long.
Phía bên trái là khu vực Ty Tiểu Học.
Sau Ty Tiểu Học là Trạm Quân Y Diện Địa. Nơi đây chẩn bệnh và phát thuốc cho cả quân nhân lẫn thường dân.
Số 6 là Hội Trường và Ấu Trĩ Viên dành cho trẻ em, có vườn và khu vực vui chơi.
Số 7 là Chợ Phước Long và bến xe.
Số 8 là Hồ Long Thủy.
Sớ 9 là Ty Công Chánh và Cư Xá Công Chánh.
Số 10 là khu vực các Ty Kiến Thiết, Ty Điền Địa, Ty Canh Nông, Ty Thanh Niên.
Số 11 là Trường Trung Học Phước Long. Trường này được xây vào năm 1968 để thay Trường Nhất Linh bị bỏ phế vì hư hại nặng trong biến cố Mậu Thân.
Số 12 là Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Phước Long.
Số 1 là Tòa Hành Chánh.
Số 2 là Ty Cảnh Sát Quốc Gia.
Số 3 là Bệnh Viện Phước Long.
Số 4 là nhà thờ tỉnh lỵ Phước Long.
Số 5, hai căn nhà dài là Trường Tiểu Học Cộng Đồng Phước Long.
Phía bên trái là khu vực Ty Tiểu Học.
Sau Ty Tiểu Học là Trạm Quân Y Diện Địa. Nơi đây chẩn bệnh và phát thuốc cho cả quân nhân lẫn thường dân.
Số 6 là Hội Trường và Ấu Trĩ Viên dành cho trẻ em, có vườn và khu vực vui chơi.
Số 7 là Chợ Phước Long và bến xe.
Số 8 là Hồ Long Thủy.
Sớ 9 là Ty Công Chánh và Cư Xá Công Chánh.
Số 10 là khu vực các Ty Kiến Thiết, Ty Điền Địa, Ty Canh Nông, Ty Thanh Niên.
Số 11 là Trường Trung Học Phước Long. Trường này được xây vào năm 1968 để thay Trường Nhất Linh bị bỏ phế vì hư hại nặng trong biến cố Mậu Thân.
Số 12 là Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Phước Long.
Tỉnh lỵ Phước Long sau biến cố Tết Mậu Thân 1968.
Số 1 là Tòa Hành Chánh.
Số 2 là Ty Cảnh Sát Quốc Gia.
Số 3 là bãi đậu dành cho phi cơ quan sát L-19.
Số 4 là Bệnh Viện Phước Long.
Số 1 là Tòa Hành Chánh.
Số 2 là Ty Cảnh Sát Quốc Gia.
Số 3 là bãi đậu dành cho phi cơ quan sát L-19.
Số 4 là Bệnh Viện Phước Long.
Hình
chụp Núi Bà Rá từ sân đáp trực thăng của Tòa Hành Chánh Phước Long,
khoảng 1969. Gần giữa hình, xích về phía bên trái, là tháp Nhà Thờ Phước
Long
Hình
chụp vào khoảng 1964, 1965. Đây là con đường thẳng phía trước Tòa Hành
Chánh Phước Long và đi ngang qua nhà thờ tỉnh lỵ. Nguyên thủy, nó là
đoạn cuối của Hương Lộ 310 nhưng sau năm 1963 nó được đổi tên thành Đại
Lộ Cách Mạng.
Người chụp hình này đứng trên khu đất thuộc Ty Canh Nông Phước Long. Từ thời 1957, 1958, người ta trồng trọt các loại hoa màu như đậu phộng, đậu nành trên khu đất này.
Xa xa là Nhà Thờ Phước Long. Phía sau là căn nhà tôle hai tầng. Tầng dưới là nơi tiếp khách và một phòng giải trí.
Ở tầng trên, đầu bên trái là phòng của linh mục chánh xứ. Ở giữa là phòng dành cho khách. Đầu bên phải là phòng ngủ dành cho bọn giúp lễ chúng tôi.
Phía sau có một căn nhả nhỏ khá dài. Đây là khu nhà kho, nhà bếp và nhà ăn.
Tại nhà xứ này, tôi đã gặp nhiều nhân vật như Dân Biểu Nguyễn Bá Lương, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, và Đại Tá Phạm Quốc Thuần, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Kiêm Tư Lệnh Khu 32 Chiến Thuật.
Cũng tại nơi này, tôi còn gặp hai vị trung tá của Sư Đoàn 5 Bộ Binh mà sau này là Cố Chuẩn Tướng Lý Đức Quân và Cố Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ
Người chụp hình này đứng trên khu đất thuộc Ty Canh Nông Phước Long. Từ thời 1957, 1958, người ta trồng trọt các loại hoa màu như đậu phộng, đậu nành trên khu đất này.
Xa xa là Nhà Thờ Phước Long. Phía sau là căn nhà tôle hai tầng. Tầng dưới là nơi tiếp khách và một phòng giải trí.
Ở tầng trên, đầu bên trái là phòng của linh mục chánh xứ. Ở giữa là phòng dành cho khách. Đầu bên phải là phòng ngủ dành cho bọn giúp lễ chúng tôi.
Phía sau có một căn nhả nhỏ khá dài. Đây là khu nhà kho, nhà bếp và nhà ăn.
Tại nhà xứ này, tôi đã gặp nhiều nhân vật như Dân Biểu Nguyễn Bá Lương, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, và Đại Tá Phạm Quốc Thuần, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Kiêm Tư Lệnh Khu 32 Chiến Thuật.
Cũng tại nơi này, tôi còn gặp hai vị trung tá của Sư Đoàn 5 Bộ Binh mà sau này là Cố Chuẩn Tướng Lý Đức Quân và Cố Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ
No comments:
Post a Comment