Sống Trên Dĩ Vãng Là Tự Hoang Phế - Sống Không Dĩ Vãng Là Tự Bần Cùng
Wednesday, April 15, 2009
Tuyết Rơi Giữa Sài Gòn
(Bút ký của một phóng viên hình ảnh Mỹ vê Tháng Tư 1975)
Tuyết Rơi Giữa Sài Gòn
Bút ký của một phóng viên hình ảnh Mỹ
Đôi lời vào chuyện: - Tháng Tư năm 1975, Dirck Halstead ký hợp đồng trở lại với
tạp chí TIME MAGAZINE. Trước kia ông cũng đã làm việc cho tạp chí này từ mùa
xuân 1972. Rút kinh nghiệm quá trình công tác, Dirck Halstead yêu cầu TIME đừng
đưa ông đi chụp hình tổng thống Mỹ hoặc làm phóng sự chiến tranh, vì ông đã chán
ngấy những môi trường làm việc đó.
Thế nhưng "người muốn mà trời định" nên chi hai tuần sau khi ký hợp đồng, Dirck
Halstead lại phải lặn ngụp dưới hố nước trên quốc lộ 13 của Việt Nam để tránh né
đạn pháo của quân Bắc Việt. Nếu không thì đời tàn qua ngõ hẹp rồi! Dựa vào kinh
nghiệm và biệt tài của đương sự, tạp chí TIME cần có một người để theo dõi giai
đoạn gay cấn của một chiến trường. Việt Nam - một đất nước mà hơn hai mươi năm
qua, ông đã gắn bó sự nghiệp, với những thăng trầm nặng tính yêu thương và hờn
giận - đang trên đà sụp đổ. Nên chi, ghét của nào, trời trao của ấy, Dirck
Halstead đành phải mang máy ảnh trở lại Việt Nam.
Đoạn bút ký sau đây của Dirck Halstead chỉ ghi được mười ngày cuối cùng của Sài
Gòn - và đặc biệt trên cương vị của một phóng viên hình ảnh Mỹ - nhưng cũng cho
người Việt Nam chúng ta thấy được một khía cạnh khác của một đồng minh tháo chạy
trong ngày 30 tháng Tư lịch sử đó. Ký sự về "ngày tuyết rơi trắng xóa Sài Gòn",
Dirck Halstead định viết ra mấy lần nhưng không thành. Năm 2000, nhân dịp kỷ
niệm thứ hai mươi lăm ngày Sài Gòn tan hàng, ông mới ghi lại đuợc và đưa lên tờ
"báo-kỷ-thuật-số" (The Digital Journalist), do ông chủ trương và biên tập. Phần
lớn những hình ảnh kèm theo bút ký này do ông đích thân thực hiện.
******
Chương 1: Trở lại Paris của phương Đông
Ngày 20 tháng 4, 1975 - Sân bay Hong Kong
Tôi đang nửa tỉnh nửa say sau khi uống nhiều rượu ở khu hạng nhứt của chuyến bay
Pan Am, cất cánh từ New York, và gật gà gật gù vì chênh lệch giờ giấc. Đang nối
đuôi rồng rắn ở quầy vé Hàng không Việt Nam để lấy chỗ đi tiếp đến Sài Gòn, tôi
thấy có hàng chữ thông tin cho biết "Tất cả các chuyến bay đi Sài Gòn đều bị hủy
bỏ".
Bộ Sài Gòn đang bị phi cơ tấn công sao cà? Như vậy là nghĩa lý gì đây? Suốt cuộc
chiến tranh, Bắc Việt chẳng bao giờ có chuyến bay nào đến Sài Gòn. Một nhóm du
khách kỳ lạ, tôi chưa từng thấy bao giờ, đi lảng vảng quanh quày vé. Nào là
những chàng híp-pi nghiện ngập, với những cái nhìn kỳ quặc, nào là những người
lính đánh thuê với những túi ba lô đầy ấp, chẳng khi nào đưa qua kiểm soát, và
dĩ nhiên là những chuyên viên nhiếp ảnh, những ký giả mà tôi đã từng cùng nhau
xuôi ngược trên những con đường bụi bậm của chiến trường trong mấy năm qua.
Hóa ra là có mưu toan đảo chánh, một trong những biến cố đã từng xảy ra trong
mấy năm qua. Xế chiều hôm đó, chiếc Caravelle của hàng không Việt Nam mất lần
cao độ, trong ánh nắng chiều tà miền nhiệt đới, lướt qua các cánh đồng ruộng lúa
và những khúc sông quanh co của dòng Cữu Long, lung linh ánh sáng, khi chúng tôi
đáp xuống Sài Gòn-Tân Sơn Nhứt, một "Paris của phương Đông".
Ngày 21 tháng Tư - Sài Gòn, Nam Việt Nam
Tôi lại quên Sài Gòn nóng đến mức nào. Mới có bảy giờ sáng thôi, mà chiếc áo của
tôi đã bám dính lưng, khi tôi leo những bậc thang lên văn phòng của tạp chí
TIME/LIFE, nằm trong khách sạn Continental Palace. Mùi thơm của phở mới nấu, món
ăn có thể được dọn ra cho ba bửa trong ngày của người Việt Nam, làm tôi nghẹt
mũi. Nó làm cho tôi sực nhớ lại rằng tôi vẫn quyến luyến địa điểm này. Tôi cảm
thấy như ba năm đã qua - từ lúc tôi rời nhiệm sở ở đây tới bây giờ - đã tan
biến. Hết rồi, các ngài tổng thống..., những nàng kiều đẹp đẻ..., chỉ còn lại
Sài Gòn..., Sài Gòn muôn thuở.
Tôi cầm lấy chùm chìa khoá để ở chỗ dấu kín trong văn phòng rồi đi tới một gian
nhà nhỏ nằm sau tòa đại sứ Hoa Kỳ. Đẩy cửa bước vào, tôi trông thấy chiếc xe con
của phòng thông tấn, với bảng chữ "BAO CHI/PRESS" dán trên kính xe. Lục lọi ở
góc phòng, tôi gặp lại túi ba-lô đồ nghề cũ của tôi. Tôi trút tất cả ra nền nhà,
thấy có hai bộ quần áo đi rừng - còn nguyên bảng tên "Dirck Halstead, TIME/LIFE"
thêu trên túi áo - một đôi giày đi rừng, kiểu phát cho binh sĩ, có đế sắt để
chống chông nhọn, nhưng lại vô hiệu quả đối với mìn, một túi đựng máy ảnh - vẫn
còn cuộn phim hết hạn đã từ lâu, một túi nhỏ chứa thuốc trị rét, thuốc lọc nước,
một vài dụng cụ cứu thương, một chai tương ớt Tabasco và nửa chai rượu đế, vài
ba cái khăn mặt còn dính đất đỏ, một áo giáp và hai bình đựng nước và cuối cùng
là cái nón sắt cũ của tôi, vẫn còn những chữ "BAO CHI, UPI PHOTOS, HALSTEAD".
Tôi không còn nhớ đã lượm cái nón sắt đó ở đâu. Chắc là nhặt được trong một trận
đánh nào đó khá lâu rồi, đã quên đi. Tôi lại nghĩ thầm "Thì ra, cũng có được
niềm vui như khi trở về nhà!"
0900 giờ
Tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê đá ở cái quán nằm trên góc đường Tự Do và theo
dõi Leon Daniel, tay ký giả kỳ cựu của UPI mà cũng là người bạn cũ. Leon nói nếu
tôi có muốn đi quan sát một vài vụ "bùm bùm" thì nên lấy máy ảnh theo. Tôi nhảy
theo Leon, rồi xe chạy thẳng hướng Biên Hòa, chừng mấy mươi cây số trên xa lộ.
Leon giải thích là từ lâu, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không chịu cho ký giả tháp
tùng những cuộc hành quân nữa. Những phiên thuyết trình quân sự của họ không nói
lên được điều gì hết, nhưng vì bị báo chí Hoa Kỳ làm áp lực mãi nên Không quân
Việt Nam đã quyết định đưa một chuyến trực thăng chở báo chí đến cứ điểm cuối
cùng của lực lượng Nam Việt Nam.
Trong tháng vừa qua, những yếu điễm quan trọng của Nam Việt Nam đã tan tành gần
hết. Trước tiên là Ban Mê Thuột và Pleiku ở Cao nguyên Trung phần, rồi đến Huế,
làm cho gần như toàn bộ Thủy quân lục chiến Nam Việt Nam bị kẹt và bị tiêu diệt
ở bãi biển, trong khi chờ đợi di tản. Rồi Đà Nẳng, trước kia là căn cứ không
quân then chốt của Mỹ thời chiến tranh. Kế đó là Nha Trang. Và giờ đây, khi lực
lượng Bắc Việt đang hối hả di chuyển trên quốc lộ đổ xuống phía Nam thì họ gặp
trở ngại duy nhứt là xe bồn xăng của hậu cần không theo kịp để tiếp tế. Một tiểu
đoàn đã tơi tả của Sư đoàn 18 đang cố gắng hết sức mình để án ngữ cửa ngõ vào
Sài Gòn. Chỉ một tiểu đoàn mà đương cự lại sức mạnh phối hợp của bộ máy quân sự
Bắc Việt đang tuông tràn xuống phía Nam trên đường lộ...và đó chính là nơi mà
chúng tôi muốn đến.
11:00 giờ - Tiền đồn Xuân Lộc, phía Bắc Sài Gòn
Chiếc trực thăng Chinook, hơi cũ kỹ, dấy tung một dám bụi mù màu đất đỏ, khi đáp
xuống đường băng. Đâu đâu, chúng tôi cũng nhìn thấy người tỵ nạn, nhiều người
phải lội bộ hàng trăm cây số để đến nơi này, hy vọng tìm được một nơi yên ổn.
Những người chiến binh bị thương nằm trên cáng cứu thương kêu la, xin nước uống.
Hai chiếc xe Jeep chạy nhanh đến chỗ chúng tôi, tài xế hối chúng tôi lên nhanh
vì hỏa tiển đang bay trên đầu.
Trong lều chỉ huy, tướng Lê Minh Đảo, trong bộ quân phục tác chiến thẳng nếp,
đang vừa nói vừa quơ gậy chỉ huy. Nghe ông nói với ai đó qua điện thoại dã
chiến: "Chúng tôi sẽ giữ vững vị trí này." Khi thấy một đoàn ký giả, phóng viên
hình ảnh và toán truyền hình đông đảo kéo đến, ông ra dấu hiệu bằng bàn tay nắm
lại, ngón cái đưa lên. Để giải thích thêm, ông tướng nói rằng:"Tôi không cần
biết cộng sản đưa tới mấy sư đoàn. Tôi sẽ tiêu diệt hết."
Tướng Đảo mời chúng tôi bước ra khỏi lều để xem khoảng mươi tù binh Bắc Việt, bị
lột trần chỉ còn đồ lót, bị trói ké như heo chờ đem đi mổ thịt. Leon Daniel nói
với tướng Đảo là, theo tin tức đã được biết về sự chuyển quân của Bắc Việt thì
tình hình của ông kể như tuyệt vọng. Tướng Đảo nổi giận và nhấn mạnh rằng quân
của ông kiểm soát toàn bộ thị xã. Nhưng, cả Leon lẫn Peter Arnett của hãng thông
tấn AP cũng không đồng ý. Tướng Đảo quả quyết tình hình vẫn tốt đẹp nên ông để
cho chúng tôi tùy tiện. Càng có thêm đạn pháo bắn vào rừng cây xung quanh chúng
tôi. Một nhóm nhỏ trong chúng tôi bắt đầu thấy rằng đã đến lúc phải rút về.
Nhưng, ông tướng muốn chứng minh với Leon. Ông cho xe Jeep đến ra lịnh chở chúng
tôi đi xuống Xuân Lộc.
12:00 giờ - Thị xã Xuân Lộc
Nhóm nhỏ báo chí chúng tôi thận trọng di chuyển trên đường phố hoang vắng. Tướng
Đảo dẫn đầu, vung vẫy chiếc gậy chỉ huy. Ông gọi to bằng tiếng Việt Nam nhưng
chẳng nghe ai trả lời. Có những xác chết nằm trên đường đi. Khói như còn bốc lên
từ những xác cháy đen. Thành phố thật hỗn độn. Nhưng ngoài tiếng nói của tướng
Đảo, chẳng nghe được tiếng nào khác hết.
Lần hồi những chiếc nón sắt bắt đầu nổi lên từ những hố cá nhơn hai bên đường.
Những chiến sĩ biệt động quân trố mắt nhìn chúng tôi, cứ tưởng như mơ. Những
người khác thì chỉ nhìn một cách mông lung. Tôi bấm mấy pô hình. Nơi đây đang có
khó khăn, tình hình căng thẳng. Có tiếng súng nổ ở phía đầu đường trước mặt. Một
quân nhân hầu cận chạy đến ông tướng và đưa tay chỉ về phía rặng cây. Dường như
có bóng người mặc đồ đen chạy qua chạy lại trong hàng cây. Hay là tôi đang ảo
tưởng?
Bỗng dưng, tướng Đảo quyết định là đến lúc phải rời địa điểm. Những chiếc Jeep
của chúng tôi quày đầu trở lại và chạy nhanh đến bãi đáp trực thăng, trong khi
người lính đi theo liên lạc bằng vô tuyến. Hai chiếc Chinook đáp xuống tung cao
đám bụi đất đỏ. Khi chúng tôi bắt đầu chạy ra trực thăng, người lính, đã đi theo
chúng tôi từ thị xã, vượt qua chúng tôi rồi phóng điên cuồng ra Chinook. Hai
người lính Việt Nam đang khiêng một người bị thương, bỏ anh ta xuống. Tên lính
phía sau bỏ rơi người thương binh chạy đi. Leon Daniel điên tiết lên, rượt đuổi
theo tên lính kia và nện cho anh ta một quả đấm. Binh lính khác cũng chạy ùa ra
trực thăng đang bốc lên cao. Một vài người rớt lại vì trực thăng đã lên cao.
Không đầy một phút, vậy là xong hết. Hai chiếc trực thăng đã bay xa. Anh thương
binh rên rỉ. Nhiều người lính khác chỉa súng bắn theo trực thăng. Chúng tôi nhìn
quanh. Cả đoàn báo chí nhỏ nhen vẫn còn ở lại trên đường. Chúng tôi bắt đầu thấy
rằng cuộc chiến có vẻ gần như chấm dứt.
15:00 - Trên vùng trời Xuân Lộc
Chiếc Chinook, mà chúng tôi nghĩ rằng chẳng bao giờ thấy nó được nữa, bay bổng
lên cao, đưa chúng tôi ra khỏi Xuân Lộc. Rõ ràng là tướng Đảo cảm thấy có trách
nhiệm cho sự an toàn của chúng tôi. Ông đã gọi trực thăng chỉ huy của chính ông
để đưa chúng tôi đi, và dặn phải đáp xuống một nơi an toàn, không bị đám đông
quấy rầy. Khi chia tay, tướng Lê Minh Đảo, cặp mắt ứa lệ, nói với chúng tôi:
"Tôi không muốn quý vị chết cùng với tôi... nếu có cơ hội trở lại đây nữa thì
quý vị nên từ chối. Mong quý vị nói cho nhân dân Mỹ biết rằng quý vị đã trông
thấy sư đoàn 18 chiến đấu và chấp nhận cái chết như thế nào. Thôi quý vị hảy đi
đi!"
Chương 2 : Đưa tôi đi Mỹ nha ông
Ngày 21 tháng Tư - 08:00 giờ - Sài Gòn
Đại lộ Thống Nhứt, khoảng trước tòa đại sứ Hoa Kỳ, đông nghẹt người ta, ồn ào
hỗn độn. Hàng trăm người Việt Nam la ó và phe phẩy giấy tờ, tài liệu, bên ngoài
cái cổng sắt đồ sộ.
Cùng với nhiều nhiếp ảnh viên khác, tôi len lỏi tìm đường xuyên qua đám đông,
vừa đi vừa chụp hình. Thình lình, một chiếc xe Jeep và hai GMC quân cảnh đậu gấp
lại bên ngoài đám đông. Họ dàn hàng ngang dọc theo bờ tường sứ quán. Một tay cầm
khiên bằng mây đan, tay kia cầm dùi cui. Theo lịnh của một sĩ quan, họ tấn công
vào đám đông. Thiên hạ nháo nhào, té chồng lên nhau, đám đông lùi ra xa tuyến
rào cảng đang dàn ra ngang con đường.
Chúng tôi chui qua cổng để vào bên trong sứ quán mà bên trên có một chiếc trực
thăng màu trắng của Air America đang đậu. Đại sứ Graham Martin ăn mặc chỉnh tề,
áo vét cà vạt, đang đứng dưới tán lá cây me cổ thụ. Ông có vẻ lo âu về chuyện
quân Bắc Việt đang lảng vảng cách thủ đô Sài Gòn không đầy 50 cây số. Những
người có trách nhiệm trong báo giới ngoại quốc ở Sài Gòn có những vấn đề khẩn
cấp và riêng tư. Phần lớn tổ chức báo chí nào cũng có nhơn viên là người Việt
Nam làm việc cho họ đã lâu năm. Bây giờ, vấn đề là làm thế nào để đưa họ ra khỏi
Việt Nam.
Tại cuộc họp báo được triệu tập khẩn cấp, đại sứ Martin cũng không chịu đề cập
đến vấn đề đó. Một phóng viên đặt câu hỏi là đã có bao nhiệu nhơn viên Việt Nam
của sứ quán đã rời Sài Gòn? Ông đại sứ đáp rằng:"Theo chỗ ông biết thì, trong
vòng 24 giờ qua, mới có 444 nhân viên Mỹ lẫn Việt đã ra khỏi đất nước." Đối với
ông đại sứ, vấn đề di tản là chuyện ông không thích bàn tới. Ông nghĩ là nếu có
quá nhiều người ra đi thì dân chúng sẽ rối loạn, gây nguy hại cho chánh phủ của
tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi ông đại sứ rời cuộc họp báo, các trưởng cơ
quan thông tấn giữ tùy viên báo chí của sứ quán lại và bắt đầu quy hoạch chuyện
di tản của họ.
12:00 giờ
Chúng tôi lái chiếc xe con chạy lên quốc lộ 1, cách Sài Gòn khoảng 40 cây số.
Chúng tôi dừng lại tại tiền đồn cuối cùng của quân chính phủ. Đối với tôi thì
toàn là những cảnh đã quen mắt. Cách nay ba năm, hầu như cũng tại chỗ này, David
Kennerly và tôi bị bắt buộc phải nằm mọp xuống trong một cuộc chạm súng giữ dội.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy được quân lính Bắc Việt đang hành động chớ không
phải bị chết hoặc bị bắt làm tù binh. Chúng tôi bị bao vây hàng giờ. Giờ đây,
trong năm 1975 này, chiến tuyến không còn cách xa nhau nữa. Những chiến sĩ Việt
Nam Cộng Hòa ngồi gần hố cá nhơn nấu ăn trong khi đạn pháo binh của cộng sản
thỉnh thoảng bay qua đầu họ. Con đường cái quan vắng lạnh, loan lỗ vì đạn pháo,
chạy dài tới tận chân trời, có vài ba đám khói đen bốc lên và những tiếng tác xạ
ì ầm.
Nik Wheeler, một nhiếp ảnh viên làm việc cho tuần báo Newsweek muốn đi xa hơn
nữa trên con đường đó, đến khu đất giữa hai chiến tuyến. Tôi cho đó là một ý
nghĩ điên rồ. Tôi đã bị ở Xuân Lộc một lần, giờ lại đến đó nữa thì không có tôi.
Không có bài phóng sự về những gì xảy ra ở quốc lộ 1 vì câu chuyện to lớn sắp
xảy ra và dứt khoát đó là sự sụp đổ của Sài Gòn.
Ngày 22 tháng 4
Một tình hình tôi chưa bao giờ chứng kiến khi đi trên đường phố Sài Gòn. Đường
Tự Do, một con đường chánh, rất rộn rịp, lúc nào cũng ồn ào, nay lại im lặng một
cách khác thường. Không còn những đứa bé đi rong trên đường kêu xin "Ông cho tôi
tí tiền". Những tiệm bán hàng nghệ thuật, đầy dẫy những tranh cổ điển Việt Nam
và những tranh trên vải to lớn, nói lên cái kinh hoàng của chiến tranh, vắng
khách như chùa bà Đanh. Các bar, với những cô gái đi giày cao gót, chào đón
khách Mỹ bằng câu mời quen thuộc "You want Saigon tea?", giờ cũng vắng tanh. Ông
chà và tiệm sách, kiêm thêm nghề đổi tiền, giờ cũng hoàn toàn ngồi đếm thời
gian.
Thế nhưng, có những nét mặt âu lo thập thò đàng sau những cánh cửa hé mở. Quân
cảnh rượt đuổi những anh lính đào ngũ trên đường. Một đám trẻ con bám lấy tôi
van xin "Đem tôi sang Mỹ đi ông!"
20:00 giờ
Thiết quân luật đã được ban hành. Bọn chúng tôi bao quanh chiếc máy thu hình ở
quày rượu khách sạn Caravelle. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang đọc một bài diễn
văn quan trọng cho cả nước. Một cuộc giả từ. Mặc chiếc áo nhà binh hở cổ, ông
nói những lời từ biệt đắng cay. Ông nguyền rủa tổng thống Ford, ngoại trưởng
Kissinger và thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam. Nước mắt chảy dài xuống má,
tổng thống Thiệu kết thúc bài diễn văn bằng những lời nói sau đây:
"Hôm nay tôi ra đi. Tôi xin đồng bào, quân đội và đoàn thể tôn giáo hãy tha thứ
những sai lầm của tôi trong khi cầm quyền. Đất nước và tôi sẽ hết lòng tri ân.
Tôi không xứng đáng. Tôi xin từ chức, nhưng tôi không đào ngũ."
Chúng tôi nhìn nhau, không tin là có thể như thế được. Hầu như ông tổng thống
đơn thương độc mã hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự hỗn loạn của Sài Gòn hiện
nay. Quyết định rút quân từ phía Bắc của ông ta để tăng cường Sài Gòn là nguyên
nhân làm cho sức mạnh của Việt Nam phải bị tan rã.
23:00 giờ
Đường phố Sài Gòn hoang vắng, ngoại trừ vài ba xe Jeep quân cảnh thỉnh thoảng
chạy tuần tra và một vài ông cảnh sát lẳng lặng đạp xe đi "rông". Tất cả các Bar
đều im lặng. Giờ giới nghiêm đã điểm. Nhiều xe buýt đen, không đốt đèn hiệu lướt
êm như những bóng ma trên đường rồi dừng lại trước khách sạn Palace.
Trong âm thầm, một người Mỹ vận thường phục đưa một nhóm người vừa Tây phương
vừa Việt Nam, ra đường, dừng lại trước xe buýt. Một đứa bé oà lên khóc, mẹ nó
lấy tay bụm miệng nó lại. Đoàn người đó lẳng lặng chui vào xe buýt đang đậu chờ,
cũng như những đoàn người tương tự đang làm như vậy, cùng lúc đó ở nhiều nơi
khác trong thành phố.. Cũng im lặng như khi đến, những chuyến buýt lướt đi âm
thầm trong bóng đêm.
Sáng ra, trên đường đi làm, người Việt Nam sẽ để ý thấy có nhiều tiệm đóng cửa.
Bạn bè đến thăm những gia đình sẽ thấy cửa nhà đã khóa chặt. Vài ba cái bao và
những cái thùng không được chất đống trên dĩa hè. Cuộc di tản đã bắt đầu.
Chương 3 : Chỉ có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra
Thứ Tư, 23 tháng Tư Khu DAO, Căn cứ KQ Tân Sơn Nhứt -10:00 giờ
Một cảnh hỗn độn khác thường tại một địa điểm giải trí của Mỹ, nhà chơi Bowling.
Một thằng bé đang tắm trong một thùng nước. Người Việt Nam nằm la liệt, có kẻ
ngủ trên những lằn ném banh gỗ. Rác rến, phân người dưới đường mương. Tôi thấy
một công nhân xây dựng Mỹ, đầu đội chiếc nón Cowboy, điền giấy tờ cho cô bạn
Việt Nam đang bám lấy tay ông, mặt mày lo âu. Cô có dáng vẻ của một gái bán Bar,
chiếc váy cũn cỡn bên trên đôi giày ống. Một viên chức sứ quán giải thích rằng
chỉ cần gã đàn ông ký giấy cam kết sẽ hỗ trợ cô bên Hoa Kỳ là cô có thể rời Việt
Nam. Viên chức đó thừa biết rằng cô gái này đâu phải là người duy nhứt ra đi
theo kiểu đó. Nhiều hãng thầu Mỹ đã làm giấy bảo lãnh cho những cô gái của cả
một cái Bar đi Mỹ nữa kìa. Chỉ có trời mà biết chuyện gì sẽ xảy đến cho những cô
gái này ở bên Mỹ. Tôi nghĩ bụng rồi đây Mỹ không những sẽ tiếp tay cho nghề mãi
dâm trên đất nước Hoa Kỳ mà chính phủ còn phải trả phụ cấp cho bọn ma cô.
Bên ngoài nhà chơi Bowling, hàng ngàn người Mỹ và Việt Nam đứng chụm nhum, bàn
bàn, tán tán. Những người may mắn thì tìm được bóng mát dưới tàn cây, gia tài
của cải nằm dưới chưn. Có người ăn mặc bảnh bao. Có người có vẻ giàu có, với
những chiếc va li nặng kỳ lạ, chắc là đầy vàng khối trong đó, sau khi đem tiền
đổi lấy quý kim của Ba Tàu Chợ Lớn.
Đằng cuối khu, binh sĩ không quân tập hợp từng nhóm trăm người, khi đã đủ số,
đưa lên xe buýt chạy ra phi cơ. Trên không lúc nào cũng nghe tiếng động cơ phản
lực thường xuyên cất cánh đi Guam, Manila và San Francisco, hoặc đáp xuống.
14:00 giờ - Quốc lộ 1 - 40 cây số phía Bắc Sài Gòn
Tôi đang chụp hình quân lính Việt Nam quảy gà trên vai, theo sau là những nông
dân đầu đội nón lá, la lối khiếu nại. Đạn pháo thường xuyên rót vào, rơi nổ inh
tai nhức óc, cách chỗ chúng tôi chừng cây số.
Thình lình, một đoàn thiết vận xa tháo chạy gần đó, đụng toán lính bắt gà của
dân đang đi trên đường, nhưng cũng không chịu chạy chậm hay ngừng lại. Nik
Wheeler la lên: "Chết rồi, lại rút lui. Sư đoàn 18 bỏ chạy rồi!"
Thứ Năm, 24 tháng Tư - Sài Gòn - 08:30 giờ
Con đường chánh của Sài Gòn trông vẫn giống như cách nay 10 năm, khi Hoa Kỳ đã
có mặt tại Việt Nam. Một vài cái Bar đã mở cửa, và mấy cô nàng xinh đẹp, váy
ngắn đã đứng trước cửa vẫy tay mời gọi. Ở những gánh phở bên đường, người Việt
Nam ngồi chồm hổm, thưởng thức tô phở buổi sáng.
Điều thay đổi duy nhứt, dễ thấy đối với con mắt đã quen, là bỗng nhiên đường phố
Sài Gòn có quá nhiều lính tráng Việt Nam. Lang thang một cách vô tích sự, hoặc
đi từng đám đông đòi hỏi được giúp đỡ, chớ không phải xin của bố thí. Một trận
cãi vã ầm ĩ khi một nhóm quân nhân ăn uống mà không trả tiền tại một quán ăn
đường phố. Một xe quân cảnh đỗ xoẹt lại và lính QC túa ra. Súng bắn chỉ thiên,
thế là dân thường và nhà binh chạy tránh đạn, giẫm phải một thương binh cụt hai
chưn, ngồi xe lăn xin ăn ở gốc đường.
Xa hơn nữa đằng cuối đường, một chiếc xe tải nhỏ hiệu Ford lặng lẽ đến đậu trước
tòa nhà cao ở bờ sông. Một thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, ăn mặc đồ trận xuống xe,
theo sau có nhiều đàn bà Việt Nam, với thùng sơn và cọ. Họ nhanh chóng chui vào
tòa nhà, lấy thang máy lên trên nóc để làm việc. Một giờ sau, họ hoàn tất công
tác, trở xuống xe và tiếp tục đi đến địa điểm kế tiếp. Bên trên tòa nhà họ vừa
rời đi có một số 2 màu vàng, mới sơn.
Cercle Sportif Sài Gòn - 12:30 giờ
Thời gian trôi qua êm ả ở Cercle Sportif, một câu lạc bộ thể thao do người Pháp
thành lập để họ vui chơi dưới thời thực dân. Cái câu lạc bộ sang trọng đó - nằm
ngay sau dinh tổng thống - đã nhắm mắt dửng dưng với cuộc chiến từ ngày thành
lập đến nay.
Mỹ và Việt Nam trám đầy những sân quần vợt, dẫu cho giữa trưa đứng bóng, trong
khi bên hồ bơi những người hầu bàn bưng ra những ly cối chanh vắt mát rượi cho
những người Mỹ, người Pháp và những người phụ nữ hai dòng máu đang tắm nắng.
Michel Laurent, một nhiếp ảnh viên tự do người Pháp, quần bò, áo bốn túi, băn
khoăn muốn đi làm phóng sự bên ngoài Sài Gòn. Anh ta cho rằng cứ ngồi ở hồ bơi
như vầy mất hết thời giờ. Nik Wheeler nhắc lại anh ta về những gì đã thấy ở quốc
lộ hôm trước. Nay, sư đoàn 18 đã tan hàng thì làm gì còn có chỗ đi ra ngoài Sài
Gòn?
Chúng tôi thảo luận với anh ta rằng dẫu cho mình có qua được bên kia nút chặn
thì nếu có lệnh di tản rồi làm sao đây? Rồi anh ta lại cứ quanh quẩn với những
chuyện rừng núi trong khi câu chuyện đích thực đang xảy ra ở Sài Gòn. Michel
không chấp thuận luận điểm của chúng tôi và anh ta bỏ đi, điếu xì gà ngậm chặt
giữa hai hàm răng. Còn chúng tôi thì kêu thêm hai ly chanh vắt nữa.
Văn phòng của NBC, Sài Gòn - 17:30 giờ
Văn phòng của NBC, nhìn xuống đại lộ Nguyễn Huệ, là một tổ ong rộn rịp sinh
hoạt. Ngoài phóng viên, toán thu hình và nhơn viên viết bài ra, còn có hàng chục
người Việt Nam kiên nhẫn xếp hàng đứng dọc theo tường.
Ngồi trong phòng, Henry Griggs - một phóng viên chiến trường của NBC từ New York
sang thế tạm chức vụ trưởng cơ quan thông tấn - thở ra khi có thêm một người
Việt Nam nữa bước vào. Một bà người Việt, ăn mặc vén khéo, tóc tai bù xù, nước
mắt hai hàng, yêu cầu Henry giúp đỡ cho gia đình bà ra khỏi Sài Gòn. Bà cho biết
là em họ bà - người đã hy sinh tại mặt trận trong cuộc tấn công vào Cam Bốt - đã
có lúc làm văn thơ cho NBC, phụ trách việc đem phim ra phi trường. Anh ta lúc
nào cũng đề cao NBC, và bây giờ chắc là hãng thông tấn sẽ đưa gia đình bà ra
khỏi nước.
Griggs biết rằng cảnh tượng đó ở cơ quan thông tấn nào của Mỹ ở Sài Gòn cũng có.
Ông bắt đầu giải thích rằng ông chỉ có thể đưa nhơn viên của NBC và gia đình đi
trước đã. Đêm hôm trước, Griggs đã thức gần tới sáng cùng với một nhóm trưởng cơ
quan thông tấn để lên kế hoạch di tản. Dường như chẳng đi tới đâu cả. Cũng nhóm
đó thậm chí đã thuê một chuyến phi cơ phản lực để đưa nhơn viên Việt Nam của họ
đi mấy đêm trước đó, nhưng phi cơ đã không được phép đáp xuống Tân Sơn Nhứt. Hôm
tuần rồi, Griggs đã đi Hong Kong gọi điện cho David Kennerly, nhiếp ảnh viên của
Bạch Cung, yêu cầu ông này trình với tổng thống xem có cách nào không. Ông
Kennerly đã đích thân tìm hiểu trường hợp Nam Việt Nam bị sụp đổ, có hứa sẽ làm
mọi cách trong khả năng mình, nhưng từ đó đến nay , chẳng có gì hết!
Griggs nhìn ra cửa sổ, thấy ở rạp chiếu bóng REX, bên kia đường quần chúng Việt
Nam đang mua vé để xem phim mới của Brigitte Bardot, "Boulevard du Rhum". Ông
ngó lên nóc của rạp Rex, nay hoang vắng, và nhớ lại thời vàng son của nó, lúc nó
còn là nhà hàng sang trọng của câu lạc bộ sĩ quan Hoa Kỳ. Ông ta đã trải qua một
thời gian thoải mái ở đó, kết thân với lắm bạn bè, hồi thời 1966. Lúc bấy giờ
mọi việc đều đơn giản!
Chương 4 : Xin ông làm ơn đưa tôi đi
Ngày 25 tháng Tư - Sứ Quán Anh, Sài Gòn 08:00 giờ
Khói đen bay lên cuồn cuộn ở phía tòa đại sứ Anh, người ta thiêu hủy tài liệu.
Cổng tòa đại sứ mở toang, ông đại sứ John Christopher Wydows Bushell, trong bộ
đồ bốn túi thẳng nếp, đi chiếc Jaguar màu bạc, chạy ngang qua đám nhơn viên sứ
quán đang la lối om sòm, hướng về Tân Sơn Nhứt để di tản.
Nik Wheeler nói rằng như vậy còn ít tàn nhẫn hơn bọn Canada. Chúng nó biểu nhơn
viên ngày hôm sau trở lại để được đưa đi, nhưng khi trở lại thì thấy mọi người
đã chuồn mất đêm trước rồi!
Saigon - Một khu công giáo ngoại ô, gần Tân Sơn Nhứt 14:00 giờ
Một đoàn người lũ lượt kéo đi - gần như một cuộc biểu tình - trên con đường đầy
cát bụi và nóng bức. Đủ thứ bích chương, biểu ngữ, mang những khẩu hiệu như
"Chiến đấu tới cùng... Việt Nam Cộng Hòa muôn năm". Thỉnh thoảng có một biểu ngữ
khác hơn, màu xanh và vàng với hàng chữ "Hòa bình và thương thuyết - Đừng đổ
máu". Những bích chương, biểu ngữ viết tiếng Việt hàng trên, nhưng cũng có tiếng
Anh ở hàng dưới dành cho những toán truyền hình Mỹ.
Đoàn biểu tình kéo tới một khán đài, đặt trước một nhà thờ. Với tiếng hoan hô
vang dội, đám đông đưa người hùng của họ lên diễn đàn. Ông tướng không quân Việt
Nam đó - cựu chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương và cựu tổng thống Việt Nam -
không ai khác hơn là Nguyễn Cao Kỳ. Với cái khăn quàng cổ quen thuộc, với bộ đồ
bay áo liền quần truyền thống và không thiếu khẩu súng lục bên hông, ông ta lên
tiếng trước đám đông.
Tướng Kỳ hô hào dân chúng chống trả lại đà tiến của quân cộng sản. Ông cho rằng
bọn cộng sản là "một lũ chuột và sẽ không khi nào vào Sài Gòn được". Ông ta cam
kết tiếp tục chiến đấu, với một khẩu khí hiếm thấy: "Cứ để cho bọn hèn nhát chạy
theo Mỹ, còn những ai yêu Việt Nam thì hãy ở lại để chiến đấu."
Một nhà báo Việt Nam quay sang chúng tôi và càu nhàu: "Ông ta điên rồi!" Chúng
tôi rời đám đông, tiếng nói của ông Kỳ, qua loa phát âm, cứ theo đuổi chúng tôi
ra đường cái. Chúng tôi đang chờ Taxi thì có tiếng còi hụ vang lên giữa tiếng ồn
ào của xe cộ lưu thông. Một chiếc Jeep quân cảnh, bên trên có đặt súng máy, vượt
qua toán xe cộ, mở đường cho một chiếc Mercedes màu đen, theo sau là một chiếc
xe Ford chở đầy mật vụ. Đoàn xe vụt qua rồi mất dạng ở cuối đường. Tôi thắc mắc
thì người phóng viên Việt Nam mĩm cười và đáp:"Ông Thiệu chớ ai. Ông ấy đang từ
giả Việt Nam."
Sài Gòn, văn phòng TIME/LIFE - 17:00 giờ
Roy Rowan, xử lý thường vụ trưởng cơ quan của TIME, đang họp văn phòng. Tôi nhìn
quanh căn phòng. Đã có lịnh mới của New York cũng như của sứ quán Hoa Kỳ cho
chúng tôi. TIME quyết định hạn chế việc đưa thêm người đến Sài Gòn. Họ cũng muốn
chúng tôi giảm nhơn số càng nhanh càng tốt. Những lịnh từ New York đã rõ ràng là
đưa nhơn viên Việt Nam đi, rồi rút bớt nhơn số còn lại. Chỉ còn phần nhơn viên
cốt lõi ở lại đến lúc cuối cùng.
Tòa đại sứ cho các trưởng cơ quan thông tấn biết rằng trong trường hợp di tản
Sài Gòn, đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ sẽ phát bản thông cáo khí tượng đặc
biệt, như sau: "Nhiệt độ lên đến 105 (độ F) và đang tăng lần!" Khi nghe tín hiệu
đó, tất cả các nhơn viên làm tin tức người Tây phương phải đến tập trung ở địa
điểm di tản, đã được quy định, trong thành phố. Chúng tôi được biết công tác di
tản sẽ quyết liệt nhứt khi đài phát thanh bắt đầu phát đi điệu nhạc "White
Christmas" do Bing Crosby trình bày.
[...]
Ngày 26 tháng Tư - Sài Gòn, Khách sạn Continental
Một nhóm nhỏ nhà báo Mỹ ngồi quanh một cái bàn ở trên sân bên trong khách sạn
Continental. Cái khách sạn cũ kỹ này ăn nên làm ra nhờ những quân đội chiếm
đóng. Ban đầu là Pháp, kế đến là Mỹ. Trong khi chẳng có khách sạn mới nào cất
thêm gần đó, một số khác sau này bị khủng bố phá hoại, Continental tìm cách để
thoát khỏi mọi thứ đó, phần lớn nhờ biết nộp nhiều "thuế" cho cộng sản. Người ta
còn có cảm tưởng là một vài nhà báo làm việc trong khách sạn, thực ra là người
của cộng sản. Kết quả là khách sạn này được báo chí ngoại quốc chiếu cố, vì một
phần nào đó họ có được cái cảm tưởng là còn hưởng được cái thích thú của thời
thực dân Tây, đã qua rồi từ lâu, ngày nay chỉ còn lại cái hào nhoáng vật chất mà
thôi.
Mấy cậu bé đường phố liếc mắt canh chừng những anh dọn bàn để lẽn vào bên trong
nhà hàng, xin đánh giày, bán báo khiêu dâm, thậm chí "bán" chị của chúng và, xa
hơn nữa, bán anh hay em trai của tụi nó và tệ hại hơn nữa bán thân của chính
chúng nó cho những ai thích làm tình kiểu kỳ quái!
Thế nhưng, sáng hôm nay chẳng có nhà báo nào để ý đến những cái trò quái quỷ
thường ngày đó nữa. Họ chỉ bàn tán đến số phận của Michel Laurent vừa bị hy sinh
trong khi đang hành nghề tại hiện trường. Michel đang làm nhiệm vụ với một toán
thu hình thì bị VC pháo kích ở quốc lộ 1. Chuyên viên thu hình may mắn thoát
khỏi, nhưng giây phút cuối cùng anh ta còn trông thấy được Michel là khi hắn ta
bỏ anh ấy mà chạy thẳng vào phía hỏa lực đối phương.
Có thể Michel đã bị thương. Michel là con người kỳ cựu của chiến tranh Việt Nam,
đã từng theo dõi cuộc chiến này trong vòng năm năm qua. Cộng thêm hai năm phóng
viên chiến trường ở Phi Châu, với quân đội Pháp, chưa kể thời kỳ ở Bangladesh.
Dẫu sao đi nữa thì Michel cũng là người Pháp...nhưng tuy vậy họ vẫn biết rằng
khi một người bạn đã tuyệt tích giang hồ thì chẳng còn khi nào trở lại nữa! Và
chúng tôi bắt đầu nghĩ đến thân phận của chính mình.
Quày rượu trên sân thượng khách sạn Majestic -23:00 giờ
Bọn chúng tôi, người nào cũng già ba mươi năm kinh nghiệm chiến trường Việt Nam,
đang kết thúc bữa ăn tối bằng rượu mạnh để giúp đỡ tiêu hóa và xì gà Cuba. Nhóm
này gồm có Roy Rowan của tạp chí TIME, người đã từng chứng kiến sự sụp đổ của
Quốc dân đảng Trung Hoa vào tay Trung cộng ở Thượng Hải. Vì vậy nên tòa soạn báo
TIME ở New York tặng cho anh ta bí danh là "người đóng cửa đất nước". Còn có
Catherine Leroy, một cô đầm nhỏ thó nhưng năng nổ hăng say, đã làm bài phóng sự
độc đáo cho tạp chí Life, nhờ chị đã đi thực tế trong hàng ngũ Việt Cộng khi
cộng sản bao vây Huế hồi Tết Mậu Thân. Ngoài ra, còn có Dave Greenway của Los
Angeles Time, Mark Godfrey, Nik Wheeler và tôi.
Trải qua một lúc lâu thoải mái, trong bầu không khí ẩm ướt của đêm Sài Gòn và
với hương thơm thoang thoảng của phương Đông, dường như trong một giây phút ngắn
ngủi chiến tranh đã đi đâu mất. Thức ăn ngon, rượu vang tuyệt vời và độ nồng ấm
của rượu mạnh sau bữa ăn loan tỏa qua đầu và qua người, những chuyện của Sài
Gòn, trong phút chốc, đã biền biệt đi xa.
Khi những người hầu bàn bắt đầu thu dọn, vì đã quá khuya, thì câu chuyện của
chúng tôi trở lại với thực tại. Rồi chúng mình sẽ làm gì đây? Không một ai trong
bọn tôi cho rằng nguy cơ sẽ do quân lính Bắc Việt mà ra. Thế nhưng, tình hình
phân hóa, không ai chỉ huy của quân đội và cảnh sát Việt Nam làm chúng tôi lo
ngại nhiều hơn. Quân đội và cảnh sát lâm thời sẽ điên loạn lên khi Mỹ ra đi và
cộng sản tái lập được trật tự.. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề đó không biết
bao nhiêu lần rồi, nhưng tiếc thay chưa có câu giải đáp.
Nik Wheeler và tôi rời bàn ăn, đứng lên nhìn xuống sông, từ lầu tư của cái khách
sạn xưa cũ nằm trên bờ sông. Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh đang nằm yên trong bóng đêm.
Tôi nhớ lại có một đêm tôi suýt chết khi trái mìn định hướng nổ bên cạnh, và tôi
đang chụp cảnh trí đó. Một người bạn bị thương kêu cứu nên tôi vừa quỳ gối xuống
xem anh ta thì những mảnh vỡ của quả mìn bay trên đầu tôi.
Giờ thì nhiều bạn bè đã nằm xuống nơi chiến trường này. Henri Huet, chuyên viên
nhiếp ảnh, cùng làm việc với tôi ở UPI Sài Gòn, Dana Stone và Sean Flynn, những
phóng viên mạo hiểm, mãi mê đuổi theo niềm hứng khởi của mình, nên đã lọt vào
tay tiểu đội hành quyết Cam Bốt, Larry Burrows, người nghệ sĩ dễ thương của tạp
chí Life, Kyoichi Sawada, người đã chiếm giải Pulitzer đầu tiên khi làm việc
cùng cơ quan thông tấn UPI với tôi và nay đến lượt Michel!
Trên đường đi xuống cầu thang, chúng tôi qua ngang một gian phòng rộng lớn đả
được chính phủ mới của Dương Văn Minh sắp đặt để mở hòa đàm. Một chiếc bàn tròn
to lớn nằm ở giữa phòng. Trên bàn là một huy hiệu của Kinh Dịch, có hai chim bồ
câu bao quanh. Đó là huy hiệu mới của chính phủ hòa hợp hòa giải. Chúng tôi mĩm
cười khi nhìn thấy anh bảo vệ nằm ngủ trên mặt bàn. Tôi bước đi vào đêm tối im
lìm.
Chương 5 : Ai làm ăn lương thiện có thể ở lại
Ngày 27 tháng Tư - Sài Gòn, khách sạn Palace -01:00 giờ
Tôi chưa giải nghể được sau cuộc chè chén đêm qua. Tôi lấy một chai bia 33 trong
tủ lạnh nhỏ đặt trong phòng. Tôi vẫn còn nửa điếu xì gà "Romeo & Juliet" của bữa
ăn hôm qua ở Majestic. Tôi ngồi trên giường để ghi những lời chú thích cho cuộn
phim mà ngày mai tôi phải gởi đi New York. Tôi bước lại tủ lạnh, lôi một chai
Cognac nhỏ và thêm vào tí Soda. Tôi tắt máy điều hòa không khí, rồi mở cửa sổ
ra. Vì lịnh giới nghiêm nên đường phố như vắng tiếng xe cộ. Tôi nhớ ra rằng chưa
bao giờ gặp một tình hình như vậy của Sài Gòn. Chắc giống cảnh Sài Gòn trong
những năm hai mươi, trước thời kỳ của xích lô, của xe Lam và của những chiếc
Taxi hai màu vàng và xanh lơ chạy khắp phố phường.
Tôi nhìn ra những con đường rộng lớn của thành phố. Gần như hoang vắng. Khi
người Pháp vẻ bản đồ Sài Gòn, họ hình dung những con đường rộng rãi và có trồng
cây hai bên. Quả thật như là Paris của phương Đông. Tôi đem máy ảnh ra lau chùi.
Bụi đất đỏ len lỏi vào nhiều bộ phận của máy ảnh. Tôi kéo vạt áo thun để lau bộ
phận ngắm. Tôi thật tình muốn làm thêm một phóng sự nữa ở quốc lộ 13. Có lẽ vào
buổi sáng.
David Kennerly đến đón tôi tại khúc quanh bằng xe của khách sạn Caravelle. Chúng
tôi định thực hiện một "chuyến đi an toàn" ra tiền tuyến. Leon Daniel ngồi băng
sau. Dọc theo quốc lộ 13, khoảng 30 cây số về phía Bắc của Sài Gòn là chúng tôi
bắt đầu vào vùng phi quân sự. Chúng tôi choàng áo giáp lên vai và núp xuống bên
trong xe. Người tài xế nhấn hết ga và chúng tôi lao đi nhanh như tên lửa trong
khi hỏa tiễn Bắc Việt bay veo veo trên đầu.
Chúng tôi bắt kịp một đại đội Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đang di chuyển lên
hướng Bắc. Chúng tôi chụp hình quân lính và chiến xa của họ đang tiến trên quốc
lộ, rồi dừng lại ăn trưa. Đang gặm miếng ăn cầm tay (Sandwich) thì đám mây đen
nghịt bắt đầu kéo đến. Mưa bắt đầu rơi nặng hột thì một tràng AK-47 nổ trên
không, ngay trên đầu tôi. Tôi cảm thấy không khí rung động. Đột nhiên, hàng cây
cháy bùng lên. Chiếc xe của khách sạn xoay tròn và tan ra nhiều mảnh vụn trên
quốc lộ, bỏ chúng tôi lại bơ vơ. Đạn pháo cỡ lớn, loại 105 ly, bắt đầu rơi quanh
chúng tôi. Một chiếc thiết vận xa, cửa sau còn mở, chạy thoáng qua. Tôi chạy
theo thật nhanh, dưới cơn mưa, nhảy gọn lên, xong khép cửa lại.
Trong góc xe, một bóng người ngả xuống, khói bốc lên từ thân xác. Tôi nhìn xem,
thì dường như là một chuyên viên nhiếp ảnh. Máy ảnh loại Nikon F của anh nằm
xoài trên sàn xe, chiếc máy tan tành. Tôi thử nhặt chiếc máy lên, nhưng nóng
quá. Tôi đành bỏ xuống. Bên ngoài chiếc thiết vận xa, tôi có thể nghe tiếng đạn
pháo đang tìm mục tiêu. Màng nhĩ của tôi nổ lung tung. Một quả tạc đạn lân tinh
nổ bùng bên trong thiết vận xa. Tiếng nổ thật chát chúa. Chất lân tinh bốc lên
không rồi rơi xuống như những cánh tuyết, chỉ khác là rơi xuống chỗ nào là cháy
chỗ đó. Tôi thấy lớp da của tôi bốc cháy, nhưng kỳ lạ vô cùng, là tôi chẳng thấy
đau đớn gì hết. Đạn pháo và hỏa tiễn đang tập trung vào tôi. Và đang lần hồi tới
gần...
Khách sạn Palace - 04:00 giờ
Tôi thức giấc, chiếc áo thun đẫm ướt mồ hôi. Thì ra, cái máy điều hòa không khí
đã ngừng từ lâu. Thình lình, có một sự rung động như là hỏa tiễn rơi ngay bên
ngoài cửa sổ. Mảnh vụn văng tứ tung. Có tiếng còi hụ. Tôi chạy ra khỏi phòng và
chạy xuống cầu thang, ra đường. Vụ nổ làm bừng sáng cả một góc trời. Có lửa cháy
trên nóc khách sạn Majestic, chỉ cách chỗ tôi một khu nhà. Tôi len lỏi đi qua
đám đông đang hoảng sợ. Từ lầu hai, Nik Wheeler gọi xuống, tôi chạy trở lên.
Phía sau Nik là phòng họp đã chuẩn bị đang bốc khói. Qua khói mù và những mảnh
vụn, chúng tôi khó khăn lắm mới nhận thấy một xác người. Thì ra đó là anh chàng
bảo vệ nằm ngủ trên bàn họp đêm qua.
Chợ Bến Thành - 07:30 giờ
Ngôi thánh đường đổ nát, chỉ còn lại cây thánh giá đứng trơ vơ. Một vùng, bề dài
bằng hai khu nhà, ngang bằng một, đã bị trận pháo kích đêm qua tàn phá. Nhơn
viên cứu cấp lôi ra một xác người từ đóng tro tàn còn bốc khói. Những người phụ
nữ lang thang trong đống gạch vụn, thúc thích trong khăn tay. Thỉnh thoảng có
người tìm thấy một xác chết trẻ con và oà lên khóc. Đang chụp hình, tôi bỗng
nhiên nhận thấy một cô phóng viên truyền hình xinh đẹp, áo bông, váy ngắn và
giày ống, mà tôi chưa gặp bao giờ. Cô có vẻ lúng túng trong khi đang làm việc.
Đó là Hillary Brown của hãng thông tấn ABC, mới vừa đến Việt Nam. Cô đã từng
theo dõi các trận đánh bom ở Bắc Ái Nhĩ Lan. Như vậy, cô không xa lạ gì với cảnh
tượng ở Việt Nam. Sửa lại dáng đứng, cô có lời phê để ghi vào thiên phóng sự:
"Kể từ 1968, đây là lần đầu tiên hỏa tiễn cộng sản rơi xuống Sài Gòn. Người dân
thủ đô không tưởng tượng được là lực lượng địch ở ngay bên ngoài đường biên
thành phố. Họ thấy rằng đây có thể là màn cuối cùng của cuộc chiến này."
Khu cộng sản Bắc Việt trong Tân Sơn Nhứt - 12:00 giờ
Mặc dầu Sài Gòn vừa bị pháo kích, và lực lượng chiến đấu đang lảng vảng ở ngoại
ô thành phố, đoàn quan sát ngừng bắn của cộng sản Hà Nội cứ mở họp báo ngày chủ
nhựt như thường lệ. Đúng theo tinh thần Hòa đàm Paris, phi trường Tân Sơn Nhứt
được cộng sản dùng làm nơi họp báo của họ.
Nằm vào một góc của căn cứ không quân Mỹ trước kia, khu cộng sản Bắc Việt được
những cây cọ dừa cung cấp bóng mát. Những người lính Bắc Việt, đầu đội nón cối,
vai mang AK đi tuần rảo quanh doanh trại hoặc đứng im một cách lạnh lùng. Một
nhóm ký giả Mỹ và chuyên viên thu hình đứng đầy căn lều bằng tôn mái tròn, chờ
dự họp báo.
Cuối phòng, một cây cờ Việt Cộng to tướng, nửa đỏ, nửa xanh lơ, ở giữa là một
ngôi sao vàng, được treo trên tường. Ngồi ở cái bàn trải thảm màu xanh lá cây,
đặt ngay bên dưới cây cờ, ông đại tá Ba, phát ngôn viên của họ trả lời các ký
giả. Trong khi đó vài ba người lính cộng sản mời nước ngọt cho những nhà báo
đang nóng nực vì lều chật lại đông người, vì ánh đèn quay phim làm tăng cao độ
nhiệt.
Hillary Brown hỏi đại tá Ba: "Giờ thì có hy vọng gì đi đến một giải pháp qua
thương thuyết với chính phủ Sài Gòn không? Cộng sản có chấp nhận tổng thống
Hương như là thành phần của chính phủ hòa hợp hòa giải, khi tổng thống Thiệu đã
ra đi không?" Đại tá Ba nghiêm trọng lắc đầu và đáp: "Ông Hương hay ông Thiệu
thì cũng thế thôi."
Thắc mắc chánh của báo chí ngoại quốc, được hỏi đi hỏi lại nhiều lần là nếu họ ở
lại khi Bắc Việt chiếm thành phố thì số phận của họ sẽ như thế nào? Họ có được
an toàn không? Tất cả bọn chúng tôi nghĩ đến thân phận của mình trong những ngày
sắp tới. Mĩm cười, đại tá Ba trả lời:"Người nào làm ăn lương thiện sẽ được đối
đãi tử tế."
Sài Gòn - Trụ sở Thượng viện -15:00 giờ
Một toán quân danh dự dàn chào - quân phục trắng thẳng nếp, nón sắt bóng láng
phản chiếu ánh nắng mặt trời - đứng nghiêm trước tòa nhà thượng viện, trang trí
cờ xí, nằm trên con đường dọc theo sông Sài Gòn. Các toán truyền hình chạy lăng
xăng tìm cách thu hình các phái đoàn. Có Nguyễn Cao Kỳ với bà vợ xinh đẹp và
mảnh mai. Ông "Minh Cồ", đã có một lúc làm Chủ tịch hội đồng quân nhân cách mạng
cũng đến dự. Cuối cùng, kèn trống inh ỏi, một chiếc xe Mercedes đen trờ tới, có
toán an ninh với M-16 hộ tống. Tổng thống Trần Văn Hương, vừa nhậm chức hai mươi
bốn giờ qua, đứng trước toán quốc kỳ làm lễ chào cờ. Quốc thiều trổi lên. Chậm
rãi, ông xoay người qua, và từng bước một, ông leo mấy nấc thang của quốc hội để
từ chức tổng thống. Và nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông đã xong rồi.
Chương 6 : Tôi nghĩ ai ai cũng điên khùng
Ngày 28 tháng Tư - Cầu Tân Cảng, Sài Gòn - 10:00 giờ
Trực thăng võ trang bay ngang dọc trên đầu người, tiếng bay của hỏa tiễn đua
nhau xé không gian. Quân sĩ Việt Nam nằm sát hai bên lề đường trên cầu, nổ súng
khơi khơi nhắm vào bờ bên kia sông. Nhiều cột khói khổng lồ bốc lên từ những nhà
kho của Tân Cảng và từ các thùng chứa xăng nằm trên cửa sông vào Sài Gòn. Tại
con xa lộ bốn đường xe chạy này, cách xa trung tâm thành phố không đầy năm cây
số, chính phủ Việt Nam đang sống mái với kẻ thù trong một trận đánh cuối cùng.
Tôi nằm úp mặt một bên cầu, trong khi Hillary Brown, tay cầm một máy ghi âm lăn
ngang qua cầu đến chỗ tôi. Chúng tôi cùng nhìn xuống mép cầu. Bên dưới chúng
tôi, ngay trước mặt, có những bóng người chạy ngang qua những ngôi nhà đang
cháy. Những chiếc trực thăng võ trang bay rất thấp, phóng hỏa tiễn và nhả đạn
vào những bóng người đó. Quân Bắc Việt đã đến trước cổng thành phố.
Nhiều chiếc xe tải, bóp còi inh ỏi, xuất phát từ Tân Cảng, chạy hết tốc lực, chở
đầy những thùng đạn. Xe tải chưa qua khỏi chúng tôi thì một tiếng nổ kinh thiên
động địa đẩy mạnh chúng tôi vào thành cầu và một chiếc xe bốc cháy, như một quả
cầu lửa đỏ khổng lồ. Chiếc xe chẳng còn gì. La ó vì sợ hải, những người lính
Việt Nam Cộng Hòa quăng súng chạy nhanh xuống cầu, hướng về phía thành phố.
Cửa hàng mậu dịch của Mỹ, Sài Gòn - 11:30 giờ
Những người Việt Nam đập phá cửa nẻo của cửa hàng mậu dịch to lớn nhứt của Hoa
Kỳ ở Sài Gòn. Trong khi tiếng còi báo động kêu ầm ĩ, họ cứ đẩy những xe chất đầy
đường, gạo, thuốc men, thịt cấp đông,... Cảnh sát đứng nhìn một cách thích thú,
chẳng nói, chẳng rằng. Thỉnh thoảng còn chốp lấy một món hàng nào đó trên xe
thực phẩm đẩy ngang qua trước mặt, như là một cung cách thu thuế.
Dinh tổng thống, Sài Gòn - 15:30 giờ
Phòng khánh tiết rộng lớn, màn treo phướng rủ của Dinh Độc Lập chứa đầy quan
chức chính phủ, dân biểu quốc hội, viên chức tòa đại sứ Hoa Kỳ và phóng viên ký
giả. Gian phòng nóng bức dưới những ánh đèn thu hình. Thỉnh thoảng, một cơn gió
ẩm ướt lay động những bức màn của mấy cái cửa rộng lớn, và mây đen kéo đến, hứa
hẹn một cơn mưa to.
Cụ già bảy mươi mốt tuổi đời Trần Văn Hương, vị tổng thống cuối cùng của Việt
Nam Cộng Hòa, lụm cụm bước lên bục. Nước mắt lưng tròng, ông đọc bài diễn văn
cuối cùng. Ông dứt lời, một quân nhân, trong bộ đồng phục trắng thẳng nếp, sắp
xếp lại quốc kỳ vàng ba sọc đỏ. Một quân nhân khác tháo gở quốc huy tổng thống
cũ xuống. Gian phòng bỗng nhiên im ắng lạ thường, như bị một xúc động cao độ làm
tê liệt. Toàn bộ những người tham dự như bị đông đặc trong một khung cảnh lịch
sử!
Bỗng dưng, như một phát súng lịnh, một tiếng gầm vang dội tràn ngập gian phòng.
Màn trướng tung bay theo gió, mưa nặng hột đổ xuống, đi kèm là sấm sét. Như
chừng trời đất cũng muốn bày tỏ nỗi niềm tức giận cho một hiện tượng chánh trị
có một không hai.
Giữa cơn sấm sét ầm ì, tướng Dương Văn Minh, năm mươi chín tuổi đời, bước lên
bục diễn đàn. Thân phận cuối cùng của Nam Việt Nam được phó thác cho vị tướng
này. Mười hai năm trước đây, cũng chính ông tướng này đã tiếp tay để cho Hoa Kỳ
dấn thân vào Việt Nam bằng cách lật đổ ông Ngô Đình Diệm, một vị tổng thống
chuyên quyền. Giờ đây sự can dự đó đang đi lần đến hồi kết cuộc rả rời. Tướng
Minh tiếp cận với giai đoạn lịch sử một lần cuối, để chứng kiến cuộc trao quyền
lại cho phía cộng sản. Quốc huy mới của đất nước - hình quẻ kinh dịch với hai
con bồ câu - được gắn lên bục diễn đàn thì một tiếng sấm nổ to, rền vang trên
thành phố và vang dội trong phòng khánh tiết.
Sài Gòn - Công trường Lam Sơn - 18:00 giờ
Tội băng ngang đại lộ Nguyễn Huệ, cố giữ cho máy ảnh khỏi bị ướt vì cơn mưa tầm
tã. Một trận kẹt xe kinh khủng, tôi phải bỏ xe để đi bộ đến văn phòng. Xích lô,
Honda, Taxi và xe nhà bị kẹt cứng trên đường, bóp còi inh ỏi.
Chờ cho đám kẹt xe giãn ra, tôi nhìn về phía tượng hai người lính thủy quân lục
chiến Việt Nam dựng ở công trường Lam Sơn, trước tòa nhà quốc hội.. Xuyên qua
tượng đài, tôi thấy ba chấm đen ở chân trời tiến nhanh về phía tôi. Ba chiến đấu
cơ A-37, mang cờ hiệu Việt Nam, nhào lộn trên đầu tôi. Tôi tạm thời cho rằng đó
là một lối biểu dương lực lượng, nhưng cấp thời sau đó, một chiếc tách rời đội
hình, bay về hướng dinh Độc Lập rồi phóng hỏa tiễn xuống. Một cụm lửa nổi lên
bên trong sân dinh, tiếng nổ hòa lẫn với tiếng sấm sét rồi hai chiếc còn lại
cũng bay theo chiếc trước và nhả đạn xuống mục tiêu.
Tôi chui xuống gầm xe, cùng với nhiều ký giả khác, từ dinh Độc Lập chạy ra, tìm
chỗ an toàn. Ba chiếc phi cơ lại rả đội hình và bay sà ngang chỗ chúng tôi nã
đại liên. Sau đó, cả ba kéo mũi lên, bay về hướng Bắc, về miệt phi trường. Tôi
mở máy vô tuyến, băng tần phòng vệ của Mỹ để nghe đài Mission Warden. Đài vẫn
còn hoạt động. Được biết là phi cơ đang ném bom Tân Sơn Nhứt.
Khi băng qua đường đến khách sạn Continental Palace, tôi trông thấy Mark Godfrey
dìu Hillary Brown đến chỗ an toàn. Hai người đều ướt như chuột lột. Súng nổ nghe
đều khắp. Như chừng lính tráng và cảnh sát trong thành phố mạnh ai nấy bắn. Ký
giả Ed Bradley trông như chết điếng vì hoảng sợ khi ông trông thấy người cảnh
sát quay lại, chĩa súng vào đầu chuyên viên thu hình rồi bóp cò. May quá, súng
đã hết đạn!
Những tiếng nói trong tai tôi la lối om sòm, tiếng Việt, tiếng Mỹ lẫn lộn. Một
tiếng nói người Mỹ lấn át tất cả:".... gọi trung ương, gọi trung ương... tôi
không biết chuyện gì xảy ra, nhưng có lẽ mọi người đều điên khùng hết rồi!"
Sài Gòn, trên sân thượng khách sạn Continental Palace - 23:00 giờ
Harry Griggs và Neil Davis của NBC và tôi, cả ba vừa tiêu thụ xong một bữa ăn
tuyệt vời chưa từng thấy, với rượu mạnh và xì gà Cuba, ở nhà hàng trên sân
thượng của khách sạn. Chúng tôi có thể nghỉ ngơi thoải mái vì chẳng còn nơi nào
để đi làm phóng sự, với lịnh giới nghiêm, đã được ban hành từ lúc xế chiều. Ai
bị bắt gặp ờ ngoài đường thì sẽ bị bắn tại chỗ. Chỉ có ba người chúng tôi, hai
Mỹ, một Úc, trong nhà hàng, nên được chiều chuộng tối đa.
Từ trong bóng tối, mươi cô gái muốn nhờ chúng tôi giúp cho một chuyến đi Mỹ. Giờ
phút đó, người Việt Nam nào cũng bám lấy chúng tôi. Người quản lý đưa ra một
chai rượu nữa, nhưng ở phía Bắc đã nghe thấy nhiều tiếng nổ. Giây phút sau, có
tiếng nhiều loạt súng từ phía Tân Sơn Nhứt.
Có tiếng nói trên tần số của Embassy Mission Warden: "Đây trung ương... có tin
DAO bị pháo kích! Trung ương... trung ương, Mission, chúng tôi bị thiệt hại và
có người bị thương ở phòng thể dục! Trung ương... trung ương, có trực thăng võ
trang rơi gần cổng! Trung ương.... trung ương... đây là Security One. Có lính
thủy quân lục chiến bị bắn gần cổng trước! Chúng tôi cần cứu cấp NGAY!"
Từ vị trí thuận lợi, chúng tôi thấy hết vụ nổ này đến vụ nổ khác làm sáng cả mỗi
góc trời. Có vẻ như toàn bộ máy bay ở bến đậu bị pháo. Tôi trở vào phòng ngủ và
tìm cách liên lạc điện thoại với văn phòng. Không ai trả lời. Tôi trở lên sân
thượng, Harry Griggs đang liên lạc vô tuyến với NBC. Vẫn chưa có tìn gì của sứ
quán.
Vô tuyến của Mission lại lên tiếng: "Trung ương, đây Security One. Ở đây có ba
thủy quân lục chiến hy sinh. Xin cho ý kiến. Xin tiếp tay với chúng tôi."
Đến đây, có một tiếng nói khác trên máy vô tuyến.... một tiếng nói chúng tôi chưa
nghe thấy bao giờ. Một giọng nói trầm lắng và bình tĩnh, như một mệnh lệnh:
"Mission Control, Mission Control, đây Silver Hill. Tôi lập lại, đây là Silver
Hill, xin cho biết bạn nghe tôi rõ không? Chúng tôi nắm quyền chỉ huy tất cả mọi
công tác. Tất cả các liên lạc, giờ đây chuyển qua Silver Hill."
Không một ai trong chúng tôi nghe đến Silver Hill bao giờ. Bỗng dưng tôi nhớ
ra... là trong nhiều lần đến căn cứ không quân Andrews, tôi có thấy một bảng chỉ
đường hướng về Silver Hill. Thì ra, từ giờ phút này, Washington nắm quyền điều
hành tất cả mọi chuyện ở Việt Nam.
Chương 7 : Nhiệt độ lên 105 và cứ tăng lần
Ngày 29 tháng Tư - Sài Gòn - 10:00 giờ
Đường phố Sài Gòn vẫn vắng lạnh, im ắng. Giới nghiêm từ tối hôm qua vẫn còn hiệu
lực. Giống như cảnh một thành phố ma.
Trên sân thượng của khách sạn New Palace, chúng tôi đứng nhìn về phía Tân Sơn
Nhứt. Nhóm phóng viên của NBC đã chuẩn bị xong máy thu hình, lấy khăn tay che
đầu chống lại cơn nắng gay gắt của mặt trời buổi sáng. Người bồi bàn của khách
sạn đưa lên những mâm thức ăn cầm tay và những ly bia.
Chúng tôi thấy một chiếc C-119 lượn quanh sân bay, vài ba phút nhả đạn xuống
đất. Bỗng nhiên, chiếc phi cơ vỡ tan, biến thành một đám lửa sáng ngời rồi nhiều
mảnh vụn từ từ rơi xuống đất, xoay tròn và bốc khói. Neil Davis la lên: "Trời!
hỏa tiễn SAM!"
Tôi cảm thấy có ai vỗ vai. Quay lại, thì ra con người mà tôi thấy vắng mất mấy
hôm nay. Nguyễn Văn Thơm đang đứng trước mặt tôi. Tôi đã hỏi những người tôi
quen trước nay, xem có biết Thơm ở đâu không. Thơm là chuyên viên phòng tối
trong hai năm, lúc tôi phụ trách hình ảnh cho UPI-Saigon trong những năm 1960.
Thơm trốn quân dịch nên chủ yếu làm trong phòng tối. Ông đã in ra không biết bao
nhiêu bức ảnh đã được giải World Press Photo Awards và Pulitzer Prizes, nhờ rửa
được những bức hình độc đáo của những người nhiếp ảnh dũng cảm. Từ mấy tháng qua
không ai biết được tông tích của Thơm thì nay ông lại hiện ra.
Nhìn tôi, Thơm nài nĩ: "Ông Dirck Halstead, tôi rất vui mừng gặp được ông! Ông
có thể nào đưa hộ gia đình tôi đi không?" Đó là câu hỏi mà nhiều người trong bọn
tôi đã nghe mấy ngày nay. Tôi chẳng biết sẽ làm sao, nhưng tôi bảo ông Thơm là
cứ đem vợ con đến đây đi. Càng sớm càng tốt. Ông Thơm quay lưng đi, tôi nhắn
theo là, nếu được, nhờ ông mua cho tôi mấy cục pin cho máy vô tuyến. Ông Thơm
lủi thủi chạy xuống cầu thang.
Ông Thơm vừa chạy khuất là Harry Griggs, tay cầm vô tuyến liên lạc, la to: "Có
lịnh rồi! Đã đến lúc rồi! Di tản! Mọi người đi nhanh!"
Tôi chạy nhanh xuống phòng, và kêu điện thoại báo cho cơ quan thông tấn. Rowan
cho biết là sứ quán vừa ra lịnh cho toàn thể nhân viên Mỹ tập trung ngay ở các
địa điểm di tản. Trạm của chúng tôi nằm ngay đàng sau cơ quan thông tấn, ở khách
sạn Continental. New York muốn biết chắc chắn là chúng tôi phải rời Sài Gòn
ngay. Đã có quyết định là Mark Godfrey, người muốn ở lại, sẽ là người duy nhứt
trong cơ quan nằm lại. Những người khác được lịnh là phải có mặt ở điểm hẹn
ngay. Tôi mở chiếc máy thu thanh ở đầu giường và lời báo cáo thời tiết vẫn lập
đi, lập lại: "Nhiệt độ lên 105 độ và cứ tăng lần!"
Tôi chạy trở lên sân thượng. Toán phóng viên NBC đã đi mất. Tôi nhìn xuống
đường, thấy những người Mỹ từ bên trong khách sạn bỗng nhiên đổ ra đường, đi về
hướng đại lộ Nguyễn Huệ. Tôi bắt đầu gom góp máy chụp hình và nghĩ đến Thơm.
Quái quỷ cái anh chàng này đi đâu? Tôi chờ 10 phút.. Đường phố vẫn hoang vắng.
Một chiếc Jeep chở đầy thủy quân lục chiến Mỹ trong quân phục chiến đấu chạy về
hướng đại lộ.
Tôi đợi Thơm thêm 10 phút nữa. Tôi nghe tiếng trực thăng bay trên trời ở đằng
xa. Thật chán cái ông này! Tôi nhìn xuống đường lần nữa. Chẳng thấy Thơm đâu
hết. Tôi lấy túi đựng máy ảnh ra đi thì thấy một gói nhỏ bên cạnh. Mở ra. Trời,
những cục pin mà tôi nhờ Thơm mua. Ông ta ở đâu bây giờ? Tôi bắt đầu bấn loạn...
chờ vài phút nữa... Một cái bóng qua ngang tôi, ngó lên thì thấy một chiếc trực
thăng CH-54 Sea Stallion của Hải quân bay ngang. Tôi phải đi thôi!
Sài Gòn, đường Gia Long - 11:00 giờ
Một nhóm người Mỹ di chuyển thận trọng qua các đường phố hoang vắng dọc theo
khách sạn Continental Palace. Họ mang theo nào là ba lô, máy chữ, máy ảnh và
thiết bị thu thanh. Người Việt Nam nhìn theo chúng tôi và bắt đầu đóng cửa nhà
và cửa sổ. Những cái nhìn đó cho thấy họ đã đoán được điều gì rồi. Họ thấy rằng
chúng tôi đang cuốn gói.
Một sự im lặng kỳ lạ tiếp tục kéo dài trong khi chúng tôi tụ tập lại trước tòa
nhà số 35 đường Gia Long, trên tường còn những chữ mờ mờ "University of
Maryland, Saigon Education Center". Những toán người Mỹ và Tây phương khác cũng
đến nhập bọn với chúng tôi. Chẳng mấy lúc mà nhóm chúng tôi có đến mấy trăm
người đứng ở góc đường để chờ đợi.
Hai chiếc buýt sơn đen xuất hiện và lướt đến ngừng ngay trước mặt chúng tôi. Một
người lính thủy quân lục chiến Mỹ, mình mặc áo giáp, đầu đội nón sắt bước xuống
xe và hô to: "Đi thôi, quý vị!" Từng người một, chúng tôi leo lên xe. Một vài
người Mỹ giúp một người bạn Việt Nam leo lên xe buýt. Bên trong chiếc xe, bầu
không khí nóng oi ả vì không có máy điều hòa. Chiếc xe lăn bánh chẳng bao xa thì
chúng tôi tới đàng sau sứ quán Hoa Kỳ. Một đám đông gồm hàng trăm người Việt Nam
cố gắng trèo lên tường rào, trong khi thủy quân lục chiến phía bên trong xô đẩy
họ trở ra. Thấy xe chúng tôi đến, đám đông dàn hàng ngang trước đầu xe. Thủy
quân lục chiến trên xe la to: "Cứ chạy tới!"
Người tài xế hoang mang sợ hãi. Ông ta ngồi yên, bất động. Những quả đấm bắt đầu
đập mạnh lên tấm lưới sắt che chắn cửa sổ xe. Máu từ những nắm tay đập vào lưới
sắt bắt đầu ứa ra. Anh thủy quân lục chiến móc khẩu súng lục 45 ra, chỉa vào ông
tài xế và quát: "Cho xe chạy nhanh lên!". Chiếc xe từ từ chuyển bánh, bỗng
nhiên, chúng tôi cảm thấy bánh xe lăn trên thân người. Đám đông la ó. Anh lính
kề họng súng vào gáy ông tài xế và lập lại: "Cứ chạy đi!" Chúng tôi cảm thấy đau
lòng và lợm giọng khi chiếc xe cứ rẽ đám đông để tiến tới.
Căn cứ Tân Sơn Nhứt - 12:30 giờ
Cổng căn cứ không một bóng người khi chiếc buýt chạy ngang tượng đài cao nghệu
trước cổng, với hàng chữ ghi công: "Người bạn đồng minh cao quý... những sự hy
sinh của họ không khi nào bị lãng quên."
Chiếc xe dẫn đầu cán đại lên kẽm gai của rào cản cuối cùng rồi băng qua cổng của
DAO (Defense Attaché Office: phòng tham vụ quân sự, cơ quan cố vấn và viện trợ
quân sự Mỹ thu hẹp). Kề bên cổng là một chiếc xe của sứ quán bị lật ngửa. Những
cột khói đen to tướng bốc lên từ khu Air America, nằm bên kia đường.. Một chiếc
trực thăng hư hỏng, nằm ở đường mương, thiếu mất một gọng đáp, cánh quạt vẫn còn
quay. Chiếc buýt dừng lại bên trong cổng, trước bức tường dày cộm của DAO.
Hillary Brown và tôi vừa bước xuống xe buýt thì một tiếng nổ kinh hồn làm chúng
tôi ngã xoài xuống đất. Một quả đạn 130 ly vừa đánh trúng trạm Air America, cách
chúng tôi chừng năm mươi thước. Người lính với chiếc áo giáp cuối người bên trên
Hillary để bảo đảm an toàn cho bà, sau đó đứng lên hô to: "Hãy đi thôi quý vị...
đừng hoảng sợ!"
Vừa khom người, vừa chạy, chúng tôi phóng nhanh vào bên trong tòa nhà DAO. Hỏa
tiễn rơi tới tấp sau lưng chúng tôi. Một người phụ nữ Việt Nam ngã nhào, Mal
Browne của AP đỡ bà lên rồi đưa bà vào bên trong.
Bên trong một cái hành lang dài, những tiếng nổ bên ngoài chỉ nghe văng vẳng
thôi. Hàng trăm người Việt Nam và Mỹ ngồi dựa lưng vào tường, túi hành trang để
trước mặt. Mấy người lính Thủy quân lục chiến, đồ tác chiến nghiêm chỉnh, phát
cho mỗi người một tấm thẻ, dặn rằng: "Thẻ này dành cho quý vị, chớ không phải
cho hành lý."
Đang ngồi ở hành lang, một vài ký giả đã tháo máy chữ ra và bắt đầu viết bài.
Một nữ tu quỳ gối lên chiếc va li và cầu nguyện. Tòa nhà thỉnh thoảng rung rinh
vì đạn pháo nổ ngay bên ngoài. Một sĩ quan thủy quân lục chiến đi qua hành lang
và tìm cách trấn an chúng tôi. "Đừng có lo sợ, trực thăng đến bây giờ!"
Khu Tân Sơn Nhứt - 13:30
Đại tá thủy quân lục chiến, Alfred Grey, đầu đội nón sắt, thân mặc áo giáp bọc
ngoài áo thun, đang nằm dưới rãnh nước phía ngoài tòa nhà DAO, gần rạp chiếu
bóng. Ông đại tá đang liên lạc qua cái máy vô tuyến do một anh Thủy quân lục
chiến trẻ có vẻ sợ hải. Hai người cứ hụp đầu xuống mương đầy nước vì đạn pháo
rơi quanh họ.
Ông đại tá đang liên lạc với những chiếc trực thăng, cất cánh từ hàng không mẫu
hạm đậu ngoài khơi biển Nam Hải bay vào. Bỗng dưng, tiếng nói của ông bị tiếng
động của phi cơ phản lực lấn át. Mấy chiếc F4 của Hải Quân Hoa Kỳ nhào lộn trên
không, phóng tên lửa và ném bom. Những đám cháy đỏ rực bên ngoài tòa nhà. Ông
đại tá nhìn lên và thấy tôi đang bấm máy chụp hình. Ông nói to: "Tuồng hát sắp
mở màn." Miệng nở một nụ cười, ông chỉ tay về hướng nhà hát bị bỏ hoang. Lính
thủy quân lục chiến chạy nhanh vào tòa nhà, trong khi khói vàng tỏa ra trên bầu
trời màu xám.
Bay sà mặt đất, chiếc trực thăng Sea Stallion đầu đàn xuất hiện trước tiên, theo
sau là một chiếc khác. Hai chiếc đáp xuống bên trong tòa nhà, cánh quạt vẫn tiếp
tục quay nhanh. Bệ chất hàng phía sau hạ xuống và một trung đội thủy quân lục
chiến, với súng M-16, M-50 và súng cối phóng nhanh ra.. Trong nháy mắt, họ họp
thành đội hình bao quanh tòa nhà và núp kín.
Đồng thời, một thủy quân lục chiến khác nắm tay nữ tu, hướng dẫn một toán lối
trăm người Việt và Mỹ chạy nhanh từ tòa nhà DAO. Họ vừa khom lưng vừa chạy xuyên
qua hành lang nối liền DAO với rạp chiếu phim... xuyên qua phòng đợi của rạp
hát.... qua ngang người lính thủy quân lục chiến trẻ tuổi, đổ vào sân trống rồi
leo lên trực thăng.
Chỉ mất 90 giây, sau khi chiếc trực thăng Sea Stallion đầu đàn của đại tá
Herbert Fix hạ xuống, nó vọt trở lên, với tốc độ tối đa, mang theo chuyến hàng
quý giá, cũng như chiếc thứ nhì theo sau và tiến trình lại bắt đầu trở lại.
Chương 9 : Chúng tôi vừa bỏ đi
Ngày 30 tháng Tư - Ngoài biển Nam Hải, trên USS Blue Ridge - 11:30
Hầu hết tập thể báo chí di tản khỏi Sài Gòn ngày 29 tháng Tư đã tìm đường tới
được soái hạm của Tập đoàn Tác chiến (Task Force), chạy lang thang cách bờ biển
phía Tây của Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Họ được đưa xuống trên nhiều tàu khác nhau của hạm đội và người nào cũng mang
theo phim hay băng ghi hình mà thế giới cần phãi xem qua. Đối với tôi thì không
còn kịp nữa rồi. Hôm đó là thứ Năm, nghĩa là tối thứ Tư ở New York. TIME
Magazine đóng cửa ngày thứ Sáu, thế nên dù sao tôi phải rời hạm đội đem phim đến
Subic Bay. Subic là điểm gần nhứt, từ đó ban văn thơ của TIME mới đưa lên chuyến
bay của Pan Am để về tới New York cho kịp giờ báo lên khuôn.
Chúng tôi tập hợp lại thành một phòng báo chí lâm thời trên tàu Blue Ridge. Lần
hồi, khi một ký giả hay một toán truyền hình nào đặt chưn lên tàu là chúng tôi
ráp nối tin tức lại, cho thấy chuyện gì đã xảy ra trong hai mươi bốn giờ qua.
Sài Gòn giờ đây là một câu chuyện đã qua rồi! Quân Bắc Việt đã treo cờ của họ
lên dinh tổng thống, thế là bỗng dưng có một thành phố mới tên Hồ Chí Minh.
Trong khi chúng tôi đối chiếu tin tức, tôi thấy một con người đơn độc đứng gần
cửa ra vào mà chẳng một ai để ý.
Tôi nhận diện được Graham Martin, thế là mọi người đổ xô lại ông, đưa micro ra
phỏng vấn. Ông đại sứ có vẻ bịnh hoạn, mà ông bịnh thật tình. Ông bị cảm cúm và
mệt mỏi. Cuối cùng, ông bị bắt buộc rời khỏi nhiệm sở để lên chiếc trực thăng
đậu trên nóc sứ quán, trong khi người lính thủy quân lục chiến phụ trách an ninh
tung lựu đạn xuống cầu thang để ngăn cản đám đông người Việt Nam định nhảy lên
chiếc trực thăng cuối cùng. Mọi người đều đặt câu hỏi cho ông đại sứ, nhưng ông
chỉ quay đi và lẳng lặng bước xuống hành lang đi vào phía trong chiếc tàu.
Một phát ngôn viên của Hải Quân tìm cách ổn định lại phòng báo chí. Tất cả nhóm
báo chí đều viết bài đút kết cho câu chuyện của họ, nhưng còn có một vấn đề bất
ngờ. Sau khi ông đại sứ Martin đã di tản, mọi chuyến bay đều đình chỉ. Mấy tiếng
đồng hồ sau, có người nhớ ra rằng toàn bộ 10 người lính thủy quân lục chiến phụ
trách an ninh còn bị bỏ quên trên nóc sứ quán. Theo lịnh trực tiếp của Tòa Bạch
Ốc, một phi hành đoàn Sea Stallion, dẫu đã mệt nhoài cũng phải cất cánh trở lại
đem họ ra, ngay lúc xe tăng Bắc Việt chạy qua ngang tòa đại sứ.
Giờ đây, mối lo cấp thiết nhứt của báo chí là làm sao đưa sản phẩm của chúng tôi
- phim, băng hình và ghi chú - ra khỏi chiếc tàu này. Chúng tôi lập ra một ủy
ban, kiến nghị với Đô Đốc chỉ huy cuộc hành quân, và ông đồng ý cho một người
đáp trực thăng đi sang hàng không mẫu hạm Coral Sea. Tàu này có phi cơ loại
chong chóng, có thể đưa tài liệu đi Phi Luật Tân. Chúng tôi phải bắt thăm và tôi
là người may mắn. Tôi gom góp tất cả phim và băng hình của các cơ quan thông
tin, tạp chí và hãng thông tấn lại và vài ba phút sau tôi rời khỏi tàu Blue
Ridge.
16:00 giờ - Bay trên biển Nam Hải
Tôi bay trên một chiếc phi cơ loại COD (Carrier On-deck Aircraft, phi cơ chở
theo hàng không mẫu hạm), một phi cơ chong chóng được phóng để cất cánh từ tàu
Coral Sea. Chúng tôi bay về hướng Đông, với "kiện hàng" quý giá. Trong số những
người đi trên máy bay, có những nhân vật đặc trách công tác di tản, tất cả trên
đường đi căn cứ hải quân Subic Bay để báo cáo tình hình.
Tôi quay sang một sĩ quan thủy quân lục chiến, quần áo trận còn đẫm mồ hôi, hỏi
ý kiến của ông về diễn tiến vừa qua. Ngập ngừng đôi lúc, ông nói: "Chúng tôi là
lính cứu hỏa.. Giờ thì lửa đã tàn. Đó là một dịp cho nước Mỹ tụ tập lại. Đây là
lần đầu tiên chúng ta ra đi và bỏ rơi một người bạn đồng minh... Tôi vẫn tự hỏi
lòng mình liệu còn có gì để làm hơn nữa hay không? Giá như tôi có thêm trực
thăng, thêm máy bay hơn nữa? Dẫu cho điều gì đã làm được, tôi vẫn cảm thấy mình
đã bỏ rơi họ... Tôi cứ bỏ đi thế thôi."
Tôi bước ra phòng lái, và ngồi lên chiếc ghế phụ đàng sau hai phi công chánh và
phụ. Tôi hỏi họ có nghe ngóng gì thêm được tin tức của Sài Gòn không? Họ chỉ cho
tôi thiết bị để nghe trên chiếc ghế tôi ngồi và tôi đặt vào lỗ tai để nghe. Họ
bắt cho tôi băng tần FM của hệ thống quân đội Mỹ Sài Gòn. Khi phi cơ bay vào
vùng trời đen tối, tôi nghe được những âm thanh giống như nhạc Mantovani trên
đài phát thanh. Sau đó, một giọng người đưọc ghi sẵn nói rằng:" Đây là đài quân
đội (Mỹ), Sài Gòn." Ngừng một lúc, rồi sau đó tôi nghe Bing Crosby bắt đầu hát
"White Christmas".
Lời bạt:
Trên đây là tình hình đã xảy ra hơn ba mươi năm về trước, nhưng những biến cố
của mấy ngày cuối cùng ở Sài Gòn vẫn còn ám ảnh tôi. Tôi không biết có người
nào, đã trải qua những cảnh tượng như thế mà không bị mủi lòng hay không.
Sau khi rời hàng không mẫu hạm Coral Sea, nhảy cóc nhảy nhái từ chiến hạm này
sang tàu nọ của hạm đội, tôi đã xin được một chỗ ngồi trên máy bay để tìm đường
đến Subic Bay, mang phim của tôi và của các đồng nghiệp đến nơi. Những tài liệu
đó về đến New York thì báo đã lên khuôn, nhưng Sài Gòn là chuyện xưa cũ đã qua
rồi. Tạp chí TIME đã in xong, với một cái ảnh "nghệ thuật" của Hồ Chí Minh nơi
trang bìa, và hầu hết những hình ảnh và bài viết trang trong thì lấy của các
hãng thông tấn khác. Phần lớn những hình ảnh của bút ký này chưa được đăng lúc
bấy giờ, dẫu cho hình ảnh này cũng đã làm cho tôi được giải "Robert Capa Gold
Medal" hồi đó.
Nhiều người trong chúng tôi đã dừng lại Hong Kong đôi ba ngày, sau khi Sài Gòn
sụp đổ. Ở đó, chúng tôi gặp được Hunter Thompson, người đã rời Sài Gòn khá lâu
trước khi có đợt di tản. Chán nản vì không in được đúng lúc những câu chuyện của
mình nên chúng tôi trúc bầu tâm sự cho Hunter, với hy vọng là, ít ra anh ta cũng
đưa những tình tiết đó vào một bài viết của anh. Thế nhưng, anh chẳng viết được
một chữ nào hết.
Tạp chí TIME đưa cô vợ Ginny của tôi sang Hawaï để gặp tôi. Tuần lễ sau đó,
chúng tôi sinh sống trong một "túp lều tranh" lý tưởng và bình thản ở Kona. Thế
nhưng, thay vì thư giản, thoải mái, tôi lại xuống tinh thần ghê gớm. Tôi dạo
chơi trên bãi biển, không nói lên được lời nào về những gì tôi đã chứng kiến.
Một năm sau, hai đứa tôi cưới nhau.
Mùa thu năm 1976, gom góp lại những hình ảnh và ghi chú của tôi về Việt Nam, tôi
dựng lại được một chuyện phim. NBC chịu mua chuyện đó để chiếu trong chương
trình "Movie of the Week". Thế nhưng, khi bắt đầu làm phim thì Brandon Tartikoff
lên chức trưởng đài nên dự án bị bỏ đi. Bút ký này được thu nhặt từ những ghi
chú ban đầu của tôi.
Năm 1995, tôi thăm lại Việt Nam để sáng tác ra tập phim tài liệu "Goodnight
Saigon". Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Văn Thơm làm chủ tiệm rửa hình nhanh, chỉ cách
nơi mà tôi gặp ông lần cuối hồi 1975 một khu phố. Graham Martin, người đã rời sứ
quán sáng sớm ngày 30 tháng Tư, mang theo con chó và quốc kỳ Hiệp Chúng Quốc,
trở về Mỹ, lang thang trong những văn phòng của bộ Ngoại giao mấy năm cho đến
ngày về hưu. Đại tá Alfred Grey, người đã điều hành cuộc di tản thủy quân lục
chiến, tiếp tục con đường quân nghiệp và lên chức tư lịnh thủy quân lục chiến
Hoa Kỳ. Hillary Brown, người nữ ký giả, vẫn làm phóng sự về những điểm nóng trên
thế giới cho hãng tin ABC News. Roy Rowan, người đã đóng cửa văn phòng TIME ở
Sài Gòn, vừa đi Việt Nam về, với một bài viết quan trọng cho Fortune Magazine.
Neil Davis, phóng viên NBC ở trên sân thượng cùng với tôi ngày cuối cùng, đã tử
nạn ngày 9 tháng Chín năm 1985 ở Bangkok trong khi làm phóng sự về một cuộc đảo
chánh. Michel Laurent là chuyên viên hình ảnh cho báo chí nằm xuống cuối cùng ở
Việt Nam.
Quân Bắc Việt chiếm Sài Gòn, san bằng mồ mã lính chiến Nam Việt Nam và đổi tên
thành phố lại là Hồ Chí Minh. Ngày nay, vị tướng già nua, được Bắc Việt chính
thức bổ nhiệm để cai quản thành phố (Tướng Trần Văn Trà), với đôi chưn không, đi
lang thang phố phường, phản đối lại thành quả của cuộc cách mạng mà ông đã cam
go giành được, đã bị đánh đổi để lấy một sự kết hợp kỳ quái của tham nhũng và
thương mại.
Những ngôi nhà chọc trời hầu như mỗi tháng mỗi mọc lên, du khách Hoa Kỳ đi chật
đường phố, chui vào những nhà hàng theo kiểu thời thượng của California.
Chiếc chiến đấu cơ phản lực F-15, ngày đó của tháng Tư năm 1975, đã hướng dẫn
đánh bom xuống dinh Độc Lập, giờ được đem triễn lãm tại một công viên ỡ trung
tâm thành phố. Tên phi công, đã từng đào ngũ với phi cơ bay ra vùng Việt Cộng,
nay là trưởng phi cơ của Hàng không Việt Nam và con gái của ông là tiếp viên
trên các chuyến bay của hãng này. Ước mơ còn lại của ông ta là lái chuyến bay
đầu tiên của công ty đi Hoa Kỳ.
Dirck Halstead Halstead
Washington, ngày 7 tháng Năm, 2000
Cố Nhân
(Viết theo ý chính của bài "White Christmas, The Fall of Saigon" của Dirck
Halstead, The Digital Journalist, May 2000)
[http://digitaljournalist.org/issue0005/wcintro.htm]
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment