Trong nửa thế kỷ vừa qua, chúng tôi đã đọc và viết về thời sự Hoa Kỳ nhưng chưa bao giờ ghi nhận được các tin tức như hiện nay. Nhân dịp quốc lễ năm 2025 xin gửi đến quý độc giả thân hữu 3 bài lịch sử Mỹ để suy luận. 1) Bài về Lễ Độc lập Hoa Kỳ, 2) Cuộc nội chiến giải phóng nô lệ da đen và 3) Bài về Lễ Tạ Ơn oan khiên của dân da đỏ.
Xin luận cổ suy kim. Hoa Kỳ ngày nay đang có nội chiến chính trị giữa Dân chủ và Cộng hòa. Bệnh kỳ thị chủng tộc chia rẽ cả nước vì ngày nay dân số da trắng chỉ còn một nửa. Ông vua Hoa Kỳ trở thành nhà độc tài phản dân chủ nhưng vẫn được một nửa nước hoan nghênh. Ông chủ trương đóng cửa thiên đường và chỉ nhận thêm da trắng. Đó là lý do chúng ta cần đọc lại lịch sử Mỹ để nhận diện thực sự tình hình chính trị hiện nay. Sắc dân thành công nhất trong các chính khách tại Mỹ là người gốc Nhật. Ông dân biểu Honda và ông bộ trưởng giao thông đều nói rằng làm gì thì làm nhưng luôn luôn phải biết mình là ai. Phần chúng ta đều là người Việt Nam, da vàng…
4 tháng 7 hàng năm, ngày quốc lễ Hoa Kỳ
Ngày quốc lễ
Ngày 4 tháng 7 hàng năm là ngày lễ trọng đại nhất của Hoa Kỳ. Đó là ngày Mỹ quốc Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 và bắt đầu chiến tranh cách mạng chống lại Anh quốc trong 6 năm. Đến 1782 Anh và Mỹ ký thỏa ước ở Paris và công nhận Hoa Kỳ độc lập. Người Mỹ đã chiến thắng trận chiến tranh đầu tiên của lịch sử Hiệp Chủng Quốc.
Là công dân gốc Việt trong đợt di dân cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta nên tìm hiểu về đất nước mà chúng ta lập nghiệp. Dân tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ đã được dự ngày kỷ niệm 200 năm lập quốc vào năm 1976. Đến bây giờ nước Mỹ đã già thêm 50 năm nhưng lịch sử trẻ trung của Hiệp Chủng Quốc vẫn phong phú và cũng rất độc đáo. Hoa Kỳ là quốc gia bao gồm tất cả các sắc dân, các ngôn ngữ, các tập tục văn hóa. Nước Mỹ đã có các kỷ niệm vừa hung bạo vừa nhân từ. Tiêu diệt da đỏ, bắt da đen làm nô lệ, kỳ thị da vàng, đem quân đi làm cảnh sát trên thế giới, đi đến đâu là gây sóng gió ở đó. Hoa Kỳ cũng là quốc gia phát huy tự do dân chủ toàn cầu, viện trợ kinh tế, quân sự, giáo dục, xã hội, văn hóa cho toàn thể các quốc gia chậm tiến trên thế giới. Đặc biệt nhất là vai trò lâu dài của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam đã trở thành một vết thương cay đắng trong thế kỷ 20, nhưng qua thế kỷ 21 Mỹ quốc lại trở thành niềm hy vọng đồng minh giữa cơn sóng gió biển Đông.
Biên cương của Hoa Kỳ trên địa cầu là một vùng đất bao la tiếp giáp với hai đại dương Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ là ải địa cầu trấn giữ Bắc Băng Dương. Biên giới không gian của Hoa Kỳ lên đến mặt trăng và Mỹ quốc cũng đã đặt cọc trên đất trên hỏa tinh. Hai ngàn vệ tinh kinh tế thương mại và quân sự của Hoa Kỳ canh gác toàn vùng khí quyển của quả đất. Đế quốc nhân văn của Hiệp Chủng Quốc thống trị thế giới bằng các tòa đại sứ và lãnh sự luôn luôn tấp nập các khách hàng xin visa.
Cơ sở ngoại vi của các đại sứ quán Hoa Kỳ là những chỗ bán thức ăn Fast Food McDonald, Coke, nhạc Rock và quần Jeans. Mỹ phát thực phẩm cho dân nghèo toàn thế giới nhưng đi đến đâu cũng bị đuổi về nhà: Yankee go home.
Đó là hình ảnh Hoa Kỳ ngày nay, sau 250 năm lập quốc. Đất nước mà chúng ta đang là công dân có đứng lên tuyên thệ bảo vệ và tuyệt đối trung thành.Vì vậy chúng ta cũng nên biết qua lịch sử của quê hương mà phần đông chúng ta sẽ cùng các thế hệ tiếp theo ở lại đời đời.
Ai là người đầu tiên trên đất Mỹ?
Các nhà nhân chủng học cho biết 12 ngàn năm trước lục địa còn dính liền cuối thời băng giá. Á châu và Mỹ châu nối tiếp ở phía Bắc. Con người tiền sử Á Châu đi tìm đường sống đã đi từ Á qua Mỹ. Sau đó quả đất chuyển đổi, hai lục địa tách xa nhau. Người Á châu tiền sử trở thành thủy tổ của các bộ lạc ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thực ra đây cũng chỉ một là giả thuyết.
Thực tế ghi nhận nhiều nền văn minh đã được kiến tạo, nhiều bộ lạc đã tàn lụi. Sau cùng chỉ còn các bộ lạc da đỏ tồn tại cho đến thời kỳ 1500 các sắc dân Tây phương mới đến Mỹ bằng đường biển. Nổi danh nhất là nhà hàng hải Colombo năm 1492 đi tìm Á châu nhưng tình cờ khám phá ra Mỹ châu. Rồi tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh Cát Lợi, Pháp, Đức rồi đến Nga và các quốc gia Đông Âu tìm đến châu Mỹ.
Các cuộc chiến đẫm máu, triền miên ở tân lục địa giữa người địa phương và dân giang hồ mới đến. Chiến tranh giữa các thế lực Tây phương. Sau cùng Anh quốc ổn định được phần lớn miền Đông Hoa Kỳ và các di dân Âu châu bắt đầu lên đường. Con tàu Hoa Tháng Năm, Mayflower nổi tiếng đến Mỹ năm 1620 vỏn vẹn có 100 người mà một nửa là thủy thủ đoàn đã trở thành biểu tượng của cuộc định cư trên đất mới vì có đem theo gia đình.
Năm 1621 di dân được mùa đã cùng tổ chức Lễ Tạ Ơn và ăn mừng với dân da đỏ trong một lễ Thanksgiving đầu tiên của nhân loại.
Nhưng rồi những ngày vui qua mau. Thổ dân tại Mỹ chết dần vì bị giết, bị đói, bị bệnh, có thể do các mầm bệnh từ tây phương đem đến.
Trong khi đó từ 1620 đến 1732 tức là hơn 100 năm. Một nước Mỹ thuộc Anh đã hình thành với 13 tiểu bang liên hiệp ở miền Đông. Phần lớn làm nghề nông, trồng thuốc lá, trà, và lúa. Các vùng khác thuộc Tây Ban Nha, Pháp vẫn còn tranh chấp.
Cuộc chiến 1754 giữa Pháp và Anh giành đất trong 7 năm, sau cùng Anh thắng và mở rộng biên cương thuộc địa.
Tiếp theo nước Anh cần tiền cho mẫu quốc nên đánh thuế các thuộc địa, thu tiền các nhà sản xuất và các đồn điền tại Hoa Kỳ. Chính sách thuế của Anh ban hành năm 1774 trở thành mầm mống cho cuộc chiến dành độc lập tại Hoa Kỳ. Tướng Washington nhận trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng vào năm 1775 và chính thức đứng ra tuyên bố độc lập 1776. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Thomas Jefferson đại diện tiểu bang Virginia viết ra lúc ông 33 tuổi được coi là một áng văn tuyệt tác nhất của nhân loại và mở đầu cuộc chiến dành độc lập cho đến chiến thắng cuối cùng bằng hiệp định Paris 1782.
Sau chiến thắng, Hoa Kỳ có 5 năm xây dựng dân chủ từ 1782 đến 1787 để hiến pháp ra đời với 9 tiểu bang chính thức rồi đến 13 tiểu bang thỏa hiệp. Những lá cờ Mỹ đầu tiên có 9 ngôi sao rồi 13 ngôi sao và bây giờ là 50 ngôi sao.
Suốt từ buổi bình minh của Hiệp Chủng Quốc cho đến nay, nước Mỹ đã trải qua biết bao nhiêu là biến động.
Từ hơn 4 triệu dân vào năm 1800 trở thành trên 300 triệu vào năm 2025. Trên giấy tờ có 239 năm lập quốc nhưng thực sự quốc gia này đã nảy mầm từ trên 300 năm.
Ý nghĩa Hiệp Chủng Quốc.
Phải chăng Hoa Kỳ là một đĩa rau trộn gồm đủ mọi sắc thái nhưng tía tô vẫn là tía tô, rau giấp cá vẫn nồng nàn mùi tanh của biển mặn. Hay đây là nồi cháo mà mọi thứ thực phẩm đã được hòa tan thành một hương vị mới. Cái đó còn tùy hoàn cảnh, địa phương và thời gian.
Nước Mỹ đã trải qua các giai đoạn hành động tàn nhẫn với các sắc dân thiểu số. Vào thế kỷ thứ 19, da trắng buộc dân da đỏ phải di cư tập trung vào các khu vực ấn định. Thảm kịch diễn ra trên các con đường mòn được gọi là: Đường mòn nước mắt.
Da đỏ già trẻ lớn bé đều phải ra đi, bỏ nhà cửa, vườn trại để vào các khu đồng khô cỏ cháy xa cách vạn dặm. Hàng chục ngàn người đã chết.
Trong khi đó ở miền Nam Hoa Kỳ, dân da đen bị bắt làm nô lệ đem từ Phi châu qua đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng. Những bàn tay đen đủi đã xây dựng nên nền nông nghiệp miền Nam nuôi cả nước Mỹ vào thời kỳ lập quốc với những vườn bông vải trắng xóa cả chân trời. Nhưng cũng chính da đen là vấn nạn cho cuộc chiến tranh tương tàn Nam Bắc. Những người da đen bỏ trốn các nông trại đã bị đánh roi cho đến chết. Câu chuyện Uncle Tom với bài ca da đen lừng danh: Let my people go, Hãy cho dân tôi đi, trích dẫn từ Thánh Kinh đã trở thành một vết thương trong lương tâm Hoa Kỳ.
Da đỏ xin ở lại thì bị đuổi đi. Da đen xin đi thì bị giữ lại. Ngay khi nội chiến chấm dứt, da đen được giải phóng mà vẫn còn bị kỳ thị.
Cuộc chiến đấu vĩ đại của một đàn bà da đen năm 1955 không chịu ngồi phía sau xe bus đã trở thành một cuộc tổng đình công vĩ đại tẩy chay xe bus tại Hoa Kỳ. Từ cuộc đình công này, da đen có được một nhà lãnh đạo đầy huyền thoại là mục sư King mà tên tuổi trở thành một ngày quốc lễ.
Rồi đến lịch sử Tây tiến làm đường xe lửa đem da vàng Nhật Bản và Trung Hoa nhập cuộc. Các tiền nhân di dân châu Á cũng đã ngậm đắng nuốt cay ở miền Tây Hoa Kỳ trong suốt thời lịch sử cận đại.
`Sau cùng đến lượt chúng ta. Việt Nam ngày nay có một triệu tám trăm ngàn người tại Hoa Kỳ. Sau đợt di tản 75 tiếp đến là thuyền nhân từ 75 đến 95 rồi là các HO, ODP, con lai nhập cư cho đến cuối thế kỷ thứ 20. Qua thế kỷ 21 hồ sơ đoàn tụ tiếp tục với các gia đình trên 10 năm chờ đợi cùng với các diện hôn nhân gặp gỡ vội vàng. Mười quận hạt có dân số đông đảo nhất là Orange, Santa Clara, Los Angeles, Houston, San Diego, Seattle, Oakland, DC, Dallas và Fort Worth (Texas).
Chúng ta không phải là sắc dân cuối cùng, và chúng ta không phải là sắc dân duy nhất có quê hương cố quốc. Di dân tỵ nạn Việt Nam tùy theo hoàn cảnh và cảm nghĩ, có người mang theo quê hương, có người bỏ lại quê hương. Tuy nhiên chúng ta không thể hành xử khác tập thể di dân trong trách nhiệm xây dựng đất mới.
Sắc dân nào cũng có những niềm tự hào của họ. Ai cũng có các hãnh diện về truyền thống văn hóa, ngôn ngữ cội nguồn. Điều quan trọng là phong cách đối xử và tìm hiểu để hội nhập. Chúng ta phải cảm ơn những người đi trước đã mở đường. Kể cả người xấu lẫn người tốt đã sống và đã qua đi trong công cuộc chinh phục đất nước vĩ đại này.
Một lần nữa, đợt người Việt đầu tiên ở Mỹ sẽ là những cây tràm, cây đước giữ chặt đất cho một cộng đồng tương lai phát triển. Con cháu chúng ta sẽ vừa nhớ ơn ông cha đã đến đất này mà cũng không hổ thẹn về những đóng góp của chúng ta trong những giai đoạn đầu tiên. Bỏ lại phía sau con sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long và dãy Trường Sơn. Bây giờ ta phải làm quen với con sông Sacramento và rặng Rocky Mountain để con cháu ta đứng lên đáp lời sông núi mới.
Xin hãy công bình với hoàn cảnh. Hãy lưu tâm ngày 4 tháng 7 của Hoa Kỳ. Bước ra khỏi cái Ghetto của cộng đồng nhỏ hẹp, tham dự vào cái xã hội vĩ đại đã đem phúc lợi cho chúng ta. Đó là cách hay nhất để xây dựng cùng một lúc cộng đồng tại Mỹ và quê hương bỏ lại ở Việt Nam. Bao gồm cả giấc mơ tự do và dân chủ.
Giao Chỉ, San Jose
Hãy đặt mua tuyển tập Giao Chi San Jose.
1) Đi không ai tìm xác rơi.
2) 30 tháng 4, lúc đó bác ở đâu?
3) Hoa Kỳ, kỳ hoa dị thảo.
giaochi12@gmail.com (408) 316 8393
Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017
Oakbridge Dr. San Jose CA 95121
Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là giữ lửa cho mai
sau.
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Lịch sử Hoa Kỳ. Bài số 2
Cuộc
chiến Nam Bắc Hoa kỳ chấm dứt 9 tháng 4-1865.
Cuộc chiến Nam Bắc Việt Nam chấm dứt 30 tháng 4-1975.
Trong chiến tranh, các nhà lãnh đạo hai bên đều đã từng quen biết nhau, bắt tay
nhau trong hội nghị và đôi khi dạ tiệc bên nhau.Thật mỉa mai, trên chiến trường
chiến binh đối nghịch tàn sát nhau, dù không quen biết và không ân oán cá
nhân.Vì vậy, sau cuộc chiến mà còn thù hận là vô nghĩa.Thế giới văn minh có
luật lệ đối xử với hàng binh, bảo vệ di hài và nghĩa trang của cả hai bên, và
tất cả đều có nghĩa vụ phải giúp đỡ vô điều kiện cho người tình nguyện đi tìm
để mai táng di hài của chiến sĩ.Nghĩa tử, nghĩa tận là phương châm của cả nhân
loại…Từ suy tư đó, tôi viết chuyện này cho các bạn…
Người tỵ nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ đi thăm miền Nam tiểu bang Virginia, tìm hiểu
về cuộc nội chiến hơn 200 năm trước đã thấy một vài thời điểm tương đồng với
chuyện quê hương. Tháng 4 của Hoa Kỳ cũng là một ngày tháng đáng lưu ý của lịch
sử Việt Nam. Cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 12 tháng 4-1861.
Bốn năm sau vào ngày 9 tháng 4-1865, tướng Lee của miền Nam đầu hàng tướng
Grant của miền Bắc. Ghé thăm nghĩa trang quốc gia tại quận Arlington VA lại nhớ
đến nghĩa trang Biên Hòa VN…Bây giờ là tháng tư, năm 2025. Nhớ đến tháng tư
Việt Nam 50 năm về trước…
Nội chiến Hoa Kỳ
Cuộc chiến tranh với hàng trăm trận đánh tại miền Đông Hoa Kỳ trong 4 năm
đã làm cho quân hai bên chết 620 ngàn và hàng triệu người bị thương tích. Miền
Bắc thắng trận, thống nhất đất nước, giải phóng nô lệ và hy sinh thêm vị anh
hùng Mỹ quốc. Đó là tổng thống Lincoln.
Trong trận đánh cuối cùng, quân miền Bắc chiếm được Richmond là thủ đô của miền
Nam vào ngày 2 tháng 4-1865. Hai ngày sau tổng thống Lincoln của Hoa Thịnh Đốn
đến thị sát Richmond, bước vào dinh tổng thống miền Nam đã bỏ chạy. Tiếp theo
là tướng Lee đầu hàng ngày 9 tháng 4 và vào ngày 15 tháng 4-1865, tổng thống
Lincoln bị ám sát chết.
Vị tổng thống thứ 16 trở thành vĩ nhân thống nhất đất nước và giải phóng nô lệ
nhưng chỉ vui với chiến thắng chưa được một tuần lễ.
Ông Robert Lee nguyên là tướng lãnh của quân đội Hoa Kỳ nhưng
gốc người miền Nam. Ông đã từng là chỉ huy trưởng trường West Point.
Tháng 4-1861 khởi chiến Nam Bắc, tướng Lee được đề nghị chỉ huy quân đội miền
Bắc nhưng ông không nhận và xin từ nhiệm để về đầu quân miền Nam tại Richmond,
tiểu bang Virginia. Ông nói là không thể quay lưng với nơi ông đã sinh ra và
trưởng thành.
Trong chiến tranh, ông lập được nhiều chiến công và là vị tư lệnh sau cùng của
miền Nam đã quyết định đầu hàng.
Khi thủ đô Richmond của chính phủ miền Nam bị thất thủ, các sĩ quan đề nghị rút
vào rừng đánh du kích nhưng tướng Lee không chấp nhận. Không một ai trong phe
miền Nam phản đối hay trách cứ vị tư lệnh. Họ đã theo ông trong các chiến thắng
vinh quang. Họ tiếp tục theo ông trong giây phút nhục nhã đầu hàng. Không ai
biết bại binh sẽ được đối xử ra sao vì trong chiến tranh hận thù chất ngất.
Cuộc chiến tranh tương tàn đẫm máu làm tổn hại hàng triệu sinh linh Hoa Kỳ, tan
nát các đô thị miền Đông và vùng Virginia. Tất cả đã thể hiện trong tác phẩm và
cuốn phim bất hủ Cuốn Theo Chiều Gió mà chúng ta đã đọc cũng như coi nhiều lần
suốt thời niên thiếu.
Ngay cho đến bây giờ, tác phẩm này vẫn còn là loại tài liệu được đem dạy ở
trường học với sự say mê và hãnh diện của nhiều thế hệ Hoa Kỳ.
Đó là những bài học về cuộc chiến, giết người, đốt nhà, anh em
một nhà, nồi da nấu thịt đã đem lại cho thế hệ nối tiếp. Chúng tôi xin duyệt
lại cùng quý vị câu chuyện hậu chiến Hoa Kỳ để so sánh với bài học chiến tranh
Việt Nam.
Câu chuyện đầu hàng: Trước tiên bắt
đầu về câu chuyện đầu hàng. Sau chiến tranh, nước Mỹ sưu tầm và dựng lên khắp
miền Đông hàng trăm viện bảo tàng. Mỗi tiểu bang ít nhất là một viện bảo tàng.
Mỗi trận đánh trên trận địa xưa cũ với các di tích đều có một viện bảo tàng.
Bằng hội họa, nhiếp ảnh, dữ kiện, thêm vào âm thanh ánh sáng người ta dựng lại
lịch sử các cuộc thương thuyết, các cuộc điều binh và các trận liệt. Quân hai
bên Nam Bắc, quân xanh, quân xám, các tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ và dân
chúng. Những cái chết đau thương và anh hùng của cả hai bên, những mối tình bất
hủ, tràn đầy hình ảnh em hậu phương, anh tiền tuyến.
Không phải hàng trăm mà có đến hàng ngàn tác phẩm điện ảnh về chiến tranh Nam
Bắc. Cả những phim vĩ đại mới ra đời trong vài năm gần đây vẫn còn hình ảnh của
cuộc nội chiến ngày xưa.
Cuộc nội chiến đau thương xưa cũ đã là niềm cảm hứng cho tinh thần nhân bản xây
dựng trên tro tàn của một thời nội chiến Hoa Kỳ.
Xin nhắc lại một lần nữa, bài học phải bắt đầu từ câu chuyện đầu hàng. Đúng như
vậy, trong hàng trăm bảo tàng viện về Civil War của Hoa Kỳ, thì viện bảo tàng
Appomattox Court House ở Virginia là nơi nổi tiếng nhất vì dựng lên ngay tại
ngôi nhà tướng Lee đã đến ký văn bản đầu hàng ngày 9 tháng 4-1865.
Tại đây, câu chuyện về vị tướng phe bại trận miền Nam lại được viết ra và hình
ảnh của ông lại được chiêm ngưỡng nhiều hơn cả phe thắng trận. Lịch sử ghi lại
rằng vào sáng ngày 9 tháng 4 cách đây 200 năm, thủ đô miền Nam là Richmond thất
thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam
hết đường tháo lui.
Bộ tham mưu của tướng Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh
du kích, nhưng tướng Lee quyết định đầu hàng. Vị danh tướng của Hoa Kỳ trải qua
bao nhiêu chiến thắng nhưng sau cùng vì quân số và tiếp vận bị giới hạn nên
đành bất lực chấp nhận thua cuộc. Với lá thư riêng ông gửi cho tướng Grant của
miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.
Ông Grant nhận được thư hết sức vui mừng và bỗng nhiên thấy hết ngay cơn bệnh
nhức đầu ghê gớm hành hạ ông từ nhiều ngày qua.
Vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không
được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận.
Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa
vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn
quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón. Các sĩ quan miền Bắc đưa vị tư
lệnh miền Nam vào phòng họp. Nửa giờ sau tướng Grant và đoàn tùy tùng miền Bắc
đến.
Cả hai vị tư lệnh đã biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ. Họ đã nhắc
lại một thời bên nhau trong quá khứ. Tướng Grant sau này thú nhận là ông rất
ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải hỏi tướng Lee nói về quyết định đầu hàng.
Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí
giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng Lee đồng ý
nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại
lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Không
phải ngựa của chính phủ như lính miền Bắc.
Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực
tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.
Thắng
vinh quang, mà bại cũng anh hùng…(Thơ Cao Tần)
Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của
những người quân tử (The Gentlement Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc
biệt là bảo tàng viên ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình tướng Lee
hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện
hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ
hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng
là một người Mỹ bị sỉ nhục.
Thực vậy, khi chúng tôi đi thăm viện bảo tàng đầu hàng, cô Mary quản thủ cơ sở đã nói rằng dù hình ảnh của miền Nam hay miền Bắc, lịch sử không muốn ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào.
Ở đây là nơi lưu giữ hình ảnh của các anh hùng miền Nam lẫn miền
Bắc. Đặc biệt là hình ảnh của phe bại trận lại được lưu ý hơn cả phe chiến
thắng. Lá cờ rách của miền Nam thua trận treo tại thủ đô Richmond bây giờ lại
là bảo vật hào hùng của bảo tàng viện đầu hàng.
Và hình tướng Lee cưỡi ngựa đi đến nơi họp mặt với đoàn quân nhạc miền Bắc chào
đón. Hình tướng Lee ký tên xong ra đi được sĩ quan và binh sĩ miền Bắc tiễn đưa
và vẫy tay chào.
Bây giờ hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee,
bảo tàng viện Lee, Fort Lee xa lộ Lee và các đồn trại của quân đội liên bang
mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã
thấm nhuần bài học rất Hoa Kỳ. Bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong
chiến tranh và người quân tử của thời hậu chiến.
Trong cuộc nội chiến tại nước Mỹ vào thế kỷ 18, sau cùng được thua thì cũng vẫn
là nước Mỹ và người Mỹ.
Lịch sử của Hoa Kỳ quá ngắn ngủi và đạo lý của người dân tứ chiếng như Hiệp
Chủng Quốc thì vốn không thể nào sánh với lịch sử và truyền thống đặc biệt của
người Việt Nam. Nhưng sao mà di sản tinh thần của cuộc nội chiến Việt Nam để
lại không đẹp đẽ chút nào. Những chiến binh anh hùng của miền Nam phải tập
trung vào các trại khổ sai. Vợ con bị xua đuổi lên rừng làm kinh tế mới. Cả
miền Nam bị làm nhục.
Chuyện nghĩa trang
Đã vậy, câu chuyện vẫn chưa xong. Qua bài học thứ hai, chúng tôi xin kể thêm về
vấn đề nghĩa trang và mộ phần của các liệt sĩ phe chiến bại tại Hoa Kỳ.
Tại nước Mỹ có một nghĩa trang quốc gia nổi tiếng khắp thế giới. Đó là nghĩa
trang Arlington. Đây là nghĩa trang chính thức của liên bang Hoa Kỳ, của người
miền Bắc trong trận chiến Bắc Nam. Thành lập tháng 5 ngày 13-1864 do bộ lục
quân quản trị gồm 624 mẫu, chia làm 70 khu, dành chỗ cho 400 ngàn mộ chí. Phe
miền Bắc đã mai táng các tử sĩ của liên bang tại đây.
Sau cuộc nội chiến, các tiểu bang miền Nam có hàng ngàn nghĩa trang lớn nhỏ chôn
cất tử sĩ của phe bại trận và trên đó luôn luôn có lá cờ gạch chéo đã một thời
tung hoành trên chiến trường.
Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, không có cải tạo
tập trung, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.
Nghĩa trang bên nào bên đó tự lo lấy, xấu đẹp tùy sức. Nhưng điều đáng ngạc
nhiên là ngày nay tại nghĩa trang quốc gia của phe miền Bắc ở thủ đô Hoa Thịnh
Đốn có một khu chôn cất tử sĩ miền Nam với tượng đài gọi là Confederate
Memorial.
Cũng phải nói rằng, thực sự sau nội chiến, dư vị cay đắng giữa Nam Bắc Hoa Kỳ
vẫn còn nhiều. Dễ gì mà trút bỏ hận thù ngay sau khi hai bên chết cả gần một
triệu người mà một số lớn đã giết nhau khi giáp mặt bằng gươm dao. Hai phe cùng
đốt nhà của nhau và cùng tàn phá đô thị và nông trại, đôi khi có cả những hành
động dã man như hãm hiếp đàn bà và tàn sát trẻ em. Cuộc chiến nào mà không có
những lần quá độ.
Tuy nhiên, sau chiến tranh Nam Bắc, Hoa Kỳ lại xảy ra chiến tranh với Mễ Tây Cơ
nên hai miền hận thù có dịp gần nhau và hàn gắn lại mối thương đau. Tại các
tiểu bang miền Nam có biết bao nhiêu là tượng đài dựng lên để vinh danh chiến
sĩ phe bại trận.
Năm 1900 tức là hơn 40 năm sau cuộc chiến, quốc hội liên bang mở đầu cho giai
đoạn hòa giải dân tộc và năm 1991 thì các liệt sĩ miền Nam được cải táng đưa
vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section.
Tổng cộng gần 500 mộ phần quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng
danh tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện.
Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc tòa Quốc Hội là hình tượng cao 32
feet của một thiếu phụ tượng trưng cho miền Nam. Đây là hình ảnh bà mẹ của phe
bại trận đã có con trai hy sinh cho cuộc chiến. Phía dưới là bài thơ đại ý như
sau:
"Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.
Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
đã liều thân và sau cùng đã chết."
Đó là câu chuyện về các tử sĩ của phe thua trận tại Hoa Kỳ.
Cũng chẳng khác gì vần thơ bất hủ của Thanh Nam dành cho Nghĩa Trang Quân Đội
miền Nam tại Biên Hòa.
...
Ta như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa...
Vậy thì câu chuyện mộ phần của phe thua trận của Việt Nam thì ra sao? Chuyện
Nghĩa Trang Quân Đội VNCH tại Biên Hòa mà chúng tôi đã có dịp giãi bày.
Chúng tôi có một ông bạn làm thông dịch viên cho bộ ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có
dịp hướng dẫn cho các nhân viên cao cấp của Hà Nội đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Tôi vẫn thường bảo rằng ông nên dẫn khách đi thăm bảo tàng viện "Đầu
hàng" và khu nghĩa trang phe thua trận ở Arlington.
Nơi đó dạy chúng ta bài học làm người văn minh.
Xem lại lịch sử, chiến cuộc Nam Bắc Hoa Kỳ trong 4 năm rất khốc liệt, máu lửa
và ghê gớm vô cùng.
Trong một thời gian ngắn các trận đánh dồn dập, các đô thị bốc cháy lửa cao
ngút trời. Cũng tản cư, cũng loạn lạc và chiến tranh để lại các cánh đồng toàn
xác chết trong các trận giáp lá cà, đâm chém nhau mặt đối mặt. Đặc biệt vào
thăm nghĩa trang Arlington có thể sẽ tìm thấy khu mai táng tập thể các tử sĩ
của cả hai phe Nam Bắc nằm chết trên sa trường sau nhiều ngày không còn phân
biệt được. Một đài tưởng niệm dưới hình thức một ngôi mộ vĩ đại ghi dấu cho câu
chuyện nhân bản của nước Mỹ.
Nhưng rồi vết thương nào cũng phải được hàn gắn. Nước Mỹ đã có những bước ngoạn
mục đầy màu sắc văn minh ngay từ khi chiến tranh chấm dứt để chấp nhận và tôn
trọng người bại trận như những anh hùng. Phải chi những tướng lãnh vị quốc vong
thân của Nam Việt Nam như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn
Hai của quân đội Việt Nam Cộng Hòa mà hành xử như thế trong cuộc nội chiến Hoa
Kỳ thì sẽ được phe thù nghịch tại Hoa Thịnh Đốn tôn vinh biết chừng nào.
Trong chiến tranh và hậu chiến luôn luôn cần có các nhà lãnh đạo, các tướng
lãnh quân tử. Và nhà lãnh đạo quân tử là phải biết xưng tụng các bậc anh hùng
trong hàng ngũ kẻ thù, biết nâng người xuống ngựa và biết tôn trọng các tử sĩ
của hàng ngũ đối nghịch.
Chúng tôi viết lại câu chuyện nội chiến Hoa Kỳ để tặng cho nhà cầm quyền Hà
Nội, mấy năm trước nhân dịp ông thủ tướng Việt Nam đến Hoa Kỳ. Ông có thể nhận
được viện trợ của Mỹ từ Bill Gate ở Seattle, của George Bush ở White House
nhưng bài học để trở thành con người văn minh ông thủ tướng phải tìm ở nơi
khác.
Đó là viện bảo tàng đầu hàng và khu nghĩa trang phe bại trận miền Nam tại thủ
đô Hoa Thịnh Đốn. Nước Mỹ ngày nay còn hùng mạnh bởi vì biết tôn trọng giá trị
của phe đối nghịch.
Sống làm người dù ở hoàn cảnh nào, cũng không bao giờ muộn để học làm người
quân tử. Về phần chúng ta trong những mối đau thương của những người bại trận,
niềm đau thương nhất là ta đã bị đánh bại bởi những người không có khả năng
quản trị đất nước, và thiếu bản chất quân tử.
Nhưng ta vẫn còn có thể sẽ đem xuống nấm mồ những ước mơ lạc quan. Trăm năm sau
vào một ngày nào đó, các anh hùng của miền Nam sẽ được thế hệ con cháu Việt Nam
cải táng vào nghĩa trang Quân Đội tại Biên Hòa. Con cháu người di dân có thể
đem hài cốt chiến sĩ VNCH ở bốn phương trời về yên nghỉ với chiến hữu ở quê
nhà. Các
du khách gốc Việt sẽ xuống thăm Cần Thơ, dinh tư lệnh, quân đoàn 4 của ông
Nguyễn Khoa Nam ngày xưa đã trở thành bảo tàng viện của miền Nam. Du khách sẽ
đứng trên cái ban công mà tướng Nam đã đứng lần cuối vào sáng 1 tháng 5-1975,
nhìn ra đại lộ Hòa Bình. Người hướng dẫn sẽ chỉ cho khách du lịch nơi ông tướng
đã tự vẫn. Trong ngôi nhà này, người ta đã sưu tầm tất cả các vật dụng cũ của
người xưa với niềm tôn kính.
Trước khi chết, tổng thống Lincoln đã nói: "Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng
không ai bỏ được lịch sử. Trước sau gì, lịch sử của bậc anh hùng sẽ phải được
dựng lại ở chính nơi mà những con người vĩ đại đã ngã xuống."
Trong trận chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, nơi một anh hùng ngã xuống là
Cần Thơ. Tên người anh hùng đó là Nguyễn Khoa Nam. Ông là tướng Lee của miền
Nam, ông là mặt trời tháng 4 của Việt Nam.
Lịch sử của 80 năm cách mạng của cộng sản miền Bắc Việt Nam không có ai sánh
bằng. Với ba tiếng chuông thỉnh Phật và một phát súng vào đầu, Nguyễn Khoa Nam
đã thể hiện cái dũng của một thánh nhân.
Trong thời kỳ nội chiến, tướng Lee của miền Nam Hoa Kỳ đã may mắn gặp được
tướng Grant của miền Bắc. Người đã ngần ngại khi phải hỏi ông Lee về việc đầu
hàng. Nhưng cả trăm danh tướng miền Bắc Việt Nam không có ông tướng nào đóng
được vai trò của tướng Grant của Hoa Kỳ.
Cuộc chiến đã 50 năm qua, mà bây giờ những người Việt Nam chiến thắng vẫn chưa
biết cách đối xử tử tế với các tử sĩ miền Nam.
Đó thật là điều bất hạnh cho Việt Nam.
Giao Chỉ - San Jose 2025
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Lịch sử Hoa Kỳ. Bài số 3
Ngày Lễ Lớn Tại Hoa Kỳ Lễ Tạ Ơn hay là Thanksgiving.
Số phận Da Đỏ
2025
· GIAO CHỈ
Tại Hoa Kỳ có hai ngày lễ chính thức trong năm được phần lớn mọi người coi là
quan trọng nhất: đó là Ngày Lễ Giáng Sinh, được gọi là Christmas hay Noel và
ngày Lễ Tạ Ơn hay là Thanksgiving. Nhiều người còn gọi ngày lễ này là ngày Lễ
Gà Tây, vì Gà Tây là món ăn độc đáo của ngày lễ này. Người Hoa Kỳ tuyệt đại đa
số theo đạo Thiên Chúa: hoặc là Tin Lành (Protestant) – cũng còn được gọi là
Phản Thệ giáo – với rất nhiều tông phái (Baptist, Presbyterian, Lutheran,
Anglican, Episcopal, Pentecostal,…) hoặc Ca Tô La Mã, cho nên lễ Giáng Sinh,
một ngày lễ có tính cách tôn giáo, được coi là trọng thì chẳng có gì là lạ.
Ngày Lễ Tạ Ơn thì khác, không có tính cách tôn giáo, mà lại liên quan rất nhiều
đến lịch sử nước Hoa Kỳ, ở một thời đại rất xa xưa, trước khi Hoa Kỳ trở thành
một nước độc lập, tự chủ, trước khi nước này được gọi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ
hay là the United States of America. Lịch sử, nhất lại là lịch sử xa xưa, phần
lớn là một sự pha trộn của nhiều chuyện có thật và không có thật, của những sự
Thật (Truths) và những Huyền thoại (Myths). Ngày Lễ Tạ Ơn cũng không phải là
một ngoại lệ, Khi mới sang Hoa Kỳ ở cái tuổi quá nửa đời người, tôi tất nhiên
chẳng biết ngày Lễ Tạ Ơn là ngày gì và tại sao lại có ngày này. Chẳng bao lâu
gia đình chúng tôi đã được những người bạn thân Hoa kỳ mời đến nhà tham dự Lễ
Gà Tây, chúng tôi mới biết đại khái về ngày lễ này. Các con tôi đi học ở trường
cũng được các thầy cô giảng dậy rất kỹ về Ngày Lễ Tạ Ơn, đặc biệt về Ngày Lễ Tạ
Ơn Đầu Tiên. Về nhà, các cháu cũng nói chuyện lại. do đó bổ túc thêm rất nhiều
những điều chúng tôi được biết khi dự Lễ Gà Tây ở nhà người bạn.
Ngày Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên truyền thống
Học trò ở trường được các thầy cô kể chuyện về Ngày Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên như sau:
“ Một thời lâu lắm rồi có những người Anh gọi là “Puritans”, dịch là những
Thanh giáo đồ, là những người bị bắt buộc theo giáo phái của nhà Vua, gọi là
King’s Church, nhưng họ lại chỉ muốn được tự do cầu nguyện theo truyền thống
thờ phượng riêng của họ mà thôi. Những người Thanh giáo đồ này đã tìm cách rời
nước Anh, và họ tìm đến một quốc gia nhỏ đầu tiên là Hòa Lan gần nước Anh. Họ
đã tìm cách hòa nhập vào sinh hoạt tôn giáo của người Hòa Lan địa phương, nhưng
không được, vì ngôn ngữ bất đồng và tín ngưỡng có khác. Thế là một lần nữa,
những người theo Thanh Giáo lại lên đường tìm về miền đất mới, đó là Châu Mỹ xa
xôi. Họ được gọi là những người “Pilgrims”, hay là những người Di Dân Hành
Hương. Tại xứ sở này, họ có được sự tự do tôn giáo, con cháu họ được nói tiếng
Anh.
Năm 1620, năm đánh dấu 102 người Di Dân Hành Hương đầu tiên đi tìm đất mới rời
Hòa Lan và tàu cuả họ đã cập bến Mayflower tại Massachusetts, thời tiết khắc
nghiệt với những cơn mưa và khí hậu lạnh lẽo, nhiều người đã nhiễm bệnh nên con
tàu không thể tiếp tục lênh đênh trên biển. MayFlower là một hải cảng nhỏ cuả
tiểu bang Massachusetts, nơi dừng chân của những người Di Dân Hành Hương kiệt
lực vì sóng gió và khí hậu khắc nghiệt, họ bắt đầu cuộc đời mới tại một thành
phồ nhỏ mang tên là Plymouth. Nhưng mùa đông năm đó, khí hậu nơi này cũng vô
cùng khắc nghiệt, nhiều người đã chết, họ sống lay lắt bằng ít lương thực thật
nhỏ nhoi, cầm cự mãi nếu không có sự giúp đỡ cuả những người địa phương, đó là
những người Da Đỏ, mà hồi đó người thám hiểm Âu châu cứ nghĩ đó là những người
Ấn Độ cho nên gọi họ là Indians. Những người dân địa phương tốt bụng này đã
hướng dẫn cho họ hòa nhập vào đời sống mới, dạy cho họ cách trồng trọt và bắt
cá để làm thức ăn, chỉ cho họ cách trồng bắp, một loại ngũ cốc dễ ăn và đễ cất
giữ để làm lương thực trong đời sống hằng ngày.
Bắt đầu từ đấy, người di dân xây được nhà thờ của họ, xây dựng nhà cửa, và họ
đã rất hạnh phúc khi có một đời sống no ấm trong một xứ sở tự do.
Tháng 11 năm 1620 là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên được hình thành cho cộng đồng người
da đỏ bản xứ và người di dân đến từ nước Anh. Họ tổ chức một buổi tiệc Tạ Ơn để
người Di Dân Hành Hương có dịp bày tỏ lòng tri ơn cuả họ, cảm ơn Thượng Đế đã
cho họ được gặp những người địa phương đầy lòng từ tâm, đã giúp họ một cuộc
sống mới nơi mà họ đã phải đánh đổi bao nhiêu gian nan để tìm kiếm”. Đó là câu
chuyện phần lớn người Hoa Kỳ được biết về Ngày Lễ Tạ Ơn, vì ngay từ nhỏ họ đã
được giảng dậy như vậy.
Ngày Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên thực sự
Tuy nhiên có một số người Hoa Kỳ không nghĩ là câu chuyện xảy ra đã lại giản dị
và hoàn toàn tốt đẹp như vậy. Họ là hậu duệ của những người Da Đỏ. Một trong
những người này là ông Chuck Larsen. Ông là con cháu người Da Đỏ khi xưa. Trong
huyết quản của ông, một người lai căng, có có dòng máu Pháp Quebecois, dòng
máu thổ dân Da Đỏ Ojibwa, và thổ dân Iroquois. Ông cũng là một nhà giáo dạy
Tiểu học. Ông cũng đã từng nghiên cứu Sử học, viết sách về lịch sử nước Hoa Kỳ
và người thổ dân Da Đỏ cũng như về người Hoa Kỳ gốc Da Đỏ. Đối với ông, mỗi lần
đến Mùa Tạ Ơn, ông bị rất nhiều khó khăn, không biết phải làm thế nào.
Năm 1986, ông viết: “Là một người Da Đỏ, mà cũng là một giáo viên đã dậy học 12
năm, Mùa Lễ Tạ Ơn không bao giờ là một ngày lễ dễ xử cho tôi khi phải dậy các
em. Đôi khi tôi cảm thấy tôi đã biết quá nhiều về người “Anh Di Dân Hành Hương,
(Pilgrims) và người Da Đỏ”. Cứ mỗi năm tôi lại phải đối diện với sự mâu thuẫn:
một bên là lương tâm nghề nghiệp, một bên là lòng chân thành đạo đức. Tôi làm
thế nào để có thể vừa là một người lương thiện thẳng thắn vừa là một nhà giáo
cho biết thông tin đầy đủ cho các em học trò lớp tôi dậy, nhân ngày Lễ Tạ Ơn,
mà không bị vướng vào những sự bóp méo lịch sử và cách diễn tả con người rập
theo một mẫu sẵn.”
Theo cô Susan Bates, cũng là hậu duệ của người Da Đỏ thì chuyện Ngày Lễ Tạ Ơn
trong đó những người Di Dân Hành Hương Pilgrims và người Da Đỏ vui vẻ cùng nhau
ngồi ăn chung một bữa tiệc lớn là một chuyện có xẩy ra thật, nhưng chỉ xảy ra
có một lần. Chuyện Lễ Tạ Ơn đã thực sự xảy ra rắc rối và bi thảm hơn nhiều.
Cô viết trong trang The Real Story of
Thanksgiving (Chuyện Lễ Tạ Ơn đích thực) như sau:
“Chuyện này bắt đầu xảy ra năm 1614 khi một nhóm những người thám hiểm người
Anh đi thuyền về Anh chở theo rất đông người Da Đỏ bộ tộc Patuxent mang về để
làm nô lệ. Bọn họ ra về nhưng để lại bệnh đậu mùa, một căn bệnh hầu như đã giết
chết hết những người Da Đỏ đã chạy thoát. Khi người Di Dân Hành Hương Pilgrims
đến eo biển Massachusetts, họ chỉ còn thấy một người Da Đỏ bộ tộc Patuxet còn
sống.Người này tên là Squanto, từng thoát khỏi bị làm nô lệ bên Anh, mà cũng
biết tiếng Anh. Squanto dậy cho người Di Dân Hành Hương (Pilgrims) cách trồng
ngô, cách đánh cá. Anh ta còn điều đình được một cuộc hòa giải giữa người Di
Dân Hành Hương (Pilgrims) với bộ tộc Da Đỏ Wampanoag. Một năm sau, (năm 1620),
những người Di Dân Hành Hương bèn tổ chức ra một bữa tiệc lớn để vinh danh
Squanto và bộ tộc Da Đỏ Wampanoag. Đó là lễ Tạ Ơn Đầu Tiên vậy.
Khi người Anh tại chính quốc biết tin là đồng bào họ đã tìm thấy thiên đàng
trên vùng đất mới, một số người Anh ngoan đạo và rất sùng tín cực đoan, bọn
Thanh giáo đồ (Puritan's), bèn kéo nhau sang thật đông. Đến nơi khi họ thấy
không nơi nào có rào dậu, họ bèn coi đó là đất hoang cho tất cả mọi người, Cùng
với những người Anh đến trước, họ chiếm lấy đất đai, lùng bắt những thanh niên
Da Đỏ để làm nô lệ và giết hết những dân
Da
Đỏ còn lại.
Thế nhưng bộ tộc Pequot đã không đồng ý với hiệp ước hòa giải mà Squanto đã
điều đình được. Họ chống đối lại người Anh. Cuộc chiến tranh Pequot đã là một
cuộc chiến tranh tàn khốc nhất của người Da Đỏ từng làm.
Năm 1637, ở gần một nơi bây giờ là Groton, tiểu bang Connecticut, lối trên 700
người Da Đỏ, đàn ông, đàn bà, trẻ con thuộc bộ tộc Pequot đến hội họp để làm lễ
Hội Trồng Ngô Xanh (Green Corn Festival) hằng năm, cũng là lễ Tạ Ơn của chúng
ta. Trời chưa bừng sáng, dân Da Đỏ còn đang mơ màng giấc điệp thì bọn lính
đánh thuê người Anh và người Hòa Lan tiến vào bắt họ phải ra ngoài. Người Da Đỏ
nào đi ra thì bị bắn chết hay đập chết, trong khi những đàn bà trẻ con Do Đỏ
chạy trốn trong lều thì bị thiêu sống.
Ngày hôm sau, ông Thống đốc thuộc địa eo biển Massachusetts tuyên bố ngày hôm
đó là Ngày Tạ Ơn, vì 700 người Da Đỏ không khí giới, đàn ông, đàn bà, trẻ con
đã bị tàn sát. Say men “chiến thắng”, những người Anh đi kiếm thuộc địa và
những người Da Đỏ về hùa theo họ đã tấn công các làng Da Đỏ, làng này sang
làng khác. Đàn bà và trẻ con trên 14 tuổi được bắt đem đi bán làm nô lệ, trong
khi tất cả những người còn lại thì bị giết chết.
Từng chuyến thuyền chở tới 500 nô lệ Da Đỏ đều đều rời hải cảng vùng New
England. Người ta còn trả tiền cho những da đầu lột từ người Da Đỏ, hầu khuyến
khích việc tàn sát. Sau khi cuộc tàn sát những người Da Đỏ bộ lạc Pequot thành
công ở vùng đất bây giờ là Stamford, Connecticut, nhà thờ (Thiên Chúa giáo) đã
tổ chức một ngày Tạ Ơn thứ hai để ăn mừng chiến thắng chống bọn Da Đỏ mà người
ta gọi là “bọn mọi dã man” (savages).
Trong bữa tiệc, người ta đã chặt đầu dân Da Đỏ đem ra đá như đá bóng vậy. Cả
người Da Đỏ bộ lạc Wampanoag trước vẫn tỏ ra thân thiện với người Anh cũng chịu
chung số phận. Tù trưởng Wampanoag(1) cũng bị chặt đầu và cái đầu được cắm vào
một cái cột ở Plymouth, Massachusetts, suốt trong 24 năm cho mọi người xem.
Thế là cứ mỗi khi tàn sát song người Da Đỏ, người Di Dân Anh lại tổ chức một
bữa tiệc Tạ Ơn ăn mừng. Sau cùng (năm 1789), Tổng thống George Washington đề
nghị mỗi năm chỉ để ra một ngày (ngày thứ Năm 2 6 tháng 11) để làm Lễ Tạ Ơn
thôi, thay vì làm lễ Tạ Ơn mỗi khi thành công trong chuyện tàn sát người Da Đỏ.
Về sau ( năm 1863), Tổng thống Abraham Lincoln ký sắc lệnh tuyên bố ngày Lễ Tạ
Ơn là ngày nghỉ lễ cho toàn dân, ngay cả khi trong nước đang có nội loạn. Cũng
chính ngày hôm ấy, Abraham Lincoln đã ra lệnh cho quân đội tấn công bộ lạc Da
Đỏ Sioux đang đói rét tại Minnesota.
Số phận người Da Đỏ
Đó là số mạng của dân Da Đỏ khi Hoa Kỳ mới lập quốc. Sau đó thì sao? Người ta
chỉ có thể nghĩ đến những cụm từ không lấy gì làm tốt đẹp như: tận diệt, diệt
chủng, đồng hóa, cưỡng bách, cải đạo v.v…
Nhân vật chánh trị có gương mặt gần cận nhất cũng như là có trách nhiệm cao
nhất ảnh hưởng đến số phận của dân Da Đỏ là tướng Andrew Jackson (1767–1845).
Tướng Andrew Jackson, Tổng thống thứ 7 HK Andrew Jackson là tướng chỉ huy quân
đội Hoa Kỳ từ năm 1815.
Sau đó làm Thống đốc quân sự ở Florida (1821). Ông đã làm Tổng thống thứ Bẩy
của Hoa Kỳ từ năm 1829 đến năm 1837. Ông là người chủ chương duy trì “ chế độ
nô l ệ ” và nhất là chính sách “ Bứng mọi Da Đỏ ” (Indian Removal). Ông nổi
tiếng là rất cương quyết cho nên có hỗn danh là “Old Hickory(2)”. Có thể tạm
dịch: ông Jackson là “Thiết đầu kim cương’ hay “Kim Cương bất hoại”. Ngay trước
khi làm Tổng Thống, ông đã thương thuyết với nhiều bộ lạc Da Đỏ để tìm cách đưa
họ đi về miền Tây là nơi mà người Anh da trắng chưa đến chiếm ngụ.
Các bộ lạc Da Đỏ đã không thống nhất trong đường lối đối xử với người Âu châu,
trước hiểm họa bị cướp đất, bị tận diệt. Có bộ lạc chủ trương phải chống lại,
có bộ lạc thấy cuộc chiến vô vọng vì ưu thế khí giới của người Âu Châu, và sau
nhiều lần thất bại. Bởi vậy, người Hoa Kỳ, nhất là Tổng Thống Jackson, nhìn
thấy nhược điểm của người Da Đỏ, đã nhất quyết đẩy mạnh chính sách “ Bứng dân
Da Đỏ ” đến cùng. Năm 1830, ông Jackson đưa ra quốc hội Hoa Kỳ duyệt y đạo luật
mệnh danh là “ Removal Act ”. Trong khi quốc hội Hoa kỳ tranh tranh luận về dự
luật “ Removal Act ” thì chính quyền tiểu bang Georgia xáp nhập đất đai của bộ
tộc Da Đỏ Cherokee vào tiểu bang, trái với những thỏa ước chính phủ trung ương
Hoa Kỳ đã có trước đây với bộ tộc này.
Tổng Thống Jackson tỏ ra đồng tình đồng thuận với tiểu bang Georgia. Vấn đề
được đua lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Đến khi chủ tịch Tối Cao Quan tòa TCPV
John Marshall Pháp Viện Hoa kỳ, ông John Marshall, phán quyết rằng tiểu bang
Georgia đã có hành động vi hiến, và đất của người Da Đỏ phải trả lại cho họ,
thì Tổng thống Jackson cũng không coi Tối Cao Pháp viện ra gì và không chịu thi
hành án lệnh của viện này.
Nếu ở một thời điểm khác thì cách hành xử của Jackson có thể bị coi là lạm dụng
quyền hành pháp và có thể bị truất phế. Nhưng ông vẫn tại vị. Người Da Đỏ phân
vân không biết làm sao. Nội bộ bèn chia ra làm hai phe. Một phe nhất định không
chịu nhượng đất. Phe kia, lãnh đạo bởi lãnh tụ Da Đỏ Major Ridge, chịu nhượng bộ
mà chịu ký một thỏa thuận nhượng đất lấy 5 triệu đô la. Chính phủ của ông
Jackson biết rõ thủ lãnh Major Ridge chỉ đại diện cho một số nhỏ bộ lạc
Cherokee, nhưng coi việc đó như là xong. Chính phủ Hoa Kỳ từ nay có quyền lấy
đất và tiến hành việc “ bứng ” dân Da Đỏ về miền Tây.
Nhiều bộ tộc Da Đỏ lần lượt bị “ Bứng ” trước bộ tộc Cherokee. Bộ tộc Choctaws
bị càn quét và bứng vào năm 1831. Sau đó là bộ tộc Seminoles vào năm 1932. Bộ
tộc Creeks vào năm 1632. Bộ tộc Chickasaws vào năm 1837 và sau cùng là bộ tộc
Cherokees vào năm 1838.
Vì chính sách “ bứng ” người Da Đỏ được thi hành lần đầu tiên với bộ tộc
Choctaws, và khi đó chính phủ Hoa Kỳ tổ chức rất luộm thuộm, không lưu tâm gì
đến tình trạng an sinh của người Da Đỏ, cho nên người Da Đỏ đã bị đẩy đi trong
một tình trạng rất thảm thương, gây chết chóc cho rất đông người Choctaws. Thế
nhưng so với công cuộc càn quét dồn ép bộ tộc Cherokees mấy năm sau để bứng họ
về Oklahoma thì không thấm tháp gì.
Bắt đầu công cuộc Bứng người Da Đỏ
Ngày 17 tháng 5, 1838, tướng Winfield Scott tới New Echota với 7000 quân, dủ
mọi thành phần: binh sĩ, tự nguyện, nhà thầu tư nhân… thi hành lệnh của Tổng
Thống Jackson, tập trung 13,000 người Da Đỏ Cherokees tại Cleveland, Tennessee,
để khởi sự cưỡng ép họ đi đến miền Tây, bây giờ là Oklahoma. Ngay trước khi ra
đi, 3,000 dân Da Đỏ đả chết vì bệnh tật, đói kém và rét lạnh trong trại tập
trung. Nhà cửa đã bị đốt cháy, hoa màu đã bị tàn phá, trang trại đã bị Di Dân
người Anh đến chia nhau bằng cách rút thăm. Dân Da Đỏ đã hết lối về, bắt buộc
phải để người Hoa Kỳ dẫn đi. Khi mùa Đông năm 1838 bắt đầu, tướng Scott khởi sự
di chuyển những người Da Đỏ về miền Tây, trong một cuộc hành trình dài cả ngàn
cây số. Đây là một cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu của 13,000 dân Da Đỏ
thuộc Hành trình cả ngàn cây số trong sương tuyết Cherokee và với một số bộ tộc
khác còn lại, đã bi cưỡng ép đi bộ từ miền Tennessee đến Oklahoma, dòng dã cả
năm trời vào mùa Đông trong sương tuyết. Bốn ngàn dân Da Đỏ, phần lớn là đàn bà
và trẻ con đã bỏ mạng trong khi đi đường vì đói ăn, thiếu mặc, không giầy dép,
bệnh hoạn không thuốc thang chưa kể đến những đốc thúc đánh đập trong khi đi
đường, trong số này có Quartile, là vợ ông tù trưởng Cherokees John Ross.
Một binh sĩ tên là John Burnett đã ghi lại trong nhật ký của ông: “ Tôi đã tham
dự nhiều trận chiến khi các Tiểu bang đánh nhau trước đây. Tôi đã thấy rất
nhiều người bị bắn chết. Nhưng cuộc bứng dân Da Đỏ Cherokee là một điều dã man
nhất tôi chưa từng thấy…. Thế hệ tương lai sẽ đọc (dòng chữ này) và tôi hy vọng
là họ hiểu cho rằng những binh nhì như tôi hay như 4 người Cherokees đã bị
tướng Scott bắt phải bắn chết người tù trưởng Da Đỏ và đàn con của ông ta.
Chúng tôi đã phải thi hành lệnh của thượng cấp mà thôi. Chúng tôi không có lựa
chọn nào khác”.
“Trail of Tears ”
Hành trình này sau được mệnh danh là “Trail of Tears ” (hành trình trong nước
mắt), dịch từ tiếng của người Cherokees: “ Nana dau Tsuny “. Về miền Tây, họ
được đưa đi đâu? Đây lại là một số phận thảm thương khác của người Da Đỏ được
người Hoa Kỳ dành cho họ. Họ đã bị đưa vào một loại trại tập trung khác gọi là
“ Reservations”.
Nói đến “Reserva tions ” người ta chỉ nghĩ đến những cụm từ khác cũng chẳng mấy
tốt đẹp: thất nghiệp trường kỳ, ngồi ăn trợ cấp, cờ bạc qua ngày, uống rượu
giải sầu, đánh vợ đuổi con, bất lực và thất vọng… Khi người Anh chưa tới, dân
số dân Da Đỏ ước khoảng 12 triệu người. Ngày nay số này đã chỉ còn khoảng 1.5
triệu ***
Tuyên Ngôn Độc Lập và Dân Quyền
Dưới thời Tổng Thống Andrew Jackson Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, mới thành lập khoảng
50 năm trước thôi, trên căn bản của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, tuyên bố ngày 4
tháng 7 năm 1776, nói rằng: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng
mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu
và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh
phúc (3) ” Người Hoa Kỳ đã quên đi bản Tuyên Ngôn cao quý và tốt đẹp đó, mà
thản nhiên khép lại trang sử cuối cùng của một dân tộc ngây thơ, khờ dại, muốn
giúp đỡ kẻ khốn cùng, mà chẳng may đã phải đối diện chung sống với một dân tộc
khác, từ xa đến, dũng mãnh hơn, khôn ngoan hơn, giỏi dang hơn, nhưng nhiều kỳ
thị, nhiều hiếu chiến và nhất là rất tham lam, trên một mảnh đất rộng mênh mông
bao la. Mảnh đất này đáng lẽ có thể cho biết bao con người thoả chí vẫy vùng,
nhưng khốn thay, dân tộc mới đến chỉ muốn chiếm dụng lấy một mình, đẩy dân tộc
địa phương đến chỗ đường cùng ***
Tạ Ơn là một việc làm rất hay, cần có trong việc đối xử giữa con người. Hằng
năm người Hoa Kỳ đều tưng bừng làm Lễ Tạ Ơn, mời mọc mọi người đến chia sẻ với
mình của ngon vật lạ. Đó là một truyền thống rất đẹp của họ. Họ tạ ơn ai? Từ
Tổng Thống George Washington đến Tổng Thống Lincoln xuống đến bàn dân thiên hạ,
người Hoa Kỳ ngày ấy đã Tạ Ơn Trời Đất, gọi là “the Almighty God ”, tạ ơn Đức
Chúa Trời, đã cho họ thêm nhiều của cải và phước lành. Chẳng mấy ai còn nghĩ
đến phải Tạ Ơn những người Da Đỏ tốt bụng khi xưa nữa.
... Nếu Tạ Ơn là một truyền thống rất
hay rất đẹp của người Hoa Kỳ, thì phải chăng Tạ Lỗi và Sám Hối cũng là một
truyền thống rất hay, rất đẹp nên theo?
Tổng thống Hoa Kỳ thời Barack Obama, một vị Tổng thống được nhiều người coi là
có tính tình nhân hậu, ngày 15 tháng 6, 2009 đã mời một số lãnh tụ các bộ tộc
Da Đỏ vào tòa Bạch Ốc để ông nói chuyện. Trong buổi nói chuyện ông đã tỏ ý
quyết tâm đổi ngược lại đường lối của chính phủ liên bang cũ, đã quên và coi
thường các bộ lạc Da Đỏ. Ông cũng nói là ông rất hiểu rằng những vị đại diện Da
Đỏ đến đây hôm nay đã phải “ có một lòng tin tưởng vượt bực ” khi họ nghĩ tới những
sự dối trá không tuân thủ những hiệp ước đã ký kết với các bộ lạc Da Đỏ trước
đây của chính phủ Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đã biết rằng trong nhiều trại tập
trung “ Indian Reservations ” tình trạng nghèo đói rất thê thảm. 80 phần trăn
dân Do Đỏ không có công ăn việc làm. Bởi vậy ông thấy ông phải làm một điều gì
của một người có lương tâm.
Trong chính phủ Obama đã có hai vị gốc Da Đỏ tham gia chánh quyền. Một là cô
Kimberly Teehee, thuộc bộ lạc Cherokees. Cô Teehee, tiến sĩ Luật khoa Đại học
Iowa, hiện là cố vấn trưởng trong ủy ban quốc gia về người Mỹ gốc Da Đỏ. Hai là
bác sĩ Yvette Robideaux, 46 tuổi, trước làm giáo sư Đại Học Arizona, nay làm
giám đốc Da Đỏ Y Tế Sự Vụ, trong Bộ Y Tế và An Sinh Quốc Gia. Bác sĩ Robideaux
là thành viên của bộ tộc Da Đỏ Rosebud Sioux. Âu cũng là niềm an ủi cho một dân
tộc xấu số.
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393
No comments:
Post a Comment