Monday, December 16, 2024

Đêm Nhớ Về Thời Chinh Chiến






Ai Hữu Đồng Đế Kỷ Niệm 30-4 ‘đêm Nhớ Thời Chinh Chiến’ Việt Báo Thứ Tư, 4/29/2009, 12:00:00 AM

Westminster ( Cổ Ngưu )- - Tại câu lạc bộ Hoàng Sa (Nhà hàng Paracel ) hơn 400 quan khách, đại diện các quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt có sự tham dự của một số các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam (Vietnam Veterans Association). Các em hậu duệ trong quân phục Biệt Đồng Quân với đầy đủ quân trang, quân dụng như một chiến sĩ tác chiến trông thật oai hùng đã gợi nhớ những ngày sa trường lửa đạn để chống cộng sản xâm lăng.
Đêm nhớ về thời chinh chiến cũng là đêm tưởng niệm nhân ngày 30 tháng 4 để nhớ về những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường, trong lao tù cộng sản, những đồng bào đã bỏ mình trong đường tìm tự do. Phần nghi thức chào Quốc Kỳ Việt Mỹ và phút mặc niệm do toán hậu duệ cùng ban hợp ca Hoa Biển phụ trách theo lễ nghi quân cách. Sau đó Quốc Kỳ được gấp lại và đưa lên bàn thờ tổ quốc. Giây phút thật cảm động, trên bàn thờ với 1 cây nén, 1 cái nón sắt, 1 lá cờ POW-MIA, 1 đĩa cơm, 1 đôi đũa và 1 ly rượu.
Bên cạnh là những quân trang, quân dụng, nón sắt, giây ba chạc, áo giáp, súng phóng lựu, M- 16, đại liên M -60. Nhìn cây súng M-16 dựng ngược với cái nón sắt úp trên báng súng một biểu tượng cho người tử sĩ trông thật cảm động. Thiếu Tướng Trần Văn Nhựt trong quân phục Thủy Quân Lục Chiến với nhiều huân chương đeo trên ngực trong đó có Đệ Tam Đảng Bảo Quốc Huân Chương chủ tọa lễ tưởng niệm.
Sau nghi thức tưởng niệm, chương trình văn nghệ "Đêm Nhớ Về Thời Chinh Chiến" với chủ đề vinh danh người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa do ban hợp ca Hoa Biển, Biệt Đoàn Văn Nghệ, với sự cộng tác của các ca sĩ thân hữu như: Phượng Khanh, Lệ Hằng, Xuân Thy, Tuyết Hạnh, Hoàng Dung . . .cùng của toán hậu duệ trong các tiết mục nhạc cảnh qua hình ảnh chiến tranh với những bản nhạc như Anh Đi Chiến Dịch, Vùng Trời Ngày Đó. . .
Cuối chương trình Ong Phạm Hòa, Hội trưởng Đồng Đế, trưởng ban tổ chức lên ngỏ lời cảm ơn tất cả tham dự và Ong cũng cho biết số tiền thu được sau khi trừ chi phí còn lại 1, 700 Mỹ kim, số tiền nầy ban tổ chức sẽ gởi về cho các anh em thương phế binh thuộc quân trường Đồng Đế đang sống cơ cực tại quê nhà trong dịp nầy nhà văn Ninh Thuận cũng đã dành khoản tiền bán sách được $ 280 Mỹ kim để tặng cho anh em thương phế binh Đồng Đế. Chương trình kết thúc trong bầu không khí thân thương của những người lính không bao giờ quên câu " Huynh Đệ Chi Binh."

Trần Thị Chiến Tranh



CÓ PHẢI TÔI KHÔNG?
Có người gửi tôi tấm hình trên mạng
cô gái Sài gòn áo trắng khăn tang
đi trong Sài gòn bốn mươi năm cũ
cô gái trong hình có phải tôi không?

Ô hay tại sao tự nhiên tôi nhận
Sài gòn cả trăm cô gái giống tôi
cả ngàn khăn tang trên đầu góa phụ
góa phụ còn hồng một vệt son môi

Ô hay tại sao tự nhiên tôi chối
Sài gòn ngày ấy trắng toát khăn tang
những cô trẻ lắm mắt đầm đìa lệ
theo tay ai dắt đi vào nghĩa trang

Sài gòn bây giờ khói nhang đã tắt
góa phụ ngây thơ tóc đã phai xanh
nhìn lại tấm hình nhận ra cô gái
khẽ gọi tên cô "Trần Thị ChiếnTranh".

TMT

CHUYỆN KỂ
(Gửi anh Thái Hà Chung, để nhớ lại 40 năm Cung đã mất)

Chuyện hôm nay chỉ còn là chuyện kể
Quãng đời qua hay là quãng chiêm bao
Tình yêu đó ta thắp bằng tim nến
Sao ai châm đuốc lửa đốt hai đầu.(tmt)

- Khi anh tìm được về nhà cũ, em và cả gia đình hai bên đã đi rồi. Anh đau đớn quá, nhưng anh không muốn để sự thất vọng giết nốt hồn mình, anh loanh quanh trong thành phố, hy vọng em chưa đi hẳn, em còn tạm trốn ở một nơi nào đó, đợi anh về, nên mấy chục năm nay anh vẫn ở lại trong xóm cũ, dù biết, nhà của cha mẹ em đã có người khác dọn vào lâu rồi.
Người đàn bà vóc vạc mảnh dẻ, đi như dựa hẳn vào lòng người đàn ông, ông không cao lớn lắm, nhưng vững chãi như một bức tường nhỏ, ấm áp. Tóc của bà đã hoa râm, dấu thời gian đã vẽ những vết nhăn đậm nhạt trên vừng trán, trên khóe miệng, trên đuôi mắt; nhưng ở người đàn ông, da vẫn căng và nâu xậm khỏe mạnh, tóc không hề có một sợi bạc, mái tóc xanh, cắt ngắn, của một người lính.
- Em lúc đó hoang mang, bối rối vô cùng, ông chánh văn phòng ở chỗ em làm, bảo sao thì em làm vậy. Bên gia đình anh cũng bỏ đi rồi, em đến nhà thì nhà hoang cửa trống, chỉ có con bé giúp việc đang ngồi khóc. Em đi chung quanh những căn buồng nhỏ, nhớ lại những kỷ niệm từ hồi còn anh, những kỷ niệm như những cánh hoa ứa máu nhưng vẫn còn thơm ngát. Biết là mình rồi cũng sẽ phải bỏ đi thôi. Em xếp kỷ niệm chôn vào bóng nắng trong một góc vườn.
Vì em có một mình nên Sở cho em mang bố mẹ đi với em. Thế là nhà của bố mẹ cũng mất với người.
Hai người đi một vòng trong xóm cũ; mọi nhà, mọi cảnh đều thay đổi, người đàn bà không nhận ra ai trong xóm, những khuôn mặt hình như đều được vẽ lại, xa lạ và lạnh lùng như những người trong tranh. Những ngôi nhà thay đổi đến ngạc nhiên, không cách nào nhận ra, Lần đầu tiên bà về quê, bà phải đếm trong đầu, từng ngôi nhà một, để định chỗ. Khi tìm được cây tầm ruộc, bà mới nhận ra ngôi nhà cũ của mình. Người đàn ông dừng lại trước ngôi nhà, ôm thân hình mảnh mai của người đàn bà trong đôi tay khỏe mạnh của mình xót sa:
- Em gầy quá!
Người đàn bà cười nhẹ:
- Không phải em gầy đâu, tuổi già làm xương em xốp đi đấy.
- Em nhìn kìa, nhà cửa thay mới nhưng họ vẫn không đốn cây tầm ruộc này, nó bây giờ vẫn mỗi năm cho trái, mới lạ chứ!
- Cứ hai năm em về một lần, lần nào cũng ghé qua nhìn ngôi nhà của gia đình mình, sao mãi đến lần thứ tư này mới gặp lại anh.
- Lạ thật đấy, anh thì qua lại đây thường xuyên, anh muốn đến lúc nào cũng đến được, nhớ em quá đỗi, anh đến ngay. Có những đêm trăng anh còn vào cả sau nhà, cây trứng cá thì bị đốn rồi, ánh trăng bây giờ nằm từng vệt riêng rẽ trên cái sân xi măng, trông cô đơn lắm. Tối nay rằm, hay mình ở lại chờ trăng lên đi em.
- Dạ.
Tiếng dạ ngoan hiền ngày xưa âm âm trong trái tim người đàn ông không thay đổi. Ông im lặng một lúc cho cái âm của tiếng “dạ” như vang vào một cõi u minh.

- Cha mẹ hai bên đã mất hết rồi, chỉ có chúng mình là không bao giờ mất nhau, vì chúng mình yêu nhau quá, phải không em? Nhưng này em, cái ổ gà to tướng ở ngay đầu ngõ vào xóm mình bị lấp đi làm anh tiếc mãi. Em còn nhớ không? Cái lần anh ở đơn vị về phép, mình đi ăn kem Givral, khi về, trời mưa to, em cứ loay hoay không biết làm sao đi qua cái vũng nước nằm ngang ngõ, mà không ướt giầy. Anh bế bổng em lên, bước vào vũng nước, anh đi giầy nhà binh mà. Mấy người trong xóm cười trêu mình, làm em ngượng quá, em cứ giẫy trong tay anh đòi xuống, anh lại càng ôm chặt, cuối cùng hai đứa ngã lăn kềnh trong vũng nước, mọi người càng cười to. Hôm đó em xấu hổ giận anh nguyên ngày, anh dỗ mãi không được. Nhưng khi anh sắp phải trở về đơn vị, tự em lại làm hòa trước, em có nhớ không, em còn nhớ không?

Làm sao mà quên được, người đàn bà mặt mũi đầm đìa nước mắt, kín đáo giơ ngang ống tay áo lên chùi, không cho người đàn ông biết mình khóc, nói khẽ:
- Dạ, (người đàn bà hay dạ trước mỗi câu nói.) Bây giờ em chỉ muốn vẫn còn cái ổ gà to tướng đó, để được anh bế lội qua.

Bà nói xong cúi nhìn xuống chân người đàn ông, ông vẫn đi đôi giầy nhà binh cao cổ, đôi giầy mà lần đầu tiên sau ngày cưới, ông trở về từ đơn vị, bà bắt ông tháo ra ngay để bà mang vớ đi giặt, mang giầy ra rửa, rồi phơi nắng. Bà còn nhớ lại cái cảm giác lúc giặt, rửa, giầy vớ cho chồng, cái cảm giác nhói đau trong ngực người vợ trẻ, khi nghĩ đến một ngày nào đó không được làm cái công việc mong manh xúc động này.

Người đàn ông lại say sưa kể.
- Anh nhớ có một lần xe hư giữa đường, cái xe gắn máy lâu ngày anh không dùng đến. Khi đó, về thăm nhà, anh chẳng kịp thay quần áo, chở em đi uống cà phê ở phố Nguyễn Phi Khanh, Đa Kao. (Có bốn ngày phép thôi mà, đã mất một ngày đi, một ngày về rồi.) Trời mưa tháng sáu, nước ngập đường, chẩy không kịp, chiếc xe chết máy, mình phải gửi quán cà phê đi xích lô về. Trời ơi, anh sung sướng làm sao, một người lính quần áo còn khét mùi khói, được ngồi chung xích lô với cô vợ trẻ như chiêm bao trong một chiều mưa. Chao ôi là lãng mạn! Em nhớ không, em còn nhớ không?
Cứ kể xong một chuyện, người đàn ông lại nồng nàn hỏi. “Em nhớ không? Em còn nhớ không?”
Làm sao mà quên được, người đàn bà thầm thĩ trong đầu; “trong chiếc xích lô chật hẹp, em ngồi trong lòng anh, em ngửi được mùi tình yêu, mùi vợ chồng, mùi bổn phận, mùi quê hương bốc ra từ hơi thở anh, từ bộ đồ trận trên người anh, trộn vào không gian ẩm ướt. Em lúc đó hoang mang, chẳng biết gọi cái mùi đó là gì. Sau này nghĩ lại em mới biết, đó là: “Mùi Chiến Tranh.”
Ánh trăng ở thành phố này bây giờ đã mờ đi, khói xe bốc lên ô nhiễm không gian, nhòe vào vùng ánh sáng làm bóng trăng rằm trở nên âm u. Hai người im lặng đi trong bóng trăng như đi giữa một giấc mơ, người đàn bả thỉnh thoảng lại kín đáo giơ ống tay áo lên, chùi những dòng nước mắt đang nhòe vào ánh trăng trên mặt mình. Người đàn ông muốn dắt vợ vào tận trong sân nhưng người đàn bà chùn tay lại. Bây giờ đâu còn phải nhà mình nữa. Sau bốn mươi năm, mọi sự đã thay đổi; thành phố đổi tên, nhà đổi chủ, ngay chính mình cũng đã thành vợ người khác. Người đàn bà chưa dám nói cho chồng cũ biết điều đó, và người đàn ông cũng không hỏi, hình như ông không để ý đến chuyện đó, hình như ông vẫn nghĩ mình vừa sống sót, trở về nhà, gặp lại vợ sau một cuộc hành quân. Ông nắm tay bà, vẫn bàn tay ấm áp đầy sức mạnh của một người lính. Người đàn bà bỗng nhớ (rất lơ mơ) là ở một nơi bên kia trái đất mình cũng có một gia đình, có chồng, con đang mong đợi mình (Em đi thăm Việt Nam nhanh lên rồi về nghe.)

Trăng rằm ở chốn xa xôi, nơi người đàn bà đang cư ngụ, nếu không vào đêm mưa thì rực rỡ lắm, cái rực rỡ làm mỗi khi bà nhìn trăng lại quặn thắt nhớ đến ngày xưa, người cũ.
Bây giờ đi bên người đàn ông cũ trong một đêm trăng ở quê hương, bà cúi nhìn bàn tay đã bắt đầu khô, nhăn, của mình đặt trong bàn tay khỏe mạnh trẻ trung của người đàn ông, bà bỗng thấy có một điều gì rất lạ. Người đàn ông không để cho ý nghĩ của người đàn bà đi xa quá, ông nói:
- Anh đưa em đến một chỗ này, thích lắm. Em sẽ gặp rất nhiều người thân thiết của ngày xưa.
Người đàn bà cứ để nguyên bàn tay mình trong bàn tay người đàn ông, mặc cho ông đưa bà đi. Đi lâu lắm, cuối cùng người đàn ông đưa người đàn bà đến một vùng hoang địa, người đàn bà đoán thế vì trong bóng đêm, mặc dù dưới ánh trăng rằm, bà cũng thấy âm u, hoang lạnh, không đầm ấm như xóm cũ của mình. Hai người bước qua một cái cổng lớn xây gạch nhưng đã đổ nát, người đàn bà cứ phải níu chặt cánh tay người đàn ông; bước cao, bước thấp, qua những bụi gai, cỏ dại, mô đá, mô xi măng, mô đất. Thỉnh thoảng người đàn ông dừng lại, hoặc cúi đầu chào những người đàn ông khác đi qua họ. Người đàn bà cũng cúi đầu chào theo, không nhìn rõ binh chủng và cấp bậc trên quân phục của họ. Cuối cùng, người đàn ông kéo người đàn bà ngồi xuống một mảng xi măng đã vỡ nhưng còn khá rộng, nói:
- Đây là nơi những người bạn của anh cư ngụ, những người ngày trước đã sinh ra, lớn lên, yêu và chết cho mảnh đất này. Nếu thỉnh thoảng em có về, không gặp anh, em cũng nhớ ghé qua đây thăm họ.

Hai người ngồi im lặng trong bóng trăng đã bắt đầu nhàn nhạt, hình như mặt trời đang sửa soạn đi ra. Người đàn bà nhìn vào khuôn mặt người đàn ông cũng đang nhàn nhạt theo ánh trăng. Dưới ánh trăng mờ mờ bà ngước nhìn lên mái tóc dầy xanh thẫm, cắt ngắn, vầng trán phẳng, đôi mắt buồn buồn, có mảnh trăng rơi vào loang loang như bóng nước, lòng bà quặn thắt. Bà tránh cặp mắt, nhìn xuống bộ quần áo ông đang mặc trên người. Bộ quần áo nhà binh, tối xẫm vào bóng trăng thành mầu xanh đen, nhưng cái hoa mai gắn trên vai vẫn đang lấp lánh, bà nhìn xuống đôi giầy nhà binh, rồi nhìn vào từng vệt sáng của trăng trên mặt đất hoang vu, đổ nát của một thành phố đổi chủ. Bà nhớ lại dần dần, về mình, về người đàn ông, về ngôi nhà của cha mẹ mà hai vợ chồng mới cưới còn ở, chưa kịp ra riêng. Bà nhớ là mình lúc đó trẻ lắm, có một người chồng trong quân ngũ như hầu hết những cô gái trẻ ở thời gian đó, ở quê hương đó. Chao ôi! bà bỗng nhớ ra tất cả:
Người đàn ông đó chết rồi, chết rất trẻ; chết thế nào, cách nào bà không biết rõ, nhưng anh chắc chắn đã chết như một người lính chết cho quê hương.

tmt
Viết cho ngày 30.4

Tôi thấy và nghe được gì ở Sài Gòn / Tháng Tư Đen - 2007

Ðây không phải là một phóng sự hay một bài nghiên cứu xã hội với những phương pháp khoa học của nó - mà chỉ là những điều vụn vặt mắt thấy tận nơi, tai nghe tận chỗ - ghi lại một cách trung thực...

Tôi thấy bộ mặt Sàigòn đổi mới với: Những khách sạn 5 sao, 4 sao lộng lẫy. Ðổi mới với những nhà hàng "vĩ đại" trên các tuyến đường du lịch. Với những trung tâm "thư giãn" sang trọng, quý phái cỡ câu lạc bộ Lan Anh. Với những vũ trường cực kỳ tráng lệ như vũ trường New Century Hànội. Với những trường Trung học tư thục mang tên Mỹ, giáo sư Mỹ, chương trình học của Mỹ, giảng dạy bằng tiếng Mỹ - học sinh phải trả học phí bằng tiền Mỹ - 600US$ đến 1000US$ /tháng.. (Giai cấp nào đủ sức trả học phí nầy cho con? )

Tôi cũng hiểu rằng các nơi nầy là nơi ăn chơi của vương tôn công tử "đỏ", các nhà giàu mới - thân nhân các quyền lực đỏ đứng đàng sau, các quan chức đỏ đô la đầy túi. Họ đến đây để "thư giãn", uống rượu, đánh bạc, cá độ và tìm gái. Uống chơi vài chai rượu ngoại VSOP, XO là chuyện thường. Mỗi đêm có thể tiêu hàng ngàn đô la Mỹ cũng không phải là điều lạ. Trong khi lương tháng của một thầy giáo Trung học trường công không đủ để trả một chai rượu XO. Vụ MPU.18 cá độ hàng triệu US $ đã bị phanh phui..là một thí dụ cụ thể.Vũ trường New Century bị Công an đến giải tán vì các công tử và tiểu thư con các quan chức lớn nhảy đã rồi.... " lắc" suốt đêm. Vài hôm sau - đâu cũng vào đó... Tôi cũng thấy Sàigòn- người, xe và phố xá dầy đặc, nghẹt thở - vài tòa cao ốc mọc lên vô trật tự - ở xa xa, có cái trông giống như chiếc hộp quẹt.. nhà cửa mặt tiền hầu hết đều lên lầu nhiều tầng. Kiến trúc hiện đại.Vật liệu nhập cảng đắc tiền. Nhà trong hẻm - phần lớn cũng lên nhiều tầng cao nghệu. Có nhiều khu xây cất bừa bãi, nhô ra thụt vào như những chiếc răng lòi xỉ vô duyên , lấn chiếm ngang ngược đất công hoặc lề đường....

Tôi thấy Sàigòn bị ô nhiễm trầm trọng với hằng triệu tiếng động cơ, ngày đêm đinh tai nhức óc và 3.000.000 chiếc Honda - phun khói mịt mù - chưa kể đến xe hơi..Và hệ thống cống rãnh lạc hậu.. mỗi khi trời mưa lớn - nước rút không kịp, ứ đọng tràn ngập nhà cửa. Hệ thống đổ rác còn lạc hậu.. không đáp ứng nổi nhu cầu thải rác của 8.000.000 dân nhung nhúc như kiến.. Sàigòn đầy dẫy những hàng ngoại do công ty ngoại quốc sản xuất tại chỗ..hàng lậu của Trung quốc tràn vào vô số kể.. Máu kinh tế Việt Nam bị loãng ra. Nhưng chế độ xã nghĩa im thin thít chịu trận, không dám một lời phản kháng. Một chiếc xe Honda nhãn hiệu Trung quốc giá khoảng chừng 1000 đô la Mỹ..chưa kể hàng Trung quốc lậu thuế, rẻ mạt.. Thuốc lá và bia - bia nội, bia ngoại - có đủ.. Nhậu và hút là 2 cái mốt bình dân thời thượng nhứt ở Sàigòn. Ðảng viên, cán bộ - giai cấp thống trị - nhậu.. Già nhậu, trẻ nhậu... con nít cũng tập tành nhậu. Hút thì khỏi nói.. Giai cấp cán bộ răng đen mã tấu bây giờ là giai cấp nắm thống trị - đã lột xác - không còn quấn thuốc rê, bập bập phà khói mịt mù nữa - mà lúc nào cũng lấp ló một gói 3 con 5, Craven A, trong túi. Lãnh đạo hút, cán bộ hút, dân chúng hút - thậm chí con nít 9, 10 tuổi ở đồng quê cũng phì phà điếu thuốc một cách khoái trá.. Các hãng bia và thuốc lá ngoại quốc đã tìm được một thị trường tiêu thụ béo bở. Cán bộ lớn cũng âu phục cà vạt hẳn hoi, xe hơi bóng loáng.. nhưng bộ răng hô, mái tóc bạc thếch, và nước da mốc mốc.. cũng không dấu được nét thô kệch của một anh nhà quê lên Tỉnh.

Tôi còn thấy Sàigòn với hiện tượng "tiếm công vi tư" lộng hành, ngang ngược của Công an đến độ dân chúng quen thuộc, xem là một chuyện đương nhiên như chuyện hối lộ đã trở thành cái lệ.... bất thành văn trong chế độ xã nghĩa. Chiếm đoạt một nửa công viên, xây nhà gạch dùng làm quán cà phê.. Chưa thỏa mãn - ban đêm còn dọn thêm bàn ghế trên sân cỏ của phần công viên còn lại và thắp đèn màu trên mấy chậu kiểng cho thêm thơ mộng.. Ông chủ bự nầy chắc chắc không phải là dân thường. Ông lớn nầy xem công viên như đất nhà của ông vậy.Ai có dịp đi ngang qua mũi tàu - nơi gặp gỡ của 2 đường Nguyễn Trãi và Lê Lai cũ, ngang hông nhà thờ Huyện Sĩ - thì rõ.

Còn nhiều.. rất nhiều chuyện lộng hành chiếm đất công, lấn lề đường nhan nhản ở khắp Saigòn. Chỉ đưa ra vài thí dụ cụ thể : Một công thự tại vườn Tao đàn (có lẽ là nhà cấp cho viên Giám đốc Công viên Tao Đàn) - mặt tiền ngó vào trong - mặt hậu nhìn ra phía đường Nguyễn Du (Taberd cũ ) - bèn có màn trổ cửa mặt sau nhà, xây thêm phía sau thành 2 căn phố thương mãi mặt tiền ngó ra đường Nguyễn Du, trị giá mỗi căn, nhiều trăm ngàn mỹ kim - ngon ơ! Tương tự như vậy - ở góc đường Thành Thái và Cộng Hòa cũ... trước sân nhà của ông Hiệu Trưởng trường Quốc gia Sư Phạm trước 75 - phố thương mãi, quán xá la liệt chiếm mất mặt tiền. Ngang ngược và lộng hành nhứt là 2 căn phố thương mãi bên hông trường Trương minh Ký, đường Trần hưng Ðạo, chễm chệ xây lên ngay bên góc phải sân trường như thách đố dân chúng..Còn trên lề đường khá rộng trước câu lạc bộ CSS cũ, bây giờ là câu lạc bộ Lao động - nhiều gian hàng thương mãi bán quần áo, giày vớ thể thao.. buôn bán ầm ĩ, náo nhiệt suốt ngày.

Công an chiếm đất công, xây nhà tư. Công viên, lề đường trước nhà dân là đất riêng của Công An. Công an sử dụng làm chỗ gửi xe, bịt kín cả lối đi vào nhà. Không ai dám hó hé. Im lặng là an toàn.Thưa gửi là dại dột. Mà thưa với ai?Tất nhiên là phải thưa với công an.Không lẽ công an xử công an? Tướng CS Trần Ðộ phản ảnh còn rõ rệt hơn: "... Xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội vô pháp luật mà phần đầu tiên gây ra là Ðảng. Không thể nào chống tham nhũng được vì nếu Ðảng chống tham nhũng thì Ðảng chống lại Ðảng sao?"("Nhật ký Rồng rắn" của Trần Ðộ).

Nón cối, nón tai bèo, dép râu, áo chemise xùng xình bỏ ngoài chiếc quần màu *** ngựa của người cán bộ CS ngơ ngác khi mới vào Sàigòn - đã biến mất.. Cũng không còn thấy những chiếc áo dài tha thướt của những cô gái đi dạo phố ngày cuối tuần trên các đại lộ Lê Lợi, Lê thánh Tôn, Tự do những ngày trước 75 nữa. Thay vào đó là một đội ngũ phụ nữ - mũi và miệng bịt kín bằng "khẩu trang", găng tay dài đến cùi chỏ, cỡi Honda chạy như bay.. trên đường phố.


Tôi còn thấy những người nghèo khổ chở trên chiếc xe thồ, những thùng carton và bao túi nylon, chồng chất lên nhau cao ngất như sắp đổ xuống...những bà cụ già, những cậu bé tuổi đáng được ngồi ở ghế nhà trường.. những anh phế binh cụt tay, cụt chưn, lê lết trên một miếng ván gỗ... đi bán vé số (một cách ăn xin trá hình)... những em bé mặt mũi lem luốc đang bươi những đống rác để lượm các bao nylon, lon coca, chai bia đem về bán.. hay những em bé rách rưới lang thang trước những tiệm ăn.. chờ khách ăn xong nhào vô bưng tô súp cặn húp vội đỡ lòng..còn những trẻ khác - mắt láo liên trông chừng công an, tay chìa chiếc hộp, làm dấu mời khách đánh giày -..những em bé gái đang hì hục đẩy khách lên đồi cát bằng miếng ván có gắn bánh xe ở "Ðồi cát bay" Phan Thiết. Hỏi "sao em không đi học"? - trả lời: "Nhà không đủ cơm ăn, con làm cái nầy để kiếm thêm cơm ăn.".. Nhiều bà mẹ nhăn nhó ôm thằng bé mặt mày xanh lét, không còn chút máu, chờ suốt buổi sáng... trước tiếng quát tháo ầm ĩ.. vẫn chưa tới phiên mình vào bệnh viện chữa trị cho con.. Nghe nói mấy năm trước đây có nhiều bà mẹ đứng trước bệnh viện Chợ Rẩy chờ bán máu mình để qua cơn đói khổ ngặt nghèo như nhà văn Trần trung Ðạo đã mô tả..Lại nghe một bệnh nhân dứng cạnh đó, cũng chờ đến lượt mình, than thở : " Ở đây là vậy đó ông ơi! Chửa bệnh phải có tiền - trước nhứt phải qua cửa - lọt qua cửa thì còn nhiều khâu - khâu nào cũng phải chìa tiền. Muốn sống - phải có tiền. Chết cũng phải có tiền.

Bộ mặt Sàigòn "đổi mới" bằng những khách sạn lộng lẫy, những câu lạc bộ thời thượng, những phố xá thương mãi sang trọng, những hiệu kim hoàn lóng lánh kim cương, những nhà hàng ăn vĩ đại, những vũ trường cực kỳ tráng lệ, những biệt thự đồ sộ nguy nga mới xây bằng vật liệu ngoại đắt tiền.. trang trí cây cảnh như một mảng vườn Thượng uyển của vua chúa ngày xưa.. những xe hơi bóng loáng nhởn nhơ trên đường phố - nhiều người chóa mắt.. choáng váng, cho là "Việt Nam bây giờ tiến bộ quá". Riêng Phó thường dân tôi tự nghĩ : Như vậy có phải là tiến bộ không? Sự tiến bộ của một nước cần phải nhìn về nhiều mặt : Mặt y tế và giáo dục, mặt đời sống vật chất và tinh thần của dân chúng.. Lợi tức đầu người của Việt Nam - theo thống kê của báo The Economist - bằng : 555 US $ năm 2007 (Hà Nội bốc lên 730 US $) chỉ hơn Lào và Cambodia chút đỉnh. So với các nước láng giềng: Thái Lan : 2550 US $ - Phi luật Tân : 1040US$ - Nam Dương : 1160US$.Tân gia Ba 24840US$.(The Economist World, năm 2007 - p.158, 176, 238) - Việt Nam còn lẹt đẹt đàng sau rất xa. Và trước bộ mặt thay đổi choáng ngợp nầy - nếu đặt câu hỏi : Ai là chủ nhân của những xe hơi, khách sạn- vũ trường, những thương hiệu lớn, những biệt thự lộng lẫy kia? - thì câu trả lời không sợ sai lầm là của cán bộ đảng viên (tại chức hoặc giải ngũ) hoặc con cháu thân nhân của họ. Và ở thôn quê - giai cấp giàu có bây giờ là ai? giai cấp địa chủ là ai? Có phải do của cải của ông cha để lại hay do sự kinh doanh tự do, mua bán làm ăn mà có ?

Cho dù núp dưới cái hào quang chiến thắng "đánh Tây, đuổi Mỹ" - cho dù che giấu, lấp liếm, giải thích thế nào chăng nữa - thì dân miền Nam (gồm cả Nam lẫn Bắc theo chế độ Tự Do) vẫn thấy một sự thật. Sự thật đó là người Bắc XHCN tràn ngập, chiếm hữu toàn bộ phố xá thương mãi trọng yếu của Sàgòn. Làm sao nói khác được khi đi một vòng quanh Sàigòn.. và các khu phố sầm uất nhứt.. vào những hiệu buôn lớn để mua hàng hay hỏi han chuyện trò thì thấy toàn là người Bắc Cộng sản - từ cô bán hàng đến bà chủ ngồi phía trong - cũng toàn là người của xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Các tiệm buôn lớn trước 75- như các tiệm vàng Nguyễn thế Tài, Nguyễn thế Năng, Pharmacie Trang Hai, tiệm Émile Bodin của bầu Yên, nhà hàng Bồng Lai, Thanh Thế, Nguyễn văn Ðắc, Phạm thị Trước.. hiện nay, một số đã đổi bảng hiệu hoặc xây cất lại..nhưng đều do người miền Bắc XHCN làm chủ. Các cơ sở khác như nhà hàng ăn lớn, tiệm phở, công ty thương nghiệp, dịch vụ lớn, những tiệm buôn bán dồ nhập cảng v.v.. cũng đều do người Bắc XHCN chiếm giữ...

Tuy không có con số thống kê chính xác nhưng tự mình đi đếm hàng trăm tiệm buôn sang trọng quanh các khu phố lớn ở Sàigòn.. thì khám phá ra được chủ nhân là người Bắc XHCN. (Tất nhiên là vợ con, thân nhân cán bộ lớn). Những gái Bắc XHCN bán hàng là con cháu của chủ nhân người Bắc CS (do các cô tự nói ra). Các cô chiêu đãi viên trên phi cơ VNHK đều là người Bắc thân nhân hay con cháu cán bộ - dĩ nhiên - vẻ mặt lạnh lùng, hách dịch với người Việt Nam và khúm núm lịch sự với khách ngoại quốc..Cán bộ, công nhân viên trọng yếu - cũng đều là người Bắc - trừ một số cán bộ gốc miền Nam tập kết - theo đoàn quân viễn chinh vào đánh chiếm miền Nam - thì cũng kể họ là người XHCN miền Bắc. Hệ thống quyền lực từ trên đến dưới - từ Trung ương đến địa phương - từ Tỉnh thành đến quận lỵ, thị trấn, làng xã gần - đều do đảng viên người miền Bắc XHCN - nắm giữ.Những công Ty dịch vụ có tầm cỡ, những công Ty thương mãi sản xuất lớn - điển hình là một công Ty vận tải và du lịch có đến 6000 xe hơi đủ loại..chủ nhân cũng là người Bắc XHCN.Từ chính trị đến văn hóa, từ giáo dục đến truyền thông, từ nhà cầm quyền cai trị đến chủ nhân cơ sở thương mãi, sản xuất - cũng do người miền Bắc XHCN nắm giữ.

Ðó là sự thật trước mắt ai cũng thấy. Còn những vàng bạc, kim cương, đô la, tài sản tịch thu, chiếm đoạt được trong các cuộc đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp - nhà cửa của tù cải tạo, của dân bị đuổi đi kinh tế mới, những tấn vàng của VNCH để lại những lượng vàng thu được từ những người vượt biên bán chánh thức - tài sản những người thuộc diện tư sản - toàn bộ tài sản nầy từ Saigòn đến các Tỉnh miền Trung, miền Nam - được đem đi đâu? - Không ai biết.

Thông thường - những của cải nầy phải được sung vào công quỹ - để làm việc công ích như các ông cộng sản thường rêu rao bằng những mỹ từ đẹp đẽ.. Thế nhưng - sự thật trước nhứt - là các ông đem chia chác nhau. Chia nhau một cách hợp hiến và hợp pháp theo Luật pháp XHCN (Ðọc Ðất đai-Nguồn sống và Hiểm Họa của Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang). Ông lớn lấy tài sản lớn. Ông nhỏ - nhà cửa nhỏ. Có ông cán bộ trung cấp chiếm hữu đến 4, 5 căn nhà. Ở không hết... đem cho công Ty ngoại quốc thuê. Ðiều phổ biến nhứt là các ông cán bộ nầy - vì lo sợ cái gì đó - bèn đem " bán non" những căn nhà đó lấy tiền bỏ túi trước. Một căn nhà của một viên chức tù cải tạo đã sang tay đến 3 đời chủ. Nhà cửa thuộc diện tù cải tạo là dứt khoát phải tịch thu - không ngoại lệ. Những trường hợp con ruột có hộ khẩu chánh thức còn được phép ở lại - là những biện pháp vá víu. Chủ quyền căn nhà nầy là Nhà nước XHCN.

Không chỉ có những người thuộc diện cải tạo công thương nghiệp, tù cải tạo, vượt biên mà người dân thường có nhà cửa phố xá..đều bị "û giải phóng" ra khỏi nhà bằng nhiều chánh sách : Ðuổi đi kinh tế mới, dụ vào hợp tác xả tiểu công nghiệp, mượn nhà làm trụ sở, cho cán bộ vào ở chung( chủ nhà chịu không nổi.... phải bỏ đi ), đổi tiền để vô sản hóa người dân, khiến họ bắt buộc phải bán tất cả những gì có thể bán để mua gạo ăn, cuối cùng chịu không nổi, phải bán nhà với giá rẻ bỏ..để vô hẻm ở, ra ngoại ô hoặc về quê... Cán bộ hoặc thân nhân cán bộ miền Bắc XHCN tràn vào "mua" nhà Saigòn với giá gần như cho không...và bây giờ là chủ những căn nhà mặt tiền ở Saigòn.

Mang xe tăng T.54, cà nông Liên xô, AK Trung cộng, đẩy hàng hàng lớp lớp thiếu niên "xẻ dọc Trường Sơn" bằng máu, nước mắt và xác chết... vào xâm chiếm miền Nam . Chiêu bài là "giải phóng" nhân dân miền Nam - nhưng sự thật khó chối cãi được - là vào để chiếm đoạt tài sản, đất đai, của cải, đuổi dân Saigòn (gồm cả người Nam lẫn Bắc theo chế độ Tự Do) ra khỏi Thủ Ðô bằng nhiều chánh sách khác nhau - để bây giờ chính các ông đã trở thành những nhà tư bản đỏ triệu phú, tỉ phú đô la, vàng bạc kim cương đầy túi - những ông chủ công Ty có tầm vóc, những địa chủ đầy quyền lực.. Trương mục ở nước ngoài đầy nhóc đô la. Con cái du học ngoại quốc.(Trường hợp con Thủ Tướng CS Nguyễn tấn Dũng đang du học Mỹ là trường hợp điển hình). Như vậy hành vi nầy gọi là gì?Trong những lúc canh tàn rượu tỉnh - một mình đối diện với lương tâm thuần lương của mình - các ông tự gọi mình đi.

Ðến thời "mở cửa" - cơ hội hốt tiền còn nhiều hơn..gấp bội. Tư bản ngoại quốc ồ ạt đầu tư, khai thác dầu khí, thâu đô la Việt kiều về thăm quê hương - đô la khách du lịch ngoại quốc, bán đất cho Công Ty ngoại quốc xây cất cơ xưởng, cấp giấy phép các công Ty ngoại quốc, các dịch vụ đấu thầu xây cất cầu cống, làm đường sá, xây cất đại công tác. Những món nợ kếch xù từ Ngân hàng thế giới, từ quỹ tiền tệ quốc tế - những món nợ trả đến mấy đời con cháu cũng chưa dứt.. Những đại công tác nầy mặc sức mà ăn.. no bóc ké.. Nhiều công trình vừa xây cất xong..đã muốn sụp xuống vì nạn ăn bớt vật liệu. Một thí dụ diễn hình : Một bệnh viện gần chợ "û cua" Long Hồ - quê hương của Phạm Hùng - nước vôi còn chưa ráo... đã muốn sụp. Hiện đóng cửa không sử dụng được.

Hiện tượng người Bắc XHCN khống chế toàn bộ, làm chủ nhân ông mọi lãnh vực, chiếm hữu nhà cửa, phố xá thương mãi ở những khu thương mãi quan trọng nhứt - là một sự thật không thể chối bỏ. Cán bộ lớn đã trở thành những nhà tài phiệt đầy quyền lực - những ông chủ lớn giàu có nhứt lịch sử. Trong khi dân chúng miền quê - nhứt là miền Nam - ngày càng nghèo khổ, thất nghiệp kinh niên.. Khoảng cách giàu nghèo càng lớn - đời sống cán bộ và dân chúng càng ngày cách biệt..Giàu thì giàu quá sức. Nghèo thì nghèo cùng cực.

Nhà văn - bác sĩ Hoàng Chính - gọi thời kỳ sau 75 là thời "Bắc thuộc" - "Năm Bắc thuộc thứ 2: Lưu vong tại quê nhà trong cái đói lạnh.. - Năm Bắc thuộc thứ 6: Cầu cho em nhỏ 10 tuổi đầu đủ cơm ăn giữa bầy thú hát điên cuồng chuyện thù oán. - Năm Bắc thuộc thứ 12: Trong ngục thất quê hương ấy, có những bộ xương thôi tập khóc cười.."

Miền Bắc XHCN đem quân xâm chiếm miền Nam để khống chế nơi đó bằng sự đô hộ hà khắc và tinh vi.

BỘ MẶT THÔN QUÊ MIỀN NAM

Có nhìn tận mắt, nghe tận nơi, mới hình dung được khuôn mặt miền Nam sau 32 năm dưới chế độ cọng sản. Ðể được trung thực - người viết ghi những điều thấy và nghe - không bình luận - tại những nơi đã đi qua. Thôn quê miền Nam - những làng xóm gần tỉnh lỵ quận lỵ đã có điện. Những làng xã xa xôi hẻo lánh vẫn còn sống trong sự tăm tối. Ðường sá có tu sửa phần nào..Ðường mòn đi sâu vào thôn xóm được lót bằng những tấm dalle lớn (đường xóm Cái nứa, Cái chuối xã Long Mỹ VL), xe Honda và xe đạp chạy qua được. "Cầu tre lắt lẻo", cầu khỉ được thay thế bằng cầu ván, cầu đúc (vật liệu nhẹ). Cầu tiêu công cộng trên sông các chợ quận (Cái Bè, Cái Răng ) nay không còn thấy nữa. Nhà cửa dọc theo bờ sông Cần Thơ - chen vào những nhà gạch ngói, nhà tôn - còn nhiều nhà lá nghèo nàn. Tương tự như vậy - dọc theo bờ sông Long Hồ - một số nhà gạch nhỏ mới cất..xen kẻ những mái lá bạc màu. Vùng Trà ốp, Trà cú (Vĩnh Bình), chợ Thầy Phó (Vĩnh Long) nhiều nhà gạch mới xây nhưng vẫn không thiếu nhà lá, nhà tôn. Ðường mòn chạy sâu vào thôn xóm vẫn còn đường đất lầy lội vào mùa mưa nước nổi..

Hai bên đường xe chạy từ Mỹ Tho, Cao Lãnh, Châu Ðốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ. Nhìn chung - có một sự thay đổi rõ rệt. Nhà cửa, hàng quán dầy đặc, động cơ ồn ào, người ta chen chúc.. Cảm giác chung là ngột ngạt, khó thở. Những vườn cây xanh um bên đường đã biến mất..hoặc thụt sâu vào trong, không còn thấy nữa. Không còn vẻ đẹp thiên nhiên ngày nào của vườn xoài cát sai oằn, mát mắt vùng Cái Bè, An Hữu, vườn mận Hồng Ðào chạy dài hàng mấy cây số ở Trung Lương...


Dưới sông - từ kinh Vĩnh Tế chảy dài ra sông Tiền Giang - hai bên bờ toàn là nhà sàn, phía sau chống đỡ sơ sài bằng những trụ cây tràm. Mỗi nhà hoặc 2, 3 nhà đều có cầu tiêu tiểu bắc phía sau. Tắm rửa giặt giũ, múc nước lên uống, phóng uế - cũng cùng trên một dòng sông. Không có gì thay đổi. Làng Chàm còn gọi là chà Châu Giang cũng còn đó. Cũng nghèo như trước. Những chiếc ghe vừa dùng làm nhà ở, vừa là hồ nuôi cá.. Basa, cá điêu hồng v.v.. ở dọc bờ sông khá dài... Dường như ngành nầy hoạt động khá mạnh. Dọc trên những nhánh phụ lưu của 2 con sông Tiền và sông Hậu - người ta không còn thấy bóng dáng của những cô gái thướt tha trong chiếc áo bà ba và chiếc quần lãnh Mỹ A, chèo ghe tam bản, bơi xuồng như thời trước 75 nữa.. Hỏi một ông già tên Ph. tại Cái Răng, được trả lời : "Ði lấy Ðại Hàn, Ðài Loan hết rồi ông ơi!" Tôi hỏi thêm : "Các cô gái có nghe nhiều người bị gạt bán vào ổ mãi dâm, nhiều cô gái bị chồng bắt làm lao động khổ sai, bị ngược đãi, đánh đập.. các cô gái nầy không sợ sao ông? - "Biết hết - mấy cổ biết hết, báo Tuổi trẻ đăng hàng ngày. Nhưng cũng có những cô có chồng Ðại Hàn, cho tiền cha mẹ xây nhà gạch. Cô khác thấy vậy ham. Phần nghèo, phần không có việc làm kinh niên. Họ liều đó ông. Biết đâu gặp may." Câu chuyện gái Việt lấy chồng Ðại Hàn, Ðài Loan hiện không ai là không biết.

Tờ Tuổi trẻ - số ra ngày mùng 1 Tết năm Ðinh Hợi - trong bài: "Nỗi đau từ những con số"- có nói đến số phận của 65000 phụ nữ đang làm vợ những ông chồng Ðài Loan già, tàn tật đui mù, làm vợ tập thể cho cả gia đình cha lẫn con. Cũng tờ báo nầy: "Tại một tổ chức kết hôn lậu, hàng chục cô gái đang "bày hàng" để 2 ông Hàn quốc tuyển chọn làm vợ và 118 cô gái khác đang nằm, ngồi, lố nhố chờ đến lượt mình " Và cũng tờ Tuổi Trẻ số phát hành ngày 25-04-2007, viết : "Hơn 60 cô gái, tuổi từ 18 đến 20 từ miền Tây Nam bộ lên Saigòn để dự tuyển.Các chàng rể Hàn Quốc được quyền soi xem kỷ, chú ý đến cả từng vết thẹo trên thân thể cô gái. Dịch vụ môi giới hôn nhân lậu có chiều hướng gia tăng.Chỉ trong vòng nửa tháng mà Công An đã phát hiện 3 vụ môi giới hôn nhân trái phép ở quận 6, 10 và Tân Bình với gần 400 lượt cô gái hiện diện.Thậm chí - những cô gái được xe ôm chở tới địa điểm dồn dập gây náo loạn cả xóm".

Người viết có lần lang thang trên đường Nguyễn tri Phương tìm quán ăn cơm trưa, có chứng kiến tại chỗ: Từng cặp trai gái lố nhố xếp hàng đôi trước cửa một trường học, để lần lượt vào trong.. Hỏi một người trung niên lái xe Honda ôm, được anh trả lời: "Ðó là những người con gái đi lấy chồng Ðài Loan và Ðại Hàn. Hàng bên trong là những người đang làm thủ tục xuất ngoại theo chồng. Hàng bên ngoài là những người đang vào ký giấy hôn thú sau khi đã qua các cửa ải môi giới và thủ tục tuyển lựa". Tôi nhìn kỹ các cô gái nầy tuổi rất trẻ.. khoảng chừng 18 đến 20.... đứng cặp với những anh Tàu già sồn sồn- có một người tàn tật. Không thấy có thanh niên trẻ. Nhìn cách ăn mặc và nghe họ nói chuyện - tôi đoán chừng họ đến từ miền Tây Nam Bộ. Ðây là tổ chức môi giới chánh thức có giấy phép hành nghề.

Song song với tổ chức chánh thức, còn có một tổ chức "môi giới hôn nhân lậu"- sự thật là một tổ chức buôn người, chuyên đi dụ dỗ trẻ em và gái, nói gạt là đi bán hàng hay đi làm việc tại các cơ xưởng ngoại quốc nhưng là để bán thẳng vào các ổ mãi dâm ở Kampuchia, Thái Lan, Ma cau.. để nơi đây huấn luyện trẻ em làm nô lệ tình dục.. các cô gái làm điếm.. hoặc bán cho người Tàu bỏ tiền ra mua nô lệ.. Tất nhiên là phải có sự tiếp tay che chở ăn chia của Công An. Nói là lậu nhưng thật ra là nhan nhản xảy ra hằng tuần-thậm chí hằng ngày trước mặt dân chúng tại các quận Bình Thạnh, quận 11... Sàigòn.

Cho dù chánh thức hay lậu... hậu quả cũng gần giống nhau. Chánh thức thì có giấy phép, có công an làm thủ tục, chánh phủ thu tiền lệ phí. Lậu thì lén lút với sự che chở của Công An. Hậu quả gần giống nhau. Nhiều cô gái về làm vợ mấy tên Ðài Loan, Ðại Hàn bị ngược đãi, đánh đập tàn nhẫn - ban ngày làm nô dịch.. ban đêm phục vụ tình dục.. rồi bán vào động mãi dâm lấy tiền gở vốn lại...(Trại cứu giúp nạn nhân của cha Hùng ở Ðài Bắc là một bằng chứng) Còn lậu thì.. bán thẳng vào ổ điếm. Biết bao nhiêu thảm cảnh.. biết bao nhiêu bi kịch thương tâm làm rúng động lương tâm nhân loại.Cựu Quốc Trưởng Sihanouk không giấu được nỗi xót xa trước thảm cảnh người phụ nữ Miên làm vợ mấy thằng Tàu..lên tiếng kêu gọi họ trở về nước. Không thấy Việt Nam nói nửa lời! Những cô gái nầy có biết những thảm kịch đau thương, những sự hành hạ, ngược đãi, đánh đập.. nầy khi lấy chồng Ðài Loan, Ðại Hàn không? Có bị cưỡng bức, bị dụ dỗ hay tự nguyện? Cha mẹ có đồng ý hay cản trở? Nguyên nhân nào đã thúc đẩy họ dấn thân vào con đường hiểm nguy, tương lai mù mịt..?

Trừ những trường hợp bị dụ dỗ qua đường dây buôn người - những người con gái này thật sự là họ TỰ NGUYỆN. Họ còn phải vay tiền mua sắm, ăn diện, hối lộ để được giới thiệu. Nhưng nguyên nhân nào thúc đẩy họ đi lấy chồng Ðài Loan, Ðại Hàn?

Có thể có nhiều nguyên nhân phức tạp. Phó thường dân tôi chỉ đưa ra vài nhận định thiển cận như sau: Quá nhiều chương trình ngăn chống lũ lụt, chương trình công nghiệp hóa, đô thị hóa...bừa bãi, không được nghiên cứu cẩn trọng... đất đai canh tác bị thu hẹp. Dân số gia tăng... Khối lượng đông đảo người miền Trung, Bắc XHCN tràn vào.. Nông dân miền Nam thiếu đất canh tác.. Các cô gái miền Tây.. quẫn bách vì không có việc làm kinh niên - cuộc sống vô vọng mịt mờ - có nhiều trường hợp bị thúc đẩy vì cha mẹ mắng nhiếc, đay nghiến... khi so sánh con gái mình với cô con gái làng bên có chồng Ðại Hàn mang tiền về xây nhà gạch cho cha mẹ. Và cũng vì hấp thụ một nền giáo dục của chế độ CS ( sinh sau 75 ) - những người trẻ tuổi không có ý niệm về luân lý đạo đức cũ.. thang giá trị bị đảo lộn.. nên họ không đặt nặng danh dự, sĩ diện như thời trước.. Do vậy - khi bị dồn vào đường cùng.. họ đành đánh liều nhắm mắt đưa chưn.. Nhưng động lực chánh là nghèo..


NGHÈO...

Là nguyên nhân chánh đưa đẩy các cô gái miền Tây Nam Bộ đi lấy chồng Ðại Hàn và Ðài Loan... để hy vọng thoát khỏi cảnh đời cơ cực, vô vọng không lối thoát.. Thế nhưng tại sao đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) - vựa lúa nuôi sống cả nước - sau 32 năm dưới chế độ CS lại trở nên nghèo như vậy - nghèo hơn cả đồng bằng sông Hồng (ÐBSH)? Theo tiêu chuẩn nghèo từng vùng của Tổng cục thống kê Việt Nam - thì tỷ lệ ÐBSCL năm 1998: ÐBSC: 37%. ÐBSH: 29%. Năm 2002: ÐBSCL: 13 %. ÐBSH: 9%.(Nhà x.b Thống kê - Hànội, trang 13 - LVB trích
dẫn ).

Dù theo tiêu chuẩn nào: tiền tệ (tính bằng tiền hay bằng gạo) - mức sống (bao gồm lương thực, nhà ờ, mức sống văn hóa) - ÐBSCL vẫn nghèo hơn ÐBSH - bởi lẽ khi nghèo về lương thực - thì khó có thể giàu về nhà ở và đời sống văn hóa.

Ðó là cái nghèo mà anh Lâm văn Bé đã nhìn qua những con số có giá trị của những chương trình nghiên cứu thống kê khoa học. Và sau đây là cái nghèo miền Nam qua cái nhìn tận mắt, nghe tận nơi của người viết: Cái nghèo ở Việt Nam bao gồm cả thành thị lẫn thôn quê là cái nghèo thiếu trước hụt sau, ăn bữa sáng lo bữa chiều - cái nghèo của một nông dân, nhà dột nát.. khi trời mưa lúc ban đêm..không có chỗ để nằm phải tìm một góc nhà, phủ cái mền rách lên người ngồi run cằm cặp.. trước từng cơn gió lạnh buốt lùa vào căn nhà trống hốc.... Cái nghèo của một người đi mượn tiền, mượn gạo.. tới ngày hẹn không tiền trả.. Cái nghèo của một thanh niên thất nghiệp... cha bị lao phổi không tiền mua thuốc nằm ho sù sụ..mẹ bơi xuồng đi bán bắp nấu không đủ gạo cho một đàn con 4 đứa, mũi dãi lòng thòng đang bốc đất cát chơi ngoài sân.

Tục ngữ bình dân có câu: Ít ai giàu 3 họ, khó 3 đời.- Có. Tôi quen biết ông Sáu S. làm nghề chài lưới.. ở sông Long Hồ. Ðời con là anh Tư Te tiếp nối nghề nầy : nghề đi nhủi tép.. Và trên bờ sông Long Hồ năm nay (2007) tôi thấy vợ chồng một cậu thanh niên tên M. vừa cặp xuồng vào bến, đem miệng nhủi còn dính đầy rong rêu phơi trên mái nhà lá đã nhuộm màu thời gian bạc thếch.. Hỏi thăm thì té ra là con của Tư Te. Ðời ông nội - nghèo! Ðời cha nghèo! Ðời cháu cũng nghèo! Khó 3 đời đó. Cọng Sản đổi đời cho người giàu thành nghèo - không đổi đời cho người nghèo thành giàu.Người nghèo vẫn tiếp tục nghèo.

Nói chung thì nông dân Việt Nam chiếm 85% dân số mà đất không đủ để canh tác - còn công nghiệp không có khả năng biến nông dân thành thợ thuyền..trong khi dân số lại gia tăng quá tải. Cho nên thất nghiệp không thể tránh. Nghèo là hiện thực. Tiến sĩ Lê đăng Doanh trong một bài phổ biến trên mạng, viết : "Nông dân đã nghèo, đất đã kém đi, nhưng mỗi năm thêm 1 triệu miệng ăn, lấy đâu ra mà ăn. Lao động vất vả mỗi ngày trên 8m2 đất thì lấy gì mà giàu có được? "


MIỀN NAM - 32 NĂM DƯỚI CHẾ ÐÔ CỘNG SẢN

Kinh tế Việt Nam - trong đó có miền Nam - có chút tiến bộ - so từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ mở cửa. Nhưng chỉ là tiến bộ với chính mình. Ðối với các nước khác trong vùng thì còn lẹt đẹt.. cầm lồng đèn đỏ... Và điều quan trọng là sự phát triển nầy có đem lại phúc lợi cho dân chúng qua sự tái phân lợi tức quốc gia, để tài trợ các chương trình y tế, giáo dục - các chương trình tạo công ăn việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng cơ sở hay không? Hay là phát triển bằng những con số báo cáo rỗng tuếch? Lợi tức tạo được đã bị cả hệ thống của những con virus tham nhũng đục nát cơ thể.. Và hiện tại - muốn phát triển công nghiệp - nhà cầm quyền địa phương - theo lệnh Ðảng - mở rộng khu công nghiệp, khu du lịch, đã quy hoạch lấy đất, phá mồ phá mả, chiếm nhà dân một cách bạo ngược.. Lòng dân phẫn uất, kêu la than khóc.. Oán hận ngút trời xanh! ( 19 Tỉnh miền Nam biểu tình khiếu kiện trước trụ sở quốc hội 2 Sàgòn ). Như vậy có gọi là phát triển không?


KẾT LUẬN

- 32 năm nhìn lại: Người ta thấy miền Bắc đã "giải phóng" dân Sàigòn ra khỏi đất đai, nhà cửa của họ. Họ phải rút vô hẻm, ra ngoại ô hay về quê bằng nhiều chánh sách khác nhau. "Giải phóng" miền ÐBSCL ra khỏi sự trù phú do thiên nhiên ưu đãi từ nhiều thế kỷ."Giải phóng"quân nhân, viên chức chế độ cũ ra khỏi nhà, để đưa họ vào các trại tù cải tạo hoặc đẩy họ ra biển..."Giải phóng" phụ nữ miền Tây, để họ được tự do đi làm "vợ nô lệ", đi làm điếm ở Kampuchia, TháiLan...

- 32 năm nhìn lại: Người ta thấy Việt Nam trở lại thời kỳ mua bán nô lệ như thời Trung cổ. Phụ nữ Việt Nam bị bán đấu giá trên E-bay Taiwan website (2003) - bị trưng bày trong lồng kính, cũng để bán đấu giá như một con súc vật ở Singapour (2005). Chỉ trong năm 2005 - có khoản 400.000 phụ nữ và trẻ em bị bán ra ngoại quốc. (Theo UNI CEF - LHQ và Bộ Tư Pháp Việt Nam)

- 32 năm nhìn lại: Mượn lời nhà báo Claude Allegre, báo L''expresse ngày 29-8-2002: "Người ta không thể cho qua một cách im lặng những Khơ me đỏ, những trại tập trung ở Cambodia và những cuộc tàn sát man rợ ở đó. Và Việt Nam không được biết đến như là một chế độ nhân đạo hơn. Dưới cái cớ là dân tộc can đảm nầy đã chiến thắng các siêu cường quốc - người ta đi đến chỗ quên đi một nền độc tài đẫm máu đang thực thi trên xứ sở đó "

- 32 năm nhìn lại: Miền Bắc XHCN rõ ràng đã thiết lập một nền đô hộ miền Nam - khắc nghiệt, tinh vi hơn cả thời Pháp thuộc.

Và điều quan trọng trên hết là Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước. Một đảng viên kỳ cựu của chế độ Cộng sản lên tiếng cảnh cáo: "Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước. Mất cả đất đai, sông núi và dân tộc. Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh lẻ của Tàu".

Bài viết của:
Nguyễn Văn Trấn

Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vào những ngày cuối.

 
 Những chi tiết trong bài này được tóm tắt theo ký ức của các quân nhân thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù (*) nhằm vẽ lại một góc độ nhỏ nhoi của chung cuộc đau thương bức tử mà những người lính LĐ81/BCND nói riêng, và của toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung đã phải gánh chịu vào những ngày tháng Tư năm 1975 và những năm sau đó...

--------------------------------------------------------------------------------
Suốt năm 1974 cho đến ngày 30/4/75, Liên Đoàn 81/BCND tăng phái cho Quân Đoàn III để hoạt động trong các chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu D, và các vùng rừng núi thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, và Biên Hòa.

Nhiệm vụ của Liên Đoàn 81 là thả các toán thám sát vào hoạt động những nơi mà những đơn vị khác ít khi hành quân vào vì lực lượng địch quá đông, vì điạ thế hiểm trở, vì ngoài tầm hoạt động của pháo binh, vì xa nơi hoạt động của các đơn vị bạn, v.v. Các toán thám sát có cái lợi điểm là quân số ít (mỗi toán chỉ có 6 người), dễ dàng lẫn tránh khi gặp địch, dễ dàng thoát hiểm khi bị địch truy kích vì đã được huấn luyện kỹ về mưu sinh thoát hiểm. Nhiệm vụ các toán là thu lượm tin tức hoạt động của địch để báo cáo lên cấp trên, tùy theo mục tiêu, các toán có thể tổ chức đột kích, phục kích bắt tù binh khai thác tin tức. Có những mục tiêu ngoài khả năng của toán và theo yêu cầu của Quân Đoàn, Liên Đoàn 81 thỉnh thoảng cũng mở những cuộc đột kích vào hậu tuyến địch như trận phục kích tiêu diệt đoàn xe tiếp tế của địch ở thung lũng Ashau thuộc tỉnh Thừa Thiên năm 1968 và ở vùng tam biên ( biên giới Việt, Miên, Lào) thuộc tỉnh Kontum năm 1972. Ngoài nhiệm vụ phục kích, đột kích nói trên, tùy theo tình hình Liên Đoàn 81 còn có thể tập trung lại để hành quân phối hợp với các đơn vị khác như ở tại thành phố An Lộc năm 72, Quảng Trị năm 73, và Phước Long năm 75.

LĐ81/BCND trong trận Phước Long
Ngày 3 tháng 1 năm 75, Liên Đoàn 81 được lệnh tăng viện cho tỉnh lỵ Phước Long, trung tá Vũ xuân Thông và thiếu tá Nguyễn Sơn chỉ huy 300 quân chuẩn bị nhảy vào Phước Long. Cuộc đổ quân được chia ra làm hai đợt, nhưng ngày hôm đó không thực hiện được vì phi trường Biên Hòa bị pháo kích khá nặng, một số trực thăng bị hư hại, một số phi công có nhà ở ngoài không vào phi trường sớm được. Giờ xuất quân ấn định là 9 giờ sáng nhưng mãi đến chiều, số trực thăng tập trung ở phi trường Long Bình để đưa BCD nhẩy vào chiến trận Phước Long mới đủ túc số ấn định. Đúng 2 giờ chiều, 30 trực thăng cùng cất cánh. Sau một giờ bay, chiến trận Phước Long hiện ra trước mắt vị CHT/LĐ81. Đỉnh núi Bà Rá đã lọt vào tay Việt Cộng. Từ đó, pháo địch rót vào quân ta không một viên nào ra ngoài mục tiêu, tất cả thành phố như chìm trong biển lửa. Có thể thả BCD xuống được nhưng sao giờ đổ quân đó, các phi tuần oanh tạc vẫn chưa thấy xuất hiện để làm tê liệt địch quân ở núi Bà Rá? Qua hai vòng bay ngoài thành phố Phước Long để tránh cao xạ phòng không, vẫn không thấy phi tuần đến, lại thêm trời chiều Phước Long với khói súng mù mịt khắp thành phố, với núi rừng âm u bao quanh Phước Long, màn đêm kéo đến những nơi này sớm hơn ở đồng bằng. Nếu thả BCD xuống vào khoảng 3 giờ 30 chiều thì với khoảng cách từ sân bay Long Bình đến Phước Long là gần 100 cây số, sớm nhất là phải 5 giờ 30 chiều đợt đổ quân thứ hai mới đến kịp. Giờ đó, màn đêm đã hoàn toàn phủ kín Phước Long, trực thăng và phi cơ oanh kích đành bó tay, chắc chắn anh em BCD đã thả xuống đợt đầu không thể nào đương đầu với làn sóng người "sinh Bắc tử Nam" được. Không thể hy sinh BCD ngu xuẩn như thế, CHT/LĐ81 quyết định không thả quân BCD và sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm và mọi hậu quả.

Ngày 4/1/75, trước 9 giờ đã có đầy đủ số trực thăng như dự định nên 300 quân đã vào được Phước Long với một số tổn thất tương đối. 300 quân nhảy vào một chiến trường mà hết 90% vị trí phòng thủ đã lọt vào tay địch quân cộng với tinh thần quân trú phòng quá suy sụp, hàng ngũ chiến đấu không còn nguyên vẹn thì giờ phút khai tử Phước Long chẳng còn bao lâu nếu không được tiếp tục đưa thêm quân tăng viện vào. Phần lực lượng còn laị của Liên Đoàn 81 đã sẵn sàng để vào tiếp viện nhưng lệnh trên không cho nên ngày 6/1/75, Phước Long đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng quân. Liên Đoàn 81 đã xử dụng trực thăng cứu thoát được trên 100 quân ở xung quanh rừng Phước Long, trong số này có 7 quân nhân thuộc đơn vị bạn, số còn lại kể như bị chết, bị bắt hay mất tích.

Trớ trêu thay, sau khi Phước Long thất thủ, Không quân đã phải ra tòa vì tội "mất Phước Long", đó là một quyết định bất công. Đúng ra là BTL/QĐIII, BTL/KQ và chính CHT/LĐ81 phải ra tòa mới đúng. Đúng hơn nữa, người đã quyết định đưa BCD vào "biển lửa" khi đã có ý định bỏ rơi Phước Long mới là kẻ có tội. Khi KĐ43 Chiến Thuật phải ra điều trần trước hội đồng tướng lãnh, CHT/LĐ81 đã đến buổi họp, ông xin được phát biểu trước và sau đó vội vã ra về vì Phước Long mất, bộ chỉ huy BCD chỉ mới cứu ra được trên 100 quân, trong đó có trung tá Vũ Xuân Thông, CHT Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật, thiếu tá Nguyễn Sơn (CHP/BCH/CT), đại úy Trương Việt Lâm (biệt đôi trưởng BĐ 811), và đại úy Lê Đắc Lực (biệt đội trưởng BĐ 814), (những vị này hiện đang ở Hoa Kỳ), còn trên 100 BCD khác nữa đang cần có CHT/LĐ81 trên các phi vụ tìm kiếm. Gần 9 năm liên tục lặn lội trên các chiến trường với anh em BCD, CHT/LĐ81 nhận thấy Không Quân, nhất là anh em trực thăng đã thường cùng chết chung với BCD, do đó CHT/LĐ81 đã xin sẵn sàng nhận tội làm mất Phước Long trước tòa án binh chứ không phải Không Đoàn 43 Chiến thuật.

Xin được trích đăng một đoạn do Không Quân Đào Vũ Anh Hùng đã viết trên đặc san Lý Tưởng của Không Quân liên quan đến "sự kiện Phước Long":

Đại tá Triệu, xước danh "pilot Thái Bình" mà Dương Hùng Cường mô tả là "lái máy bay trước khi biết lái xe đạp", Không Đoàn Trưởng KĐ43 Chiến Thuật yêu cầu tôi đại diện Không Đoàn, làm "luật sư" trong buổi điều trần trước hội đồng tướng lãnh. Đại tá Phan Văn Huấn, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù có một thiếu úy tùy viên đi theo, vào phòng họp sau cùng. Ông xin được nói trước với lời lẽ hiên ngang đầy khí phách:
- "Mất Phước Long, lý do tại sao, quý vị đều biết nhưng không ai nói ra. Phần BCD 81, chúng tôi vào chỗ chết đã đành, bởi nghề nghiệp chúng tôi là chọn chỗ chết để đi vào. Riêng với anh em Không Quân, các phi hành đoàn trực thăng đã làm quá bổn phận của họ, chết lây với chúng tôi thật tội nghiệp. Nay đưa họ ra tòa là điều tôi cho là vô lý. Nếu có lỗi làm mất Phước Long, tôi nhận lỗi. Xin quý vị ở lại tiếp tục họp và cho tôi biết kết quả. Tôi xin phép ra về vì còn nhiều việc phải làm".

Đại tá Huấn đứng nghiêm chào và quay ngắt đi ra. Oâng đến như một cơn gió và ông đi cũng như cơn gió. Ông xuất hiện chưa đầy năm phút, nói một lời ngắn ngủi nhưng tôi ghi nhớ mãi cái giây phút lịch sử và hình ảnh đó của ông. Hội đồng tướng lãnh ra về, giao việc điều tra cho Đại tá Nguyễn Huy Lợi, Nha Quân Pháp, ở lại làm việc. Tôi đã làm trọn vẹn vai trò "luật sư", biện hộ cho Không Đoàn 43 Chiến Thuật. Ngày di tản, gặp lại Đại tá Nguyễn Huy Lợi trên boong tầu Mỹ, trước đông anh em, ông đã khen tôi không tiếc lời về việc tôi dám nói ra sự thật vụ mất Phước Long.

Bộ Chỉ Huy 3 Chiến Thuật của LĐ81/BCND tại bộ Tổng Tham Mưu

Công việc thả các toán thám sát vào sâu trong các vùng hoạt động của Cộng quân để thu thập tin tức vẫn được tiếp tục như trước. Đến ngày 26 tháng 4 năm 75, Liên Đoàn 81 được lệnh đưa một bộ chỉ huy chiến thuật khoảng 1000 quân về tăng cường phòng thủ bộ Tổng Tham Mưu. Bộ chỉ huy 3 chiến thuật do thiếu tá Phạm châu Tài nhận lãnh trách nhiệm này. Thiếu tá Phạm châu Tài đặt bộ chỉ huy ở cao ốc trước cổng bộ Tổng Tham Mưu và chia quân bố trí những điểm trọng yếu xung quanh bộ Tổng Tham Mưu như sân banh quân đội, nghĩa trang Bắc Việt, ngã năm quân khuyển, sân golf, v.v. Riêng việc bố phòng bên trong hàng rào bộ Tổng Tham Mưu thì do quân sĩ cơ hữu của bộ Tổng Tham Mưu đảm trách.

Ngày 30 tháng 4 năm 75, Cộng quân từ hướng ngãû ba ông Tạ tiến về ngã tư Bảy Hiền thì bị chận đánh bởi hậu cứ Sư đoàn Nhảy Dù, từ lăng Cha Cả đến cổng bộ Tổng Tham Mưu thì gặp sự chống trả của LĐ81 Biệt Cách Dù và Nha Kỹ Thuật. Lực lượng địch gồm có bộ binh và chiến xa được pháo binh yểm trợ, tuy địch đông và mạnh như thế nhưng địch vẫn không dập tắt được sức kháng cự của Nhảy Dù, Biệt Cách Dù, và Nha Kỹ Thuật. Mặc dầu lệnh tổng thống Dương văn Minh đã phát đi từ sáng sớm, kêu gọi QLVNCH ngưng chiến và giao nạp vũ khí cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Cuộc điện đàm giữa thiếu tá Phạm châu Tài với chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh và tổng thống Dương văn Minh sau này đã được thiếu tá Phạm châu Tài vắn tắt lại như sau:

9:00 giờ sáng ngày 30-4-75 Bộ chỉ huy 3 chiến thuật của LĐ81/BCND đang quần thảo với Việt Cộng trước cổng bộ Tổng Tham Mưu ở Lăng Cha Cả thì lệnh đầu hàng của tổng thống Dương văn Minh đã ban ra. Tôi chạy vào văn phòng trong bộ TTM mà đêm hôm trước tôi đã họp với tướng Vĩnh Lộc, nhưng những người lính cơ hữu gác ở đó cho biết tướng Vĩnh Lộc đã rời bộ Tổng Tham Mưu từ 6:00 giờ sáng. Tất cả các tướng lãnh và các sĩ quan mang cấp bậc đại tá đã họp trong phòng này với tôi vào đêm 29 tháng 4 đều vắng mặt. Tôi bốc điện thoại lên quay số của văn phòng Phủ Tổng Thống để được đàm thoại với tổng thống Dương văn Minh, tôi hết sức ngạc nhiên khi người trả lời xưng danh là chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh. Tôi nói muốn được nói chuyện với tổng thống Dương văn Minh, tướng Hạnh hỏi lại tôi là ai? Tôi trả lời:" Tôi là Th/tá Phạm châu Tài, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy 3 chiến thuật của Liên Đoàn 81/ Biệt Cách Dù đang đóng quân ở Bộ Tổng Tham Mưu, tướng Hạnh đã biết tôi vì tướng Hạnh cũng có mặt trong buổi họp ở BTTM vào đêm 29/4/75 nên khoảng vài giây đồng hồ sau tướng Hạnh đưa diện thoại cho tổng thống Dương văn Minh. T/t Minh nói:

-Đại tướng Dương văn Minh tôi nghe đây, có chuyện gì đó?

Tôi mới trình bày với T/t Minh :" Tôi là chỉ huy trưởng cánh quân đang tử chiến với Việt Cộng ở bộ Tổng Tham Mưu, tôi đang cố liên lạc với bộ TTM thì lệnh ngưng chiến đã ban ra và quân của Việt Cộng vẫn còn đang tiến về thủ đô. Tôi vào trong bộ Tổng Tham Mưu thì không còn một tướng lãnh nào ở đây, họ đã bỏ chạy hết do đó tôi muốn nói chuyện với tổng thống để xin quyết định." T/t Minh trả lời rằng:

-Các em chuẩn bị bàn giao đi.

-Có phải là đầu hàng không? Tôi hỏi lại.

-Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng của Việt Cộng đang tiến vào dinh Độc Lập. T/t Minh trả lời.

Tôi mới nói rằng:" Nếu xe tăng của Việt Cộng tiến về dinh Độc Lập thì chúng tôi sẽ đến cứu tổng thống, nếu tổng thống ra lệnh đầu hàng thì tổng thống có chịu trách nhiệm với hơn 1000 quân đang tử chiến ở Bộ Tổng Tham Mưu hay không?".

T/t Minh trả lời:" Tuỳ ý các anh em." xong cúp máy....

Mặc dù đã có lệnh đầu hàng của tổng thống Dương văn Minh nhưng sự chiến đấu của nhiều đơn vị thuộc QLVNCH vẫn tiếp tục. Diễn tiến của bộ chỉ huy 3 chiến thuật thuộc LĐ81/BCND kể từ ngày 29/4/75 được đúc kết như sau:

12:30 giờ trưa ngày 29/4/75, trung đội 1 do th.úy Nguyễn công Danh thuộc biệt đội 819 đã giải vây và bảo vệ 2 chuyến xe buýt đang bị cướp có võ trang uy hiếp tại cổng phi trường Tân Sơn Nhất. Sau khi ổn định tình hình trung đội 1 đã hộ tống 2 chuyến xe này vào phi trường. Hành khách lên phi cơ, và phi cơ cất cánh lúc 2:45 phút chiều. Đây cũng là chuyến phi cơ cuối cùng cất cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất vào thời điểm đó. Sau đó trung đội 1 trở về phối trí với biệt đội 819 do Đại úy Trương việt Lâm chỉ huy đang rải quân ở trường Sinh Ngữ Quân Đội và Lục Quân Công Xưởng. Đại úy Lâm đã cho các quân nhân biết xử dụng thiết giáp M113 lái 3 thiết giáp M113 còn mới tinh chạy ra khỏi công xưởng để lập tuyến phòng thủ bên ngoài.

Trong đêm 29/4/75 Đại úy Nguyễn Hiền nhận lệnh chỉ huy đoàn quân xa chuyên chở những quân dụng nặng, và tải thương binh của LĐ81/BCND từ Biên Hoà trở về trại hậu cứ của LĐ81/BCND là trại Bắc Tiến ở Trung Chánh. lúc 3 giờ sáng ngày 30/4/75. Khi đoàn quân xa đến cầu Bình Phước thì Địa Phương Quân gác đầu cầu cho biết trại Bắc Tiến và các cơ sở quân sự trong vùng đó đã bị VC chiếm đóng. Đ/úy Hiền liền cho đoàn quân xa đổi hướng tiến đến cầu Bình Triệu và tìm đường về bộ Tổng Tham Mưu để sát nhập lại với bộ chỉ huy 3 chiến thuật của LĐ81/BCND đang cố thủ tại đó. Đ/úy Hiền bắt tay liên lạc với BCH/3/CT của LĐ81/BCND lúc 5:30 sáng.

Cùng ngày 30/4/75 lúc 2 giờ sáng, trận chiến tại cổng phi trường Tân Sơn Nhất, bộ Tổng Tham Mưu vẫn tiếp tục giữa VC và các đơn vị của LĐ81/BCND. Các chốt của LĐ81/BCND phía sau cổng bộ Tổng Tham Mưu đã dùng lựu đạn mini để ngăn chặn các toán đặc công của Việt Cộng đang tìm cách đột nhập. Lựu đạn và chất nổ được xử dụng tối đa, sau 1 giờ rưỡi giao tranh VC không tiến được đành rút lui khỏi cổng sau của bộ Tổng Tham Mưu.

Đến 6 giờ sáng 5 chiến xa T54 và đoàn quân tùng thiết của VC trên đường tiến vào Sài Gòn đã bị lực lượng của Sư Đoàn Nhẩy Dù và Liên Đoàn 81/BCND chận đánh trước cổng phi trường Tân Sơn Nhất, 4 chiến xa của VC bị phá huỷ, chiếc sau cùng quay trở lại chạy thoát.

Các biệt đội của LĐ81/BCND trấn thủ trước cổng bộ TTM là biệt đội 817 do trung úy Lê văn Lợi chỉ huy, và biệt đội 818 do đại úy Nguyễn Ánh chỉ huy.

7 giờ sáng một đoàn chiến xa khác của Việt Cộng hướng vào cổng chính bộ Tổng Tham Mưu.. Một toán của LĐ81/BCND phòng thủ trên cao ốc đã dùng M72 bắn cháy chiếc đầu tiên, chiếc thứ 2 đã dùng súng đại pháo trên pháo tháp bắn vào cao ốc làm tê liệt tuyến phòng thủ đó, nhưng chiến xa này cũng bị bắn cháy trước cổng bộ Tổng Tham Mưu do quân nhân thuộc biệt đội 817 của trung úy Lê văn Lợi.

Sau 10 giờ sáng VC đã tràn ngập vào phi trường Tân Sơn Nhất, có một xe Toyota Corona dân sự chạy đến cổng bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị quân nhân LĐ81/BCND chận lại không cho vào. Trên xe có hai người đàn ông, một người tên Quân mặc quân phục của Quân Vận mang cấp bậc thiếu tá, người kia mặc thường phục xưng là nhà báo muốn vào bộ TTM để treo cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đại úy Nguyễn Hiền đã cho binh sĩ tịch thu cờ và bắt giữ 2 nhân vật đó. Sau khi hỏi cung được biết họ chỉ là thành phần đón gió trở cờ nên BCH 3 chiến thuật đã thả 2 người đó trước cổng bộ TTM.

10:30 sáng đại úy Nguyễn hữu Hưng chỉ huy phó bộ chỉ huy 3 chiến thuật của LĐ81/BCND và đại úy Nguyễn Hiền đi đến quyết định rút đơn vị khỏi bộ TTM, trở về Biên-Hoà để tái hợp với bộ chỉ huy hành quân của LĐ81/BCND. Trên đoàn quân xa gồm những quân nhân của tất cả các đơn vị còn muốn chiến đấu, trong đoàn quân xa này được tăng cường thêm 8 chiếc thiết giáp M41 và M113 từ phi trường Tân Sơn Nhất về phối hợp. Nhưng khi đoàn xe đang di chuyển trên đường Võ di Nguy, Phú Nhuận thì bị VC phục kích, chiếc quân xa đầu tiên bị bắn cháy, đoàn xe bị nghẹt lại, đại úy Hưng cho lệnh anh em bỏ đoàn quân xa và tìm đường thoát thân để tránh sự trả thù.

1 giờ trưa ngày 30/4/75. Riêng biệt đội 819 của đại úy Trương việt Lâm sau khi tập họp được quân nhân của biệt đội, các anh em đã chất vũ khí, đạn được từ Lục quân công xưởng lên 2 xe GMC bít bùng để chạy về Biên Hoà hy vọng kết hợp với bộ chỉ huy Liên Đoàn 81/BCND tại đó. Nhưng khi 2 chiếc quân xa này chạy đến ngã 5 Hạnh Thông Tây bị Việt Cộng chặn lại. Dân chúng bên đường bu quanh 2 chiếc GMC kêu gọi anh em biệt đội 819 bỏ súng, họ nói :"Hết chiến tranh rồi, các anh buông súng đi, Biệt Cách Dù buông súng đi..." Biệt đội 819/LĐ81/BCND đã giao nạp vũ khí tại ngã 5 Hạnh Thông Tây lúc 2:15’ chiều 30/4/1975. Anh em biệt đội 819/LĐ81/BCND chia tay nhau tại đó.

Để hiểu rõ tình hình lúc bấy giờ ở dinh Độc Lập như thế nào, xin mời quý vị đọc một bài báo của Việt Cộng đăng ở Saigon ngày 30/4/1995: Ba'o Viet-Cong

Bộ chỉ huy Liên Đoàn 81/BCND và 2 bộ chiến thuật ở Biên Hoà

Thủ đô VNCH trong giờ phút đó chỉ còn 2 điểm kháng cự ở ngã tư Bảy Hiền và Lăng Cha Cả. Chẳng bao lâu sau đó, tiếng súng cả hai nơi không còn nổ nữa, anh em rời vũ khí và chia tay nhau mỗi người mỗi ngả!

Bộ chỉ huy 1 chiến thuật do tr/tá Vũ xuân Thông chỉ huy, bộ chỉ huy 2 chiến thuật do th/tá Nguyễn Sơn chỉ huy cùng với bộ chỉ huy Liên Đoàn 81 do đại tá Phan văn Huấn chỉ huy với quân số vào khoảng 2000 quân nhân đang đóng quân ở phía bắc phi trường Biên Hòa. Ngày 28 tháng 4/75 lúc 12 giờ trưa, đ/tá Huấn được lệnh tr/tướng Nguyễn văn Toàn gọi về bộ tư lệnh QDIII họp khẩn, nhưng Liên Đoàn 81 không còn có trực thăng tăng phái ngày hôm đó và đường xe đến bộ tư lệnh QDIII không còn chạy được nên tr/tướng Toàn đã cho trực thăng đến đón đ/tá Huấn về họp. Tr/tướng Toàn chủ tọa buổi họp với các sĩ quan gồm có: đ/tá Lưu Yểm tỉnh trưởng Biên Hòa, tr/tá Lô tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, đ/tá Phan văn Huấn chỉ huy trưởng Liên Đoàn 81/BCND và chừng 20 sĩ quan của bộ tư lệnh QDIII.

Trong phòng họp không khí thật căng thẳng và hồi hộp, tr/tướng Toàn nói: "Ngày mai (29/4/75) chúng ta rút khỏi Biên Hòa để về phòng thủ tuyến Thủ Đức, các đơn vị tuần tự rút lui, nhưng phải có trật tự không được lộn xộn như ở vùng I và vùng II; Liên Đoàn 81/BCND là lực lượng đi sau cùng (đoạn hậu) và có nhiệm vụ phá hủy chiếc cầu trên xa lộ Đại Hàn gần phi trường Biên Hòa".

Sau khi họp ở QĐIII về, đêm 28/4/75 Liên Đoàn 81/BCND liền di chuyển vào phi trường Biên Hòa bố trí quân ở đó. Riêng biệt đội 812 do đại úy La-Cao chỉ huy có nhiệm vụ phải giữ an-ninh và kiểm soát lưu thông trên cầu Mới cho đến khi các đơn vị bạn và LĐ81/BCND qua khỏi cầu để tiến về Thủ Đức lập tuyến phòng thủ. Sáng 29/4/75 đơn vị di chuyển qua cầu xa lộ Đại Hàn, rút khỏi thành phố Biên Hòa đúng theo lệnh tr/tướng Toàn đã nói (phi trường Biên Hòa do sư đoàn 3 Không Quân trấn đóng nhưng Không Quân đã rút đi từ mấy ngày trước). Đúng 8 giờ sáng thì Liên Đoàn 81/BCND qua khỏi cầu Mới và biệt đội 812 cùng toán công-binh của đại úy Hoàng tăng phái cho Liên-Đoàn 81 là đơn vị sau cùng qua cầu và đã hoàn tất nhiệm vụ dùng chất nổ phá chiếc cầu đó. Đơn vị vừa qua khỏi cầu thì nghe lệnh ông Vũ văn Mẫu, tân thủ tướng VN yêu cầu người Mỹ rút ra khỏi VN trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Đây là một sự kiện quan trọng diễn ra trong giờ phút hấp hối của miền Nam. Trước tình thế đó, Liên Đoàn 81/BCND liền rút thẳng vào rừng Cò Mi bố trí và tìm cách liên lạc với thượng cấp và các đơn vị bạn để hiểu rõ tình hình, ngõ hầu chọn lựa đường lối hành quân thích hợp cho Liên Đoàn 81/BCND. Suốt đêm hôm đó, bộ chỉ huy và ban truyền tin của Liên Đoàn 81/BCND đã cố gắng bắt liên lạc với các đơn vị bạn qua các tần số nhưng không có kết quả! Sáng 30/4/75, Liên Đoàn 81/BCND men theo đường rừng di chuyển dần về hướng Thủ Đức để hy vọng gặp được đơn vị bạn nhưng hoàn toàn tuyệt vọng. Trên đường di chuyển LĐ81/BCND chỉ thỉnh thoảng bắt gặp các quân trang quân dụng của các đơn vị bạn bỏ lại! Khi Liên Đoàn 81/BCND đến gần lăng chú Hỏa (gần núi Châu Thới), đơn vị dừng quân và tung các toán thám sát ra các xa lộ Lái Thiêu, Đại Hàn quan sát tình hình.

Các toán thám sát báo về bộ chỉ huy LĐ81/BCND quân xa của Việt Cộng đang chạy công khai trên các trục lộ mà không gặp một sự kháng cự nào của đơn vị trách nhiệm trong vùng. Tất cả các nơi như là đều đã rã ngũ hết rồi!

Sau đó Đ/tá Huấn liền họp các cấp chỉ huy và nói "Chúng ta đã cố gắng liên lạc với cấp trên và các đơn vị bạn nhưng tất cả đều vô vọng, bây giờ tình hình như thế này xin anh em cho biết ý kiến." Đại đa số ý kiến anh em đều nói:"một con én không làm nổi mùa xuân, hơn nữa chúng ta không nhận được lệnh gì của thượng cấp hết, nếu bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục chiến đấu mà không còn đơn vị yểm trợ thì cuối cùng đơn vị ta sẽ bị Việt Cộng tập trung tiêu diệt mà thôi, không còn cách nào khác chúng ta phải bắt buộc làm theo lệnh của tổng thống Dương văn Minh."

Đ/tá Huấn yêu cầu các cấp chỉ huy tập họp anh em xung quanh một ngôi mộ có gò mả khá cao. Đứng trên gò mả đ/tá Huấn bùi ngùi nói trước hàng quân : " Chúng ta sinh trưởng ở miền Nam, chúng ta có bổn phận phải bảo vệ miền Nam, bây giờ chúng ta thua rồi, chúng ta phải cay đắng tuân lệnh tổng thống Dương văn Minh, giao nạp vũ khí cho Việt Cộng. Thưa anh em, chúng ta là một đơn vị ưu tú của QLVNCH, qua bao nhiêu năm chiến đấu bên nhau, trong giờ phút lịch sử này, chúng ta phải chứng tỏ là một đơn vị có kỷ luật không như những đội quân ô hợp, vậy yêu cầu anh em theo tôi tiến ra xa lộ Đại Hàn, các biệt đội sắp hàng tư và di chuyển về hướng Saigòn để tiếp xúc với đơn vị Việt Cộng mà bàn giao vũ khí rồi anh em chúng ta giải tán và chia tay nhau; Xin anh em nhớ rằng, anh em không có tội gì cả, vì anh em phải tuân hành theo lệnh của tôi, tôi sẵn sàng nhận tội và tôi sẽ đi đầu, nếu Việt Cộng có bắn thì họ sẽ bắn tôi trước".

Trên xa lộ Đại Hàn gần lăng chú Hỏa, quân nhân của Liên Đoàn 81/BCND sắp hàng tư tiến về hướng Saigòn. Hai bộ chỉ huy chiến thuật và bộ chỉ huy Liên Đoàn 81 quân số gần 2000 quân nhân, đội hình hàng tư dài hơn cây số. Đoàn quân yên lặng di chuyển trên xa lộ, không khí thật ngột ngạt khó thở, những người lính súng đạn còn trên tay nhưng cái lệnh đầu hàng đã làm cay cay lòng mắt . Những hình ảnh nhạt nhoà của những người dân đứng trước mái nhà tranh nhìn đoàn quân não nề tiến bước. Khi LĐ81/BCND đang di chuyển trên xa lộ Đại Hàn thì xe Việt Cộng cũng di chuyển ngược xuôi bên đội hình Liên Đoàn 81/BCND, các cán binh Cộng Sản trên xe nhìn Liên Đoàn 81/BCND với nét mặt tò mò và ngạc nhiên khi thấy quân nhân của LĐ81/BCND trên tay vẫn còn mang vũ khí. Khi Liên Đoàn 81/BCND đã di chuyển khá xa thì có 2 xe từ hướng Saigòn chạy đến, trên mỗi xe có đặt máy quay phim. Việt Cộng quay phim từ đầu đội hình cho đến cuối và ngược lại từ cuối lên đầu đội hình, Việt Cộng quay nhiều về toán quân đi đầu gồm nhiều cấp chỉ huy của Liên Đoàn 81/BCND.

Khi Liên Đoàn 81/BCND dừng lại cho anh em nghỉ ngơi thì đơn vị Việt Cộng đến tiếp xúc và quân nhân Liên Đoàn 81/BCND để vũ khí tại chỗ và giải tán....

Xin viết thêm là khi Liên Đoàn 81/BCND đang di chuyển trên xa lộ thì thấy rất nhiều thanh niên từ hướng Saigòn chạy ngược về Biên Hòa, đầu trần, đi chân không, mình mặc áo quần lót, tay cầm các giấy tờ tùy thân và tiền bạc cá nhân; đ/tá Huấn đi đầu đội hình liền kéo một anh chạy gần và hỏi: "Các anh chạy đi đâu mà ăn mặc như thế? anh đó liền trả lời: chúng tôi là lính, Việt Cộng tước vũ khí rồi bắt phải cởi áo quần giày dép và cho về nhà." Chính đó là lý do mà khi tiếp xúc giao nạp vũ khí cho Việt Cộng, đ/tá Huấn đã yêu cầu Việt Cộng đừng bắt anh em 81 Biệt Cách Dù làm như thế vì sợ anh em chạm tự ái vì bị sỉ nhục mà sẽ không tuân theo lệnh giao nạp vũ khí; Việt Cộng đã đồng ý và cho xe đến chở các sĩ quan về nhà.

Riêng biệt đội 812 do đại úy La-Cao chỉ huy, binh sĩ dưới quyền đã được đ/úy La-Cao chỉ thị:"Các anh em khi tháo băng đạn ra khỏi súng nhưng nên để lại một viên trong buồng đạn để tránh sự tấn công bất ngờ hoặc trường hợp khi gặp Việt-Cộng nếu bị sỉ nhục quá đáng nếu anh em không dằn lòng được, anh em có thể xử dụng viên đạn cuối cùng."

Sau đó có 2 chiếc xe đến chở các sĩ quan về Saigòn, khi xe chạy đến làng đại học Thủ Đức, đ/tá Huấn yêu cầu xe dừng lại và nói với Việt Cộng: "sĩ quan chúng tôi có nhà ở trong khu này". Thật tình thì anh em sĩ quan đâu có nhà ở trong khu sang trọng đó, vì anh em sĩ quan không muốn cho Việt Cộng biết nhà ở của mình.

Tại nơi đây anh em sĩ quan đã ngậm ngùi chia tay nhau!

Biệt Đội 813/LĐ81/BCND tại Tây Ninh

Giữa tháng 3/75, đại bộ phận Liên Đoàn 81/BCND do Trung Tá Chỉ Huy Phó Nguyễn Văn Lân chỉ huy được điều động lên Tây Ninh để cùng với Sư Đoàn 25 phòng thủ vùng Tây Bắc Sài Gòn (Tư Lệnh Sư Đoàn 25 lúc đó là Cựu Thiếu Sinh Quân Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá).

Khi Liên Đoàn 81/BCND đến Tây Ninh, Căn Cứ Hành Quân đóng tại Xóm Chàm và Biệt Đội 813/BCND là thành phần trừ bị, có nhiệm vụ phòng thủ vòng ngoài Căn Cứ Hành Quân. Khoảng một tuần sau, Biệt Đội 813 được điều động lên Trảng Sụp, tiền đồn cực Tây của Tỉnh Tây Ninh để thay thế cho Biệt Đội 816/BCND của Đại Uý Lễ.

Cuối tháng tư, tình hình Tỉnh Tây Ninh rất căng thẳng, Tr/Tướng Toàn ra lệnh cho Liên Đoàn 81/BCND phải duy trì một Biệt Đội ở đó để giữ vững tinh thần quân sĩ tại tỉnh Tây Ninh khi đại bộ phận của LĐ81/BCND về Biên Hoà để nhận lệnh hành quân mới. Biệt Đội 813/BCND do Tr/Úy Lai Đình Hợi chỉ huy nhận lãnh trách nhiệm này. Trước khi rời Tây Ninh Tr/Tá Lân giao cho Tr/Úy Hợi một bao thư niêm mật và nói chỉ được mở khi hữu sự.

Lực lượng tại Tây Ninh lúc đó, ngoài các đơn vị cơ hữu của Tỉnh, chỉ còn có Trung Đoàn 49 của Sư Đoàn 25, do Trung Tá Khoa làm Trung Đoàn Trưởng và Biệt Đội 813/BCND.

Vài ngày sau, Đại Tá Tài, Tỉnh Trưởng Tỉnh Tây Ninh, ra lệnh đưa Biệt Đội 813 về phòng thủ dinh Tỉnh Tây Ninh. Vào thời điểm này, nhiều sự kiện xẩy ra như: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Tổng Thống Hương giao quyền cho Đại Tướng Minh.

Sáng ngày 29/4/75, Tr/Tá Khoa báo cho Tr/Úy Hợi biết: Đã mấy ngày qua, ông mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 25. Biệt Đội 813 cũng mất liên lạc truyền tin với Trung Tâm Hành Quân Liên Đoàn 81/BCND đang đóng ở Suối Máu và cả với hậu cứ tại Ngã Tư Anh Sương. Tr/Tá Khoa cho Tr/Úy Hợi biết thêm là ông đã họp bàn với Đại Tá Tài và một số các đơn vị trưởng của Tỉnh là ông có ý định ngày mai (30/4/75) ông sẽ rút về Sài Gòn, nếu Sài Gòn cũng mất, ông sẽ về Vùng 4 để tiếp tục chiến đấu vì ông có một số bạn bè ở đó. Tr/Tá Khoa hỏi Tr/Úy Hợi xin giúp ông một điều. Ông nói:

“Chiều nay, khi Trung Uý đi họp, (chiều nào Đại Tá Tài cũng chủ tọa buổi họp gồm các đơn vị trưởng của Tỉnh, và các đơn vị biệt phái) giữa buổi họp, Trung Uý cho một toán Biệt Cách Dù ập vào phòng họp dùng súng uy hiếp và ra lệnh cho tôi rút về Sài Gòn.”

Trung úy Hợi nói: “Tôi không làm được việc này vì nếu chưa có lệnh của Đại Tá Huấn thì tôi sẽ không rút, cho dù Tây Ninh chỉ còn mỗi Biệt Đội 813/BCND của tôi.”. Tr/Tá Khoa cố gắng thuyết phục Tr/Úy Hợi cùng rút và giải thích là mình rút để có thể tiếp tục chiến đấu chứ không phải để chạy. Tr/Úy Hợi hẹn sẽ trả lời ông vào buổi chiều.

Trưa ngày 29/4/75, Tr/Úy Hợi họp tất cả các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan trong Biệt Đội. Sau khi thuật lại cuộc nói chuyện với Tr/Tá Khoa, Tr/Úy Hợi cho các anh em biết, trong lần tiếp tế gần nhất bằng trực thăng, Tr/Úy Hợi có nhận được lá thư tay của Đại Tá Huấn trong đó, ngoài những lời chỉ bảo, còn có câu nhắn nhủ ngắn gọn: “Hợi, tình hình rất nặng, nếu có gì, cùng Tử Thủ với Liên Đoàn”. Sau khi bàn luận, tất cả đồng ý rút.

Chiều ngày 29/4/75, Tr/Úy Hợi trả lời Tr/Tá Khoa là sẽ cùng rút với ông, nếu Tr/Tá Khoa cùng đồng ý rút chứ Tr/Úy Hợi không cho lính của Biệt Đội uy hiếp ông (Tr/Tá Khoa đồng ý và do đó đã không có buổi họp chiều hôm đó). Sau đó Tr/Úy Hợi ra lệnh cho Biệt Đội 813/BCND chuẩn bị để ngày mai di chuyển về hậu cứ, đồng thời bảo Trung Uý Phan Anh Tuấn Biệt Đội Phó vào Quân Y Viện Tỉnh để thông báo với các thương bệnh binh của BCND.

Sáng ngày 30/4/75, Tr/Tá Khoa cho biết lực lượng rút khỏi Tây Ninh chỉ có Trung Đoàn của ông và Biệt Đội 813/BCND (Đại Tá Tài ở lại không đi). Lệnh hành quân như sau: Di chuyển bằng xe về Sài Gòn, nếu bị phục kích, xuống xe đánh bật rồi đi tiếp (lúc đó quốc lộ nhiều đoạn bị cắt). Biệt Đội 813/BCND được phân chia đi cùng với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 49. Khoảng 7 giờ sáng, tất cả đã lên xe chuẩn bị di chuyển. Đi theo Biệt Đội 813/BCND, ngoài các thương bệnh binh của BCND, còn có một người nữa là Trung Tá Trưởng Ty Cảnh Sát Tỉnh Tây Ninh (không nhớ tên vị Tr/Tá này). Đoàn xe đi được một đoạn, khoảng 8 giờ sáng, thì bị chặn lại. Tr/Úy Hợi cho quân nhân Biệt Đội xuống xe, tạt sâu vào bên phải quốc lộ, bố trí đợi lệnh. Kiểm điểm lại quân số, Biệt Đội 813 không thiếu một ai, kể cả các thương binh của BCND, ngoài ra còn có Tr/Tá Khoa và Tr/Tá Cảnh Sát. Lúc đó, Tr/Úy Hợi mở bao thư mật của Tr/Tá Lân khi ông rời Tây Ninh, trong bao thư có một bản đồ chỉ dẫn các điểm tập trung để đợi triệt xuất khi gặp nạn. Tr/Tá Khoa cho biết Việt Cộng đã chiếm Tỉnh Tây Ninh ngay sau khi đoàn xe rời Tây Ninh. Tr/Tá Khoa và Tr/Úy HợI quyết định di chuyển bộ về Sài Gòn. Để tránh gặp địch, Biệt Đội 813 đi men theo bờ ruộng, xa Quốc Lộ. Tr/Tá Khoa cho biết là ông đã mất liên lạc với Trung Đoàn của ông.

Trưa ngày 30/4/75, trong lúc đang di chuyển, một binh sĩ BCND mở radio đang phát ra: lời kêu gọi đầu hàng của Tổng Thống Dương văn Minh. Sau khi dừng quân bố trí, Tr/Tá Khoa nghĩ Vùng 4 bây giờ vẫn còn và ông muốn cùng anh em Biệt Đội 813 về đó. Sau đó đoàn quân 813/BCND lại vững tay súng tiến bước lên đường mặc bỏ sau lưng lời kêu gọi đầu hàng của Tổng Thống Minh.

4 giờ chiều ngày 30/4/75, Tr/Úy Hợi họp tất cả các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan để hỏi ý kiến. Tất cả đều đồng ý để súng tại bờ ruộng ấp Bầu Nâu và đi ra quốc lộ.

Ngày 1/5/75, các anh em trong Biệt Đội 813/BCND vẫn giữ kỷ luật nghiêm minh theo lệnh Tiểu Đội Trưởng, Trung Đội Trưởng, Biệt Đội Phó Tuấn và Biệt Đội Trưởng Lai Đình Hợi.

Khoảng 9 giờ tối ngày 1/5/75, Biệt Đội 813 và các anh em thuộc Sư Đoàn 25 được lệnh tập họp để nghe “Chính Sách Khoan Hồng Của Cách Mạng”. Trước khi chấm dứt, một Cán Binh nói: “Tất cả các Sĩ Quan ở lại, Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ được ra về”. Tr/Úy Hợi nói nhỏ: “Tất cả đi hết, không ai ở lại.”. Khoảng 10 giờ đêm ngày 1/5/75, tất cả Biệt Đội 813/BCND kéo nhau ra quốc lộ, đi bộ suốt đêm về Gò Dầu để đón xe đò về Sài Gòn. Đoàn xe đò chở Biệt Đội 813/BCND về đến Ngã Tư An Sương vào khoảng trưa ngày 2/5/75 và anh em Biệt Đội 813/LĐ81BCND chia tay nhau tại đó.
Số phận của 6 toán thám sát của LĐ81/BCND trong chiến khu D

Riêng về 6 toán thám sát được trực thăng thả sâu trong mật khu VC đã hoàn toàn mất liên lạc. Hệ thống vô tuyến liên lạc của toán bằng máy PRC25, UHF-1 phải qua các trạm chuyển tiếp (Radio Relay Station) bằng phi cơ L-19 hoặc các đài tiếp vận truyền tin ở các núi cao. Nhưng sau ngày 29 /4/75 các toán này không liên lạc bằng truyền tin với bộ chỉ huy LĐ81/BCND được nữa, vì những đài yểm trợ tiếp vận truyền tin đã không còn. Các toán thám sát chưa biết lệnh buông súng của T/t Dương văn Minh ngày 30/4/75. Mười tám anh em của 3 toán liên lạc truyền tin được với nhau, lương khô 5 ngày đã cạn, họ đã phải nhịn đói, mưu sinh thoát hiểm, lặn lội từ rừng sâu, khi về đến một làng ở quận Tân Uyên cạnh sông Đồng Nai gần thác Trị An (đồn Đại An ngày xưa). Họ đã quá đói nên men vào làng để xin ăn và thăm hỏi sự tình. Ba toán thám sát này đã bị Việt Cộng bao vây, nên anh em đành buông súng vào ngày 5/5/1975. Mười tám anh em bị Việt Cộng giam, bỏ đói, sau đó bắn hết rồi thả trôi sông. Những xác của anh em thám sát thả trôi sông, sau bị sình thối nên Việt Cộng bắt dân vớt lên chôn dọc theo bờ sông Đồng Nai, còn 8 xác anh em khác đã chôn tập thể trong một cái giếng bỏ hoang. Theo dân làng cho biết thì có một anh chưa chết, được hai vợ chồng già trong làng đem dấu và cứu sống. Anh này tên là Đức. Hàng năm mỗi khi Tết đến anh Đức đều trở lại để đền đáp và tạ ơn cứu tử của ân nhân. Nhưng từ năm 1995 hai ông bà cụ đó đã qua đời nên anh Đức không còn đến nữa. Một toán viên khác tên Nguyễn văn Một, khi dân làng chôn cất thì có giữ được một cuốn nhật ký nhưng nay cuốn nhật ký đó cũng đã thất lạc. Mặc dầu Liên Đoàn 81/BCND đã cố gắng tìm kiếm để mua lại nhưng không được. Còn phần mộ anh Tuấn là sĩ quan toán trưởng đã được gia đình đến bốc cốt từ năm 93.

Còn toán của chuẩn úy Lê Xuân Hiền trở về ngày 7/5/75 và toán của thiếu úy Nguyễn Minh trở về ngày 15/5/75 cũng tại vùng Đại An nhưng không bị Việt Cộng xử bắn nữa. Anh Lê xuân Hiền và Nguyễn Minh nay đã được định cư ở Hoa Kỳ.

Theo dư luận địa phương cho biết sở dĩ hai toán này không bị VC giết chết vì dân chúng bàn tán sôi nổi về sự dã man của Việt Cộng đã ngược đãi và tàn sát 3 toán trước.

Toán trưởng Lê Xuân Hiền cho biết sau khi bị VC tước bỏ vũ khí ngày 7/5/75, anh bị đưa vào trại tù binh trong rừng Bình Sơn. Tại đây, toán trưởng Hiền gặp thêm 12 anh em thám sát ở các toán khác. Trong đó toán trưởng Hiền còn nhớ tên các anh c/u Huỳnh sơn Phương, t/s Võ văn Hiệp, Lý Khách, Lê văn Điệp c/u Nguyễn văn Bé, Nguyễn văn Sơn v.v. Trong thời gian bị giam giữ ở đó, các anh đã bị đánh đập tra tấn trả thù nên anh Nguyễn văn Sơn và t/s Võ văn Hiệp đã chết.

Năm 1995 Gia Đình 81/BCND ở hải ngoại đã cho người về làng Đại An để lập mộ cho những anh em đã đền nợ nước nhưng dân chúng địa phương đã không dám hợp tác. Dân chúng sợ Việt Cộng trả thù vì việc lập mộ bia cho anh em là trưng bày cái dã tâm vô nhân đạo của Việt-Cộng. Những quân nhân thuộc LĐ81/BCND đã bỏ mình tại làng Đại An vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến chỉ còn trong tâm tưởng của những người dân ở đó và chiến hữu còn sống sót mà thôi.

Phần Kết

Những anh hùng của LĐ81/BCND đã sa cơ trong thảm cảnh tháng Tư ở Đại An, họ đã nhận lãnh những viên đạn oan nghiệt của kẻ thù vào sau cái ngày mà những người còn "mê ngủ" đã rêu rao gọi là ngày "hoà bình đã đến trên quê hương Việt-Nam!"

GĐ81/BCND

(*) Ghi nhận theo những tâm tình, thư từ, bài viết, điện thoại, email và lời kể lại của những chiến hữu đã trực tiếp có những liên hệ ít nhiều trong những ngày giờ lịch sử đau thương của đất nước.
Xin chân thành cảm ơn đại tá Phan văn Huấn, thiếu tá Phạm châu Tài, đại úy Nguyễn Hiền, đại úy La Cao, đại úy Trương việt Lâm, trung úy Lai đình Hợi, thiếu úy Nguyễn công Danh, các sĩ quan toán trưởng Lê xuân Hiền, Nguyễn Minh...và nhiều quân nhân các cấp đã giúp cho bài "Liên Đoàn 81/BCND và những ngày tháng Tư năm 1975" được thành hình, dù rằng thâm tâm quí vị đă không muốn nhắc lại "chuyện đau lòng".

Sunday, December 15, 2024

THE WAR GOES ON - ENGLISH VERSION




Fifteen minutes after noon on 29 April 1975, units of the 9th Marine Amphibious Brigade (9th MAB) received the order to execute Operation Frequent Wind, the plan for emergency evacuation of noncombatant civilians from Saigon, and to supply the final episode of Marines in Vietnam. Less than two hours later, the first elements of the 9th MAB's ground security force (GSF) landed in South Vietnam for the last rime. Specifically organized to provide security for the evacuation landing zones, the first elements of the 9th MAB entered the Defense Attache Office (DAO) compound at 1506 Saigon time. The men were met by:
'. . . the cheers of awaiting evacuees, almost all of whom were overcome by emotion at the sight of the organized and well disciplined Marines.'1
These troops, many of whom were veterans of previous Vietnam battles, provided protection for the refugees in the DAO Compound. With the departure of the last evacuee, the Marine security force began returning to the safety of Seventh Fleet ships. Elements of the GSF also deployed to the American Embassy in Saigon where a few Marines remained until the bitter end. As the last CH-46 helicopter lifted off the Embassy rooftop at 0753 on 30 April with 11 Marines on board, U.S. involvement in South Vietnam ended.* Paris Peace Accords.

The signing of the Paris Peace Accords on 27 January 1973 represented a formal end to hostilities. Negotiated at the Paris Conference on Vietnam, it would serve as an important backdrop to events in a country where war seemed endemic.
The 'Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam' required the United States and its allies to cease military activity and leave South Vietnam within 60 days of the signing. To accomplish this, the Paris Accords required the U.S. to dismantle all its military bases and withdraw all military personnel including its advisors to the Republic of Vietnam

*For the Marine Corps, involvement began in 1954 with the assignment of the first Marine advisor (Lieutenant Colonel Victor J-Croizat), continued with the insertion of a helicopter task force at Soc Thing in 1962, and increased significantly in March of 1965 with [he landing of the 9th Marine Expeditionary Brigade at Da Nang. Armed Forces. By 27 March the conclusion of the 60-day implementation phase, South Vietnam and the United States had completed most of the changes required by the Accords and its protocols. The absence of the same effort and commitment on the part of the North Vietnamese and the Viet Cong would soon define the meaning of 'peace' in Vietnam. In essence, the precarious balance of power in Southeast Asia and the future of South Vietnam rested on a piece of paper.

For the critical transition from war to peace, the Accords empowered three commissions to oversee the implementation phase and resolve any differences. The Four-Power Joint Military Commission (JMC) represented each belligerent: the United States, South Vietnam, North Vietnam, and the Viet Cong. At the conclusion of the 60-day cease-fire, this commission would in theory shed its protective outer garment (U.S. and North Vietnam) and become the Two-Power Joint Military Commission, an insular body representing the interests of the Republic of Vietnam (South Vietnam) and the Provisional Revolutionary Government of South Vietnam (PRG, the Viet Cong). The third commission, and the most important one, involved international participation in die transition to peace. Entrusted to regulate and oversee the implementation of the Accords' articles, the International Commission of Control and Supervision (ICCS) consisted of four members: Canada, Hungary, Poland, and Indonesia.2 The ICCS bore the implied responsibility of enforcement, but lacked the power to do more than report the violations to the Joint Military Commission. The ICCS was to cease functioning when the Accords' provisions had been fulfilled, signalled by a supervised national election and the installation of the new government's elected officials. The ICCS' goal and the final determinant of its existence would be the attainment of this 'peace,' but in the interim the commission's immediate and overwhelming problem would be settlement of territorial disputes and ceasefire violations.

Final resolution of these and any other matters pertaining to the Accords ultimately required a unanimous vote of the JMC- This rarely happened.
Two CH-53Ds from HMH-462 carrying elements of 2d Battalion, 4th Marines head for Saigon. The first helicopter landed in the DAO compound at 1506 on 29 April 1975.
The Paris Peace Accords, with this introduction, were signed by the U. S., South Vietnam, North Vietnam, and the Provisional Revolutionary Government on 27 January 1973. It restricted the U.S. to a maximum of50 military personnel in South Vietnam. AGREEMENT ON ENDING THE WAR AND RESTORING PEACE IN VIET-NAM
The Parties participating in the Paris Conference on Viet-Nam,
With a view to ending the war and restoring peace in Viet-Nam on the basis of respect for the Vietnamese people's fundamental national rights and the South Vietnamese people's right to self-determination, and to contributing to the consolidation of peace in Asia and the world,
Charges and countercharges of land grabbing, deception, and deceit by both the North and South Vietnamese. Having little or no success, it merely served as a conduit for frustration and diplomatic infighting. The U.S., North Vietnam, South Vietnam, and Viet Cong representatives of the Four-Power group resolved little, leaving as a legacy to the Two-Power Joint Military Commission (South Vietnam and Viet Cong) and the International Commission of Control and Supervision unresolved problems, misguided efforts, and mutual distrust.3

The ICCS, virtually powerless, found enforcement of the Paris Peace Accords impossible. The North Vietnamese indifference and flagrant disregard of the peace terms so frustrated Canada that it gave proper notice and quit the commission on 31 July 1973. Announcement of the decision to withdraw came on the heels of the 15 July Viet Cong release of two Canadian observers whom the Communists had illegally seized and held captive since the 28th of June. After a personal request from President Richard M. Nixon to Shah Mohammed Reza Pahlavi, Iran agreed to replace Canada on the ICCS and on 29 August its first observers arrived in South Vietnam. The new member soon learned what Canada and the other members of the ICCS already knew: some of the signatories to the Paris Peace Agreement had chosen to ignore their own words. Just prior to its departure from Southeast Asia, Canada charged that North Vietnam regularly had been violating Article 7 "... by moving thousands of troops into South Vietnam and that the infiltration was continuing on a 'massive' scale."4 The terms of that pan of the protocol allowed only a one-for-onc replacement of worn-out or damaged armaments, munitions, and war materials, and precluded anyone from introducing troops, military advisors, or military personnel including technical assistants into South Vietnam.5
The Communists argued that the United States did not adhere to the spirit of the Accords. General Tran Van Tra, the Viet Cong representative to the Four-Power Commission, maintained that the United States and South Vietnam attempted to use the agreement, "in accordance with their existing plans, ... to pacify, encroach, and build a strong army in order to change the balance of forces in their favor and gain
Between 27 January and 27 March 1973 the last American military forces left South Vietnam. U.S. Army soldiers and U.S. Air Force airmen board a plane bound for the United States while representatives of the four-power Joint Military Commission observe.Complete control of South Vietnam."* He further alleged that the United States violated three articles of the Peace Accords: Article 8 of the Protocol by leaving behind in Vietnam all "their weapons, ammunition, and military equipment"; Article 3 by withdrawing troops prior to a withdrawal plan approved by the Four-Power JMC and supervised by the ICCS; and Article 6 by failing to submit a plan for U.S. base dismantlement and in fact dismantling no bases when it had agreed to dismantle all of them.7 Tran Van Tra accused the Americans of a deception "brazen beyond words" because they had told him, " '. . . we have no bases in South Vietnam. All of them were turned over to the Republic of Vietnam prior to the signing of the agreement. [We] are now stationed in camps temporarily borrowed from the Republic of Vietnam.' "8

Even more critical than the issue of total removal of U.S. forces and their allies from South Vietnam was the question of what to do with North Vietnamese troops still occupying RVN territory. It represented disagreement between the United States and its ally. In attempting to conclude a peace acceptable to all parties, President Richard M. Nixon authorized Henry Kissinger, head of the U.S. delegation in Paris, to agree to North Vietnam's demands. This decision did not meet with President Nguyen Van Thieu's approval. During the ongoing negotiations in Paris, the leader of South Vietnam repeatedly had voiced his opposition to any agreement which would allow North Vietnam to leave its troops in the Republic of Vietnam. To President Thieu this military arrangement represented an important strategic advantage for the Communists and a decided disadvantage for the government of South Vietnam (GVN), and it only served to intensify his displeasure with the Accords. Neither the events in Paris nor Kissinger's overtures had changed his position. Thieu contended that American estimates placing North Vietnamese military strength in the South at 140,000 were "imaginary and misleading" and suggested that the actual figure was not less than 300,000. Yet in the end when confronted with the possibility of a unilateral signing by the United States and Nixon's repeated pledges that the U.S. would " '. . . take massive action against North Viet-Nam in the event they break the agreement,' " President Thieu reluctantly agreed to comply with the terms of the Paris Peace Accords. It would not be his last tough decision nor would he have to wait long for his concerns to become reality.9
Despite serving as voting members of the Joint Military Commission responsible for maintenance of the peace, the North Vietnamese and Viet Cong openly violated the ceasefire agreement. Using force wherever necessary to accomplish political ends, Communist military activities focused on strategically important areas. One such area and the site of numerous ceasefire violations was the Mekong River which played a central role in the resupply of Cambodia and U.S. support of that government.** On 29 June 1973, Congress altered that role when ic voted on the Case-Church Amendment, a measure to end military assistance to Cambodia. Unlike its predecessor, the Cooper-Church Amendment which had attempted to ban combat activity in Cambodia in 1970, this rider to a continuing funding resolution passed. It prohibited the United States, after 15 August 1973, from engaging in any combat activity in Indochina, especially air operations.*** Without U.S. combat air support to protect the overland lines of communication, *Some of Tran Van Tra's statements are based on highly questionable sources as evidenced by his use of a quote from a report issued on 6 April 73 by the Committee to Denounce War Crimes in Vietnam, a U.S. antiwar group. He writes: "In the 2-month period between 28 January and 2S March 1973. the Saigon administration violated the Paris Agreement more than 70.000 times, including 19,770 land grabbing operations, 23 artillery shellings, 3,375 bombings and sirafings of liberated areas, and 21,075 police operations in areas under their control." B2 Theatre, pp. 18-19.
**ln 1970, a coup replaced Prince Nocodom Sihanouk, an avowed neutralist, with Lon Nui, who openly professed his alliance with the United States, which then immediately recognized the new Cambodian government and began aiding it in its struggle with Communist insurgents. For more information on Cambodia, see Chapter 7.
***In response to the American incursion into Cambodia in 1970, Senator Frank F. Church, a Democrat from Idaho, and Senator John Sherman Cooper, a Republican from Kentucky, cosponsored an amendment to the Foreign Military Sales Act which would have prohibited the use of American troops and advisors in Cambodia and outlawed direct air support of Cambodian forces. It passed the Senate but failed in the House and when finally passed on 29 December 1970 as parr ofihe Defense Appropriations Bill, it only barred the introduction of U.S. ground rroops in Laos and Thailand. Two years later. Senator Church and Senator Clifford P. Case, a Republican from New Jersey, combined forces to sponsor a bipartisan measure bearing their names. Its passage in June 1973 reflected the growing disenchantment of Congress with even minimal American involvement in Asian combat. In December 1973, Congress passed yet another ban on combat activity in Southeast Asia- This one, a part of the foreign aid bill, forbade rhe use of any funds for military operations in or over Vietnam, Laos, or Cambodia. Col Harry G. Summers, Jr.. Vietnam Almanac (New York: Facts On File Publications, 1985), pp. 132-133; "Senate OKs Another War Curb," Facts On File (1973), p. 498; and "Foreign. Aid Authorized." Facts On File (1973), p. 1078.
Mekong River supply link became even more important, representing Cambodia's best chance for survival. North Vietnam, recognizing the strategic value of this border area, already had begun offensive operations to harass the civilian population and disrupt daily activities. The U.S. Navy in its segment of an April 1973 Defense Attache Office report described the effects of the Communists' ceasefire violations in this region of South Vietnam:

In [he area of [he Tan Chau Naval Base there are now no civilians. Because of the daily artillery attacks of the North Vietnamese communists the civilian populace has relocated to Chau Doc and Long Xuyen. Since the beginning of the recent attacks (approx. l month) over one hundred civilians have been killed and hundreds wounded. ICCS inspection teams have visited the sites of the atrocities, but for fear of being rocketed themselves disappear after a short visit.10
In the face of diplomatic agreements to the contrary, including a second ceasefire signed by the United States and North Vietnam on 13 June 1973, the war between North and South Vietnam continued. The North Vietnamese shifted the emphasis from battlefield engagements to logistics. Pan of North Vietnam's plan was to deprive the South Vietnamese and Cambodian forces of their supplies while at the same time reinforcing its positions and, when able, stockpiling supplies for future actions.
Military and political control of the countryside in western South Vietnam and eastern Cambodia made it possible for North Vietnam to modify its warfight-ing methods while still continuing to develop its long-range strategy. In prophetic testament to the changing tides of war and the shift in North Vietnam's peacetime battlefield tactics the authors of the U.S. Navy's portion of the April 1973 DAO Report wrote:
"The decision of the enemy to control the "Blue Water" Mekong River as well as establish Hong Ngu as an entry point to Vietnam makes for a determined enemy."11
There was no "peace" in sight as conditions in South Vietnam seemed to indicate that no one really wanted the Parts Accords to work. Despite the uncertain combat conditions and the numerous ceasefire violations, the Marine Corps adhered to the terms of the Accords. It terminated the Vietnamese Marine Corps Advisors Program, thereby reducing its presence to a handful of officers in the reorganized Defense Attache Office, Saigon, and a Marine Security Guard company. A Commander Naval Force Vietnam message, 13 March 1973, said in pan: "The Marine Advisory Unit, NAVADVGRP, MACV will be disestablished effective 29 Mar 73 .... With the disestablishment of the Marine Advisory Unit, follow-on technical and material support to the Vietnamese Marine Corps will be coordinated by the VNMC Logistics Support Branch, Navy Division, Defense Attache Office, Saigon."12
The U.S. Department of Defense (DOD) appointed Major General John E. Murray, USA, an expert logistician, to head the DAO and serve in the capacity of defense attache. An Army officer who had begun his career as a private in July 1941, Major General Murray quickly discovered that defense attache duty in Saigon in 1973 would differ significantly from the norm. As the senior American military officer in South Vietnam, he would work with the Ambassador, but report to the Secretary of Defense. The Ambassador only had direct authority over the defense attache in the area of public affairs and media matters. A briefing on his mission responsibilities provided him with his clearest indication of the drastic changes underway in Vietnam: "One of the things I was told my assignment entailed was not to lose any more American lives. And number two, I was told to get the hell out of there in one year."13 America was leaving South Vietnam and Major General Murray had been chosen to complete Vietnamization with a staff of 50 military men. Of the 50 assigned to the DAO, only four were Marines. In fact, within two months of DAO's founding, the entire American military complement in South Vietnam totalled less than 250 men, a far cry from the peak total of 543,400 in April 1969.14
With such a minimal presence in Vietnam, the United States had difficulty influencing events. This situation most affected the enforcement of Article 8. More than any other part of the Paris Accords, Article 8 (MIA Accountability) depended on good faith and cooperation.15 Mutual trust and confidence, already in short supply, became even scarcer when discussion focused on the accountability of personnel missing in action. An international point of humanitarian concern, MIA accountability, quickly became the most serious Peace Accords issue. The Communists not only failed to cooperate in resolving the status of Americans and others missing in action, but also actively obstructed United States and South Vietnamese efforts to do so. On 15 December 1973, in a rice paddy 15 miles southwest of Saigon, the Communists ambushed an American-South Vietnamese team searching (as permitted by the agreements) for the bodies of missing Americans* Fatalities included one U.S. Army officer, Captain Richard Morgan Rees, of Kent, Ohio, and one South Vietnamese pilot.16 In addition to the several injured South Vietnamese, the ambush wounded four American servicemen including Army First Lieutenant Ben C. Elfrink. The seemingly mild, official U.S. reaction to this unwarranted killing of one of its military officers (unarmed) on aJMC-sanctioncd, MIA recovery mission reflected the American public's growing detachment from Southeast Asian affairs. Americans had begun to view Indochinese events as South Vietnam's problems. Besides registering a protest with the ICCS and North Vietnam, the United States did little else. A few days later, a Des Moines Tribune editorial, entitled "Murder in Vietnam," captured the relationship between the "non-action" and the subtle changes underway in America: ". . . giving up searching for American servicemen would be sad but not as sad as running the risk of more incidents which might give some U.S. military men a reason to take 'necessary measures.' Surely the military establishment, the administration, and Congress have learned not to walk into that mess again."17

In Vietnam, the DAO had already begun its analysis of the ambush in an attempt to discern the Communists' purpose and intent. In a "back channel" message to the Pentagon, Major General Murray offered his conclusions: "The enemy's hostility toward JCRC operations has been clearly demonstrated in the ambush .... All search operations arc subject to enemy intervention ... we see no definite change in the enemy's attitude. . . ." The only change that did occur was for the worse. In June 1974, the North Vietnamese and the Provisional Revolutionary Government (PRG) broke off all negotiations on MIAs by refusing to meet with the United States and South Vietnamese representatives.18
The PRG, having already (May 1974) stopped negotiating with the South Vietnamese on matters mandated by the Paris Accords, merely concluded the masquerade by supporting the North Vietnamese on the MIA issue and jointly they ended all negotiations. Ceasefire meant "less fire," but little else without consultation, cooperation, and some form of negotiations.
Photo courtesy of Lt. Col George E. Strickland, USMC (Ret) Lt. Col George E. "Jody" Strickland, chief of the DAO VNMC Logistics Support Branch which helped supply the Vietnamese Marine Corps, poses in MR l with the commander of 4th Battalion, 147 Brigade, VNMC, Lt. Col Tran Ngoc Toan, shown here as a major.
The NVA Marshals in the South Immediately after the signing of the Accords, at the beginning of the ceasefire, there was a noticeable decline in the level of combat activity throughout South Vietnam.** This was cause for considerable optimism in Washington and elsewhere. Yet, the abatement in violence was merely a sign that the NVA had subscribed to new methods. Even though the Communists' tactics had changed, their strategy had not.

*Licuicnant Colonel Edward A. "Tony" Grimm, Plans Officer, USSAG, Thailand, from April 1974 until April 1975, remembered that "The lasting impact of the enemy ambush . . . was that Ambassador Graham Martin ordered a halt to any future JCRC operations in RVN. From then on the JCRC had to rely on ... broadcasts and leaflets encouraging Vietnamese villagers to free their hamlets from the spirits of dead Americans." Lt. Col Edward A. Grimm, Comments on draft ms, 28Nov88 (Comment File, MCHC).
"U.S. Congressional records reveal that ARVN soldiers killed dropped from 28,000 in 1972 to 13,500 in 1973. On the last day of December 1974, when the statisticians compiled the totals for the year, a new trend became readily apparent, war had again supplanted peace. ARVN troops killed in action in 1974 were 30,000. Senate Report Vietnam, p. l, and House Report Vietnam, p. 45.




North Vietnamese Army soldiers build the Truong Son highway in western South Vietnam. Vietnamese Marines reported the activity in 1973, but RVN troops couldn't stop it.
North Vietnam's objective was still the conquest of South Vietnam, and the planned lull in fighting allowed it to refit and reinforce its units, reconstruct its lines of communication, and replenish its supplies in the south. During the early stages of this marshalling period, the NVA continued to maintain a military presence in South Vietnam and to apply pressure to the Army of the Republic of Vietnam through localized small unit actions. While the North Vietnamese participated in these disruptive activities, the American public remained largely uninformed; Vietnam was no longer front-page news.
By May of 1974, U.S. analysts agreed that Hanoi planned to continue its buildup in the south, and, in a matter of a few months, would have enough troops to conduct a major offensive. At year's end, the strength increase of the North Vietnamese forces in South Vietnam was so dramatic that some experts predicted an imminent attack.19
Although aware of the North Vietnamese Army's preparations and its size, American analysts still believed that if any large-scale attack occurred, it would fail. By basing their forecast on the command and control inflexibility displayed by the North Vietnamese in both the 1968 Tet Offensive and the 1972 Easter Offensive and the expectation of effective air support, the analysts erred. Lieutenant Colonel George E. "Jody" Strickland, who served in Saigon at the DAO as the Chief, Vietnamese Marine Corps Logistic Support Branch, Navy Division (Chief, VNMC LSB), from June 1973 until June 1974, offered his candid recollection of this evaluation: "The dichotomous assessment of an imminent NVA attack on one hand and the forecast of its failure on the other had obvious detrimental influences." Lieutenant Colonel Strickland related that despite the prediction of failure most Americans and South Vietnamese still vigorously prepared for the anticipated enemy offensive, including the Vietnamese Marine Corps (VNMC) which reacted by ". . . building up supplies, hardening defenses, and expanding reconnaissance and offensive operations in MR l."20 Yet others refused even to consider the possible consequences of an NVA success. The American Embassy,
Page 10
(The Bitter End)



a bastion of optimism throughout this period, reacted to the forecast by agreeing to a reduction in the size of its security force and by refusing to acknowlege the need for contingency evacuation plans. The conflicting opinions on the extent of the North Vietnamese Army's progress and its offensive capability persisted until the bitter end. Fourteen years later, Strickland proffered his opinion of the consequences of this argument, stating: "Conflicting GVN [Government of Vietnam] decisions at the start of the 1975 NVA offensive were rooted in the disastrous prediction of NVA failure."21
The failure never occurred because of exhaustive efforts by the North Vietnamese to remedy longstanding deficiencies in command and control. Developing new lines of communication became their "peacetime" mission and evidence of significant new construction reflected the priority attached to it. Beginning, not by coincidence, with the ceasefire and immediate freedom from U.S. air interdiction, the Communists built or improved a road network that ran from North Vietnam through the western reaches of the three northernmost regions in South Vietnam. East-west spurs from the main highway ran into the A Shau and Que Son valleys in the northern part of South Vietnam and into the Central Highlands. Aerial photographs in December 1974 revealed the extent of these improvements* In western Thua Thien Province, a mere trail two years prior had become a hard-surface, all-weather road. formerly a trek to South Vietnam on foot consumed 70 days, but now North Vietnamese Army trucks could carry a battalion from North Vietnam to Military Region 3 in less than three weeks. With NVA troops riding instead of walking a majority of the distance, the number of casualties from fatigue, malaria, and other diseases significantly decreased.22
Yet without a sufficient supply of petroleum products, the Communists' road network meant little. North Vietnam could not sustain a major offensive in South Vietnam without a guaranteed source of fuel. To satisfy this need and properly complement their improved LOCs, the NVA constructed an oil pipeline from North Vietnam extending almost to Phuoc Long Province in South Vietnam. The length of pipeline in South Vietnam totalled 280 miles, of which about 270 were constructed after, and in violation of, the ceasefire.23 General Van Tien Dung boasted of this accomplishment: "Alongside the strategic road to the east of Tuong Song range was a 5,000-kilometer-long oil pipeline which ran from Quang Tri through the Tay Nguyen and on to Loc Ninh. . . ."24
With the opening of the pipeline, the NVA no longer had to rely for petroleum, oil and lubricant (POL) on barrels laboriously man-handled into position and cached in the countryside. In addition to the supplies of petroleum which it was able to store in South Vietnam, the NVA by January of 1975 had stockpiled an estimated 65,000 tons of ammunition. One estimate projected that this amount of ammunition could support an operation of the intensity of the 1972 Easter Offensive for at least one year. The Communists now possessed sufficient fuel to put these "bullets" to good use. 25
By enhancing the means of transport which allowed an increase in the frequency of replenishment, the North Vietnamese Army almost doubled the number of artillery pieces and quadrupled the number of tanks it had in South Vietnam. Between January 1973 and January 1975, the enemy increased the number of artillery weapons in the South from 225 to an estimated 400. In armored firepower, the NVA expanded its force from an estimated 150 to approximately 600 100mm gun tanks including Soviet-built T-54s and Chinese Type 59s. Ominously indicating their intentions, the North Vietnamese also augmented their combat power by increasing the number of antiaircraft artillery (AAA) regiments in South Vietnam from 13 to 23. This threat included four battalions of the SA-2 surface-to-air missile, which they deployed in the northern part of South Vietnam, Just below the demilitarized zone, from Khe Sanh to Dong Ha. In addition to the SA-2s, the NVA emplaced radar-directed 85mm and 100mm AAA guns in Military Region l. The North Vietnamese also reintroduced sizeable quantities of the SA-7 (Grail), a man-transportable, shoulder-fired, heat-seeking missile which complemented its improved antiaircraft capability.26 Because of the higher altitude potential of this antiaircraft system, it became increasingly more hazardous and difficult for the South Vietnamese to fly dose air support missions, particularly in the northern provinces. Lieutenant Colonel Strickland recalled that during his tour (June 1973-74), "VNAF [South Vietnamese Air Force] close air support for the Vietnamese Marine Corps was virtually zero."27 With *Lieutenant Colonel Strickland stated that the road's discovery was reported by VNMC LSB personnel a5 early as August 1973 at which time airborne hand-held photos were provided to the DAO, VNMC, and HQMC. Strickland Comments.
Lt. Col Anthony Lukeman, pictured later as a lieutenant general, replaced 'Lt. Col Strickland 1974 as chief of the VNMC LSB. In that year he was concerned over severe cuts in funds for the Vietnamese Marines.
almost no interdiction from the air, the NVA wasted little time in exploiting this window of opportunity. The North Vietnamese Army's combat troops in South Vietnam, judged at the end of 1973 to be in excess of 149,000, grew in the next 12 months to over 185,000. Additionally 107,000 support personnel stationed in South Vietnam assisted the frontline troops by keeping the lines of communication open. Besides these regular soldiers, unofficial reports in January of 1975 placed 45,000 guerrillas in the Republic of South Vietnam.28
At first cautious, especially in the months immediately following the ceasefire, the North Vietnamese soon pursued their activities with impunity as the South Vietnamese showed themselves ineffectual in stopping the build-up. By its own admission, the North Vietnamese Politburo, which directed the military activities in South Vietnam, kept a weather-eye cocked toward the United States to gauge the reaction to each of its moves. They needed no reminder that a powerful U.S. Seventh Fleet in the South China Sea and an equally powerful U.S. Seventh Air Force based in Thailand were disconcertingly close. Yet what they did not see and hear, especially in the South Vietnamese skies, reassured them and encouraged much bolder actions in the days ahead.29

During Fiscal Years (FY) 1974 and 1975, the U.S. Congress slashed budget line items providing military aid to South Vietnam. Although not cut entirely, the funding equaled only 50 percent of the administration's recommended level. During FY 1973 the United States spent approximately $2.2 billion in military aid to South Vietnam. In FY 1974, the total dropped to $1.1 billion. Finally, in FY 1975, the figure fell to $700 million, a trend that was not misread in Hanoi. As General Dung very candidly phrased it, "Thieu [President Nguyen Van Thieu of South Vietnam] was forced to fight a poor man's war."30 Perhaps more distressing, as far as the recipients of the military aid were concerned, was the fact that by 1975 the dollars spent for certain items were buying only half as many goods as they had in 1973. For example, POL costs were up by 100 percent, the cost of one round of 105mm ammunition had increased from 18 to 35 dollars, and the cost of providing 13.5 million individual rations exceeded 22 million dollars. Considering the steady reduction in funding and the almost universal increase in prices, the South Vietnamese in 1975 could buy only about an eighth as much defense for the dollar as they had in 197 3.31
In June 1974, just before the start of FY 1975, Lieutenant Colonel Anthony Lukeman replaced Lieutenant Colonel Strickland as Chief, VNMC LSB. Almost immediately he began to notice the effects of the reduced funding, less than a third the size of the 1973 budget. In September, in a letter to HQMC, he penned his concerns:
Briefly, the current level means grounding a significant part of the VNAF [South Vietnamese Air Force], cutting back on the capabilities of the VNN [South Vietnamese Navy], and running unacceptable risks in the stock levels of ammunition, POL, and medical supplies. I am concerned it will mean, in the long run, decreased morale, because replacement of uniforms and individual equipment will start to suffer about a year from now. and the dollars spent on meat supplements to (he basic rice diet will be cut way back. At this point, the planners have concentrated (understandably) most of their attention on "shoot, move, and communicate" but have lost in the buzz words a feel for the man who will be doing those dungs.32
The South Vietnamese attempted to adjust to the decreased funding and rising costs, but each of these adjustments had the effect of placing them in a more disadvantageous position relative to the strengthened North Vietnamese forces. The tempo of operations of all services, most particularly the Air Force, was cut back to conserve fuel. The expenditure rate of munitions also dropped. Interdiction fire was all but halted. The decreased financial support forced the South Vietnamese to consider cutting costs in all areas of defense including the abandonment of outposts and fire bases in outlying regions.
The overall impact of the budget reduction on the allocation of military monies was readily apparent. In FY 1975 at the $700 million level all of the funded appropriations were spent on consumables. There was nothing left over for procurement of equipment to replace combat and operational losses on the one-for-one basis permitted by the Paris Accords. Handcuffed by a lack of funds, the South Vietnamese could derive little comfort from an agreement which authorized both sides to re-supply selectively as losses occurred.33
In an effort to increase South Vietnam's purchasing power while complying with restrictions imposed by the Accords, the U.S. reduced the number of civilian contract maintenance personnel in South Vietnam. These U.S. civilians provided highly technical assistance to the South Vietnamese in the areas of management, maintenance, and supply. The reduction in the availability of their critical skills had an immediate and debilitating effect on the overall readiness of the Vietnamese Armed Forces. Technical expertise and training, an important element in successful combat service support, became a critical factor in the highly complicated task of maintaining reliable aircraft. The Vietnamese tried to shoulder more of the burden in this area, but as expected, they suffered severely from lack of experience. It required several years to develop the skills necessary to manage a field as complex as aviation maintenance, and that time did not exist.34
In an oversight hearing to develop the FY 1975 budget, the Subcommittee of the Committee on Appropriations of the House of Representatives discussed the merits of Fiscal Year 1975 military assistance to Vietnam. A comparison of raw statistics relating to ar-
The UH-1 helicopter, shown here, could carry a flight crew and 12 soldiers. The South Vietnamese operated'861 UH-1s; helicopters totaled more than 40 percent o j RVN aircraft.
An EA-6B Prowler cruises near ships of the Seventh Fleet providing electronic countermeasures support to the Navy-Marine Corps team. These aircraft of VMCJ-1 would fly from the USS Coral Sea around the clock in support of Operation Frequent Wind.
illery reveals how misleading the numbers game really was. In total numbers of artillery pieces, the South Vietnamese were down from 1,600 at the time of the ceasefire to 1,200 in January of 1975. On paper this still presented a distinct advantage for the South Vietnamese when compared to the estimated 400 tubes the North Vietnamese operated in South Vietnam. If the comparison ended there, the South Vietnamese enjoyed an imposing three-to-one edge over the NVA. Yet the characteristics of the weapons presented a vastly different picture. The North Vietnamese were equipped with 85, 100, 122, and 130mm guns, all of which could fire faster with a longer range than their South Vietnamese counterparts. The ARVN, meanwhile, possessed primarily 105mm and 155mm howitzers. They augmented this array of weapons with 80 175mm guns, the only ones with enough range to fire counter battery, while all of the enemy's artillery possessed this capability. Compounding this problem was the fact that the ARVN by this time was fighting a basically static war from fixed positions, budget reductions having limited their ability to conduct prudent clearing and counter-offensive operations. In contrast the NVA enjoyed relatively unrestricted freedom of movement. With the ability to mass its weapons at the time and place of its choosing, the NVA gained a significant edge. To neutralize the NVA advantage, the ARVN used air support, which often during times of critical need was not available, and when on station, usually ineffective.35
The question surrounding the reliability of air support arose from the combined effects of funding cutbacks and enhanced North Vietnamese AAA capability. This combination had a detrimental impact on the readiness and effectiveness of the South Vietnamese Air Force (VNAF). The VNAF numbered some 62,000 men and was subdivided into six air divisions with bases at Da Nang, Pleiku, Bien Hoa, Tan Son Nhut, Binh Thuy, and Can Tho. At the time of the ceasefire, South Vietnam operated 2,075 aircraft with Article 7 of the Accords allowing a one-for-onc replacement of lost aircraft. More importantly, the VNAF composition reflected a serious degradation in firepower and the ability to suppress the enemy's air defense system. The South Vietnamese strike force consisted of 388 attack aircraft (79 A-ls, 248 A-3 7s, 11 AC-47s, and 50 AC-119s) and 143 F-5A/B fighters. In 1972 it added two squadrons (32 aircraft) ofC-130As to its arsenal, significantly modernizing its transport fleet of 56 C-7s, 14 C-47s, 16 C-119s, and 19 C-123s. Still, the bulk of the VNAF, over 44 per cent, consisted of helicopters: 861 UH-1s and 70 CH-47s. Thus this seemingly impressive figure of 2,075 aircraft quickly translated into only 391 jet-propelled fighter and attack aircraft and no electronic warfare planes capable of neutralizing the enemy's highly effective, mobile air defense system.3(r)
The North Vietnamese had used extensive numbers of radars to build a very deadly air defense network centered around three closely integrated weapon systems. As General William W. Momyer, a former commander of the Seventh Air Force, later wrote: "The air defense in North Vietnam was a thoroughly integrated combination of radars, AAA, SAMS, and MIGs. It was Soviet in design and operation."37 This combination of high speed aircraft (MIGs), antiaircraft artillery, surface-to-air missiles (SAMs) like the SA-2, and numerous radar sites posed a serious threat to allied air superiority. To insure the primacy of allied air power, this enemy challenge had to be met with increasingly more sophisticated American weapons systems and air procedures- Before the ceasefire, these methods included jamming enemy radars using electronic counter-measure (ECM) aircraft such as the Air Force EB-66 and the Marine Corps EA-6A, high speed avoidance maneuvering (possible with low-flying, very maneuverable, tactical fighters-F-4s, A-4s, and A-7s), sophisticated detection devices installed on specific aircraft (code-named Wild Weasel) to detect, harass, and destroy SAM sites, and introduction of anti-radiation missiles, precision-guided munitions (PGMs, such as laser-guided "smart bombs"), and chaff bombs (full of metallic strips used to confuse NVA radars attempting target identification).38
Although most of the Communist air defense system remained in place in North Vietnam, some of it appeared near the demilitarized zone (DMZ) in 1972. When North Vietnam launched the Easter Offensive in April 1972 it deployed SA-2s, radars, and a handheld weapon, the SA-7, in support of its army. The presence of this modernized, mobile, ground air defense system in South Vietnam had immediate consequences for the United States and significant long-term effects for the VNAF: "No longer was it feasible to operate below 10,000 feet without using countermeasures."38 The presence of the SA-7 with its heat-seeking missile meant that "low and slow" aerial delivery of munitions was unsafe and, as such, outdated. The alternative was to fly higher where the results were much less predictable. The SA-7, in effect, had removed a third of South Vietnam's attack aircraft from the battlefield as the Soviet-built weapon virtually "put some aircraft such as the A-l out of business."40
In 1972, the United States countered this NVA move with new ECM and anti-SAM tactics including more sophisticated chaff delivery, flares to confuse the SA-7, and introduction of a new Jamming aircraft, the Marine Corps' EA-6B Prowler. As successful and necessary as these measures proved to be, the United States, bound by the terms of the 1973 Paris Accords, had no choice but to remove its aircraft and highly technical weapon systems from South Vietnam. Overnight, the VNAF arsenal lost its means of suppressing the enemy's ground air defenses. The United States had bequeathed the South Vietnamese Armed Forces an air-ground team absent its most essential element, air supremacy. General Momyer succinctly summarized, "The contest for air superiority is the most important contest of all, for no other operation can be sustained if this battle is lost. To win it, [one] must have the best equipment, the best tactics, the freedom to use them. and the best pilots."41 The South Vietnamese Air Force had none of these. Possibly worse, it had no all-weather attack aircraft like the A-6A Intruder, no navigational bombing punch in the form of F-4 Phantoms equipped with special electronic equipment (Lo-ran), and no B-52s. Instead, out of necessity, the VNAF relied on the belief that, when needed, U.S. air power, technological aid, and money would be forthcoming. This belief would persist until the bitter end. Former Commandant of the Vietnamese Marine Corps and a member of the Joint General Staff JGS), Lieutenant General Le Nguyen Khang, expressed the psychological and emotional importance of that faith: "We needed only one American plane to come in and drop one bomb to let the North Vietnamese know we were still getting strong U.S. support. We felt at that time (1975) if we could get one plane or a little bit of air support the war might change."42

Compounding their strategic problems were tactical and logistical problems. By l January 1975, the South Vietnamese had suffered the loss of 370 aircraft as a result of operational training and combat. None of these aircraft was ever replaced. The South Vietnamese simply could not afford replacement aircraft. Additionally, 224 aircraft were placed in flyable storage because the spare parts and petroleum products needed to keep them flying could not be funded within the constraints of the new $700 million U.S. budget package. The 1,481 operational aircraft in the South Vietnamese inventory on l January 1975 reflected a two-year attrition of nearly 25 percent. The debilitating effect of un-replaced aircraft losses and an imposing NVA antiaircraft threat had combined to produce a South Vietnamese Air Force simply incapable of neutralizing the North Vietnamese firepower advantage.43
With South Vietnam's air force nearly impotent, the navy represented a potential alternative. The U.S. Navy had provided gunfire support for ground operations prior to the ceasefire and many South Vietnamese military leaders expected the same level of firepower from the Vietnamese Navy (VNN). The concept of a navy to serve the coastal nation of Vietnam began with the French, but "During the years from 1954 to 1959, the Navy section of the Military Assistance Advisory Group, Vietnam worked to develop a viable navy for South Vietnam."44 Its efforts produced a Vietnamese Navy which within 15 years was capable of manning 672 amphibious ships and craft, 20 mine warfare vessels, 56 service craft, and over 240 junks. Composed of 42,000 men, the VNN in April 1975 consisted of a naval staff with Vice Admiral Chung Tan Cang as its chief of naval operations, a sea force headed by Captain Nyugen Xuan Son, and amphibious forces commanded by Commodore Hoang Co Minh. This navy operated on rivers, along the coast, and at sea using everything from destroyer escorts to patrol craft- Sixteen coastal radars, also manned by the Vietnamese Navy, assisted them in monitoring NVA coastal activity and supporting approximately 400 sea force vessels responsible for stopping resupply by sea. Within months of the U.S. Navy's departure, the coastal radars failed for want of parts and proper maintenance. Lacking the technical expertise to keep its radars operating, the VNN lost its best means of locating and interdicting North Vietnamese infiltrators. The Vietnamese Navy's other mission, supporting ground operations, fared little better.
The Vietnamese Marine Corps (VNMC), which for political reasons had been made a separate service in 1965, complained often about the VNN's inability to provide naval gunfire support. Accustomed to the U.S. Navy's version of firepower, this supporting arm suffered severely under the much smaller Vietnamese Navy. The VNN failed to provide the Vietnamese Marines with much needed, integrated, and coordinated naval bombardment. Captain Nguyen Xuan Son related that the VNMC often complained that it was not receiving enough gunfire support. It had been conditioned by the U.S. Navy, which upon request, would provide up to 1,000 rounds a day. Having experienced that type of firepower, the VNN maximum of 100 to 200 rounds a day fell far short of the Marines' needs and expectations. Captain Son described the navy's dilemma, "we had to explain to the Marines and to the JGS that our ships had only one gun, one 5-inch barrel, or the maximum which was two 3-inch barrels, and if we lined up five ships then we had five barrels and they could not fire all day."45
Although many of the weaknesses of the Vietnamese Armed Forces can be attributed to problems of inflation, cutting of funding, shortages, inferior equipment, broken promises, and North Vietnamese subterfuge, South Vietnam was not entirely blameless. Army Colonel Richard I. McMahon, a member of the Defense Attache staff during this period, later wrote that the South Vietnamese required:
... [a] formidable military force at their side . . . [the] South Vietnamese commanders had little reason to believe they could stand on their own. . . . Although the departure of the American military was the major reason for this lack of confidence it was not the only one. Combat performance of the South Vietnamese Army was not good and its commanders knew it48
Other factors, including corruption and poor senior officer leadership contributed to the eventual collapse of the Saigon government. As enemy pressure intensified. these cracks in the armor began to surface, especially on the battlefield,
In the late fall of 1973, the Communists began to increase direct military pressure on the ARVN forces. In November, the NVA launched a division-size offensive in Quang Due Province, located on the Cambodian border just south ofDarlac Province. The attack in the southernmost province of Military Region 2 resulted in the heaviest fighting since the ceasefire. Between December 1973 and February 1974, the NVA attacked and seized several South Vietnamese outposts in the remote border areas, including Tong Le Chan in western Military Region 3. During the spring and summer of 1974, fighting flared throughout South Vietnam.47
In the early morning hours of 17 May 1974, elements of the Id Regiment, 3d NVA Division launched a heavy attack against Phu Cat Airbase in Binh Dinh Province, Military Region 2. The objective was to neutralize the base in preparation for a general offensive throughout the province. After suffering initial setbacks, the 108th and 26?d Regional Force Battalions counterattacked, driving the NVA forces from the vicinity of the base. The NVA l6th Antiaircraft battalion and the 2d Battalion, 2d Regiment of the 3d NVA Division were rendered ineffective for combat as a result.48
On 10 August 1974, elements of the ARVN 22d Division opened a counter-offensive against the 3d NVA Division guarding the entrance to the An Lao Valley in northern Binh Dinh Province. Combat operations in the valley, a Communist stronghold, represented some of the typical problems the ARVN experienced during this period of fiscal austerity. Due to budgeting considerations, the South Vietnamese Joint General Staff was forced during the operation to restrict the use of artillery and air support. Elsewhere in Military Region 2, the ARVN's 82d Ranger Battalion withstood a month-long siege in Camp Plei Me in southern Pleiku Province. Against the unrelenting pressure of the 48th and 64th NVA Regiments, the Rangers held out from 4 August until relieved by elements of the ARVN 53d Regiment on 2 September 1974.49
Between 27 and 30 September 1974, NVA forces drove ARVN defenders off Mo Tau Mountain. From this vantage point, the North Vietnamese artillery could command Phu Bai Airfield, the major government airstrip north of Hai Van Pass, located in Military Region l. The NVA immediately brought up its guns and cleared the airstrip by fire. The mountain complex was occupied by four NVA battalions, which were finally dislodged by elements of the ARVN 1st Division and 15th Ranger Group on 11 December. 50
During the first week of December, heavy fighting erupted in Military Region 4 when Communist forces launched attacks in both the northern and southern portions of the Mekong Delta. The major threat was the 5th NVA Division whose regiments, refitted in Cambodia, were moving into Kien Tuong Province (Just south of the Parrot's Beak region where a peninsula of Cambodian territory pokes a nose into South Vietnam). To parry the Communist incursion, the 9th ARVN Division engaged the NVA as they first entered the Cambodian border region.5'
While major unit fighting was taking place in Military Regions l and 4, an equally ominous event occurred that December in Military Region 2. The NVA'S 968th Division, which had been operating in southern Laos for several years, moved en masse into the Central Highlands. This marked the first time since the Cease-fire Agreement that an entire NVA division had entered the south as a unit. During this period Military Region 3 had remained relatively quiet. Yet as the year came to an end, NVA units were closing in on Song Be, the capital of Phuoc Long Province. As the sun set on the last day of 1974, its shadows foretold more than just the impending arrival of a new year in the Republic of Vietnam.52
By the end of 1974, the North Vietnamese had wrested the initiative from the thinly spread and over-committed ARVN Divisions. The Joint General Staff had no uncommitted reserve. Its strategic reserve, the Airborne Division and the Marine Division, were already deployed to Military Region l. As early as 1973 when the United States installed an Army general as the head of its newly formed Defense Attache Office, Americans began to recognize the seriousness of the situation. General Murray recalled, "I was shocked to discover that they had no general reserve. All thirteen of their divisions were fully committed. We had left them without a general reserve."53 The need for a reserve and the strategic value it offered as a means to buy time and avert forced withdrawal or even defeat would become readily apparent in 1975. It would not be a good year for the South Vietnamese. Time was running out. A Division o/Marines
Following the Easter Offensive of 1972, the South Vietnamese Marine Division remained in the northernmost part of Military Region l. It faced three North Vietnamese divisions in defensive positions to the north and west. The division's assigned area of operations (AO) encompassed over 1,600 square miles of diverse terrain. Bounded on the north by the Thach Han River, the AO stretched south to the vicinity of Phong Dien. The South China Sea was the eastern boundary while to the west the foothills of the mountainous Hai Lang forest west of Route l marked the extent of the Marines' responsibility. The division headquarters was located in Huong Dien, a village northeast of Hue in the coastal lowlands of Thua Thien Province. Numerous units of the division's supporting organizations, among them the amphibious support battalion and the motor transport company, were based in Hue.54 The Vietnamese Marine Corps' headquarters remained in Saigon at 15 Le Thanh Ton in the old French Commando Compound. This location also contained the Americans' VNMC Logistic Support Branch, DAO. Thus Lieutenant Colonels Strick-land and then Lukeman maintained an office in the same building as the VNMC chief of staff, Colonel Le Dinh Que. Besides a division rear headquarters, the VNMC operated a training center, ranges, and a hospital complex at Song Than (10 miles northeast of Entrance to VNMC Training Center and Song bcr of 1974 when the newly formed 468th Brigade* was added, the division consisted of three Marine Brigades- the l47th, the 258th, and 369th and supporting units. It was reinforced by the 1st ARVN Armored Brigade, the 15th Ranger Group, and eight Regional Force battalions. Brigadier General Bui The Lan, Commandant of the Vietnamese Marine Corps** and a graduate of both the U.S. Marine Corps Amphibious Warfare School and Command and Staff College, personally commanded the Marine Division. Lan also had operational control of the 2d Airborne Brigade. Additionally, the Marines maintained 12 joint Marine and Popular Force platoons living in assigned villages and hamlets within the AO, a variation of the earlier U.S. Marine Corps Combined Action Program in MR l. Concentrated in the hamlets surrounding Huong Dien, these platoons provided additional security for the division command post.56

While deployed in MR l, the Marine Division remained part of the RVNAF General Purpose Strategic Force. Controlled and directed by the Joint General Staff, rather than by Lieutenant General Ngo Quang Troung, the MR l commander, the Marine Division received its orders from Saigon. The JGS believed that when the NVA began their general offensive, the major thrust would come from the north. Apparently, this military assumption was sufficient reason for Saigon to maintain direct control of the strategically placed Marine Division. Despite this awkward command arrangement, General Lan and General Troung established and maintained an amicable working relationship.57
To prepare for the expected offensive. General Lan personally directed the construction of a formidable, in-depth defense throughout the division's AO. For each crew-served weapon there were three alternate fall-back positions. All were bunkercd, stockpiled with 14 days of ammunition, and well-camouflaged. These were the best protected, best concealed positions that Lieutenant Colonel Strickland had seen in his four tours in Vietnam.68
The construction of the observation post and forward command post bunkers was unique. General Lan insisted that these critical command and control facilities be able to withstand a direct hit by a 130mm artillery shell. Several candidate structures were tested by command-detonated, captured 130mm shells placed directly on top of the bunkers. Through this process of trial and error, the VNMC built a bunker
*0riginally, before the shifting of units began, the brigade designation corresponded to the battalions in that organization, e.g. battalions l. 4, and 7 constituted the l47th Brigade. Strickland Comments.
•*0n 4 May 1972, President Thieu appointed the commandant of the VNMC, Lieutenant General Le Nguyen Khang to the Joint General Staff as assistant for operations. The next day, Colonel Lan, the division commander, became acting Commandant (CMC) of the Vietnamese Marine Corps. On l June 1972, exactly eighteen years after receiving his commission as a second lieutenant, Bui The Lan pinned on his stars. At that moment, Brigadier General Lan officially became CMC. but he began his new role while maintaining tactical command of the division. LtCol G. H. Turlcy and Capt M. R. Wells, "Easter Invasion," reprinted in The Marines in Vietnam, 1954-1973, An Anthology and Annotated Bibliography (Washington: MCHC, 1985), p. 190; "VNMC/MAU HistSum."
Saigon, near Bien Hoa off Highway l at Dt An); training facilities and a supply section at Thu Due; and a training base at Vung Tau.* Opened on 8 September 1972 and occupying part of the former 1st U.S. Army Division encampment, Song Than also housed the VNMC's recruit depot and a company ofLVTs, a few of which regularly trained at Vung Tau.55
The Marine Division was one of the best divisions in the South Vietnamese Armed Forces. Until Decem-
*Unlike the USMC, the Vietnamese Marine Corps as a separate service had its own medical battalion. Another unusual arrangement provided for the existence of two chiefs of Staff, To assist him in his duties as division commander and commandant, General Lan had established a second billet at Huong Dien into which he continuously rotated officers Junior to Colonel Que, the chief of staff at division headquarters in Saigon. Smckland Comments In front of the }69th Brigade command bunker inside the Citadel at Quang Tri City are LtCol George E. Strickland and brigade commander, LtCol Luong. Bunkers were stockpiled with 14 days of ammunition.
that satisifed General Lan. The final product was remarkably simple, but effective. The process of construction consisted of digging a hole, erecting within it a pyramid of pierced steel planking, and then compacting four feet of earth over the pyramid. The bunker, designed to accommodate three Marines-one standing and two sitting, plus their two PRC-25 radios - adequately withstood the 130mm detonation test. The unanswered question remained-could troops survive a similar explosion and a direct hit? General Lan solicited volunteers to find out, and three men agreed to enter the bunker and remain there during a second detonation. When the smoke had cleared, the bunker was still there. How had the troops fared? When asked for his comments on the experience, one of the Marines replied, "Very loud." With these fortifications complete, General Lan felt confident that he and his subordinates could exercise effective command and control, even under the most intense attacks.69
Of all the weapons at his disposal. General Lan took particular, almost personal care of his antitank missile launchers that fired the TOW (Tube-launched Optically-tracked Wire-guided) missile. The Vict-
Vietnamese Marine Commandant BGen But The Lan, right, and his chief of staff, Col Le Dinh Que, discuss VNMC matters with LtCol Strickland, chief of the VNMC LSB. namesc Marines were among the first to employ the
TOW in combat. In the Easter Offensive of 1972, they achieved 57 kills of NVA armored vehicles out of a total of 72 missiles fired. Serious about its use. General Lan's Marine Division possessed 12 TOW systems despite an authorization for only nine. General Lan's concept of employment was to attach some of the weapons to his battalions deployed in the enemy's likely avenues of approach. The remainder he kept under his personal control for operational use as a mobile reserve to reinforce the action at its hottest spots.
The VNMC displayed a remarkable ingenuity in developing its total TOW capability, particularly the mobile part. General Lan was not satisfied with the standard M-151 jeep as a prime mover for the TOW system. With the weapon and a two-man crew, there was not enough space remaining in the jeep to carry more than two missiles. Also, General Lan did not like the idea of carrying spares in a trailer towed behind a vehicle. Displaying as much resourcefulness here as they had in developing the bunker, the South Vietnamese Marines solved the problem. Instead of using the standard M151, General Lan mounted the TOW system on the M170 ambulance jeep. This vehicle had a longer bed than the M151, and it could easily accommodate the launcher and its crew. Spare missiles were carried by welding special racks on cither side of the vehicle. General Lan produced a mobile TOW system capable of carrying crew, launcher, and seven missiles all in the same vehicle.
General Lan felt so strongly about the TOW that if he discovered anyone abusing this prized possession, he took immediate remedial and punitive action. Such an incident occurred during one of his daily visits to the forward deployed battalions. General Lan, upon learning that one of his supplymen was using a TOW battery as a source of current for the light in his tent, called for the battalion supply officer and the battalion commander. Nonjudicial punishment proceedings were conducted on the spot. He fined the clerk, the supply officer, and the battalion commander the cost of the battery, $900. Additionally, the battalion commander received one week confinement at hard labor. This incident took place in early 1974, when TOW components were in shore supply.
Photo courtesy of LtCol George E. Stricklanil, USMC (Rcc) Col Le Dinh Que, at left, the VNMC chief of staff, discusses with LtCol Strickland the transfer of a platoon ofIVTP-5s to Military Region l. The vehicles became obsolete as budget cuts and high petroleum prices combined to make their operation too costly,
With their TOWs and their in-depth defense, the Vietnamese Marines did not fear an NVA land attack. One of the two concerns that Lieutenant Colonel Strickland observed as keenly critical to the VNMC centered around the practice of laterally shifting forces (General Lan's other major concern was VNAF close air support). Too clearly, the VNMC had seen the rout of the 3d ARVN Division during the Easter Offensive where the division, in the midst of shifting units, had been caught by the NVA with its guard down. Commonplace throughout the war, the lateral shifting of units between highlands and lowlands addressed not tactics, but morale. The average South Vietnamese truly believed thai the highlands and not the lowlands were infested with malaria-bearing mosquitoes. These inherited beliefs forced commanders to shift units in order to maintain morale.* General Lan knew that the NVA were familiar with this routine. Certain they would try to capitalize on it. General Lan devised a plan to overcome this weakness. All lateral shifts of Marine battalions were conducted under a cloak of secrecy with no advance warning. They were executed no differently than a surprise attack.60
In 1973 the South Vietnamese Marine Corps provided the country another type of surprise, a technological one. Just six months after signing the Peace Accords, the VNMC displayed for the first time its "new" LVTP-5. The big amphibian tractors that rumbled through the streets of Saigon in July 1973 dur-
*Eventually, medical research proved that the malaria did originate in the highlands and not the lowlands as originally thought Marine Corps Historical Collection
Members of the newly formed'468th Brigade undergo training at Song Than base camp. Originally a three-brigade division, at the direction of the Joint General Staff, the VNMC added a fourth brigade in December 1974, meant to be fully operational by April 1975.
ing South Vietnam's Armed Forces Day parade caused quite a stir* Several of the attaches of the foreign embassies in Saigon wanted to know what new weapon the VNMC had acquired for its arsenal. They might not have been as impressed had they known the rest of the story. The LVTP-5 was an outdated piece of equipment. The USMC advisor's turnover file in 1972 stated: "The LVTP-5 is a 20 year old vehicle designed for a maximum 10 year usage. It has a gasoline engine, is a fire hazard and gets 2-4 miles to a gallon. Spare parts are almost non-existent. Many parts arc no longer manufactured." 61 The spare pans shortage was so severe that the amphibian tractors were literally towed to the parade starting point. Apparently, the Joint General Staff was as impressed by the event as the spectators. Shortly after the parade, they ordered the transfer of four LVTP-5s from the VNMC's Amphibian Tractor Company at Song Than to Military Region l. In addition to this deployment, the Vietnamese Marines kept a small detachment ofLVTPs at the training base at Vung Tau.
Operational use of the LVT brought about a closer association between the Taiwanese and South Vietnamese Marine Corps. The Chinese not only operated the LVTP-5, but maintained it as well. More importantly, the Taiwanese Logistic Command designed and tooled a supply system to manufacture spare parts unique to the LVTs. Lieutenant Colonel Strickland, through the U.S. Marine advisors on Taiwan, gained approval from the Commandant of the Chinese Marine Corps to supply spare pans for amphibian tractors to the VNMC on a contract basis. Furthermore, Lieutenant Colonel Strickland csconcd the commanding officer of the VNMC Amphibian Tractor Company to Taiwan, where he learned shoncuts in LVT maintenance. The net result of these initiatives, despite supply shonagcs, was a significant increase in 1974 in the number of amtracs operationally ready for combat.62
The defensive mission and posture of the division did. not prevent General Lan from conducting a very aggressive program of reconnaissance of NVA-occupied territory. Long-range reconnaissance companies regu-
*The procurement of 31 LVTP-5s had been arranged under a project known as Enhance Plus, a program established to strengthen the VNAF and make Vietnamization a success. The delivery of these vehicles to the VNMC on 8 November 1972 resulted in the formation of an amphibian tractor company at Song Than Base Camp. Their arrival predated the Peace Accords and therefore did not violate the prohibition on the introduction of new weapons. VNMC/MAU HistSum. larly were sent north to the Rock Pile and into the western reaches of Quang Tri Province around Khe Sanh. All the Marines selected for these elite reconnaissance companies were handpicked by Colonel Tri, the Assistant Commandant of the VNMC. One of these platoons obtained an excellent hand-held camera shot of the SAM-2 sites around Khe Sanh. These patrols also provided the information which ultimately led the VNMC to conclude that a NVA division headquarters was located in Lang Vci, the old Special Forces outpost near Khe Sanh. Intelligence gathering was a two-way proposition as the NVA occasionally reminded the Vietnamese Marines by sending a reconnaissance flight over their AO. Expecting the Vietnamese Air Force (VNAF) to intercept these violators of South Vietnamese air space, General Lan became increasingly disconcerted when the VNAF failed to even challenge the NVA intruders. It seemed that even when the agonizing process of requesting tactical air support from battalion to brigade to division to Military Region l headquarters in Da Nang provided a timely contact, the Vietnamese Air Force still did not respond* To Generals Truong and Lan, and their troops as well, who had become accustomed to and reliant upon timely tactical air support (formerly provided by the U.S.) this absence was an ominous portent. Lieutenant Colonel Strickland noted that this issue more than any other preyed on General Lan's mind and colored his outlook for peace in Southeast Asia.63
Following the signing of the Cease-fire Agreement, enemy ground activity in the Marine's AO consisted of monthly, sporadic mortar shellmgs, small but sharp firefights, and isolated ground attacks. Both sides spent considerable rime and effort in firing propaganda barrages across the relatively fixed defensive lines. Major artillery or ground attacks were rare, but in early September enemy activity throughout the AO increased significantly. The tempo reached a peak just a few days before the major NVA thrust against Mo Tau Mountain, slightly to the south. On 21 September 1974, the Communists launched a battalion-sized ground attack against the 8th VNMC Battalion. The preceding day, the Marines had observed a 30-truck enemy convoy moving toward a possible assembly area. At approximately 1930, an observation post reported seeing what appeared to be helicopter lights approaching the vicinity of the suspected staging area. Based upon these reports, the Marines redeployed the supporting artillery to positions from which the 8th Battalion could receive more firepower. The enemy opened the engagement by directing approximately 5,500 rounds of mixed artillery and mortar rounds at the VNMC 8th Battalion positions. They followed the preparatory fires with a ground attack. The VNMC stopped the NVA infantry battalion in its tracks; after taking heavy casualties, the enemy withdrew. Many of the North Vietnamese casualties (247 KIA reported) resulted from artillery fire readjusted from ground observation posts. Approximately 300 rounds of 4.2-inch mortar fire from the ARVN armored brigade hit the advancing enemy with resounding accuracy. Effective small arms fire combined with the expenditure of over 50,000 M-60 machine gun rounds helped turn the planned NVA offensive into a VNMC victory64
Following the engagement, enemy activity fell off, except for periodic mortar attacks against various VNMC positions. The remainder of 1974 was marked by light, sporadic NVA activity. Poor mobility caused by seasonal rains further contributed to the low level of activity. In December of 1974 the JGS, in an effort to reconstitute a mobile strategic reserve, directed the VNMC to form a fourth brigade and have it fully operational by the end of April 1975. The l4th, l6th, and 18th VNMC Battalions comprised the newly designated organization, the 468th Marine Brigade. Upon completion of its training, the 468th (formed and initially trained in Military Region l) moved south to the Song Than Base Camp near Saigon. During the months immediately prior and subsequent to this event, the remainder of the Vietnamese Marine Corps enjoyed the relative "calm before the storm."65
On 13 December 1974 in a letter to HQMC, Lieutenant Colonel Lukeman prophetically wrote: ". . . The VNMC is getting a good rest from heavy fighting. They will need it in the spring . . . ."6e
*The VNMC had no Direct Air Support Center (DASC) or the associated tactical air control infrastructure and its accompanying tactical air request and air direction radio networks.